Phát triển quỹ hỗ trợ - Nguồn vốn DN khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cần phải đẩy mạnh việc thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả các quỹ hỗ trợ…

(ĐTTCO) - Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cần phải đẩy mạnh việc thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả các quỹ hỗ trợ…

 

Tiếp cận được các nguồn vốn luôn là vấn đề đau đầu của phần lớn các doanh nghiệp, bởi đây là điều kiện cần để đầu tư và phát triển. Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp khó khăn nhiều hơn, do thường thiếu kinh nghiệm về thị trường, nhân sự, năng lực cạnh tranh. Đây chính là những rào cản lớn để tiếp cận được các nguồn vốn phát triển doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, trong quá trình hoạt động và phát triển, do thiếu kinh nghiệm trong quản trị nên thường gặp phải khó khăn về trình độ quản lý, nguồn vốn, công nghệ nguồn lực hỗ trợ nên chưa phát triển được một cách bền vững.

Ông Hà Ngọc Anh, Giám đốc điều hành dự án Cizenlive care cho biết, để phát triển dự án của mình, những doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần đến nguồn vốn để triển khai thực hiện ý tưởng. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn lại là vấn đề không dễ dàng.

“Startup ở Việt Nam rất khó vì những ý tưởng mới, dự án mới cần rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để thuyết phục người tiêu dùng. Trong khi những ý tưởng ở nước ngoài vẫn có nhiều người sẵn sàng áp dụng. Mặt khác, ở Việt Nam Startup không có doanh thu nên trong quá trình đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Thêm vào đó những Startup thường là những người sáng lập thường thiếu kinh nghiệm”, ông Ngọc Anh nói.

Theo định hướng của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

5 lĩnh vực này bao gồm phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho biết, đối với các khoản vay ngắn hạn đang còn dư nợ có lãi suất vay trên 6% thì sẽ được điều chỉnh ngay về mức 6%; với khoản vay mới cũng sẽ áp dụng tối đa là 6%. Mức điều chỉnh giảm này là mức giảm sâu 1% so với mặt bằng hiện nay. Việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng nhằm hỗ trợ nguồn vốn sản xuất cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

“Thủ tướng Chính phủ đề cao và quan tâm đến doanh nghiệp khởi nghiệp đây là động lực cùng với các doanh nghiệp hiện nay cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì thế, gói lãi suất cho vay ưu đãi ngoài 5 lĩnh vực ưu tiên đã tính đến doanh nghiệp khởi nghiệp và với mức điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất về 6% thì so với mặt bằng chung giảm sâu khoảng 2% đối với đối tượng khách hàng này”, ông Thành nêu rõ.

Để hỗ trợ vốn doanh nghiệp khởi nghiệp, nhiều nguồn quỹ được thành lập như Quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm… Với mong muốn biến nước ta thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel, Tập đoàn FPT đang hợp tác chiến lược với các quỹ và vườn ươm quốc tế để có thể tạo ra một môi trường khởi nghiệp cho mục tiêu đạt 5.000 công ty công nghệ vào năm 2020.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT cho biết, FPT cam kết đi dài hạn cùng các khởi nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp ngoài việc được hỗ trợ nguồn vốn sẽ có cơ hội làm việc với các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm từ trong và ngoài FPT. Từ đó, hướng đến mục tiêu là tạo ra sản phẩm mà thị trường thật sự cần, có khả năng nâng tầm không chỉ ở Việt Nam mà hướng đến cả thị trường khu vực và thế giới.

“Để hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT cùng với Tập đoàn Hanwa của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư mạo hiểm Dragon Capital, Công ty chứng khoán BIDV phối hợp thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Quỹ sẽ giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam ngoài vốn còn có điều kiện để tiếp cận với thị trường quốc tế, được huấn luyện đào tạo bởi những chuyên gia có kinh nghiệm đồng thời giúp cho các bạn khởi nghiệp, có thể sau đấy nhận được nguồn vốn đầu tư to hơn”, ông Đức cho biết.

Hiện nước ta là một trong những thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hàng vạn công ty khởi nghiệp ở nước ta đang ở trong tình trạng khó khăn, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức, đặc biệt là về nguồn vốn. Do đó, thời gian tới cần phải đẩy mạnh việc thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đồng thời, nên có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về quỹ khởi nghiệp, quỹ huy động vốn từ cộng đồng... nhằm đáp ứng yêu cầu về vốn cho các hoạt động khởi nghiệp. Có như vậy, mục tiêu của Chính phủ đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mới trở thành hiện thực.

Các tin khác