Quy hoạch xi măng: Phải “trảm” thêm nhiều dự án

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng đưa 9 dự án xi măng công suất khoảng 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch. Đây có thể coi là đợt “trảm” mạnh tay nhất đối với các dự án xi măng sau khi quy hoạch ngành này được nhận định là đã “bể”.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng đưa 9 dự án xi măng công suất khoảng 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch. Đây có thể coi là đợt “trảm” mạnh tay nhất đối với các dự án xi măng sau khi quy hoạch ngành này được nhận định là đã “bể”.

Những bài học cay đắng

Từ cuối năm 2009, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới. Và từ thời điểm này trở đi, xi măng Việt Nam luôn trong trạng thái thừa hàng triệu tấn mỗi năm: 2010 thừa 3 triệu tấn, 2012 là 6 triệu tấn và dự đoán đến năm 2020 sẽ lên đến 30 triệu tấn.

Cùng với đó, thị trường bất động sản đột ngột nguội cơn sốt, hàng loạt dự án xây dựng đình trệ, đã khiến ngành xi măng càng thê thảm. Không chỉ đứng trước tình cảnh “ngập lụt” xi măng do đầu tư dàn trải, không theo quy hoạch, mà hậu quả ngành này đã gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Bên cạnh điều chỉnh quy hoạch, giảm nguồn cung ra thị trường, giải pháp trước mắt cho các công ty xi măng là mở rộng thị trường bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu. Thực tế không ai đầu tư nhà máy xi măng để xuất khẩu, tính hiệu quả trực tiếp trên 1 tấn sản phẩm không nhiều, nhưng vấn đề ở đây là giúp tiêu thụ hàng tồn kho lớn, mang lại hiệu quả gián tiếp cho sản xuất, giúp doanh nghiệp xi măng cân đối được dòng tiền trả nợ.

Ông Nguyễn Tử Thanh,
Phó Trưởng Phòng kế hoạch chiến lược, Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam

Với khoản lỗ gần 197 tỷ đồng, dự án Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) đã không có khả năng thanh toán nợ và phải dừng hoạt động từ tháng 3-2012. Ngay tại thời điểm được phê duyệt, đã có nhiều chuyên gia cảnh báo về thảm họa xi măng khi dự án này đóng đô trên vùng đất không có nguồn nguyên liệu chính là mỏ đá.

Hơn thế nữa, dự án được phê duyệt với vốn đầu tư 1.288 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 17%, còn lại đều đi vay, trong đó vay qua bảo lãnh Chính phủ từ Ngân hàng ANZ tới 747,8 tỷ đồng. Hậu quả sau đó không lâu Bộ Tài chính đã phải trả nợ thay 3,5 triệu USD cho ANZ.

Tương tự, dự án xi măng Thái Nguyên của Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) có tổng vốn đầu tư 3.536 tỷ đồng cũng rơi vào bế tắc: Dự án chưa có nguồn thu để trả nợ, công ty mẹ không có khả năng thanh toán các khoản nợ và lãi vay trong năm 2011, nên Quỹ tích lũy trả nợ của Bộ Tài chính phải ứng trả thay 4,25 triệu EUR. Sau hơn 1 năm hoạt động nhà máy lỗ 77 tỷ đồng.

Số tiền trả nợ gốc vay của các đối tác nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh lên tới hơn 120 triệu USD, chưa biết đến bao giờ mới trả được. Theo Bộ Tài chính, trong 3-5 năm tới, Quỹ tích lũy trả nợ dự kiến phải bố trí 30-40 triệu USD/năm để trả nợ thay cho các dự án xi măng này.

TS. Trần Văn Huynh,  Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết: Đây là thời điểm không thể nương tay với nhiều dự án bởi tình cảnh của ngành xi măng thực sự rất cấp bách. Quy hoạch đã bị phá vỡ, dự báo đã sai, mà đã sai phải sửa.

