Quyết dừng bảo lãnh các “ông lớn” vay nợ

(ĐTTCO) - Thủ tướng đã chỉ đạo từ năm 2017 sẽ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ đi vay nợ cho các dự án mới. Nhiều tập đoàn, tổng công ty không muốn nhưng theo các chuyên gia, cần quyết tâm làm để tạo công bằng, giảm nợ công.

(ĐTTCO) - Thủ tướng đã chỉ đạo từ năm 2017 sẽ tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ đi vay nợ cho các dự án mới. Nhiều tập đoàn, tổng công ty không muốn nhưng theo các chuyên gia, cần quyết tâm làm để tạo công bằng, giảm nợ công.

 

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính cho biết đã cấp bảo lãnh vay cho 35 chương trình dự án với tổng số vốn khoảng 15,6 tỉ USD. Nhiều dự án chưa trả nợ được khiến Bộ Tài chính phải trích quỹ trả nợ thay...

Doanh nghiệp vẫn muốn xin bảo lãnh

Trả lời về chủ trương Chính phủ dừng bảo lãnh cho doanh nghiệp vay tiền làm dự án, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), cho biết doanh nghiệp (DN) này “đang phải tính toán”.

Với dự án đang hoàn thành thủ tục trong năm 2016 thì TKV đang gấp rút triển khai. Từ năm 2017 không được cấp bảo lãnh đi vay nữa, theo ông Biên, DN sẽ hết sức khó khăn.

“Dự án điện mà TKV thực hiện cần số vốn rất lớn. Chúng tôi vẫn hi vọng sẽ được cấp bảo lãnh Chính phủ” - ông Biên nói vì cho rằng theo chỉ đạo, trường hợp đặc biệt vẫn được 
trình Thủ tướng xem xét.

Cho biết DN cần được cấp bảo lãnh Chính phủ vì thường phải vay tín dụng xuất khẩu, ông Biên nêu quy định của nước ngoài với dự án dạng này phải được cấp bảo lãnh Chính phủ. Ông Biên cảnh báo khi không có bảo lãnh Chính phủ thì lãi suất vay sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của các dự án điện.

Ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), cho biết không được cấp bảo lãnh Chính phủ, DN sẽ rất khó khăn vì lãi suất vay cao hơn (bởi rủi ro lớn hơn - PV).

Ngoài việc cần số vốn đầu tư lớn, dự án điện còn có thời gian vay vốn rất dài, do đó theo ông Tri, với dự án cấp bách, chưa thu xếp được vốn ngay, EVN sẽ phải trình Thủ tướng xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Tri cũng nêu EVN đang đề nghị các ngân hàng nước ngoài không yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ. “Còn các ngân hàng thương mại trong nước thì hai năm nay không có chuyện đòi phải cấp bảo lãnh Chính phủ nữa” - ông Tri nói.

Ông Phạm Ngọc Minh, chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, tự tin hơn khi khẳng định chỉ đạo trên... không ảnh hưởng gì đến Vietnam Airlines. Bởi chỉ những dự án mới sẽ tạm dừng được cấp bảo lãnh Chính phủ, còn những dự án đã được phê duyệt vẫn được cấp bảo lãnh. Trong khi đó từ năm 2017, theo ông Minh, Vietnam Airlines... chưa có dự án đầu tư mới.

Không thể bao bọc mãi

Ông Võ Hữu Hiển, cục phó Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, cho biết việc bảo lãnh của Chính phủ cho các DN đi vay vốn được thực hiện từ trước đến nay vì các DN VN mới trong giai đoạn đầu phát triển. Còn bây giờ DN đã có tiềm lực thì phải tự chủ, tự tích lũy để đầu tư phát triển, tái đầu tư. “Nuôi con, cha mẹ cũng không thể nuôi mãi” - ông Hiển ví von.

Những năm qua, Tổng công ty Hàng không VN, TKV, Tập đoàn Dầu khí... có tiềm lực mạnh như vậy nhưng vẫn trông đợi vào bảo lãnh Chính phủ. Thậm chí không chỉ vay nước ngoài, mà cả vay trong nước cũng phải cấp bảo lãnh Chính phủ. Ông Hiển cho rằng DN cần phải nhận thức không thể dựa vào Nhà nước mãi.

Đã được cấp bảo lãnh Chính phủ thì trong trường hợp DN không thể trả nợ được, Chính phủ sẽ trả nợ thay. Trong khi đó, ông Hiển nêu mức nộp phí bảo lãnh của DN rất thấp, thậm chí hầu hết được miễn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ông Hiển nêu ngay trong năm 2016 sẽ siết lại việc cấp bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017 sẽ tạm dừng để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt sẽ phải trình Thủ tướng xem xét từng dự án cụ thể. Theo ông Hiển, khi VN đã ký kết TPP, Chính phủ sẽ không thể cấp bảo lãnh cho DN, mà chỉ giữ vai trò kiến tạo.

Ngoài việc dừng cấp bảo lãnh Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng cũng chỉ đạo các dự án đã được bảo lãnh sẽ phải thế chấp ngay tài sản theo quy định.

Giúp hạn chế dự án không hiệu quả

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, việc Chính phủ tuyên bố không bảo lãnh cho các dự án đầu tư công nữa là một tín hiệu đáng mừng. Theo ông Thành, hầu hết các dự án mà Nhà nước bảo lãnh thời gian qua đều là những dự án của DN nhà nước. Trong khi đó, rất nhiều dự án của DN nhà nước không hiệu 
quả, thua lỗ lớn.

Một dự án tốt, theo ông Thành, Chính phủ không cần bảo lãnh thì các ngân hàng vẫn có thể cho vay. Điều nguy hiểm nhất khi Chính phủ bảo lãnh là “ngân hàng kiểu gì cũng cho vay”.

Việc dừng bảo lãnh Chính phủ, các ngân hàng sẽ cấp vốn theo hiệu quả dự án. Nếu ngân hàng không cho vay thì bản thân dự án không đủ hiệu quả và theo ông Thành, những dự án dạng đó bị đình lại “là điều vô cùng may mắn”.

Đang phải trả nợ thay nhiều dự án

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài chính cho biết đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình dự án với tổng số vốn khoảng 15,6 tỉ USD. Trong đó vay nước ngoài là 14 tỉ USD, thời hạn trả nợ trung bình 12 năm.

Việc cấp bảo lãnh của Chính phủ trong năm qua tập trung vào chương trình phát triển đội máy bay của Vietnam Airlines, các dự án điện và dự án đường Hồ Chí Minh... Số vốn bảo lãnh Chính phủ đang tăng mạnh, riêng năm 2013 đã phải bảo lãnh vay 4,35 tỉ USD.

Trong khi đó, một loạt dự án ximăng như Ximăng Hạ Long, Ximăng Thái Nguyên, Ximăng Sông Thao, Nhà máy bột giấy Phương Nam... khó khăn, chậm trả nợ khiến quỹ tích lũy trả nợ tại Bộ Tài chính phải trả nợ thay. Như năm 2014 phải trả thay doanh nghiệp 64 triệu USD, năm 2015 là 24,19 triệu USD...

Các tin khác