Tác động TPP và ngành dệt may: E dè đón đầu cơ hội

Cho đến thời điểm này, dệt may là nhóm ngành được kỳ vọng thu lợi nhiều nhất nếu Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong tương lai gần. Tuy nhiên, có vẻ nhóm doanh nghiệp dệt may, cả ở trên sàn chứng khoán lẫn doanh nghiệp chưa niêm yết, đáp lại kỳ vọng trên một cách khá dè dặt.

Cho đến thời điểm này, dệt may là nhóm ngành được kỳ vọng thu lợi nhiều nhất nếu Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong tương lai gần. Tuy nhiên, có vẻ nhóm doanh nghiệp dệt may, cả ở trên sàn chứng khoán lẫn doanh nghiệp chưa niêm yết, đáp lại kỳ vọng trên một cách khá dè dặt.

Sóng to thuyền chưa lớn

Dệt may là ngành dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 4 năm gần đây, năm 2012 đạt 17,2 tỷ USD. Hoa Kỳ hiện là thị trường lớn, chiếm hơn một nửa sản phẩm xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, tuy nhiên lượng hàng hóa này chỉ chiếm gần 8% tổng nhu cầu may mặc tại Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng là nước đứng thứ 2 xuất khẩu các sản phẩm dệt may vào Hoa Kỳ (một trong những thành viên của TPP), với thuế suất 17-20%. Mức thuế này sẽ giảm về 0% nếu Việt Nam tham gia TPP và đây chính là lợi thế cực lớn, mang tính bước ngoặt đối với ngành dệt may nước ta.

Để tận dụng tối đa lợi thế từ việc gia nhập TPP, ngoài  những sản phẩm vừa đảm bảo về mặt giá thành, chất lượng, ngành dệt may cần có những sản phẩm có thương hiệu, mẫu mã tốt. Những sản phẩm này không chỉ cạnh tranh với sản phẩm tại các nước TPP mà còn cạnh tranh ngay chính sân nhà khi hàng hóa từ các quốc gia khác cũng sẽ đổ vào Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Thuận,
Trưởng khoa Tài chính-Ngân hàng Đại học Mở TPHCM

Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang trong quá trình đàm phán với các quốc gia thuộc TPP liên quan đến vấn đề xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế xuất khẩu 0%. Hiện có 2 quy tắc được đem ra bàn thảo, đó là “Từ sợi trở đi” và “Cắt và may”.

Quy tắc thứ nhất buộc doanh nghiệp dệt may phải đảm bảo các công đoạn từ kéo sợi, dệt, nhuộm cũng như may, hoàn thiện sản phẩm ngay tại Việt Nam hoặc các quốc gia khác thuộc TPP. Nhưng 80% nguyên liệu dệt may của Việt Nam hiện đang nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc - các quốc gia không phải là thành viên TPP.

Quy tắc “Cắt và may” được xem là linh hoạt nhất vì chỉ quy định các công đoạn cắt và may này tại các nước thành viên TPP nhưng cũng không dễ được chấp nhận. Quy trình sản xuất dệt may có thể tóm tắt như sau: Từ xơ, bông xe thành sợi, dệt thành vải, đem nhuộm rồi cắt may ra thành phẩm. Vì vậy, ngoài 2 quy tắc nói trên còn thêm những quy tắc như “từ vải trở đi” được xem là khá linh hoạt hoặc nghiêm ngặt nhất là “từ xơ trở đi”.

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán, nhưng trên thị trường chứng khoán (TTCK), giới đầu tư có vẻ thích sử dụng quy tắc “từ sợi trở đi” để đánh giá cơ hội của doanh nghiệp trong ngành dệt may. Có thể dễ dàng nhận thấy điểm bất lợi của doanh nghiệp dệt may nếu quy tắc này được áp dụng.