Bởi lẽ nếu không mạnh tay thanh lọc, không hướng các dự án đi vào quy hoạch, không có tầm nhìn dài hạn, thì không chỉ lỗ về tiền bạc mà chúng ta còn thua trắng về tài nguyên, cảnh quan môi trường, những thứ có tiền cũng chưa chắc đã cứu vãn được.

Đặc biệt dự án Nhà máy xi măng Cẩm Phả đang trở thành “cục nợ”, kéo trì trệ kết quả kinh doanh của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

Có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm, nhưng sau 3 năm hoạt động, tính đến hết năm 2012, doanh nghiệp này lỗ lũy kế ước 1.700 tỷ đồng, chưa tính khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng.

Năm 2011, Vinaconex đã phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vào xi măng Cẩm Phả 586,09 tỷ đồng và năm 2012 phải trả nợ thay 488,8 tỷ đồng, ngoài ra tiếp tục phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính 960 tỷ đồng.

Vốn ít không thể “hít” cho thơm

Ngoài 9 dự án xi măng công suất khoảng 2.500 tấn clinker/ngày bị loại ra khỏi quy hoạch (gồm Hà Tiên - Kiên Giang, Trường Sơn - Rô Li, Hợp Sơn, Ngọc Hà, VINAFUJI Lào Cai, Thanh Trường, Sơn Dương, Quang Minh, Cao Bằng), còn có 7 dự án khác là Hệ Dưỡng II, Mỹ Đức, Thanh Sơn, Tân Thắng, Đô Lương, Tân Phú Xuân, Nam Đông sẽ giãn tiến độ đầu tư sang giai đoạn sau năm 2015.

Đây là đợt thanh lọc các dự án xi măng lớn nhất từ trước đến nay trong tình cảnh xi măng đã dư thừa, trong đó còn có hàng loạt nhà máy công suất lớn đang xếp hàng để đưa sản phẩm vào thị trường và hàng loạt nhà máy khác đang nợ nần chồng chất.

Nhà máy xi măng Hà Tiên - Kiên Lương, Kiên Giang.

Nhà máy xi măng Hà Tiên - Kiên Lương, Kiên Giang.

Trên thực tế, Đồng Bành, Cẩm Phả hay Thái Nguyên chỉ là số ít trong rất nhiều dự án xi măng làm ăn thua lỗ. Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2012 có 1/3 tổng số nhà máy xi măng lãi rất ít, 1/3 hòa vốn và 1/3 trong tình trạng lỗ, lỗ nặng nhất là các nhà máy xi măng đang đầu tư và mới đầu tư xong.

Tình trạng thua lỗ kéo dài đã khiến nhiều chủ đầu tư không chờ được đến ngày “hái quả”, phải tìm cách bán tống bán tháo “con cưng” của mình.

Ngoài thương vụ CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) bán 70% cổ phần Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD cho Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia), nhiều dự án khác cũng sang tên đổi chủ, như xi măng Đồng Bành đã được Tập đoàn The Vissai mua đứt, xi măng Đô Lương bán cho Tập đoàn HUD, hoặc Vinaconex bán xi măng Cẩm Phả cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM)…

Theo nhiều chuyên gia, việc dư thừa xi măng, các nhà máy làm ăn thua lỗ, nợ nần dẫn đến nhiều dự án bắt buộc phải “trảm”, là cái giá tất yếu của một quá trình “nhà nhà làm xi măng”, không có sự kiểm soát hiệu quả.

Thời kỳ thị trường bất động sản hấp dẫn, xi măng trở thành hấp lực khó cưỡng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn xí phần, bất chấp tính khả thi và quy hoạch ngành đã được phê duyệt.

Theo Bộ Tài chính, tại các nhà máy xi măng được thành lập sau này, việc huy động vốn vay quá lớn, trong khi vốn chủ sở hữu thiếu, đặc biệt việc nhiều dự án không đảm bảo tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu như quy định, là nguyên nhân lớn khiến các nhà máy xi măng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Ngoài ra, các dự án được phê duyệt không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài... đã đẩy nợ lên cao và khó trả nợ sau khi dự án đi vào hoạt động.

