Phân quyền, tránh chồng chéo

LTS: Loạt bài “Phát triển TTCK bền vững” đang được đăng tải trên mục Chủ điểm-Sự kiện, ĐTTC đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia, luật sư, nhà đầu tư (NĐT)… để bạn đọc và NĐT có cái nhìn rõ hơn, ĐTTC xin trích đăng ý kiến của Luật sư Trần Minh Hải.

LTS: Loạt bài “Phát triển TTCK bền vững” đang được đăng tải trên mục Chủ điểm-Sự kiện, ĐTTC đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các chuyên gia, luật sư, nhà đầu tư (NĐT)… để bạn đọc và NĐT có cái nhìn rõ hơn, ĐTTC xin trích đăng ý kiến của Luật sư Trần Minh Hải.

Trong bài 1 “Nâng cao vai trò cơ quan quản lý”, tác giả TS. Lê Đạt Chí đã phân tích khá rõ ràng về sự bất cập trong việc quản lý TTCK hiện nay. Rõ ràng nhìn vào việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vẫn trực thuộc Bộ Tài chính cũng phần nào thấy được “vai vế” của TTCK Việt Nam trong tổng thể nền kinh tế.

Cần phải nhấn mạnh, TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế, là kênh huy động vốn cực kỳ quan trọng cho doanh nghiệp để chia sẻ với ngân hàng (NH), nhưng vai trò này chưa được phát huy một cách rõ nét, tính đến thời điểm này.

Để nâng tầm cho TTCK, theo tôi việc đầu tiên phải định hình lại vai trò của các cơ quan quản lý, cụ thể là UBCKNN. Cơ quan này hiện gánh vác rất nhiều trách nhiệm, thậm chí trong nhiều sự việc còn bị chỉ trích, nhưng thực tế, quyền quyết định rất ít.

Trong khi đó, chứng khoán là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm, phải quyết đoán, nhanh chóng xử lý, Bộ Tài chính là cơ quan nắm quyền quyết định lại cho thấy sự rụt rè. Vì vậy, không dễ gì để quy trách nhiệm cho UBCKNN hay Bộ Tài chính nếu xảy ra những tồn tại, rất dễ tạo ra sự đùn đẩy trong xử lý các vấn đề.

NĐT mong chờ các cơ quan quản lý hiệu quả giúp thị trường ổn định. Ảnh: LÃ ANH

NĐT mong chờ các cơ quan quản lý hiệu quả giúp thị trường ổn định. Ảnh: LÃ ANH

Từ năm 2009, các CTCK đã cung cấp các sản phẩm đòn bẩy tài chính cho NĐT sử dụng với nhiều hình thức khác nhau, như hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư… Việc triển khai quá đà đã dẫn đến những hệ lụy như giải chấp cổ phiếu (CP), đẩy thị trường giảm mạnh, CTCK dính nợ xấu, mất thanh khoản, NĐT thua lỗ trầm trọng.

Nhưng phải đến tháng 6-2011, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 74/2011/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể về giao dịch ký quỹ (margin). Hoạt động margin được luật hóa từ đây, nhưng những hệ lụy trước đó đến nay vẫn không được khắc phục.

Hàng loạt hợp đồng margin trước khi Thông tư 74 ra đời không có tính chất pháp lý, khiến CTCK không thể đẩy mạnh các biện pháp thu hồi nợ từ khách hàng. Hay việc NĐT không được giao dịch nhiều tài khoản đã có từ lâu, lúc còn chưa được phép họ nhờ người khác đứng tên, nhưng chỉ mới chính thức được thực hiện cách đây 1 năm.

Ở đây, nếu mổ xẻ những nghiệp vụ được cho là “ngoài luồng” hay “chợ đen” của CTCK cũng không dễ để khẳng định trái luật, bởi một vài trường hợp sẽ rơi vào trạng thái “luật không cấm”. Cũng vì điều này, khi chưa được chuẩn hóa cụ thể, mỗi CTCK tự biến tấu để có lợi cho mình nhất, dẫn đến tình trạng bát nháo, hỗn loạn.

Đáng nói hơn khi các văn bản hướng dẫn xuất hiện, tính chất chặt chẽ cũng như việc giám sát kiểm tra cũng chưa đạt mức tốt nhất để buộc các CTCK phải tuân thủ. Chẳng hạn, việc CTCK hay công ty quản lý quỹ cho mượn CP để bán ra (bán khống), dù bị cấm nhưng trong thực tế hoạt động này vẫn diễn ra tại một số CTCK với nhiều thủ thuật lách.

Hay như gần đây UBCKNN yêu cầu một số CTCK chấn chỉnh hoạt động margin, nhưng CTCK cũng đưa ra lý do là do cách hiểu và vận dụng khác nhau với một số điểm trong quy định về giao dịch ký quỹ.  

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Những nội dung của Nghị định 58 như nâng chuẩn niêm yết, yêu cầu các công ty đại chúng phải niêm yết là hợp lý vì đây là những biện pháp bắt buộc phải thực hiện trong quá trình tái cấu trúc TTCK. Nhưng tính hợp lý và thời điểm xuất hiện của Nghị định 58 cần phải xem lại.

Thí dụ, việc nâng quy định về vốn điều lệ (VĐL) để niêm yết tại HOSE từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng tại HNX sẽ gây khó cho rất nhiều doanh nghiệp, bởi tình hình hiện nay huy động vốn từ các kênh không đơn giản. Doanh nghiệp muốn lên sàn, ngoài việc phải chịu áp lực làm ăn có lãi, giờ đây có thể chịu thêm áp lực tăng vốn. Điều này dễ dẫn đến việc chán nản và không muốn lên sàn.

Ở đây, cần lưu ý việc có những doanh nghiệp vốn nhỏ, nhưng làm ăn hiệu quả, không được lên sàn, đồng nghĩa với cơ hội huy động vốn sẽ bị giảm đáng kể. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề khi kinh tế khó khăn.

Thử đặt ra giả thiết, nếu UBCKNN là đơn vị trực tiếp theo dõi, sâu sát với thị trường được quyền ban hành văn bản pháp quy, những nội dung, quy định trong Nghị định 58 nhiều khả năng sẽ được ban hành và thực thi nhịp nhàng hơn.

Cũng ở trường hợp này, đứng trên góc độ NĐT, nhiều người có cảm giác ngoài UBCKNN, Bộ Tài chính, Chính phủ cũng tham gia trong việc xử lý, điều hành TTCK bằng các văn bản. Một mặt cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cấu trúc TTCK, nhưng mặt khác cũng cần đặt ra câu hỏi: Nếu có một cơ chế, giải pháp phân quyền phù hợp hơn liệu có phải “nhọc công” đến 3 bên hay chỉ cần 1 bên xử lý là đã ổn thỏa?

Thiết nghĩ, mặc dù là hơi muộn, nhưng việc trao quyền cho UBCKNN về việc ban hành các văn bản pháp quy để từ đó có thể năng động hơn, minh bạch hơn trong việc quản lý, điều hành TTCK là điều cần phải thực hiện ngay.

Các tin khác