Phát triển nhanh, bền vững ĐBSCL: Cần có quyết sách mới

"2013 là năm các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đánh giá lại kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị (NQ21) về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL. Thành tựu đạt được của Tây Nam bộ trong 10 năm qua khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực quan trọng, sẽ tạo tiền đề cho cả vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo" - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phong Quang (ảnh), Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong cuộc trao đổi với ĐTTC trước thềm năm mới Quý Tỵ.

"2013 là năm các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đánh giá lại kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị (NQ21) về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL. Thành tựu đạt được của Tây Nam bộ trong 10 năm qua khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực quan trọng, sẽ tạo tiền đề cho cả vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo" - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phong Quang (ảnh), Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, trong cuộc trao đổi với ĐTTC trước thềm năm mới Quý Tỵ. 

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau 10 năm thực hiện NQ21, ông có thể khái quát những thành tựu cơ bản của ĐBSCL?

Phát triển nhanh, bền vững ĐBSCL: Cần có quyết sách mới ảnh 1

- Ông NGUYỄN PHONG QUANG: - Qua 10 năm thực hiện NQ21, kinh tế-xã hội ĐBSCL có bước chuyển biến và thay đổi lớn. Có thể nói thành tựu hạ tầng là quan trọng nhất.

Nguồn vốn đầu tư đã tập trung cho 3 khâu đột phá là giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo và y tế, an sinh xã hội. Từ đó, tăng trưởng của vùng gần 12% mỗi năm trong 10 năm qua, quy mô GDP gấp 3,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần khu vực 2 và 3.

Đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng. Đặc biệt năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực ĐBSCL đạt 9,98%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 32,38 triệu đồng (tương đương 1.556USD).

Các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao là Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An và Trà Vinh. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng năm 2012 đạt 9,8 tỷ USD với các mặt hàng chính là gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh và may mặc.

Thủy sản phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu lao động. Một số ngành công nghiệp then chốt như năng lượng, hóa chất, dược phẩm có bước phát triển khá.

Nhiều địa phương đã quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp; hình thành các khu công nghiệp cấp vùng và quốc gia như: Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau, đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn (TP Cần Thơ), Trung tâm nhiệt điện Ô Môn...

Bước đầu hình thành trung tâm thương mại cấp vùng ở TP Cần Thơ và các trung tâm cấp tỉnh; các địa phương có đường biên giới với Campuchia đã chú ý khai thác lợi ích kinh tế biên mậu và các khu kinh tế cửa khẩu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2001-2010 tăng bình quân 17,8%/năm, đạt bình quân 4,6 tỷ USD/năm. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau).

- Điều ông trăn trở nhất đối với ĐBSCL là gì? Bên cạnh những kết quả quan trọng như ông vừa nêu, đâu là điểm yếu cần khắc phục?

- Điều tôi quan tâm nhất về ĐBSCL hiện nay là an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian qua, việc đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đã được triển khai khá tốt.

Tính từ năm 2001 đến nay, ĐBSCL đã giải xây dựng trên 100.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương, đại đoàn kết và nhà nghĩa tình đồng đội. Nhờ nỗ lực xóa đói, giảm nghèo các năm qua, ĐBSCL hiện có tỷ lệ hộ nghèo thấp thứ 3/8 vùng cả nước, chỉ cao hơn vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Hồng.

Hàng năm, các tỉnh ĐBSCL giải quyết việc làm mới cho trên 375.000 lao động. Song phải nhìn nhận thực tế dù có sự quan tâm đầu tư, nhưng giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của vùng vẫn chưa phát triển ngang bằng với các vùng, miền khác.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân khách quan do xuất phát điểm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng thấp, nguồn lực đầu tư có hạn, khó khăn trong một thời gian dài.

Sự phối hợp của các địa phương trong vùng còn rời rạc, nên chưa phát huy tốt lợi thế sẵn có. Nói chung mức đầu tư cho vùng thời gian qua chưa tương xứng với mức mà vùng đóng góp.

ĐBSCL đứng trước bước ngoặc trong việc chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp từ sản lượng sang chất lượng và giá trị.

ĐBSCL đứng trước bước ngoặc trong việc chuyển đổi
nền sản xuất nông nghiệp từ sản lượng sang chất lượng và giá trị.

- Có vẻ như ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức trong việc chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp làm ra “nhiều sản lượng” (lúa gạo, thủy sản, trái cây) sang “tăng chất lượng và giá trị” để nông dân làm giàu và ứng phó biến đổi khí hậu?

