Tái cơ cấu nền kinh tế

Quyết định năng lực cạnh tranh hội nhập

(ĐTTCO) - So với tình hình kinh tế-xã hội 5 năm trước, năm 2015 bức tranh kinh tế nước ta diễn biến khá tích cực, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong những năm tới. Đó là thể chế kinh tế được cải thiện; cộng đồng doanh nghiệp vượt qua được thời kỳ khó khăn, đang thực sự lớn mạnh; vị thế kinh tế Việt Nam càng được khẳng định trong quan hệ kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây là bước đệm để Việt Nam tự tin bước vào năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020.

(ĐTTCO) - So với tình hình kinh tế-xã hội 5 năm trước, năm 2015 bức tranh kinh tế nước ta diễn biến khá tích cực, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong những năm tới. Đó là thể chế kinh tế được cải thiện; cộng đồng doanh nghiệp vượt qua được thời kỳ khó khăn, đang thực sự lớn mạnh; vị thế kinh tế Việt Nam càng được khẳng định trong quan hệ kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây là bước đệm để Việt Nam tự tin bước vào năm 2016 - năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Thuận lợi và thách thức

Năm 2015 các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tỷ giá, thanh khoản của ngân hàng thương mại, xuất nhập khẩu… tiếp tục được cải thiện so với các năm trước: GDP đạt 6,7%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua (năm 2011 tăng 6,24%, năm 2012: 5,52%, năm 2013: 5,42% và năm 2014: 5,98%).

Một trong 3 đột phá chiến lược thực hiện trong 5 năm qua (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020) là hoàn thiện thể chế kinh tế, với sự ra đời của Hiến pháp 2013, ban hành nhiều bộ luật và đạo luật nhằm cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, như Bộ Luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Bộ Luật hàng hải, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phá sản, Luật Kế toán, Luật Thống kê… Sự hoàn thiện và đổi mới hệ thống pháp luật liên quan đến hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng đến 2 mục tiêu: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và hội nhập với khu vực và thế giới.

Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 và năm 2015 nâng cấp Nghị quyết này trong nỗ lực cải cách hành chính công, với mục tiêu giảm thời gian khai thuế, thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu đạt trình độ các nước ASEAN+6, tiến tới ASEAN+4.

Cần nhìn nhận thấu đáo quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước gắn với quá trình hội nhập trong gần 20 năm qua, để nhận diện những thách thức từ nội tại của nền kinh tế, đối chiếu với những chủ trương và giải pháp đang thực thi, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây chính là cách tiếp cận để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức trong hội nhập. Có thể nói  kết quả của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế là yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập.

Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, đã nêu rõ 9 nhóm vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trong đó nổi lên các vấn đề: Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn khó khăn; huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm… Trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 nhiều chỉ tiêu về kinh tế không đạt được, như tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,9%/năm so với mục tiêu 6,5-7%/năm; tổng đầu tư xã hội/GDP, đặc biệt các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện.

Từ giữa năm 2013 kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhưng tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm. Sự giảm giá lương thực thực phẩm trên thế giới những năm gần đây cùng với sự chậm tái cơ cấu nông nghiệp, đã đưa nền sản xuất nông nghiệp nước ta đứng trước viễn cảnh rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm lại và sẽ khó khăn hơn khi mở cửa thị trường nội địa. Trong khi đó, công nghiệp gia công kéo dài, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển dẫn đến nhiều ngành công nghiệp khó tồn tại khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan, trước mắt là khu vực Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Thị trường tài chính phát triển không đồng bộ, thị trường chứng khoán và bảo hiểm chưa đóng vai trò là kênh tạo vốn trung-dài hạn cần thiết cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng thương mại đang trong giai đoạn tái cơ cấu phải đảm nhận phần lớn nguồn vốn ngắn hạn lẫn trung-dài hạn cho nền kinh tế nên vẫn đang gặp khó khăn. Trong 5 năm qua kênh đầu tư công đã có tác động đáng kể đến sự tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng, nhưng trong những năm tới phải cắt giảm nợ công, giảm lượng trái phiếu chính phủ phát hành, nên dư địa của chính sách tài khóa kích thích tổng cầu sẽ không còn nhiều. Bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu quả chưa có giải pháp để tinh gọn, mà còn có khả năng tăng thêm trong các năm tới, khi triển khai các luật mới về tổ chức bộ máy nhà nước…

Nắm bắt cơ hội

Để vượt qua những thách thức trên tùy thuộc rất lớn vào kết quả của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, được đề ra cho giai đoạn 2011-2020. Bởi đến nay dù đã đi được nửa chặng đường, nhưng kết quả còn rất hạn chế, nhất là trong lãnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Tính chất của nền nông nghiệp dựa chủ yếu vào lợi thế tự nhiên, giá trị gia tăng thấp và nền công nghiệp gia công chưa có sự chuyển biến đáng kể.

Để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và để phù hợp với xu hướng hội nhập mang tính tất yếu của thời đại, từ năm 1996 (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII) đã chủ trương chủ động và tích cực hội nhập. Trên thực tế chúng ta đã tham gia quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế sâu rộng, như tham gia AEC, thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết CEPT vào cuối thập niên 1990 với các nước ASEAN, kết thúc đàm phán song phương với nhiều nước vào đầu những năm 2000 để chính thức trở thành thành viên WTO vào tháng 1-2007. Đặc biệt, trong 8 năm qua tiếp tục đàm phán và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới; các hiệp định đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước; kết thúc đàm phán ký kết FTA với EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Có thể nói trong 20 năm qua, đặc biệt trong 15 năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đã đi vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế theo đúng tinh thần “chủ động và tích cực”. Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại bao gồm quan hệ ngoại thương, tín dụng và đầu tư tiếp tục phát triển tích cực, vị thế kinh tế nước ta ngày càng được nâng cao trên thị trường khu vực và thế giới.

Trong 5 năm qua Chính phủ luôn kiên trì các chính sách và giải pháp thực thi với 3 mục tiêu ưu tiên đề ra từ năm 2011: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ thị trường để có tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó đã thực hiện thành công bước đầu tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên chủ yếu vẫn nhằm ứng phó với các vấn đề ngắn hạn, chưa giải quyết  được căn cơ các vấn đề trung-dài hạn đang đặt ra từ nội tại của cơ cấu nền kinh tế.

Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đã xác định nhiệm vụ phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Vấn đề  lớn nhất và trọng tâm nhất để thành công trong hội nhập vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh ở 3 góc độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Vì thế cần  phải có cái nhìn tổng thể về cạnh tranh quốc gia để xác định chúng ta đang ở đâu trong quá trình hội nhập. Đây là vấn đề trọng tâm của quá trình công nghiệp hóa. 

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 2016:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.

- Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%.

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP.

- Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 53%.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân 24,5 giường.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 76%.

- Tỷ lệ che phủ rừng 41%.

Các tin khác