Bởi lẽ nguyên liệu sợi phụ thuộc khá nhiều vào nguồn hàng nhập khẩu và đến từ các quốc gia không thuộc TPP. Đối với doanh nghiệp niêm yết, hiện tại chỉ CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) đủ điều kiện để tận dụng cơ hội TPP với quy tắc “từ sợi trở đi”, vì quy trình sản xuất của công ty đi từ nhập bông, xơ để sản xuất sợi sau đó là dệt và may.

Các doanh nghiệp khác như May Phú Thịnh-Nhà Bè (NPS), May Sài Gòn (GMC), Vải sợi May mặc Miền Bắc (TET)… không có quy trình sản xuất khép kín như vậy. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn có thể mua sợi từ các quốc gia thuộc TPP, nhưng thách thức sẽ nằm ở giá thành cũng như lượng cung hàng hóa.

Chẳng hạn, nếu mua sợi từ các nước thành viên TPP để thuế xuất khẩu giảm từ 20% xuống 0%, trong khi giá sợi lại cao hơn nguồn nguyên liệu cũ 20%. Nhưng từ đây mở ra cơ hội để đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu đi từ xơ, sợi đến vải, theo xu hướng đón sóng TPP.

Cuối năm 2012, các tập đoàn dệt may quốc tế đã đề nghị thành lập liên doanh với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để sản xuất nguyên liệu dệt may trong nước. Như tháng 5-2013, Công ty Dệt may Hàn Quốc KyungBang đã khánh thành nhà máy sợi trị giá 140 triệu USD tại Bình Dương. Texhong Textitle Group, một trong những nhà sản xuất bông hàng đầu thế giới cũng đã đầu tư 300 triệu USD để xây dựng nhà máy sợi tại Quảng Ninh.

Tạo cú hích từ TTCK

Khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP, có thể kéo theo lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp (FDI)đổ vào ngành dệt may. Vậy nguồn vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài) và nguồn vốn từ TTCK thì sao? Vài năm trước người ta đã nghe thông tin Vinatex sẽ cổ phần hóa, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Thông tin gần nhất là “chậm nhất quý I-2014 Vinatex sẽ cổ phần hóa và IPO với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng”.

Vinatex cần chủ động sớm tiến hành cổ phần hóa, IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán. Bởi với mô hình công ty đại chúng, Vinatex sẽ khắc phục được những trì trệ trong hoạt động và phát huy những thế mạnh của mình. Việc cổ phần hóa của Vinatex nếu diễn ra hiệu quả sẽ làm gương cho các đơn vị thành viên làm theo, từ đó tạo ra sức bật cho toàn ngành dệt may trong việc tận dụng những cơ hội, lợi thế trên TTCK để huy động vốn, sự đóng góp của các cổ đông nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.

Luật sư Trần Minh Hải,
Giám Công ty Luật Basico

Vấn đề cổ phần hóa của Vinatex cũng như một số ông lớn khác, thường đưa ra các mốc thời gian nhưng khả năng thực hiện chính xác luôn là dấu hỏi lớn, khiến nhà đầu tư (NĐT) rất bị động trong tiếp cận.

Chỉ chừng nào, Vinatex đưa ra bản cáo bạch, kế hoạch IPO, tổ chức roadshow giới thiệu, lúc đó mọi người mới thật sự chú ý. Cần nhấn mạnh, nếu không có TPP việc cổ phần hóa và IPO của Vinatex cũng vẫn là sự kiện quan trọng trên TTCK, bởi lẽ đây là một doanh nghiệp lớn, đầu ngành.

Hiện tại có gần chục cổ phiếu (CP) dệt may niêm yết, bao gồm GMC, TCM, NPS, TET, TNG… trong đó có những mã đã có mặt trên sàn từ khá lâu như GMC (từ năm 2006) hay TCM (từ năm 2007). Về mặt con số đủ quy tụ thành một nhóm, nhưng trong thực tế NĐT ít khi nào nghe đến các cụm từ kiểu như “nhóm CP dệt may” hay “CP dệt may nổi sóng” hoặc nói tới CP dệt may.

