Quản lý thị trường vàng - Cần giải pháp ngắn và dài hạn

Trước diễn biến tăng cao liên tục của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát đi thông điệp về bình ổn thị trường vàng và thị trường ngoại hối: Ngoài việc cho nhập khẩu vàng để giá vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới, sẽ có nhiều giải pháp quản lý dài hơi được triển khai trong thời gian tới. Việc quản lý thị trường vàng đã được bàn thảo từ lâu và có nhiều ý kiến khác nhau. Đâu là biện pháp khả thi, hiệu quả?

Trước diễn biến tăng cao liên tục của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phát đi thông điệp về bình ổn thị trường vàng và thị trường ngoại hối: Ngoài việc cho nhập khẩu vàng để giá vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới, sẽ có nhiều giải pháp quản lý dài hơi được triển khai trong thời gian tới. Việc quản lý thị trường vàng đã được bàn thảo từ lâu và có nhiều ý kiến khác nhau. Đâu là biện pháp khả thi, hiệu quả?

> Thấp thỏm với sóng vàng

> Lo vàng đổ sang USD

Liên thông thị trường

Sẽ có nhiều giải pháp dài hơi để quản lý thị trường vàng thời gian tới. Ảnh: L.Anh

Sẽ có nhiều giải pháp dài hơi để quản lý
thị trường vàng thời gian tới. Ảnh: L.Anh

Vấn đề lớn dẫn tới sự điên loạn của thị trường vàng những ngày qua do giá vàng trong nước luôn có sự cách biệt với giá vàng thế giới. Từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, do nhu cầu vàng luôn ở mức thấp, tốc độ tăng của giá vàng trong nước chậm hơn giá thế giới, có thời điểm giá trong nước thấp hơn thế giới 700.000-800.000 đồng/lượng.

Hiện tượng này là do chính sách tiền tệ chặt chẽ, lãi suất bị đẩy lên cao, tạo ra sức hấp dẫn trong việc nắm giữ VNĐ, đã khuyến khích người dân bán vàng lấy tiền gửi tiết kiệm. Sự chênh lệch giá vàng trên đã dẫn đến tình trạng xuất khẩu vàng biến tướng dưới dạng vàng trang sức, mỹ nghệ. Chỉ trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu vàng và đá quý đã lên đến 1,1 tỷ USD.

Thế nhưng, chính “thành tích” này đã làm đảo chiều giá vàng trong nước kể từ đầu tháng 8 tới nay. Do giá vàng thế giới tăng đột biến, nguồn cung vàng trong nước khan hiếm do đã xuất khẩu quá lớn, giá vàng trong nước không những đuổi kịp mà còn vượt xa giá thế giới, có thời điểm cao hơn 2 triệu đồng/lượng.

Hiện tượng này được lý giải do có tình trạng đầu cơ, làm giá để trục lợi. Giá vàng tăng quá cao khiến nhiều người dân lo ngại, kéo đến các cửa hàng xếp hàng để mua vàng ở thời điểm giá đang “nóng”, tạo tâm lý không tin tưởng vào chính sách và giá trị nội tệ.

Từ diễn biến trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết nhiệm vụ trước mắt là điều hành làm sao để giá trong nước hài hòa với thế giới ở mức độ cho phép; cần bình ổn giá vàng tránh đầu cơ, giữ giá trong nước cao hơn thế giới không quá 400.000 đồng/lượng là phù hợp.

Cần có thời gian mới có thể đánh giá được hiệu quả các giải pháp NHNN đưa ra. Nhưng cần khẳng định rằng sự mất liên thông hoặc sự lệch pha méo mó giữa giá vàng trong nước và thế giới không nhất thiết xuất phát từ chính sách quota/thuế suất, mà do giá thế giới và nhiều yếu tố bên ngoài tác động. Tuy nhiên, muốn có sự liên thông giá cần phải bám sát diễn biến thị trường và cấp quota linh hoạt, tiến tới mục tiêu dài hạn là tháo dỡ cơ chế cấp quota và các quy định hành chính không phù hợp để thị trường vận hành theo xu hướng hội nhập kinh tế thế giới.

Th.S TRẦN TRỌNG QUỐC KHANH,
Giám đốc Trung tâm Vàng ACB

Do Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng nên giải pháp trước mắt vẫn là cho nhập khẩu vàng. NHNN sẽ có cơ chế phù hợp để các tổ chức tín dụng “có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước” can thiệp bình ổn thị trường.

Trước đó, NHNN đã giao nhiệm vụ cho Công ty SJC - doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn - bán vàng ra để bình ổn giá. Trong ngày 23-8, khi giá vàng trên thị trường trong nước vượt mốc 49 triệu đồng/lượng, SJC đã bán vàng bình ổn với mức giá thấp hơn 100.000-200.000 đồng/lượng.

Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá thế giới. NHNN dự báo cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 -4,5 tỷ USD.

Thời gian qua, NHNN đã mua được khoảng 6 tỷ USD nên dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng đáng kể, mà theo lời ông Bình là “dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống”.

NHNN giữ vàng cho dân?

NHNN đang nghiên cứu đề án phát huy tối đa số vàng đang nằm trong dân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Theo thống kê của NHNN, lượng vàng trong nền kinh tế hiện khoảng 300-500 tấn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đặt vấn đề: “Tại sao không để NHNN thay mặt Nhà nước huy động số vàng đó?

