Sản xuất lúa gạo công nghệ cao

Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) vừa xuất khẩu thành công 306 tấn gạo sang Nhật Bản, mở ra hướng đi mới cho hạt gạo Việt Nam thâm nhập vào những thị trường khó tính nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, đồng thời khẳng định thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế.

Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) vừa xuất khẩu thành công 306 tấn gạo sang Nhật Bản, mở ra hướng đi mới cho hạt gạo Việt Nam thâm nhập vào những thị trường khó tính nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, đồng thời khẳng định thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế.

Sản xuất lúa theo hướng hiện đại

Hỏi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc AGPPS Huỳnh Văn Thòn về lô gạo đầu tiên xuất sang Nhật Bản, ông Thòn không vội trả lời mà mời nhà báo xuống thực tế vùng nguyên liệu, trực tiếp gặp nông dân và các kỹ sư nông nghiệp.

Xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) là nơi AGPPS chọn xây dựng nhà máy và vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao. Nông dân Bảy Tâm (Nguyễn Văn Tâm), ở ấp Vĩnh Thọ, hồ hởi đưa chúng tôi ra thăm ruộng lúa.

Bảy Tâm cho biết: “Năm 2012 lũ nhỏ, nước rút nhanh nên toàn bộ diện tích được xuống giống sớm sẽ thu hoạch vào dịp Tết Quý Tỵ 2013". Với 9ha lúa đang xanh tốt, Bảy Tâm quả quyết thu lời vài trăm triệu đồng, thoải mái chi tiêu mua sắm tết.

Sản xuất lúa gạo công nghệ cao ảnh 1Cần định vị lại xuất khẩu gạo từ số lượng sang chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo. Vấn đề này chúng ta hoàn toàn làm được, nếu có khoảng 20-30 doanh nghiệp chịu đầu tư bài bản như AGPPS.
Sản xuất lúa gạo công nghệ cao ảnh 2

PGS.TS DƯƠNG VĂN CHÍN

Nông dân Ba Cường (Nguyễn Văn Cường) tâm sự: “Từ năm 2010 trở về trước, dân xứ này canh tác lúa theo dạng nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Nguồn giống sử dụng tràn lan, phun thuốc, bón phân đại trà không theo khoa học nên chi phí giá thành cao nhưng năng suất và chất lượng lại thấp.

Lo nhất là tới vụ thu hoạch lúa rớt giá, khó tiêu thụ... Có năm bán 3kg lúa chỉ được 10.000 đồng, tính ra lỗ trắng.

Nếu cứ sản xuất lúa theo kiểu “nhắm mắt”, trong khi bán ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu... nông dân mù tịt thì không thể khá được. Tình hình này chắc phải cho các con nghỉ học vì không lo nổi”.

Trăn trở của Ba Cường cũng như nhiều nông dân khác được AGPPS gỡ gối khi triển khai mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Vĩnh Bình vào vụ đông xuân 2010- 2011. Hàng ngàn ha đất được quy hoạch lại, gieo sạ cùng một loại giống Jasmine 85; OM 4218 hoặc OM 6976 do công ty cung cấp.

Bên cạnh đó, AGPPS còn hỗ trợ toàn bộ phân, thuốc cả vụ không tính lãi. Hàng ngày có kỹ sư nông nghiệp xuống hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng ngừa dịch bệnh... Tất cả quy trình được ghi chép sổ sách rõ ràng.

Đến khi thu hoạch, AGPPS hỗ trợ bao đựng  lúa, phương tiện vận chuyển, sấy lúa miễn phí và thu mua theo giá thị trường. Riêng những hộ chưa muốn bán lúa sớm, công ty cho gửi vào kho trữ chờ giá. Vụ đầu tiên năng suất lúa đạt 8- 8,2 tấn/ha, bán giá 6.336 đồng/kg, thu được 51,3 triệu đồng/ha; trừ chi phí nông dân còn lời 33,2 triệu đồng/ha.

Vụ hè thu lợi nhuận đạt 20,6 triệu đồng/ha, vụ thu đông lời 25,5 triệu đồng/ha; tính cả 3 vụ trong năm mức lợi nhuận tới 79 triệu đồng/ha, số tiền trong mơ đối với nông dân làm lúa.

Vụ đông xuân 2011-2012, diện tích bao tiêu được AGPPS nâng lên 3.500 ha, đến vụ đông xuân 2012- 2013 này, vùng lúa nguyên liệu ở Vĩnh Bình phát triển tới 5.000 ha, với hơn 1.870 hộ.

Xuất khẩu gạo: giảm lượng, tăng giá

Sản xuất lúa gạo công nghệ cao ảnh 3Nhật Bản là thị trường vừa cao cấp - vừa khó tính, đồng thời rất tiềm năng. Do đó, khi Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu gạo của ta, được xem như bước ngoặt quan trọng nâng vị thế hạt gạo Việt Nam; đồng thời là giấy thông hành để gạo Việt thâm nhập nhiều thị trường cao cấp khác… Sản xuất lúa gạo công nghệ cao ảnh 4

Ông HUỲNH VĂN THÒN
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ AGPPS

Ông Huỳnh Văn Thòn cho biết, ban đầu có người hoài nghi về cách làm của AGPPS. Nhưng sau khi thấy công ty đầu tư gần 120 tỷ đồng xây nhà máy gạo Vĩnh Bình, ký hợp đồng và đầu tư cho hàng ngàn hộ dân sản xuất theo phương pháp mới được bao tiêu đầu vào, đầu ra đảm bảo lợi nhuận... nhiều người mới tin và hết lòng ủng hộ.

Đối với 306 tấn gạo được xuất sang Nhật Bản vừa qua, cũng từ quy trình sản xuất chặt chẽ này. Đối tác Nhật Bản trực tiếp xuống vùng nguyên liệu và nhà máy gạo kiểm tra tới 593 chỉ tiêu về chất lượng gạo, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng phân bón, kim loại nặng, phân tích ADN của gạo để xác định biến đổi gen; kiểm tra hệ thống xay xát, sấy, nhà kho, thiết bị...

Tất cả đều đạt những yêu cầu khắt khe mới vào được thị trường khó tính Nhật Bản. Năm 2013, AGPPS sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào Nhật Bản, đồng thời tăng cường phân khúc gạo cao cấp vào thị trường Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, EU, New Zealand...

AGPPS tổ chức nông dân đi thực tế đồng lúa chất lượng cao 

AGPPS tổ chức nông dân đi thực tế đồng lúa chất lượng cao 

PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng dù Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng chỉ xuất gạo trắng không có thương hiệu, bán giá thấp, giá trị thu về chưa cao.

Hạn chế cơ bản là lâu nay các doanh nghiệp xuất khẩu thường thu mua gạo đại trà từ thương lái với nhiều loại giống khác nhau, sau đó đem trộn lại làm gạo xuất khẩu. Vì thế chất lượng gạo khó đảm bảo và khó làm thương hiệu.

Hiện mô hình sản xuất lúa AGPPS đầu tư được quản lý chặt chẽ, canh tác cùng một loại giống, chế biến cùng một loại gạo... nên đạt độ đồng đều cao, chất lượng đảm bảo và có thể truy suất nguồn gốc dễ dàng.

Nhờ đó, giá gạo xuất khẩu của AGPPS thường cao hơn 40-50USD/tấn so với các doanh nghiệp khác. Đây là mô hình sản xuất lúa gạo công nghệ cao, để thu về giá trị cao.

Các tin khác