"Đại dự án" mở rộng QL1A: Khẩn trương triển khai đồng loạt

Từ đầu tuần này, nhiều đoạn, tuyến trong “đại dự án” cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A (QL1A) từ Hà Nội đến Cần Thơ đã được khởi công xây dựng. Để hoàn thành việc mở rộng gần 1.000km tuyến đường này vào cuối năm 2016, nguồn vốn sẽ được huy động bằng 2 phương thức: 640km bằng trái phiếu chính phủ và 347km từ BOT. Đây là dự án lớn, đi qua nhiều địa phương, nhiều cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, tăng mức thu phí đã được áp dụng để thu hút đầu tư.

Từ đầu tuần này, nhiều đoạn, tuyến trong “đại dự án” cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1A (QL1A) từ Hà Nội đến Cần Thơ đã được khởi công xây dựng. Để hoàn thành việc mở rộng gần 1.000km tuyến đường này vào cuối năm 2016, nguồn vốn sẽ được huy động bằng 2 phương thức: 640km bằng trái phiếu chính phủ và 347km từ BOT. Đây là dự án lớn, đi qua nhiều địa phương, nhiều cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, tăng mức thu phí đã được áp dụng để thu hút đầu tư.

Yêu cầu cấp bách

Từ năm 1993, nước ta đã vay vốn ODA nâng cấp, cải tạo QL1A theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng có 2 làn xe từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Sau gần 20 năm khai thác, đến nay QL1A mãn tải (hết công suất khai thác và trở nên quá tải) nên giải pháp mở rộng, cải tạo QL1A là cần thiết khi chưa đủ sức đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG chỉ đạo tại tại lễ khởi công mở rộng QL1A đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát ngày 26-3-2013:

Các bộ, ngành hữu quan, các địa phương có QL1A đi qua phải tập trung thực hiện chủ trương của Trung ương về mở rộng QL1A, trước hết là công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để có thể đẩy mạnh hơn nữa việc huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Theo ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), trên toàn tuyến QL1A hiện nay đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ có lưu lượng lớn nhất trên toàn tuyến, với chiều dài 1.887km, đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh 554km (mở rộng 390km, có tuyến tránh 164km), đang mở rộng 73km, chưa mở rộng khoảng 1.260km.

Hiện một số đoạn trên tuyến QL1A đã quá tải, đặc biệt các đoạn Hà Nam - Ninh Bình - Thanh Hóa - Hà Tĩnh và một số đoạn qua đô thị lớn; một số đoạn sẽ tiếp tục quá tải trong thời gian tới như Cần Thơ - Phụng Hiệp, Đồng Nai - Phan Thiết. Tình hình tai nạn giao thông trên QL1A diễn ra ngày càng phức tạp.

Là tuyến đường huyết mạch của đất nước, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh có QL1A đi qua nói riêng và cả nước nói chung, việc đầu tư nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ này là hết sức cần thiết và cấp bách.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về chủ trương đầu tư mở rộng QL1A, yêu cầu Bộ GT-VT tập trung chỉ đạo thực hiện để sớm hoàn thành toàn tuyến gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy từ Hà Nội đến Cần Thơ vào cuối năm 2016.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT chia thành các giai đoạn, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý theo nhu cầu cấp thiết và khả năng huy động vốn để lập dự án đầu tư theo hình thức BOT có sự tham gia vốn của Nhà nước. Đặc biệt, Bộ GT-VT được phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu và các cơ chế khác để đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án.

TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho biết: “Việc mở rộng QL1A thành 4 làn ô tô, 2 làn xe máy từ Hà Nội đến Cần Thơ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết.

Riêng hệ thống đường cao tốc nhằm phục vụ các phương tiện một cách nhanh nhất gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, thì bên cạnh đường cao tốc luôn có các trục đường bộ quốc gia song hành.

QL1A có chức năng liên kết các đô thị lớn nên đương nhiên đóng vai trò trục đường song hành của đường cao tốc Bắc - Nam, đòi hỏi phải có mặt cắt ngang theo đề án mở rộng như Chính phủ yêu cầu.

Việc hình thành 2 làn xe máy và xe thô sơ 2 bên có tác dụng trong việc tách các dòng xe 4 bánh và 2 bánh pha trộn hỗn hợp như hiện nay. Vì vậy, dự án hoàn thành nhất định sẽ có tác dụng giảm thiểu rõ rệt tai nạn giao thông”.

Băn khoăn bài toán vốn

Đối với các dự án hạ tầng giao thông, bao giờ vốn cũng là bài toán nan giải. Do điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, phương án mở rộng QL1A được Bộ GT-VT đề xuất và được Chính phủ chấp thuận chỉ đầu tư mở rộng đối với các đoạn chưa triển khai xây dựng đường cao tốc song hành và các đoạn chưa có tuyến tránh; các đoạn còn lại chỉ xem xét nâng cấp mặt đường với quy mô hiện hữu.

Theo tính toán của Bộ GT-VT, hiện nay có khoảng 986km trên tuyến QL1A từ Hà Nội đến Cần Thơ cần đầu tư nâng cấp mở rộng, trong đó có khoảng 640km dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, 347km dự kiến đầu tư theo hình thức BOT.

