Quỹ nội - Gieo hạt và chờ đợi

(ĐTTCO) - Các loại hình quỹ đầu tư (QĐT) thời thượng như quỹ mở trái phiếu (TP), quỹ mở cổ phiếu (CP), quỹ đầu tư chỉ số (ETF) dành cho nhà đầu tư (NĐT) trong nước đều đã có mặt tại TTCK Việt Nam. Nhưng sự khởi sắc của ngành quản lý quỹ (QLQ) trong nước lại vẫn chưa xuất hiện.

(ĐTTCO) - Các loại hình quỹ đầu tư (QĐT) thời thượng như quỹ mở trái phiếu (TP), quỹ mở cổ phiếu (CP), quỹ đầu tư chỉ số (ETF) dành cho nhà đầu tư (NĐT) trong nước đều đã có mặt tại TTCK Việt Nam. Nhưng sự khởi sắc của ngành quản lý quỹ (QLQ) trong nước lại vẫn chưa xuất hiện.

 

Chuỗi sản phẩm đầu tư

Vào những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi, Công ty QLQ Bảo Việt (Baoviet Fund) đã công bố việc được UBCKNN cấp phép chào bán chứng chỉ quỹ (CCQ) mở của QĐT TP Bảo Việt (BVBF). “BVBF sẽ mang tới cơ hội đầu tư an toàn, hiệu quả cho các NĐT cá nhân, ít có cơ hội tự mình tiếp cận với các tài sản đầu tư như TPCP, TP doanh nghiệp… đồng thời vẫn đảm bảo nhu cầu thanh khoản cao cho CCQ BVBF.

Hiệu quả là quan trọng, nhưng định hướng đầu tư của quỹ cũng quan trọng không kém. Nghĩa là quỹ lập ra với các tiêu chí như thế nào, năng động, cân bằng… cần đến vài năm để chứng tỏ sự nhất quán trong mục tiêu và khả năng thực hiện, lúc đó mới có thể chinh phục được NĐT. Và với một thị trường và NĐT cá nhân thích tự chơi chứng khoán như Việt Nam, thời gian đó còn có thể kéo dài nhiều hơn, nên việc tốt nhất bây giờ là hãy làm thật tốt và chờ đợi.

Sau quỹ mở BVFED, quỹ thành viên BVIF và nhiều danh mục ủy thác của khách hàng, sự ra đời của BVBF nhằm cung cấp cho khách hàng chuỗi sản phẩm và dịch vụ đầu tư đa dạng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của thị trường” - ông Đậu Minh Lâm, Tổng giám đốc Baoviet Fund, chia sẻ. Nếu như giai đoạn từ nửa cuối 2013 đến nửa đầu 2014 các công ty QLQ lớn phải chạy đua để có bằng được quỹ mở, khoảng thời gian sau đó cho đến hết năm 2015 lại trở nên trầm lắng hơn. Có 2 nguyên nhân chính có thể dùng để lý giải điều này.

Thứ nhất, sức hút từ quỹ mở và các quỹ ETF dành cho NĐT trong nước vẫn chưa thực sự lớn. Thứ hai, sau giai đoạn “lấy tiếng”, các công ty QLQ buộc phải phát triển theo chiều sâu và dường như mục tiêu phải có chuỗi sản phẩm đầu tư đang được nhắm đến. Một điều dễ thấy là các công ty QLQ trong nước có tiếng như VinaWealth, VFM, Baoviet Fund… đều có từ 2 (tức số nhiều) quỹ mở trở lên và các loại hình cũng khác nhau. Công ty QLQ càng có nhiều quỹ càng có cơ hội thu hút NĐT và ngược lại cũng có thể giữ chân được những khách hàng có sẵn một cách thuận lợi hơn. Nhiều quỹ cũng giúp công ty QLQ gia tăng số lượng tài sản để từ đó đầu tư thuận lợi hơn. Chưa kể, tài sản tăng sẽ dẫn đến thu nhập của đội ngũ nhân sự, tính trên giá trị tài sản, được củng cố và nhờ đó lại có khả năng tuyển dụng thêm các nhân sự chất lượng. Nói đến đây sẽ thấy rằng hướng đi của các công ty QLQ trong thời gian qua dù trầm lắng, thậm chí nếu không quan sát kỹ có thể cho là manh mún, nhưng lại tương đối rõ ràng. Từ chỗ chỉ cần thành lập quỹ (2013-2014), chuyển sang phải có nhiều quỹ để tạo thành một “hệ sinh thái” cho riêng mình (2014-2015). Vậy bước tiếp theo sẽ là gì?

