CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính

(ĐTTCO) - Gánh nặng thuế, phí, bảo hiểm bắt buộc… tiếp tục là đề tài được nhiều chuyên gia đề cập như một trong những trở ngại cho sự cạnh tranh để phát triển của doanh nghiệp (DN). Khúc mắc này nếu không tháo gỡ sẽ tạo nên thách thức lớn cho DN trong bối cạnh hội nhập sâu, gia tăng cạnh tranh đối với các nước trong khu vực.

(ĐTTCO) - Gánh nặng thuế, phí, bảo hiểm bắt buộc… tiếp tục là đề tài được nhiều chuyên gia đề cập như một trong những trở ngại cho sự cạnh tranh để phát triển của doanh nghiệp (DN). Khúc mắc này nếu không tháo gỡ sẽ tạo nên thách thức lớn cho DN trong bối cạnh hội nhập sâu, gia tăng cạnh tranh đối với các nước trong khu vực.

Thuế, bảo hiểm ngốn gần 40% lợi nhuận

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, tổng các khoản đóng góp về thuế, bảo hiểm bắt buộc năm 2014 chiếm 35,2% trên lợi nhuận ròng của DN Việt Nam, trong đó thuế 11,5% và bảo hiểm bắt buộc 23,7%. Trong khi đó, mức bình quân của ASEAN 6 là 31%, thấp hơn Việt Nam 4,5%. Mặc dù riêng tỷ suất thuế của Việt Nam thấp hơn so với các nước ASEAN 6 (11,5%/20%) và cũng thấp hơn so với mức bình quân của khu vực Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế - OECD (16,1%), nhưng bảo hiểm bắt buộc của Việt Nam lại cao hơn 2 lần so với ASEAN 6 (23,7%/11%). Điều đáng lo ngại, năm 2016, dù tỷ suất lợi nhuận DN giảm, nhưng tỷ suất thuế và bảo hiểm bắt buộc lại tăng lên 39,34%, trong đó tỷ suất thuế tăng lên 14,53%, bảo hiểm xã hội tăng lên 24,81%, mặc dù thuế thu nhập DN đã giảm từ 22% xuống 20%. 

Trong khi gánh nặng chi phí chính thức như thuế, lãi suất cao hơn so với các nước khác, DN còn chịu thêm loại chi phí không chính thức như “luật bất thành văn”. Loại chi phí rất lớn này khiến DN Việt Nam như gánh trên vai “tảng đá lớn” khi hội nhập và khó có thể vươn lên trong môi trường cạnh tranh. Quan trọng hơn, động lực kinh doanh của DN còn bị sụt giảm và giảm hiệu quả các hoạt động kinh doanh chính thức khác.

Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam

Để giảm gánh nặng chi phí, DN đã tìm cách lách. Qua kết quả khảo sát thực tế, 100% DN đang tránh đóng góp các khoản bảo hiểm bắt buộc bằng hình thức: ký 2 hợp đồng lao động, trong đó hợp đồng lao động vì mục đích đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... dựa trên lương tối thiểu và một hợp đồng thực tế trả lương cho nhân viên cao hơn mức tối thiểu. Đáng lo là cả DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều có phản hồi không tốt về thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc. "Bảo hiểm bắt buộc mang yếu tố nhân văn, tính đến an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi người lao động, nhưng do điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam còn khó khăn, người lao động chỉ cần có được thu nhập đủ sống trước mắt, nên không quan tâm đến việc kê khai của DN, miễn sao 2 bên cùng có lợi. Bởi mức bảo hiểm hiện hành quá cao: tổng bảo hiểm bắt buộc 32,5%, trong đó người lao động đóng từ tiền lương, tiền công 10,5%, DN đóng góp 22%... " - bà Cúc nói.

 Không chỉ các chi phí "cứng" nêu trên, các loại chi phí "mềm", không chính thức vẫn tiếp tục là thách thức trong nỗ lực lọt vào nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế như mục tiêu Chính phủ đề ra. Theo một khảo sát về sự hài lòng của DN đối với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014 do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành, trong số hơn 2.500 DN phản hồi có 79% cho biết thông tin về thủ tục hành chính thuế dễ tìm, nhưng chỉ 58% DN cho rằng các thông tin này đơn giản và dễ hiểu; 49% DN cho biết gặp nhiều phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, trong đó 2 nhóm thủ tục gặp phiền hà lớn nhất là đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế (32%) và khai thuế (28%). Phiền hà lớn nhất là các biểu mẫu hay thay đổi (trên 70%); tiếp đến là cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết và thời gian giải quyết quá dài; 31% DN phản ánh cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra DN của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn bất lợi cho DN...

Chưa công bằng

Trong một kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây phản ánh những bất cập liên quan đến thuế, Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng các cơ chế chính sách về thuế và hải quan đã được cải thiện rất nhiều, tiết kiệm không ít thời gian và giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc cho DN. Tuy nhiên, sự hiểu biết về các quy định mới của một số cán bộ còn hạn chế, không đủ khả năng giải thích, hướng dẫn DN.  