Xem xét tính hiệu quả từng dự án

Mặc dù đã mạnh tay đưa nhiều dự án xi măng ra khỏi quy hoạch nhằm hạn chế lượng xi măng dư thừa từ nay đến năm 2015, nhưng trên thực tế đây chỉ là phương án ngắn hạn, bởi số lượng các dự án xi măng đã và sắp đi vào hoạt động cũng chưa tìm được đầu ra.

Theo thống kê, nhu cầu xi măng nội địa trong 3 năm 2011-2013 giảm 14-15 triệu tấn; đến năm 2015 ước tính 60-65 triệu tấn, dự báo 75-76 triệu tấn. Như vậy, nếu tiếp tục đầu tư theo quy hoạch, đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt tới 94 triệu tấn, thừa khoảng 25 triệu tấn; đến năm 2020 công suất lên tới 129 triệu tấn, thừa hơn 40 triệu tấn.

Ngoài hiệu lực của quy hoạch không được tôn trọng, nguyên nhân dẫn tới thất bại của ngành sản xuất xi măng là do phương án đầu  tư chưa phù hợp và kỳ vọng siêu lợi nhuận. Doanh nghiệp không căn cứ vào nguồn vốn thực tế tự có, trong khi cơ quan thẩm định lại đồng ý với phương án đó, cấp phép cho các phương án xây dựng nhà máy xi măng. Chúng ta đã sai ngay từ đầu, sai từ phương án đầu tư.

TS. Lê Đăng Doanh,
Chuyên gia kinh tế

Theo đề xuất của Hội Vật liệu xây dựng, ngoài 9 dự án đã đưa ra khỏi quy hoạch, hiện có 30 dây chuyền sản xuất xi măng công suất dưới 1.600 tấn/ngày (tổng công suất 11,6 triệu tấn/năm) với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng lớn, năng suất lao động thấp, ô nhiễm môi trường cao cần được xem xét; 9 dự án xi măng lò quay, công suất 2.500 tấn clinker/ngày dự kiến đầu tư giai đoạn 2016-2030, do công nghệ chỉ ở mức trung bình, không phù hợp với sự phát triển của ngành cũng cần được tính toán lại.

Bên cạnh đó, Hội cũng đề nghị cân nhắc một số dự án không có đủ nguồn nguyên liệu đá vôi để sản xuất; nằm trên địa bàn cần bảo vệ cảnh quan, di tích, bảo vệ môi trường sinh thái như dây chuyền 2 xi măng Ninh Bình, Mỹ Đức - Hà Nội, Xuân Thành 2 - Hà Nam...

Hay các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, đã cấp phép nhiều năm vẫn chưa triển khai nên rút giấy phép, như các dự án An Phú, Minh Tâm (Bình Phước), Đô Lương (Nghệ An), Long Thọ 2, Nam Đông (Thừa Thiên -Huế)...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xi măng nên tái cấu trúc theo hướng hình thành tổ hợp sản xuất xi măng lớn, đủ sức cạnh tranh, làm chủ thị trường. Hiện nay, có 46 công ty sản xuất xi măng với nhiều thương hiệu, trong đó nhiều doanh nghiệp không có năng lực quản lý, thiếu vốn, thua lỗ, phá sản và bên bờ vực phá sản.

Mặt khác, xi măng là mặt hàng chiến lược hết sức quan trọng, gắn với tài nguyên không tái tạo, vị trí mỗi nhà máy xi măng gắn với an ninh quốc phòng, vì vậy khi cho chủ trương đầu tư cần cân nhắc lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tài chính, trình độ quản lý, vận hành, tránh tình trạng đầu tư xong không trả được nợ vay, đem bán cho nước ngoài.

Hiện các công ty có vốn nước ngoài chiếm 33% công suất toàn ngành và dự kiến tiếp tục tăng tổng công suất trong những năm tới.

Các tin khác