Người ta thường chỉ biết đến GMC hay TCM, các mã còn lại cũng khá mờ nhạt. Hiện nay, trừ TCM được NĐT ưa chuộng, các mã còn lại của ngành dệt may chưa gây được chú ý. Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, TET chỉ có thanh khoản đúng 1 phiên khi khớp ở khối lượng tối thiểu tại HNX là 100 CP.

6 tháng qua, GMC tăng giá gần 50%, từ 18.000 đồng/CP lên hơn 26.000 đồng/CP, nhưng khối lượng giao dịch chỉ từ vài trăm đến vài chục ngàn CP, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu mua vào của một vài NĐT VIP. Sự mờ nhạt của nhóm CP dệt may trên sàn đã tác động đáng kể đến việc Vinatex có thể thu hút sự chú ý của NĐT khi IPO.

Bỏ lỡ thời cơ?

Quý III-2013, GMC lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng công ty lãi sau thuế hơn 46 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012. Với mức giá khoảng 2.6, EPS khoảng 5.800 đồng/CP, hiện P/E của GMC cũng chỉ khoảng 4,5 lần, một tỷ lệ tương đối hấp dẫn. Truy cập vào website của Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ (HTG), trụ sở tại Đà Nẵng, có thể đọc được báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và các thông tin khác.

Các DN dệt may Việt Nam phải tính toán ngay từ bây giờ khi tham gia TPP, với nguyên liệu nhập từ các nước không thuộc TPP sẽ không được hưởng ưu đãi. Ảnh: CAO THĂNG

Các DN dệt may Việt Nam phải tính toán ngay từ bây giờ khi tham gia TPP, với nguyên liệu
nhập từ các nước không thuộc TPP sẽ không được hưởng ưu đãi. Ảnh: CAO THĂNG

HTG hiện do Vinatex nắm cổ phần chi phối hơn 70%, chưa niêm yết, nhưng cách thức công bố thông tin có thể xem là minh bạch, thậm chí hơn một số doanh nghiêp đang niêm yết trên sàn.

Có thể nói, dù không quá nổi trội hoặc chủ động, nhưng doanh nghiệp dệt may được đánh giá khá “lành”, không có nhiều chiêu trò “biến báo” về thông tin hay những chiêu trò đối với cổ đông, kết quả kinh doanh cũng tích cực, ổn định. Việc chưa thể tiếp cận với TTCK, tạo sự kết nối với NĐT nằm ở tâm lý có phần cẩn trọng, thậm chí thụ động của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm 30-9-2013, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HTG trên 500 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với vốn điều lệ của công ty là 150 tỷ đồng. Tỷ lệ đòn cân nợ này không phải quá cao, nhưng cũng không thể nói là thấp và với việc vẫn chưa lên sàn, dù có muốn HTG cũng khó lòng phát hành một lượng lớn CP ra công chúng để có thêm tiền mặt cơ cấu lại nguồn vốn.

Trong 2 năm gần nhất, HTG đều tiến hành chia cổ tức với tỷ lệ 20%, còn doanh thu đạt mức tăng trưởng 20%. Với những chỉ tiêu tài chính như vậy, đặt trường hợp HTG lên sàn, việc có thể thu hút thêm NĐT bên ngoài là khả quan.

Một số doanh nghiệp dệt may khác cũng không phải là những công ty có vốn quá dồi dào, nhưng do thiếu sự tương tác với TTCK hoặc không có ý định này nên cơ hội để tăng vốn, mở rộng quy mô sẽ trở nên khó khăn. Nhìn rộng ra, việc các doanh nghiệp này có thể tự mình đầu tư để khép kín quy trình sản xuất “từ sợi trở đi” nhằm tận dụng cơ hội TPP trong ngắn hạn là điều rất khó xảy ra.

Trong một chừng mực nào đó, khả năng doanh nghiệp dệt may đem lại một điều gì đó cho TTCK nhờ TPP tương đối hạn hẹp. Ở chiều ngược lại, khả năng TTCK có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp dệt may đón sóng TPP cũng bị ngăn trở bởi chính sự rụt rè của các doanh nghiệp trong khối này.

Các tin khác