Dân sẽ có chỗ gửi vàng an toàn mà Nhà nước lại tận dụng được để tăng dự trữ ngoại hối, khi cần có thể chuyển đổi ra đồng vốn kinh doanh hoặc can thiệp thị trường”. Theo đề án đang nghiên cứu, dự kiến NHNN sẽ huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lý là các tổ chức tín dụng.

Có ý kiến cho rằng NHNN nên cho phép các NHTM tiếp tục được huy động vốn bằng vàng. Ảnh: LÃ ANH

Có ý kiến cho rằng NHNN nên cho phép các NHTM tiếp tục được huy động vốn bằng vàng. Ảnh: LÃ ANH

Theo tính toán nếu làm theo cách này, lượng vàng NHNN có thể huy động trong dân ít nhất cũng tương đương số vàng mà dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, trên dưới 130 tấn.

Và khi NHNN huy động vàng dự trữ trong dân, sẽ đạt ít nhất 4 mục tiêu: bổ sung vàng trong dự trữ quốc gia để tăng vị thế và sức mạnh can thiệp của NHNN; duy trì được số vàng dự trữ trong nước, không giảm vì xuất khẩu; tạo niềm tin cho dân khi NHNN sẵn sàng điều tiết hỗ trợ thị trường; thúc đẩy sự canh tranh bình đẳng về giá để bảo vệ quyền lợi người dân.

Về giải pháp trên của NHNN, theo nhiều chuyên gia, có thể NHNN sẽ thực hiện nghiệp vụ swap, làm giao dịch mua vàng giao ngay và bán vàng kỳ hạn với các ngân hàng thương mại (NHTM) để can thiệp và bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng là “con dao hai lưỡi” đòi hỏi NHNN phải dự báo, phân tích được xu hướng của giá vàng nếu không sẽ gặp rủi ro khi giá vàng thế giới biến động.

Ngoài ra, trong các giải pháp quản lý thị trường vàng, NHNN nên cho phép các NHTM mở lại tài khoản giao dịch vàng trên thế giới và tiếp tục được huy động vốn bằng vàng.

Theo đó, tùy xu hướng biến động giá vàng trong và ngoài nước cũng như động thái mua vào hay bán ra của người dân, các NHTM có thể mở trạng thái vàng dương hay âm để cân bằng. Điều này là cần thiết vì giá vàng biến động từng giờ từng phút, trong khi hoạt động nhập khẩu nếu có phải mất ít nhất 2-3 ngày.

Chẳng hạn, khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, NHNN có thể xem xét cho phép các NHTM mua vàng tài khoản nước ngoài để bảo hiểm rủi ro giá và bán vàng vật chất cho dân theo sát giá thế giới quy đổi. Trạng thái vàng lúc này là âm vàng vật chất, dương vàng tài khoản. Điều này sẽ giúp bình ổn thị trường vàng mà không thiệt hại quá lớn do biến động giá vàng.

Kỳ vọng nghị định quản lý vàng

Những giải pháp trước mắt và dài hạn đối với thị trường vàng mà NHNN công bố về cơ bản khá trọn gói. Tuy nhiên, do đặc thù về tập quán và bản chất nội tại nền kinh tế, Việt Nam chịu tác động nặng nề hơn khi bão giá vàng trên thế giới xảy ra. Với giải pháp hiện tại nếu giá vàng thế giới giảm, NHNN có thể dễ dàng xử lý được chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước. Nhưng nếu giá vàng thế giới vẫn tiếp tục đi lên, thậm chí phá mốc 2.000 USD/ounce thì đây sẽ là một bài toán khó.

Ông PHAN THANH HẢI,
Trưởng phòng nguồn vốn GiaDinhBank

Khi thị trường trong nước rơi vào cơn điên loạn về giá, đã có nhiều ý kiến thắc mắc về sự chậm trễ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Chính phủ giao cho NHNN soạn thảo trong Nghị quyết 11.

Một số chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là hành lang pháp lý mang tính nền tảng để thị trường vàng trong nước được quản lý chặt chẽ, tránh được các cơn sốt nóng, lạnh và tận dụng được nguồn lực vàng trong dân một cách hiệu quả.

Lãnh đạo NHNN cho biết đã hoàn thành dự thảo nghị định này và sẽ trình lên Chính phủ trong tháng 9-2011. Tuy nhiên, các chuyên gia đã tỏ ra thận trọng, cho rằng văn bản này khó có thể giải quyết hết các vấn đề về quản lý thị trường vàng. Bởi nó chỉ tạo ra khuôn khổ pháp lý, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và việc kinh doanh vàng, còn hiệu quả quản lý phải chờ thời gian kiểm nghiệm.

Theo dự thảo này, NHNN sẽ là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng nhưng sẽ rất hạn chế.

Về lưu thông vàng miếng, NHNN chỉ cho phép một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý hoạt động mua bán này.

Về xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.

“Với định hướng như vậy, NHNN đã tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đây là các yếu tố đảm bảo cho NHNN can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống hoạt động đầu cơ lũng đoạn giá vàng, đảm bảo được các mục tiêu của Nghị quyết 11” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Các tin khác