Quản lý thị trường vàng: Cung cầu lạc nhịp

Những hy vọng về giá vàng và quản lý thị trường vàng sau mốc ngày 30-6 đã qua, song kỳ vọng của thị trường rồi cũng dần trở nên vô vọng. Những phát sinh mới cùng những biến tướng mới đã xuất hiện, những giải pháp thì nhiều nhưng liệu đâu là giải pháp tối ưu cũng đang được bàn.Phải chăng thị trường vàng đang rối.

Những hy vọng về giá vàng và quản lý thị trường vàng sau mốc ngày 30-6 đã qua, song kỳ vọng của thị trường rồi cũng dần trở nên vô vọng. Những phát sinh mới cùng những biến tướng mới đã xuất hiện, những giải pháp thì nhiều nhưng liệu đâu là giải pháp tối ưu cũng đang được bàn.Phải chăng thị trường vàng đang rối.

Nguồn lợi cho ngân sách

Khởi đầu cho việc quản lý thị trường vàng bằng Thông tư 22/2010 của NHNN ban hành ngày 29-10-2010 có quy định trong Điều 3: “Tổ chức tín dụng (TCTD) không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành VNĐ” kể từ ngày có hiệu lực.

Đối với vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Quyết định 432/2000 chấm dứt ngày 30-6-2011. Tuy nhiên, đến ngày 29-4-2011 NHNN đã ban hành Thông tư 11/2011/TT-NHNN chuyển sang ngày 1-5-2012.

Tiếp theo đó, Thông tư 12/2012/TT-NHNN ban hành ngày 27-4-2012 đã chuyển sang ngày 25-11-2012. Ngày 26-10-2012, NHNN đã có Văn bản 7019/NHNN-QLNH, yêu cầu các TCTD còn số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng thực hiện một số nội dung để chấm dứt huy động vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN, thời gian không vượt quá ngày 30-6-2013.

5 tháng đầu năm 2013, lượng tiền VNĐ huy động của các TCTD tăng 7,55% (chủ yếu khu vực dân cư tăng 11,5%) tương đương khoảng 200 ngàn tỷ đồng bất chấp xu hướng giảm lãi suất, trong khi đó tín dụng chỉ tăng 2,98%, tương đương khoảng 70 ngàn tỷ đồng so với đầu năm. Dòng tiền này có thể đảo chiều khỏi hệ thống khi có những cơ hội đầu tư trên thị trường tài chính, nhất là vàng và ngoại tệ.

Như vậy, cứ đến những cái mốc quan trọng thị trường vàng có những biến động lớn, chênh lệch giá vàng ngày lập nên kỷ lục mới, mới đây trên 7 triệu đồng/lượng. Sau 4 lần di dời, cái mốc cuối cùng cũng thực hiện nhưng rồi giá vàng vẫn lập kỷ lục chênh lệch mới.

Một số đánh giá ban đầu cho rằng nhiều khách hàng vay vốn bằng vàng tại các TCTD có thời hạn dài chưa chịu tất toán hợp đồng vay hoặc thực hiện việc chuyển đổi hợp đồng vay sang VNĐ. Theo tôi, lý do này không phải chính yếu vì người đi vay phải chấp nhận rủi ro chính sách và các TCTD phải thực thi chính sách của Nhà nước mà các thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đều có đề cập. Vậy nguyên nhân chính của vấn đề này là gì?

Những tranh luận trên nghị trường Quốc hội, giữa các chuyên gia và nhà quản lý rồi cũng lắng dịu khi đề cập đến việc bán vàng thông qua đấu thầu của NHNN mang lại nguồn thu cho ngân sách. Với lập luận “mang lại nguồn thu cho ngân sách” thì những ý chí trong nghị quyết của Quốc hội hay trong quy định của Nghị định 24 về việc thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới rồi cũng qua đi.

Phải chăng để mang về nguồn thu cho ngân sách nên giá vàng buộc phải chênh lệch so với giá thế giới? Bài viết xin tạm tính 2 kịch bản sau đây để minh chứng hoạt động đấu thầu vàng đã mang lại nguồn thu cho ngân sách thế nào.

