Phục chế sách cũ

Nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TPHCM), ông Võ Văn Rạng vẫn còn gắn bó với cái nghề nhiều người nghĩ máy móc đã thay thế từ lâu, đó là nghề đóng sách cũ. Ông là người thợ đóng sách hiếm hoi còn sót lại.

Nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng (quận 3, TPHCM), ông Võ Văn Rạng vẫn còn gắn bó với cái nghề nhiều người nghĩ máy móc đã thay thế từ lâu, đó là nghề đóng sách cũ. Ông là người thợ đóng sách hiếm hoi còn sót lại.

Vượt qua nghịch cảnh

Trong không khí tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới, chúng tôi ghé nhà ông. Cuối năm, người đến tiệm ông chủ yếu là khách quen, lớn tuổi nên chúng tôi có dịp được ông ngồi trò chuyện về cuộc đời, về nghề đóng sách thủ công đã đeo đuổi trên 30 năm của mình.

Sinh ra trong một gia đình công chức nghèo có 11 anh chị em nên tuổi thơ của ông Rạng khá vất vả. Đặc biệt, cơn sốt bại liệt năm lên 3 khiến đôi chân ông không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khó khăn vẫn không thể ngăn cản tinh thần hiếu học của cậu bé Rạng. Năm 1978, Võ Văn Rạng học hết lớp 12 Trường Lasan Đức Minh rồi nộp đơn dự thi Trường đại học Sư phạm TPHCM. Nhưng do sức khỏe yếu ông không theo ghế giảng đường sư phạm mà theo học nghề đóng sách tại nhà bà Hai Công Lý (một người làm nghề đóng sách từ trước giải phóng).

Ông học nghề rồi làm thuê một vài nơi. Sau đó, kinh tế phát triển, các nhà sách lớn ra đời, những xí ghiệp in nâng cấp máy móc và đội ngũ đóng sách chuyên nghiệp nên tổ hợp đóng sách nơi ông làm giải thể. Ông về nhà mở tiệm đóng sách cho đến nay. Thập niên 90, sách mới xuất bản còn ít nên sách cũ được người đọc hết sức trân trọng, gìn giữ.

Điều này giúp ông Rạng tồn tại được với nghề. Ông được nhiều người tin tưởng giao đóng những cuốn sách cổ, sách quý họ sưu tầm được. Có những cuốn từ điển hàng trăm năm tuổi, giấy đã mục, có những tác phẩm văn học từ những năm 1970 với đầy đủ lời đề tựa và chữ ký của tác giả. Tiền công đóng sách không cao, nhưng theo ông Rạng có nhiều điều thú vị khi gắn bó với nghề này. Chính vì sự cẩn thận chu đáo, khiến những cuốn sách giữ được nguyên trạng mà ông Rạng được nhiều khách hàng tìm đến khi cần.

Tại căn nhà nhỏ của mình, hàng ngày ông Rạng vẫn ngồi miệt mài tỉ mẩn phục chế những cuốn sách rách bươm. Đầu tiên, ông nhẹ nhàng tháo bìa và khéo léo mở từng tép sách. Tiếp theo ông dùng kéo cắt những phần giấy thừa rồi dùng chỉ may lại từng tép giấy. May trong và may ngoài để chắc chắn những trang sách không rời ra. Xong đâu đấy, ông xếp lại trình tự các trang rồi dùng hồ bôi vào gáy sách, sau đó dán bìa.

Hồ vừa khô, ông dùng dao rọc nhẹ vào những trang bị dính. Không dừng lại ở đó, ông in tựa sách bằng nhũ vàng rất đẹp và nổi bật. Các công đoạn đều được ông thực hiện một cách thuần thục. Theo ông Rạng, người làm nghề đóng sách không chỉ cần có sự tỉ mỉ mà còn phải có tình yêu với sách. Ông sẵn sàng mất cả ngày chỉ để tháo một cuốn sách mà không làm rách.

“Có 2 cách để đóng sách: Sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên hiện trạng hoặc đóng lớp bìa mới, cắt xén thật tinh tươm. Đa số khách đều muốn giữ nguyên trạng để bảo tồn giá trị sách. Nếu thay bìa, cắt xén sách giữ được lâu hơn nhưng sẽ khác xa so với bản gốc và làm giảm giá trị” - ông cho biết. Dụng cụ hành nghề của ông chỉ có mấy món đồ đơn giản: dao rọc giấy, kéo, kim, chỉ, hồ và chiếc máy cắt giấy cổ lỗ sĩ. Ông bảo cái nghề này kỳ lạ ở chỗ nếu không có lòng đam mê, thú vui và sự trân trọng với những cuốn sách không thể gắn bó với nó được.

Kho tàng sách cổ

Một điều khiến ông Rạng suốt 36 năm tận tụy với nghề là mỗi lần đóng những quyển sách quý ông lại có dịp được xem chúng. Nhờ vậy, kiến thức về sách của ông được mở mang hơn. Tại tiệm của ông, ngoài những cuốn tự điển dày, những quyển sử ký còn có những cuốn sách theo ông rất hiếm và giá trị. Như cuốn “Văn Đàn Bảo Giám” của Trần Trung Viên in năm 1929 và “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim. Nhưng ông thích nhất những cuốn thơ cổ. Cũng từ đó ông biết thơ của Trần Nhân Tông, hoặc có dịp xem lại thơ của bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Trần Tế Xương (Tú Xương), Nguyễn Công Trứ…

“Nghề của tôi không giàu nhưng ngược lại có những niềm vui không thể mua được. Thí dụ có những cuốn Kinh thánh từ Italia, Pháp… giấy rất mỏng và nát bươm, được các linh mục mang đến nhờ đóng. Hoặc những cuốn sách kỷ niệm của ba mẹ, con cháu mang đi đóng lại. Khi khách hàng nhận lại những cuốn sách được đóng bìa cẩn thận chắc chắn, ai cũng trầm trồ” - ông Rạng thổ lộ.

Ông Rạng đang phục chế sách cũ. Ảnh: T.K

Ông Rạng  đang phục chế sách cũ. Ảnh: T.K

Cô giáo Nguyễn Vân Trang, Trường THPT Gia Định, một khách hàng lâu năm của ông Rạng, nhận xét: “Mỗi khi cần đóng lại những cuốn sách cũ, tôi mang đến ông Rạng. Sách do ông Rạng đóng lại gần như nguyên bản và vẫn giữ được cái hồn riêng”. Chính những ánh mắt ngời sáng, niềm vui rạng rỡ của những khách hàng như cô giáo Trang khi đến nhận sách, nâng niu cuốn sách quý được đóng, sửa, đã mang lại cho ông niềm tự hào, niềm vui để tiếp tục sống với nghề.

Ngồi quan sát ông tỉ mỉ tháo từng cuốn sách cũ, cẩn thận sắp xếp những trang sách theo thứ tự mới thấy hết sự nâng niu, kính trọng sách của ông. “Tôi như người khảo cổ, chuyên đóng lại những cuốn sách cũ, nên khi nào không còn thư viện và người biết quý sách có lẽ lúc đó tôi mới thất nghiệp” - ông Rạng bộc bạch.

Hiện nay, tiệm đóng sách của ông không chỉ là nơi khách hàng tìm đến đóng sách cũ, mà còn là nơi những người yêu sách cũ thường xuyên lui tới. Đây cũng là địa điểm giao lưu của câu lạc bộ “Học văn để sống” của học sinh cấp 3 trường Đinh Thiện Lý, quận 7, TPHCM.

Các tin khác