Sai phạm xây dựng: Cần cơ chế cương quyết

(ĐTTCO) -Chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã khiến Hà Nội đã trở thành mảnh đất “nhức nhối” về các công trình sai phạm của cả nước.

(ĐTTCO) -Chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã khiến Hà Nội đã trở thành mảnh đất “nhức nhối” về các công trình sai phạm của cả nước.

 

Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội đang ngày càng phổ biến, gây bức xúc dư luận. Sai phạm cũ chưa xử lý xong thì 6 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra xây dựng lại phát hiện thêm gần 1.600 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mới. Cần thẳng thắn nhìn nhận, việc buông lỏng quản lý cũng như thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng là nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm tràn lan và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý dứt điểm.

Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần có văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý dứt điểm sai phạm; Hà Nội cũng đưa ra hết phương án này đến phương án khác, nhưng đến nay, dự án 8B Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình vẫn chưa “cắt ngọn” xong phần xây vượt tầng, sai phép. Ngày 26/9 vừa qua, tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội, nhắc nhở về việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực còn chậm trễ.

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, trong tháng 10 sẽ hoàn thành xong giai đoạn 1, tức là phá dỡ toàn bộ tầng 19. Việc hoàn thành lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 sẽ được thực hiện xong trước ngày 30/9/2016 để thẩm định.

Dư luận cho rằng, việc xử lý một sai phạm nghiêm trọng, tại một dự án có vị trí trung tâm, được Thủ tướng liên tục chỉ đạo, nhắc nhở còn chậm trễ, lúng túng như vậy, thì việc Hà Nội để tồn tại quá nhiều vi phạm về trật tự xây dựng cũng là điều dễ hiểu. Người dân có quyền nghi ngờ về năng lực của đội ngũ những người hưởng lương Nhà nước để làm nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở quận Ba Đình bức xúc: “Điều này rất ảnh hưởng đến niềm tin của người dân chúng tôi. Tại sao? Vì một tòa nhà to như thế này mà còn thoát ra được khỏi con mắt của chính quyền, của thanh tra, của quận, vậy thì đương nhiên chúng tôi sẽ nghi ngờ về khả năng thực thi pháp lý của chính quyền”.

Vi phạm trật tự xây dựng đã trở thành “căn bệnh” khó chữa, ngày càng lan rộng và trở nên phổ biến trên khắp các địa bàn của thành phố. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra xây dựng các cấp đã lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng đối với gần 1.600 trường hợp trên tổng số hơn 10 nghìn công trình được kiểm tra, chiếm tới hơn 15%.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tục đăng tải những sai phạm của các chủ đầu tư khi tự ý xây dựng sai giấy phép, sai quy hoạch, “hô biến” phần diện tích phục vụ kỹ thuật hoặc công cộng thành căn hộ để bán… Vi phạm tràn lan đến mức nhiều người cho rằng, đã xây nhà cao tầng là có vi phạm, không vi phạm mới là chuyện lạ!

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, một trong những bất cập dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng tăng cao và chưa xử lý được dứt điểm là do sự phối hợp giữa lực lượng thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa tốt, thiếu quyết liệt. Thậm chí, có xã, phường không cử cán bộ phối hợp kiểm tra với thanh tra xây dựng; công an phường không thực hiện quy định cấm công nhân, xe chuyển vật liệu vào công trình theo đề nghị.

Cũng không ít thanh tra xây dựng hạn chế về kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn kém, không kịp thời xử lý công trình vi phạm trên địa bàn, khi dư luận phản ánh thì mức độ vi phạm đã lớn, gây bức xúc.

Ông Nguyễn Vinh Quang, Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng cho rằng, công tác thanh tra xây dựng gặp khó khăn còn do không được áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước như trước đây - một hình thức răn đe chủ đầu tư, hạn chế sai phạm chồng sai phạm.

“Sau khi lực lượng thanh tra lập biên bản sẽ chuyển Chủ tịch UBND phường để ra quyết định đình chỉ. Chủ đầu tư cố tình vi phạm, thì chế tài xử lý là đình chỉ, như trước thì thực hiện theo Nghị định 180 về xử lý các vi phạm trật tự xây dựng ở đô thị là cắt điện, cắt nước, giải tán thợ, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa có Nghị định thay thế Nghị định 180, vừa qua lại có hướng dẫn là không được áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước nữa. Đây là khó khăn cho lực thanh tra xây dựng nói riêng và các cấp chính quyền nói chung trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn” - ông Nguyễn Vinh Quang nói.

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phát hiện vi phạm không khó, nhưng xử lý có kiên quyết hay không mới là điều đáng nói. Chủ đầu tư thì muốn tối đa hóa lợi nhuận, cơ quan quản lý nhà nước lại xử lý không nghiêm, thậm chí có sự thỏa thuận nào đó để “cho tồn tại”. Đây vẫn được coi là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện nay.

Ông Trần Ngọc Hùng nói: “Nguyên nhân chủ yếu là không một chủ đầu tư nào không tính toán hiệu quả kinh tế để lợi nhuận cao nhất. Với một diện tích cố định, thì khoảng không trên cao càng chiếm được nhiều càng tốt. Cho nên trong quá trình xin phép đều muốn nâng tầng lên vì lợi nhuận cao nhất.

Vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước với một lực lượng thanh tra rất mạnh, trong quá trình xây dựng thì tất cả các công trình đó nằm trên địa bàn nào thì phường, quận, thanh tra biết. Phải chăng là xử lý không nghiêm của các nhà quản lý. Thậm chí người ta dựa vào một số điều kiện cho phép xử lý những nhà sai phép bằng hình thức phạt cho tồn tại”.

Vì lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ còn bất chấp các quy định của pháp luật, hoặc tìm cách hợp thức hóa sai phạm, nên nếu chính quyền địa phương không đôn đốc, giám sát chặt chẽ thì vi phạm sẽ còn tiếp tục. Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điều quan trọng nhất để ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự xây dựng là phải gắn trách nhiệm cụ thể cho những người có trách nhiệm trên từng địa bàn.

“Phải có thể chế cương quyết hơn, có những chế tài đủ mạnh đối với cả các doanh nghiệp và chính quyền địa phương, quy trách nhiệm đến từng người cụ thể.

Chế tài phải đủ mạnh để răn đe kể cả doanh nghiệp và các cấp quản lý thì mới chống được việc này. Chứ còn như hiện nay, ngay vấn đề nóng bỏng như dự án 8B Lê Trực, Thủ tướng 2 nhiệm kỳ chỉ đạo quyết liệt như thế mà vẫn kéo dài thời gian đến giờ vẫn chưa hoàn thành” - ông Nguyễn Thế Điệp bày tỏ.

Chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã khiến Hà Nội đã trở thành mảnh đất “nhức nhối” về các công trình sai phạm của cả nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ trước đến nay mới chủ yếu xử lý nặng với chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng, nhưng chưa kiên quyết xử lý những người có trách nhiệm.

Nếu Hà Nội không sớm có những hành động quyết liệt hơn, xử lý nghiêm các sai phạm và những người để sai phạm tồn tại, thì vi phạm trật tự xây dựng sẽ còn tiếp tục xảy ra, luật pháp không được thực hiện nghiêm minh, và sẽ mất lòng tin rất lớn của nhân dân.

Các tin khác