Một khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng cao sẽ không tránh khỏi sự biến tướng của vàng.Ảnh: LONG THANH

Một khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng cao
sẽ không tránh khỏi sự biến tướng của vàng.Ảnh: LONG THANH

Thứ nhất, đến nay qua 41 phiên đấu thầu vàng của NHNN với tổng cộng 1.116.900 lượng, tương đương 42,2 tấn. Ở đây, chúng ta không nên quan tâm đến vàng từ đâu ra để bán, có thể từ dự trữ sẵn có hoặc mua nước ngoài về bán. Nếu NHNN mang lượng vàng này bán ra thế giới để thu về ngoại tệ thì giá trung bình chỉ khoảng 35 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, với việc đấu thầu vàng trong nước, NHNN bán ra giá trung bình khoảng 40 triệu đồng/lượng. Hoạt động này đã mang về cho ngân sách trên 5.000 tỷ đồng. Chúng ta không nên tranh luận đến vấn đề bán vàng của NHNN bởi các ngân hàng trung ương trên thế giới đều làm điều bình thường này, tuy nhiên họ bán thông qua sàn vàng chứ không đấu giá như cách của NHNN.

Thứ hai, một số lo ngại khác về hoạt động bán vàng của NHNN sẽ hút một lượng tiền về trong khi nền kinh tế đang cần tiền. Vấn đề này cũng không đáng quan ngại, bởi lượng tiền thu về với 42,2 tấn vàng, trị giá trên 45.000 tỷ đồng sẽ được NHNN chuyển đổi sang USD.

Việc chuyển thành USD có thể thực hiện bằng cách mua USD trong nền kinh tế thay vì nhận từ nước ngoài qua bán vàng. Báo cáo của NHNN ngày 23-4-2013 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có đề cập đến việc mua vào 3,18 tỷ USD trong quý I-2013, gấp 3 lần so với cùng kỳ và đưa dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vượt mức tối thiểu 12 tuần nhập khẩu.

Nhìn từ số liệu tính toán trên, việc bán vàng trong nước giá cao hơn giá thế giới đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Nếu nguồn vàng của NHNN còn dồi dào thì hoạt động đấu thầu sẽ gia tăng nguồn thu cho ngân sách, bù đắp được tình trạng nguồn thu của Bộ Tài chính giảm khi 5 tháng nguồn thu chỉ bằng 36% kế hoạch năm 2013. Với cơ chế này, vàng trong nước tất yếu sẽ phải cao hơn giá thế giới khi nào còn hoạt động đấu thầu.

Bất ổn dòng tiền từ cầu vàng

Trước ngày 30-6-2013, nhiều đánh giá cho rằng sau khi tất toán trạng thái vàng của NHTM nhu cầu vàng sẽ giảm xuống và hy vọng giá giảm. Tuy nhiên, sau ngày này, 4 phiên đấu thầu vàng của NHNN lên đến 160.000 lượng đã tiêu thụ, nhất là giá vàng trong nước thu hẹp chênh lệch với giá thế giới thì lực cầu gia tăng rất mạnh.

Từ đây, câu hỏi đặt ra cầu vàng trong dân lớn đến đâu? Thú thật, chẳng có thể ai đo lường được điều này, nhưng chúng ta có thể thấy những bất thường trên thị trường tiền tệ để đo lường lực cầu này.

Hiện tại, NHNN tạm thời không thực hiện đề án huy động vàng trong dân, cấm các NHTM nhận giữ hộ vàng đã đưa đến những người mua vàng chỉ có thể thực hiện việc cất trữ. Nếu việc nhận giữ hộ vàng NHNN không thực hiện quyết tâm thì những biến tướng sẽ hình thành.

Hiện tại, một số công ty kinh doanh vàng đã bắt đầu thực hiện việc nhận giữ hộ thay cho ngân hàng. Hoạt động này không sớm quản lý sẽ có những hệ lụy xấu cho cả người gửi, tổ chức nhận giữ hộ và cả xã hội mà trong phạm vi bài viết chúng tôi không đề cập đến. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là lý do gì người mua vàng gửi vàng giữ hộ?

