Phiên chợ cuối năm

(ĐTTCO) - Đầu tháng Chạp, không khí Tết ở quê tôi đã thấy rõ, nhưng phải đến những ngày giáp Tết mới thực sự sôi động. Đặc biệt nhất là trong phiên chợ cuối cùng của năm cũ, phiên chợ ngày 27 tháng Chạp. Chợ quê tôi, một mảnh đất miền Trung nghèo khó, mặc dù bây giờ đã là chợ của một thị trấn huyện lỵ, nhưng vẫn giữ được nếp sinh hoạt từ xưa.

(ĐTTCO) - Đầu tháng Chạp, không khí Tết ở quê tôi đã thấy rõ, nhưng phải đến những ngày giáp Tết mới thực sự sôi động. Đặc biệt nhất là trong phiên chợ cuối cùng của năm cũ, phiên chợ ngày 27 tháng Chạp. Chợ quê tôi, một mảnh đất miền Trung nghèo khó, mặc dù bây giờ đã là chợ của một thị trấn huyện lỵ, nhưng vẫn giữ được nếp sinh hoạt từ xưa.

Hiện nay chợ vẫn họp cả sáng lẫn chiều tất cả các ngày (tất nhiên là bao giờ buổi sáng cũng đông hơn buổi chiều), nhưng 1 tháng chỉ có 6 ngày phiên. 3 phiên phụ và 3 phiên chính. Phiên phụ là phiên chợ “ngày Hai” vào những ngày mồng 2, 12 và 22 âm lịch. Phiên chính là “phiên Bảy” vào những ngày mồng 7, 17, 27  và cũng tính theo ngày âm. Ai muốn mua bán lợn giống, gà giống, chó con... có thể đi chợ ngày Hai hoặc ngày Bảy. Còn mua bán trâu bò, nhất định phải đi chợ ngày Bảy. Bởi chỉ có phiên chính mới có “chợ bò”, một tháng 3 lần. Tất nhiên chợ phiên bao giờ cũng đông đúc, tấp nập hơn chợ thường, và phiên chính ngày Bảy sẽ đông vui hơn phiên phụ ngày Hai. Khi năm hết, Tết đến, cảnh mua bán, sinh hoạt chợ búa của cả vùng quê tôi hầu như đều dồn lại ở phiên chợ cuối cùng, ngày 27 tháng Chạp.

Từ 3, 4 giờ sáng trong các xóm đã vang lên tiếng mọi người ý ới gọi nhau, rồi tiếng tiếng lợn kêu. Ngày trước, người dân quê tôi gần như nuôi lợn để chờ đến Tết mới thịt. 10 nhà thì đã có 8, 9 nhà như vậy. Ngày đó nghèo, vất vả, với hầu hết những người nông dân, phải như vậy mới có thịt để ăn Tết. Quê tôi có câu: “Nghèo mấy thì đêm Ba Mươi cũng có thịt treo trong nhà”. Với những người nông dân, Tết nhất định phải có thịt, dù ít hay nhiều. Để lại số thịt đủ dùng trong mấy ngày Tết, còn lại họ đem ra chợ bán, có được một khoản tiền kha khá để sắm sửa thêm đồ Tết. Nhớ những ngày còn bao cấp, hợp tác xã, Tết luôn là nỗi lo lắng “lớn lao” của bao người nông dân. Thịt, gạo, áo quần mới cho con cái... Bây giờ đã đổi thay nhiều. Người dân quê tôi đã khấm khá hơn ông bà, tổ tiên mình ngày trước. Lợn vẫn nuôi, nhưng để bán cho hàng thịt. Không mấy người tự mình thịt lợn nữa. Tuy nhiên, dịp Tết, nhất và vào ngày 27 tháng Chạp, vẫn có khá nhiều người thịt lợn. Thường là cứ khoảng 4, 5 nhà chung lại, thịt một con lợn cỡ 4, 5 chục cân. Vừa đủ thịt dùng trong mấy ngày Tết. Giờ đây, hầu như nhà nào cũng đã có miếng ăn, miếng để, khi Tết về họ cầm tiền ra chợ sắm sửa. Thịt lợn cũng vậy, không còn cảnh cả làng cùng thịt lợn…