Ngành thuế sẽ tập trung trọng tâm cải cách thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp, gây bức xúc cho DN như: khai nộp thuế, hoàn thuế, khiếu nại, thanh và kiểm tra thuế... Cùng với đó, ngành thuế sẽ tập trung dịch vụ trực tuyến, tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, thời gian, nghĩa vụ thuế để DN tập trung vào chuyên môn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh... Bên cạnh đó, mở rộng cơ sở thuế, tìm nguồn thu mới như kinh doanh thương mại điện tử, nâng cao năng lực cán bộ thuế... cũng sẽ được tập trung làm mạnh.

Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng Ban thường trực Ban cải cách, Tổng cục Thuế

Nhiều trường hợp cùng một sự việc nhưng cán bộ thuế giải thích, hướng dẫn nhiều cách khác nhau, dẫn đến DN hiểu không đúng hoặc không hết ý, gây khó khăn trong khâu thực hiện. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN còn khó khăn và phức tạp, thời gian thực hiện bị kéo dài. Đặc biệt, việc xác định chi phí để tính thuế thu nhập DN luôn xảy ra tranh cãi giữa cán bộ thuế - DN và phần thắng bao giờ cũng thuộc về cán bộ thuế. Việc ứng xử của cơ quan nhà nước với DN cũng không có sự công bằng. Nhiều DNNN nợ hàng tỷ đồng tiền hoàn thuế hoặc nợ vốn xây dựng cơ bản kéo dài 2-3 năm cũng không sao, trong khi DN tư nhân nợ thuế vài trăm triệu đồng đã bị phạt.

 Đánh giá chung về những khó khăn trong việc tuân thủ quy định của người nộp thuế hiện nay, theo Hội Tư vấn thuế Việt Nam, thứ nhất là vấn đề ưu đãi. Một số  địa phương muốn thu hút đầu tư đã đưa ra các ưu đãi không đúng so với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, có sự khác biệt quan điểm giữa Trung ương và địa phương. Điều này gây khó khăn cho DN trong việc tính toán hiệu quả đầu tư, ưu đãi thuế.

Thứ hai, sự khó khăn trong hoạt động của DN đến từ hoạt động thanh, kiểm tra chồng chéo của nhiều cơ quan liên quan. Công tác thanh, kiểm tra theo tiêu thức quản lý rủi ro là khoa học và hướng đến minh bạch, nhưng tiêu chí chưa cụ thể nên trong thực thi còn gặp khó khăn cho cả cán bộ, công chức thuế và người nộp thuế. Trước tình hình này, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy chế thanh tra tại DN theo nguyên tắc không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra; cho phép sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác quản lý thuế, hoàn thuế. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hướng dẫn, chưa có quy định  cho phép sử dụng kết quả thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác quản lý thuế, hoàn thuế.

Tiếp tục kỳ vọng những giải pháp

Theo bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó trưởng ban Ban cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), hội nhập kinh tế quốc tế đang đòi hỏi phải nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Chính vì vậy, chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã đề ra mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành các nghị quyết nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan Chính phủ, tạo thuận lợi để DN phát triển như Nghị quyết 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ DN phát triển.

Ảnh: L.THANH

Ảnh: L.THANH

Nhằm thực hiện các yêu cầu trên, từ nay đến năm 2020, Tổng cục Thuế đặt mục tiêu giảm chi phí tuân thủ thuế cho người nộp thuế, phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế; ít nhất 80% người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ của cơ quan thuế cung cấp; có ít nhất 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; ít nhất 85% người nộp thuế được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin thay đổi về chính sách và thủ tục hành chính thuế; tỷ lệ tờ khai thuế đã nộp trên tổng số tờ khai phải nộp đạt ít nhất 95%; tỷ lệ tờ khai thuế nộp đúng hạn đạt ít nhất 95%; tỷ lệ tờ khai thuế được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế đạt 100%; tỷ lệ người nộp thuế được lựa chọn thanh tra, kiểm tra qua đánh giá rủi ro của cơ quan thuế đạt ít nhất 95%...

 Thực tế thời gian qua, việc cải cách thủ tục hành chính được thực hiện một cách quyết liệt. Kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế đã góp phần tăng hạng đáng kể về năng lực cạnh tranh cho Việt Nam. Trong số 456 thủ tục hành chính, ngành thuế đã cắt giảm 63 thủ tục (đơn giản hóa 262 thủ tục) còn 393 thủ tục. Ngành thuế đã giảm được 420 giờ trên tổng số 530 giờ nộp thuế (giảm 78%). Theo ước tính của ngành thuế, chi phí tuân thủ theo Nghị quyết 30c/NQ-CP (chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước) giảm được hơn 7.000 tỷ đồng để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo nguồn vốn, động lực cho DN phát triển

Giai đoạn 2016-2020, việc cải cách thủ tục hành chính thuế vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Chính vì vậy, nhằm nâng cao và tạo điều kiện thuận lợi, thời gian tới cơ quan thuế sẽ tiến hành nhiều cải cách tích cực như: tiếp tục rà soát các quy trình thủ tục về thuế, thu thập thông tin phản hồi của DN và giám sát thực thi bên ngoài. Do đó, mong Chính phủ, DN có sự ủng hộ để Việt Nam có thể đạt ngang tiêu chuẩn của các nước ASEAN 4 vào năm 2017 và ASEAN 3 vào năm 2020.

Các tin khác