Làm thật tốt và chờ đợi

ĐTTC đã có một cuộc thăm dò với lãnh đạo một số công ty QLQ trong nước, hầu hết ý kiến đều cho rằng vì nhiều lý do khác nhau nên rất khó để kỳ vọng một sự nhảy vọt chỉ trong ngắn hạn. Thống kê sơ bộ về hoạt động của một số quỹ mở trong năm 2015 sẽ thấy suất sinh lời là tương đối tích cực. Nói như lãnh đạo của một công ty QLQ lớn, 2015 không phải là 1 năm tệ với ngành quỹ, nhưng dường như thị hiếu và quan điểm của NĐT vẫn chưa thay đổi. Thí dụ, quỹ mở ENF của Eastspring Investments Vietnam thành lập vào đầu quý II-2014 khi VN Index xấp xỉ 600 điểm, cho đến thời điểm này (VN Index đạt 550 điểm, giảm gần 10%) đã đạt suất sinh lời khoảng 18%. Nghĩa là ENF đã chiến thắng thị trường chung khá tốt. Vấn đề nằm ở chỗ tính đến đầu năm 2016, tổng giá trị tài sản ròng của ENF mới đạt hơn 80 tỷ đồng, chưa đầy 4 triệu USD, trong khi ước tính để một quỹ đầu tư có thể vùng vẫy trên TTCK Việt Nam cũng cần tầm khoảng 10 triệu USD. Rõ ràng là hiệu quả của các quỹ đã được cải thiện tương đối rõ nét, nhưng lại vướng ở một điểm là tiền vẫn chưa vào. Và dường như đó cũng là lý do cho đến thời điểm này dù là một công ty QLQ lớn nhưng Eastspring Investment Vietnam vẫn chỉ đang vận hành quỹ mở ENF mà chưa thành lập quỹ mở tiếp theo.

Trao đổi với ĐTTC, người điều hành một quỹ mở trong nước cho rằng việc Vinawealth chủ trương đại chúng hóa sản phẩm CCQ mở từ cuối năm 2015 cũng là một động thái đáng hoan nghênh. Từ chỗ chỉ bó hẹp việc chào bán CCQ cho các NĐT chứng khoán, công ty QLQ này đã mở rộng đối tượng khách hàng sang những người có nhu cầu đầu tư với tỷ suất sinh lời cao hơn so với gửi tiết kiệm cùng với mức độ an toàn tương đối. Vinawealth đã đẩy mạnh việc kết hợp với các ngân hàng để chào bán CCQ mở giống như các sản phẩm tài chính khác. Baoviet Fund cũng thiết lập hệ thống giao dịch CCQ mở trực tuyến, thay vì phải đến các đại lý là công ty chứng khoán mua/bán CCQ mở, NĐT mua các CCQ của Baoviet Fund có thể thao tác tại nhà.

Thách thức lớn nhất ở đây có lẽ nằm ở khả năng chờ đợi từ cả 2 phía công ty QLQ và các NĐT. NĐT liệu có chấp nhận bỏ tiền vào quỹ để thay vì ngày ngày ngồi canh bảng điện thì chuyển sang theo dõi NAV (giá trị tài sản ròng) hàng tuần hay hàng tháng với niềm tin cao hơn vào đội ngũ QLQ. Điều này chắc chắn sẽ có, nhưng sự gia tăng có lẽ rất chậm chạp. Còn với các công ty QLQ, có lẽ đến thời điểm này chỉ có khoảng chục đơn vị có tiềm lực để theo đuổi mục tiêu thành lập quỹ và quản lý sao cho hiệu quả, đó là điều chắc chắn. Nhưng đầu tư, dù nói là dài hạn, nhưng việc cứ hàng ngày chờ đợi điều mình không dễ kiểm soát là sự thay đổi quan điểm của khách hàng, đôi khi cũng là cực hình với các nhà QLQ. Và cũng cần đặt ngược lại vấn đề, có những công ty QLQ đến giờ vẫn đủ sức thành lập thêm quỹ nhưng không thành lập, phải chăng do thị trường khó hay do họ đã cảm thấy chán nản? Câu hỏi này có lẽ chỉ người trong cuộc mới thực sự hiểu.

Các tin khác