Phát triển TTCK bền vững (Bài 4)

Nhà đầu tư thiếu công cụ “chống lưng”

 Nhà đầu tư thiếu công cụ “chống lưng”

Nếu thị trường chứng khoán (TTCK) là một sân chơi tốt, có luật công bằng nhưng thiếu nhà đầu tư (NĐT) chuyên nghiệp vẫn không thể hoàn thiện một thị trường tài chính năng động, phát triển lành mạnh. Thực tiễn Việt Nam cho thấy các NĐT còn thiếu chuyên nghiệp và hệ thống luật bảo vệ NĐT còn quá yếu.

> Nhà đầu tư cá nhân: Rủi ro bủa vây

> Phát triển TTCK bền vững (Bài 3)

> Phát triển TTCK bền vững (Bài 2)

> Phát triển TTCK bền vững (Bài 1)

Tiến tới mô hình chuyên nghiệp

Ở một số thị trường, việc phân loại NĐT không phải là phổ biến. Thí dụ như Trung Quốc, họ phân thị trường ra thành cổ phiếu hạng A, B, H... Các NĐT nước ngoài khi muốn mua cổ phiếu hạng A, được định danh bằng đồng NDT, phải là các NĐT được cấp chứng nhận “NĐT tổ chức ngoại đạt tiêu chuẩn (QFII-Qualified Foreign Institutional Investor)”. NĐT trong nước khi muốn đầu tư ra nước ngoài cũng phải có chứng chỉ QDII (Qualified Domestic Institutional Investor).

Còn có sự phân biệt đối xử giữa các cổ đông, giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn. Các cổ đông nhỏ rất khó tiếp cận các bằng chứng nhằm tố cáo ban lãnh đạo doanh nghiệp khi họ cố tình phạm tội, thao túng cổ phiếu. Gần đây, liên tục có nhiều vụ việc các cổ đông lớn lợi dụng quyền của mình để tiến hành mua cổ phiếu quỹ, nhằm bảo vệ lợi ích của họ trước các vụ thâu tóm. Nhưng điều này gần như không thể buộc tội và không ai chịu trách nhiệm.

Ngày nay, thuật ngữ “NĐT được thừa nhận (AI-Accredited investor)” ở các nước có TTCK phát triển phổ biến trong luật chứng khoán, nhằm cho phép đầu tư vào những hoạt động đầu tư có rủi ro cao hơn. Khi một NĐT có chứng chỉ này được coi là NĐT (cá nhân hoặc tổ chức) giàu có, chuyên nghiệp.

Ở Hoa Kỳ, một NĐT cá nhân được coi là AI nếu có trị giá tài sản trên 1 triệu USD (không bao gồm giá trị căn hộ chính đang ở) và trong 2 năm gần nhất phải có thu nhập 200.000-300.000USD/năm. Quy định này có trong Luật Chứng khoán 1934 của Hoa Kỳ. Thực tế AI rất quan trọng với họ, vì chỉ có một số lĩnh vực hoặc một số phi vụ kinh doanh chỉ có họ mới được tham gia.

Trong bài viết “Nâng cao vai trò cơ quan quản lý”, có đề cập đến việc phân loại sàn giao dịch cũng là một hình thức phân loại NĐT. Song song với quá trình này, Việt Nam nên ban hành các chứng chỉ dạng như AI để NĐT đầu tư vào những nhóm cổ phiếu riêng biệt.

Lấy một thí dụ, để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, có thể hình thành một nhóm NĐT đạt tiêu chuẩn cho mục đích chuyên đi mua các doanh nghiệp mới tiến hành IPO.

Nhà nước có thể tạo ra nhiều danh mục cổ phiếu được IPO, chẳng hạn danh mục gồm các cổ phiếu ngành viễn thông (MobiFone, VinaPhone), ngành hàng không, ngành lương thực... hoặc thậm chí tạo ra danh mục đan xen nhiều ngành, hay có thể tạo ra một danh mục gồm cổ phiếu của cả công ty tốt và công ty làm ăn kém hơn để tạo tính bù trừ. Cách làm này sẽ giúp cổ phần hóa được những doanh nghiệp khó bán.

Trách nhiệm kiểm toán, công bố thông tin

Đối với NĐT, khi tham gia vào TTCK họ cũng cần sự bảo vệ của pháp luật. Thực tế, hoạt động bảo vệ NĐT trên TTCK Việt Nam còn rất yếu, đó là nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị tụt hạng trong góc nhìn từ các tổ chức tài chính trên thế giới.

Theo các báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ tiêu bảo vệ NĐT của Việt Nam liên tục nằm ở nhóm cuối, thứ 171/183 trong năm 2009 và 172/183 trong năm 2010. Không khó để giải thích tại sao mức độ bảo vệ NĐT ở nước ta kém, vì cả 3 khía cạnh bảo vệ NĐT là mức độ công bố thông tin, trách nhiệm của ban giám đốc và sự thuận lợi của NĐT để đưa các vụ kiện ra tòa… đều rất khó khăn.

Tư vấn NĐT về các thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tư vấn NĐT về các thông tin của doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Sau sự sụp đổ gây chấn động của nhiều tập đoàn lớn như Enron, WorldCom, Peregrine Systems... Hoa Kỳ mới ban hành Đạo luật Sarbanes-Oxley (SOX) và đã được Quốc hội thông qua ngày 30-7-2002, là một trong những luật căn bản của nghề kế toán, kiểm toán. Mục tiêu chính của đạo luật này nhằm bảo vệ lợi ích của các NĐT, bằng cách buộc các công ty đại chúng phải đảm bảo sự minh bạch hơn của các báo cáo, các thông tin tài chính khi công bố.

