Sức ép lớn từ TPP và AEC

Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phiên thứ 5 đã kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, gây ra những lo ngại tiến trình đàm phán có thể chậm lại hoặc đổ vỡ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với các nước có liên quan. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang trong lộ trình thành lập vào cuối năm 2015.

Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phiên thứ 5 đã kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, gây ra những lo ngại tiến trình đàm phán có thể chậm lại hoặc đổ vỡ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với các nước có liên quan. Trong khi đó, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang trong lộ trình thành lập vào cuối năm 2015.

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam

 

Tại hội thảo “Đánh giá tác động của TPP và AEC đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ những tác động của các hiệp định này đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho biết quá trình hội nhập sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế. Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên TPP, xuất khẩu liên tục tăng nhanh; hiện ở mức 38-39% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện là 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong TPP. Ngược lại, tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ TPP cũng đang giảm dần (23% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2014); thay vào đó là nhập khẩu từ Trung Quốc (29,6%).

Theo nhóm tác giả VEPR, khi tham gia cả 2 khối TPP và AEC, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP lớn nhất tính theo % trong hầu hết các kịch bản. Tuy nhiên, tác động của AEC là nhỏ và không đáng kể so với TPP. Theo đó, về đầu tư, tổng mức đầu tư toàn xã hội sẽ tăng ở các nước nội khối và giảm ở các nước ngoại khối sau TPP và AEC có hiệu lực.

TPP sẽ kích thích sự hình thành các nguồn vốn cố định ở Việt Nam. Trong các kịch bản TPP, Nhật Bản là nước tăng giá trị đầu tư lớn nhất, tuy nhiên Việt Nam lại là nước có giá trị tương đối lớn nhất. Đối với các kịch bản AEC, kết quả dự báo cho thấy Campuchia là nước có mức tăng đầu tư theo % lớn nhất trong số các nước tham gia AEC.

Đồng thời, trong hầu hết các kịch bản, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu giảm ở một số ngành công nghiệp do không cạnh tranh được với hàng hóa đến từ các nước khác như chế biến thực phẩm của Hoa Kỳ, thiết bị điện tử của Trung Quốc, máy móc của Nhật Bản… Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng chủ yếu ở những ngành có lợi thế so sánh như dệt may (gần 50% kim ngạch hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ) và da giày.

Bên cạnh đó, khi TPP có hiệu lực sẽ có sự thay đổi đáng kể về cầu lao động trong nền kinh tế. Một số ngành như may mặc, dệt may, da giày sẽ mở rộng quy mô sản xuất và là những ngành thu hút nhiều lao động; kể cả lao động có kỹ năng và lao động phổ thông. Tương tự như GDP, hầu hết nước tham gia TPP hoặc AEC đều cho thấy mức tăng phúc lợi kinh tế sau khi có hiệu lực. Theo dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức tăng % lớn nhất (5,4%); tương đương 6,1 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản là nước có lợi nhất với mức tăng lên tới 18,7 tỷ USD.

Cần tái cấu trúc ngành chăn nuôi

Trong trường hợp cả TPP và AEC có hiệu lực, thu ngân sách từ thuế sẽ giảm khoảng 1,9 tỷ USD; trong đó giảm chủ yếu từ thế nhập khẩu. Mức sụt giảm lớn nhất trong các nhóm ngành dầu khí, hóa chất, kim loại và nhóm thực phẩm chế biến…

Báo cáo của nhóm tác giả VEPR

Trong tất cả ngành nghề, chăn nuôi được đánh giá có triển vọng bi quan nhất khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới và khu vực. Xét tổng thể ngành chăn nuôi, chỉ có người tiêu dùng và nhà nhập khẩu sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ hơn và được lợi, trong khi người sản xuất và nhà xuất khẩu trong nước phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào.

Bởi lẽ, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Trong khi ngành chăn nuôi Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài; tình trạng bệnh tật còn phổ biến, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn yếu kém.

Thực trạng trên đã khiến năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi chưa cao, do đó thực phẩm từ các nước đặc biệt là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Canada, Thái Lan… được nhập khẩu về ngày một nhiều. Chỉ tính riêng thịt gia cầm, trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 95 triệu USD, chiếm gần 1 nửa kim ngạch nhập khẩu thịt các loại.

Dự báo, sau TPP, xuất khẩu thịt lợn của Hoa Kỳ sang Việt Nam sẽ tăng gấp 43,2 lần năm 2014, từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD/năm. Hiện nay, tổng giá trị sản xuất toàn ngành chăn nuôi đạt khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại, ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu.

Ước tính mỗi năm chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá trên dưới 3 tỷ USD. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90% và khoáng chất, vitamin nhập tới 100%.

Sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu, buộc ngành chăn nuôi phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại. Trong đó, cần chú trọng đến vấn đề quy hoạch khu vực chăn nuôi và sản xuất, quy hoạch về vật nuôi, về phương pháp sản xuất và chuỗi giá trị. Tái cấu trúc cũng cần hướng ưu tiên vào các phân ngành hiện nay hoặc trong tương lai không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập ngoại; đồng thời tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí trung gian, ổn định đầu vào đầu ra…

Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp trong nước và các hộ/trang trại chăn nuôi nhanh chóng và kịp thời để nhà sản xuất có sự chuẩn bị thích hợp nhằm tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập.

Các tin khác