- Đúng vậy, đây là yêu cầu “chuyển đổi mô hình tăng trưởng” của vùng. Nhìn tổng thể, kinh tế vùng vẫn còn hạn chế, yếu kém và thiếu bền vững, phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng, lợi thế tự nhiên sẵn có. Hiệu quả kinh tế nông nghiệp bấp bênh, hàm lượng chất xám còn thấp.

Đặc biệt cần quan tâm là liên kết vùng, liên kết trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ; sự phối hợp giữa các tỉnh, thành trong vùng chưa tạo thế liên kết phát huy sức mạnh.

Việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo thế mạnh của từng địa phương còn lỏng lẻo; liên kết “4 nhà” còn phân tán, kém hiệu quả.

Các chính sách hỗ trợ nông dân còn dàn trải, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, dẫn đến hiệu quả của chính sách không cao. Sự hỗ trợ chưa thực sự tạo ra động lực thúc đẩy phát triển.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể trong điều kiện biến đổi khí hậu thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, nên khi biến đổi khí hậu đã bị tác động, gây ảnh hưởng lớn.

Đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng… đã góp phần hạn chế sự phát triển của ĐBSCL.

- Theo ông, ĐBSCL cần phải làm gì để khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm phát huy hết lợi thế, tiềm năng để tạo ra thế mới, lực mới?

- Cần tăng cường liên kết vùng thực chất, hiệu quả bằng cách làm, chương trình, lĩnh vực liên kết cụ thể. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các quy hoạch, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch; đồng thời tích cực, chủ động chuẩn bị ứng phó, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng rà soát cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm chủ lực vùng, trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp với yêu cầu mới, theo hướng hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các sản phẩm của vùng.

Trên cơ sở đó, tăng cường liên kết vùng ĐBSCL, phát triển mối liên kết ngang, liên kết dọc trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, cá tra và tôm; hỗ trợ và nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch dựa trên thế mạnh từng địa phương; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp thủy sản quy mô cấp vùng, xây dựng cơ chế, chính sách cho việc hình thành trung tâm nghề cá nói chung và cá tra, tôm nói riêng ở ĐBSCL.

- Như vậy, để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh yêu cầu liên kết, đồng tâm hợp lực, ĐBSCL đang cần một quyết sách mới?

- Đúng vậy, những khâu đột phá trọng tâm trong 10 năm tới là: phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và thủy lợi, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trước mắt cần tập trung rà soát và hoàn chỉnh các quy hoạch kết cấu hạ tầng trong từng tỉnh, thành vùng ĐBSCL, huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông vận tải thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển trong vùng.

Trong 10 năm tới, theo Quyết định của Bộ Chính trị, để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, toàn vùng sẽ tập trung sức để tăng trưởng ở mức 2 con số; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Song song đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách tạo thêm việc làm mới, bao gồm các giải pháp thúc đẩy sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.

Tăng cường quán triệt nhận thức về đoàn kết dân tộc, chính sách dân tộc. Điều quan trọng là tăng trưởng kinh tế phải gắn với công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo các tầng lớp dân cư.

- Xin cảm ơn ông.  

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Thành ủy TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật “Mùa xuân trên đất chín rồng”. Chương trình diễn ra vào đêm giao thừa Tết Quý Tỵ 2013. Ngoài sân khấu chính tại khu đô thị Phú An (TP Cần Thơ), chương trình còn có các điểm cầu truyền hình phụ tại Tiền Giang, An Giang, Cà Mau, Hậu Giang và đại lộ Hòa Bình, TP Cần Thơ. Chương trình gồm 3 phần chính: “Tây Nam bộ - Chung sức vì cộng đồng”; “Những thời khắc lịch sử” và “Đồng bằng hòa nhịp mùa xuân”. Ngoài các tiết mục ca múa nhạc được đầu tư và dàn dựng công phu, “Mùa xuân trên đất chín rồng” còn có những phóng sự điểm lại thành tựu phát triển của ĐBSCL sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, những sự kiện lịch sử quan trọng như 45 năm chiến thắng Ấp Bắc, 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, 40 năm ký kết hiệp định Paris… sẽ được ôn lại qua video clip tổng hợp và lời kể của các nhân chứng lịch sử. Đặc biệt, chương trình an sinh xã hội với bà con nghèo ở ĐBSCL được Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ huy động xã hội hóa 260 phần quà cho 260 gia đình ở 13 tỉnh, thành trong khu vực.

Hoạt động đón mừng năm mới ở một số địa phương trong vùng cũng sẽ được chuyển tải thông qua các điểm cầu truyền hình trực tiếp; kết thúc chương trình sẽ có trình diễn bắn pháo hoa nghệ thuật để phục vụ bà con trong dịp năm mới.

Các tin khác