Nâng cấp QL1A rộng hơn có thể tách dòng xe 2 và 4 bánh ra riêng, hạn chế tai nạn giao thông. Ảnh: LONG THANH

Nâng cấp QL1A rộng hơn có thể tách dòng xe 2 và 4 bánh ra riêng,
hạn chế tai nạn giao thông. Ảnh: LONG THANH

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hiện nay là 89.362 tỷ đồng, trong đó nhu cầu kêu gọi vốn tư nhân để thực hiện các dự án BOT là 34.509 tỷ đồng. Hiện nay, đối với các đoạn dự kiến thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân, Bộ GT-VT đang tạm chia các dự án trên tuyến QL1A thành 18 đoạn tương ứng và dự kiến chủ trương giao các nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện.

Đối với các dự án BOT, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, đầu năm 2013 Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thỏa thuận với Bộ GT-VT cam kết thu xếp nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trong đó gồm 1 gói tín dụng 20.000 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án BOT; huy động từ đầu tư trái phiếu với giá trị 5.000 tỷ đồng cho chương trình trái phiếu dự kiến do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phát hành; 1 gói dự phòng khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn của Nhà nước, theo tính toán của Vụ Tài chính (Bộ GT-VT), để thực hiện dự án mở rộng QL1A cần phát hành 47.843 tỷ đồng trái phiếu công trình. Trong đó, để mở rộng đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh (dài 131km) có nhu cầu vốn trái phiếu 6.343 tỷ đồng; đoạn Hà Tĩnh - Cần Thơ (dài 768km) 41.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GT-VT, cho biết ngay trong năm 2013 dự kiến sẽ phát hành khoảng 14.951 tỷ đồng trái phiếu, sang năm 2014 khoảng 16.656 tỷ đồng. Đến năm 2015, kế hoạch phát hành 13.422 tỷ đồng, năm 2016 là 9.153 tỷ đồng và đến 2017 là 3.661 tỷ đồng.

Bộ GT-VT đề nghị Chính phủ giao cho VDB đứng ra phát hành toàn bộ trái phiếu này trên phạm vi toàn quốc thay vì Bộ Tài chính. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để huy động nguồn vốn lớn như trên trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ dàng. Nếu không tính toán kỹ, khi đi vào triển khai bị thiếu vốn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

TS. Nguyễn Ngọc Long nhận định, mặc dù có ưu thế không phải trình Quốc hội thông qua để bổ sung vào danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, nhưng việc neo toàn bộ phương án phát hành trái phiếu công trình vào khả năng hấp thụ vốn khá yếu của thị trường tài chính hiện nay là một rủi ro lớn.

Địa phương cùng vào cuộc

Lâu nay, vướng mắc về giải phóng mặt bằng vẫn là nỗi ám ảnh của các dự án hạ tầng giao thông. Mở rộng QL1A là dự án lớn nhưng thời gian thực hiện ngắn, nên việc thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Một trong những cơ chế đặc thù của dự án được Thủ tướng chấp thuận là chủ tịch các địa phương có dự án đi qua sẽ chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở đền bù, hỗ trợ di dời dân theo chính sách hiện nay, các tỉnh sẽ có cơ chế đặc thù để thực hiện nhanh việc di dời.

Chủ trương của Bộ GT-VT là khẩn trương lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án BOT để đến hết tháng 5-2013 sẽ khởi công đồng loạt trên toàn tuyến. Đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, Bộ GT-VT đang thẩm định dự án đầu tư và dự thảo quyết định phê duyệt. Sau khi đề án phát hành trái phiếu công trình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bộ sẽ phê duyệt ngay để triển khai.

Ông TRƯƠNG TẤN VIÊN, Thứ trưởng Bộ GT-VT

Theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng, bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư khi đủ điều kiện khởi công công trình, phải chỉ đạo thi công trong thời gian ngắn nhất và chất lượng tốt nhất để có thể hoàn thành toàn tuyến vào năm 2016 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng các dự án đòi hỏi tiến hành rất quyết liệt, khẩn trương; mặt bằng bàn giao phải liên tục tối thiểu khoảng 10km để đủ cho một dây chuyền thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Để làm được điều này, chính quyền địa phương của 19 địa phương có tuyến QL1A đi qua phải quyết liệt cùng vào cuộc với Bộ GT-VT để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu triển khai đồng bộ. Tại lễ khởi công các đoạn tuyến qua các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam tổ chức đầu tuần này, các địa phương đều ký cam kết về công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.

Ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết kinh nghiệm của địa phương là cần công khai, minh bạch trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ông lấy thí dụ tại 35,1km mà dự án BOT QL1A đoạn cầu Bến Thủy, Hà Tĩnh đang triển khai từ tháng 11-2012, đến nay đã bàn giao được 80% mặt bằng và đến ngày 30-4 tới tỉnh sẽ bàn giao nốt 20% mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án.

Sau khi tuyên truyền vận động, công khai minh bạch công tác đền bù giải phóng mặt bằng cũng như của dự án, nhiều người dân khi chưa nhận tiền đền bù vẫn cho ban đền bù giải phóng mặt bằng vào kiểm tra, thậm chí thi công và ra Tết Nguyên đán vừa rồi mới nhận tiền đền bù.

Tại cuộc họp với các địa phương mới đây, Thứ trưởng Bộ GT-VT Trương Tấn Viên cho rằng đối với các dự án BOT đã có nguồn vốn,  đặc biệt là các đoạn đã dùng vốn ngân sách nhà nước để đền bù giải phóng mặt bằng, nghiên cứu dự án cần phải khẩn trương làm báo cáo Thủ tướng; đồng thời lựa chọn các tư vấn có đầy đủ năng lực tham gia thiết kế, giám sát.

Đối với các địa phương, ông Viên đề nghị cần tăng cường giám sát đối với các nhà thầu, cùng vào cuộc với Bộ GT-VT đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của dự án.

Các tin khác