Nếu nói thói quen của người dân Việt Nam cất trữ vàng thì việc giữ hộ nghe qua chưa thuyết phục. Đằng sau hoạt động nhận giữ hộ sẽ hình thành nên nghiệp vụ cho vay cầm cố tài sản của hệ thống ngân hàng.

Không chỉ những công ty kinh doanh vàng, những công ty khác cũng có thể nhận vốn từ hệ thống NHTM để đầu tư vào vàng khi dự thảo ủy thác đầu tư lấy ý kiến vào tháng 10-2012 đến nay chưa được ban hành. Dự thảo có quy định cấm hình thức ủy thác vốn để đầu tư vàng, ngoại tệ và các hình thức khác trừ trái phiếu chính phủ. Điều này muốn đề cập đến thực trạng của hoạt động này đã và đang tồn tại và mức vốn ủy thác sẽ tùy thời điểm biến động giá vàng.

Thử hình dung, một “người dân” có tiền mua 100 lượng vàng thay vì đem về nhà cất trữ, thì người này thực hiện qua nghiệp vụ nhận giữ hộ vàng của ngân hàng hay ngày nay là công ty kinh doanh vàng. Người gửi vàng sẽ nhận được giấy chứng nhận lượng vàng giữ hộ này và có thể chứng minh tài sản hiện có để đảm bảo cho khoản vay ở NHTM.

Nhiều NHTM cho vay thế chấp bằng tài sản vàng (giấy chứng nhận vàng giữ hộ) lãi suất rất thấp, người vay có thể dùng tiền vay này để mua tiếp vàng. Cứ như vậy, lực cầu này sẽ tăng gấp bội và “người dân” này có phải mua vàng để cất trữ hay là họ đang thực hiện việc đầu cơ vào giá vàng?

Nếu xem đây là hoạt động đầu cơ thì NHNN cần quyết tâm trong việc tẩy chay nhận giữ hộ vàng này là đúng. Có như vậy, cầu vàng trong dân mới có thể giảm áp lực thì những hy vọng trong ý chí và mong muốn của người dân mới thành hiện thực.

Nhưng kể từ khi Nghị định 24/2012 ra đời, hàng loạt NHTM đăng ký trở thành TCTD được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng ngoài những công ty kinh doanh vàng đạt điều kiện. Hoạt động này đã đẩy NHNN ban hành Thông tư 38/2012 quy định về trạng thái vàng của các TCTD không vượt quá 2% vốn tự có của TCTD đó. Hiện có trên 22 NHTM được phép kinh doanh vàng miếng.

Nếu tính vốn tự có trung bình của 1 ngân hàng ở mức 5.000 tỷ đồng, số vốn có thể dùng để mua vàng có thể lên đến 2.200 tỷ đồng. Số tiền này không phải là lớn để tác động lên cầu về vàng. Vậy khoảng 16 công ty kinh doanh vàng thì sao?

Theo quy định tại Nghị định 24/2012, đối tượng công ty kinh doanh vàng phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng. Nếu chỉ tính trên hoạt động của các tổ chức này bằng vốn điều lệ thì khả năng vốn bằng tiền để mua vàng không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, các công ty kinh doanh vàng có khả năng huy động vốn từ việc vay nợ để đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.

Họ có thể vay vốn ở các TCTD và trong nền kinh tế theo các quy định Luật Doanh nghiệp cho phép. Hoạt động vay vốn của các công ty kinh doanh vàng ở NHTM không bị một rào cản nào như những lĩnh vực chứng khoán hay bất động sản, từ dư nợ cho đến rủi ro. Đây là nguồn tiền không thể đo lường được tác động mạnh lên lực cầu vàng trong nền kinh tế.

Điều đáng nói, nhiều công ty kinh doanh vàng đều có mối quan hệ “thân hữu” với ngân hàng nên điều kiện vay vốn sẽ tốt hơn các doanh nghiệp khác. Như vậy, hiện cầu vàng của các đối tượng này trong hệ thống đang rất lớn và có thể làm biến dạng thị trường. Nếu NHNN không sớm có những giải pháp điều chỉnh và quản lý, chênh lệch giá vàng luôn tồn tại trong nền kinh tế và thậm chí chênh lệch sẽ tạo nên những kỷ lục mới.

Các tin khác