Chợ phiên từ tờ mờ sáng đã khá đông. Những người có hàng quán cố định thì đi sớm để dọn hàng, còn người ở xa về hay người chỉ bán hàng vào dịp Tết đi sớm để dành chỗ. Vài viên gạch, một tấm ni lông, hay là cái thúng, cái mẹt đặt xuống. Thế là có chỗ để bán hàng. Chợ phiên cuối năm luôn tràn ngập các loại hàng hóa, rau quả, cá thịt. Nhưng khác với các phiên chợ ngày Bảy khác, phiên chợ ngày 27 tháng Chạp, người dân quê tôi không bán mua các con giống, cũng như trâu bò. Người ta dành việc đó vào ngày 7 tháng Giêng, phiên Bảy đầu tiên của năm mới. Góc chợ bán hoa vào ngày này đã bắt đầu thấy lác đác, nhưng chủ yếu vẫn là đào và mai. Hoa đào do những người miền Bắc đưa vào hoặc do chính người vùng quê tôi ra Bắc mua về bán. Hoa mai thì đưa từ miền Nam ra, hoặc cũng do chính người quê tôi trồng, Tết về chặt cành đem ra chợ bán. Phải đến ngày Ba mươi Tết, chợ hoa mới thật sự được nhóm họp. Không nhiều như các vùng miền khác, nhưng cũng đủ cho mọi người làm đẹp nhà mình trong những ngày Tết.

Quang cảnh một buổi chợ Tết.

Quang cảnh một buổi chợ Tết.

Trời sáng rõ và từng dòng người lũ lượt đổ về chợ. Ngày trước là đi bộ, gồng gánh, bây giờ cũng còn như vậy, nhưng người ta đi xe máy, xe đò nhiều rồi. Những đứa trẻ được bố mẹ, anh chị dẫn đi chơi chợ Tết. Các cụ già đi chợ xem năm nay giá cả, hàng hóa thế nào hoặc là để mua thêm vài thứ lặt vặt chuẩn bị Tết theo ý mình. Đám thanh niên nam nữ đi chơi là chính, rồi mua những thứ nhằm để làm đẹp ngôi nhà hoặc bản thân ngày Tết. Tranh, ảnh, bình hoa, áo quần mới, giày dép mới… Tất bật và bận rộn nhất là các bà, các cô, các chị. Họ phải mua nào cá, thịt, rau, hành, kiệu, nếp, lá, vàng mã, đồ thờ cúng… đủ cả trăm thứ để chuẩn bị đón Tết. Những đứa trẻ đi theo họ, sau khi được mua quà, áo quần mới, được cho ăn bát phở hoặc cháo phải có “nhiệm vụ” trông coi những thứ mà bà, mẹ, chị mình mua được. Trước cổng chợ đông nghẹt người ra vào, tiếng huyên náo gần như không bao giờ ngừng…Trong phiên chợ cuối năm, người quê tôi hầu như ai cũng đi đến chợ, cho dù chẳng mua bán gì, chen lấn ồn ào, lượn một vòng rồi đi về.

Chợ ngày 27 tháng Chạp được xem là nơi để đám đàn ông hẹn nhau đi uống bữa rượu cuối năm giữa chợ. Đó là những người cùng làng, khác làng, hay ở khá xa, lâu lâu mới có cơ hội gặp nhau một lần. Quán cháo lòng tiết canh, quán phở, hay hàng thịt chó là nơi “hội tụ” của những người này. Có năm trời đẹp, nhưng cũng có năm vào ngày 27 tháng Chạp là mưa phùn, gió bấc, chợ rất bẩn. Mưa, lạnh sẽ làm phiên chợ cuối năm bớt ồn ào, sôi động đi một chút, còn lại vẫn thế. Đến tận xế chiều, cảnh mua bán vẫn còn khá tấp nập. Những người ở xa, tranh thủ mua bán nhanh để về sớm. Người ở gần, đôi khi chờ đến tận chiều, lúc vãn chợ để có thể mua rẻ hơn đôi chút…

Tết luôn là dịp để những người đi xa trở về quê hương, cả trong tâm tưởng và bằng hành động. Khi ngày cùng tháng tận, trời đất bước vào lúc giao hòa, trong cái giá lạnh se lòng, con người thường nhớ về những chuyện xa xôi. Cuộc đời của mỗi con người, qua những ngày tháng, sau 1 năm có bao chuyện vui, buồn và trong những ngày cuối năm, ta thường bùi ngùi hay hoan hỉ khi hồi tưởng lại mọi điều. Có những chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, nhưng ta thấy nó hiện hữu rõ ràng. Ngược lại, có chuyện chỉ mới hôm qua thì lại như một giấc mơ, xa xăm mù mịt… Mới đó mà năm đã hết, Tết lại đến rồi! Và người quê tôi lại bắt đầu bộn rộn với những công việc cuối năm, với những buổi chợ khi năm cùng tháng tận. Phiên chợ cuối năm đến rồi…

Các tin khác