Phải thay đổi cách làm

So với mục tiêu ban đầu, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã đi được hơn 1/3 chặng đường, gói liên kết hỗ trợ 50.000 tỷ đồng cũng đã triển khai được 5 tháng, trong khi gói 70.000 tỷ đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xúc tiến. Thế nhưng, so với sự chờ đợi ban đầu, những gói ngàn tỷ đồng này chưa được như kỳ vọng.

So với mục tiêu ban đầu, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã đi được hơn 1/3 chặng đường, gói liên kết hỗ trợ 50.000 tỷ đồng cũng đã triển khai được 5 tháng, trong khi gói 70.000 tỷ đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xúc tiến. Thế nhưng, so với sự chờ đợi ban đầu, những gói ngàn tỷ đồng này chưa được như kỳ vọng.

Ì ạch triển khai

Theo báo cáo của NHNN về gói 30.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 5-2014, qua 1 năm triển khai, tổng vốn các ngân hàng cam kết cho vay 3.954 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2%. Tuy nhiên, dù tốc độ tăng trưởng đã nhanh vượt bậc, song cũng theo báo cáo này, các ngân hàng thương mại (NHTM) mới giải ngân được 7%, tương đương 2.156 tỷ đồng, một con số quá khiêm tốn.

Nhiều chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn TP Hà Nội cũng công nhận rằng ngay cả khi căn hộ đáp ứng được đầy đủ tiêu chí để vay vốn ưu đãi, nhưng để có được tiền của ngân hàng không dễ. Thí dụ, ở dự án Thăng Long Victory, cho đến nay chỉ vỏn vẹn trên dưới chục khách hàng vay được vốn. Tương tự, tại các dự án như VP6 Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, Tân Tây Đô… dù chủ đầu tư rất thiện chí trong việc hỗ trợ khách hàng vay vốn, nhưng số lượng hồ sơ được ngân hàng duyệt cho vay rất ít.

Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự lệch pha trong mục tiêu giữa các bên, nên cần thay đổi cách tư duy về những gói tín dụng hỗ trợ này. Bởi đứng từ góc nhìn của các NHTM, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nếu cứ cố cho vay hết, chắc chắn sẽ dẫn tới nợ xấu BĐS, vì với đối tượng vay được xác định theo tiêu chí hiện thời có khả năng trả nợ rất thấp.

TS. Vũ Đình Ánh

Gói 30.000 tỷ đồng đã ì ạch, gói liên kết 4 nhà 50.000 tỷ đồng còn thê thảm hơn. Mặc dù đã đưa vào triển khai được hơn 5 tháng, tuy nhiên sau giai đoạn mở đầu khá hoành tráng, được sự ủng hộ của NHNN lẫn sự chờ đợi của doanh nghiệp, gói tín dụng này dần im hơi lặng tiếng và gần như chưa triển khai gì. Tính đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn từ gói liên kết được đánh giá khá cao này.

Tương tự, gói 70.000 tỷ đồng đã được NHNN rục rịch từ cách đây 4 tháng, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy thêm những động thái triển khai cụ thể. Theo nhiều chuyên gia, sự ì ạch này là điều dễ hiểu, bởi khi đi vào thực tế, việc triển khai gói liên kết này phức tạp và rủi ro cao hơn nhiều so với vay trực tiếp ngân hàng - doanh nghiệp.

Thay vì 1 đối 1 sẽ là 7-8 đối tác tựa vào nhau, đặt tài khoản ở đâu, ai là người kiểm soát, giám sát, vật liệu xây dựng sẽ được phân phối như thế nào, nếu nhiều ngân hàng cùng giải ngân thì sao, doanh nghiệp nhận tiền, phân phối vật liệu xây dựng nhiều lần khi xây dựng quản lý ra sao… là bài toán hóc búa không dễ giải, nhất là trong điều kiện lòng tin trên thị trường BĐS là một thứ hàng hóa được đánh giá vào diện xa xỉ.

Sự trồi sụt đầu voi đuôi chuột này đã phần nào khiến doanh nghiệp và người mua nhà hụt hẫng, bởi trong thời điểm khó khăn về nguồn vốn, tâm lý chờ đợi những gói tín dụng ưu đãi rất cao. Cho đến nay, những gói tiền ngàn tỷ đồng này đã hoàn thành tốt vai trò nhóm lửa, đó là giúp tâm lý của doanh nghiệp và người dân tốt hơn, tin tưởng và quay lại thị trường, tăng giao dịch, tăng mở bán… Tuy nhiên, so với những mục tiêu ban đầu đề ra có thể nói nhiệm vụ chưa được hoàn thành.

Cần tiêu chí chung

Một thực tế không thể phủ nhận rằng cung cách triển khai sai đâu sửa đấy đã khiến các gói tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS gặp khó và thường xuyên phải điều chỉnh, tạo tâm lý bất ổn cho cả người dân lẫn doanh nghiệp. Gói 30.000 tỷ đồng đã nhiều lần phải điều chỉnh đối tượng, thời gian, điều kiện cho vay. Gói 50.000 tỷ đồng lúng túng trong công thức vận hành nên vẫn chưa đi vào thực tế được.

Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế độc lập đã thẳng thắn cho rằng đây là điều đáng tiếc, bởi đối với những chính sách mang tầm vĩ mô, cần phải có cách làm chuyên nghiệp, có cái nhìn sâu rộng, dài hơi. Áp lực gỡ khó cho thị trường đã khiến các gói tín dụng này được tung ra khi cơ quan chức năng chưa lường hết được sự vận hành, chưa đưa ra được một bộ công cụ để phân phối, chính vì vậy sự vận hành rất lỏng lẻo, vừa làm vừa sửa tạo nên sự thiếu ổn định.

Hay nói một cách khác, đang gần như đi ngược, ký duyệt rồi mới nghĩ cách gỡ thay vì nghĩ cách gỡ trước khi ban hành. “Thí dụ gói 30.000 tỷ đồng, có 5 ngân hàng được chỉ định cho vay, nhưng 5 ngân hàng này chỉ nhìn vào NHNN, không nhìn vào nhau, không có tiếng nói chung trong khi cùng thực hiện một chủ trương của Chính phủ. Thế nên mới có tình trạng bị ép tốc độ giải ngân mới tăng, thiếu đôn đốc ngay lập tức lại trì trệ.

Tương tự, gói 50.000, 70.000 tỷ đồng ai liên kết với ai, ai chịu trách nhiệm, quy trình như thế nào, vốn đổ ra sao… đều phải có sự thống nhất thay vì mạnh ai nấy làm. Hình như đang có tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào cơ quan chức năng và NHNN, không có sự tự chủ tự lập. Và khi chưa tự lập, tức chưa có sự chủ động, năng động nên việc cho vay không thể hiệu quả được” - vị chuyên gia này phân tích.

Chính sự lệch pha này nên hơn 1 năm qua, dù đã tìm đủ cách tháo gỡ, các gói tín dụng ngàn tỷ đồng vẫn vô cùng ì ạch, thậm chí nhiều người đã cho rằng “bất động không kém thị trường BĐS”. Nhiều ý kiến cho rằng việc cần làm của các cơ quan chức năng bây giờ là cùng nhau tháo gỡ, điều chỉnh để có được tiêu chí chung nhằm đạt mục tiêu là giải ngân nhanh, hiệu quả, giúp người dân tiếp cận dễ dàng các gói ngàn tỷ đồng này, đồng thời giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng, ngành xây dựng cũng tiêu thụ được vật liệu tồn kho…

Các tin khác