Tuy nhiên, đạo luật này cũng bổ sung thêm các quy định ràng buộc trách nhiệm cá nhân của giám đốc điều hành và giám đốc tài chính. Theo đó, các giám đốc điều hành, giám đốc tài chính phải trực tiếp ký vào các báo cáo tài chính được ban hành chính thức và đảm bảo tính trung thực của bản báo cáo đó. Nếu có những sai phạm họ có thể phải ngồi tù.

SOX có thể là sự tham khảo hữu ích cho những nhà quản lý TTCK Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi liên tục xảy ra những scandal không đáng có. Chẳng hạn UBCKNN đã từng có thông báo không cho CTCP Mai Linh được phát hành cổ phiếu thưởng vì kết quả hoạt động kinh doanh của công ty này từ năm 2005-2007 bị lỗ và có nhiều khoản bị ngoại trừ, trong khi công ty lại công bố báo cáo tài chính “đã được kiểm toán” có lãi.

Hay như CTCP Bông Bạch Tuyết biến lỗ thành lãi cũng như nhiều sai phạm trong công tác công bố thông tin... Thế nhưng, người chịu trách nhiệm cao nhất là tổng giám đốc, kế toán trưởng vẫn “bình chân như vại”, để lại những hậu quả và những mất mát cho các cổ đông, đặc biệt cổ đông nhỏ.

Để bảo vệ NĐT cần đến sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật tài chính, như các luật về công bố thông tin, luật doanh nghiệp, luật dân sự, luật hình sự… Hiện nay, một trong những yếu kém lớn nhất của TTCK nước ta là vai trò của cổ đông nhỏ trong doanh nghiệp chưa được Luật Doanh nghiệp đảm bảo.

Mặc dù Nghị định 102/2010/NĐ-CP được coi là bước tiến lớn trong việc bảo vệ các cổ đông nhỏ, khi đã dành cho họ quyền khởi kiện các cán bộ quản lý có vi phạm trong điều hành công ty, nhưng chỉ cho phép cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong 6 tháng mới có quyền khởi kiện.

Bảo hiểm tài khoản đầu tư

Hiện nay Luật Chứng khoán Việt Nam chưa có điều luật nào bảo vệ cổ đông, trong khi đó các bộ luật khác không tiến hành điều chỉnh nhiều vi phạm trên TTCK. Tại một số quốc gia, thường ban hành nhiều hệ thống luật nhằm bảo vệ NĐT, chẳng hạn như “Luật Bầu trời xanh” ở Hoa Kỳ. Theo luật này, các chứng khoán trước khi tiến hành IPO phải đăng ký nơi tổ chức bán và các nhà môi giới phải đăng ký tại bang tiến hành tổ chức bán.

Thời gian qua, TTCK nước ta có nhiều vụ tranh chấp giữa NĐT và nhà môi giới, hoặc với chính CTCK trong việc tiến hành các giao dịch. Nếu như có sự lạm dụng của nhà môi giới hoặc CTCK để tiến hành các giao dịch bất hợp pháp, NĐT cần có sự bảo hiểm khi phía môi giới hoặc CTCK không có khả năng đền bù. Tuy nhiên, việc bảo hiểm này trên TTCK nước ta chưa hề đề cập.

Nếu chứng khoán giả mạo NĐT có quyền kiện và được hoàn trả tiền cộng thêm lãi suất. Hoa Kỳ cũng có luật mang tên “Luật Bảo vệ NĐT” vào năm 1970.

Theo luật này, Hiệp hội Bảo vệ NĐT (SIPC-Securities Investor Protection Corporation) được thành lập nhằm bảo vệ các NĐT. SPIC là một tổ chức liên bang, phi lợi nhuận, nhằm bảo vệ lợi ích của NĐT trước những vi phạm của nhà môi giới hoặc dealer. Ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan… cũng đã thành lập các Hiệp hội Bảo vệ NĐT.

SIPC còn đóng vai trò trong việc cung cấp các khoản bảo hiểm trị giá cho các tài khoản chứng khoán, nếu nhà môi giới bị mất thanh khoản. Tuy nhiên, cần lưu ý SIPC khác với Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC-Federal Deposit Insurance Corporatin), nó chỉ cung cấp sự bảo hiểm có giới hạn và cho các hành vi có tính lừa đảo, chứ không bảo đảm cho toàn bộ tài sản của NĐT.

Đây chính là điều đáng lưu ý đối với TTCK Việt Nam, bởi hiện nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đang bị mất thanh khoản và tài khoản giao dịch của NĐT bị xâm hại. Mặc dù tài khoản giao dịch của NĐT theo luật phải được tách biệt với tài sản của CTCK và phải tách riêng cho từng NĐT, nhưng thực tế vẫn đang được triển khai nửa vời.

Thống kê chỉ có 19/100 CTCK có sự tách biệt giữa tài sản CTCK với tiền gửi thanh toán của NĐT tại ngân hàng. 25/100 CTCK thực hiện tách tiền gửi của NĐT với tài khoản CTCK, nhưng nằm trong tài khoản tổng mang tên CTCK; số còn lại chưa tách. Nếu tiền gửi của NĐT còn nằm trong tài khoản tổng tại ngân hàng vẫn có tình trạng lạm dụng tiền trong tài khoản của NĐT. Lúc này, ai sẽ bảo hiểm cho tài khoản của NĐT?

Các tin khác