Ông chủ trẻ & trang trại lớn

Anh Trần Hòa lập CTCP Thiên Thuận Tường năm 2003. Khi anh nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh ngành chăn nuôi heo, ba ba, cá sấu..., cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Ninh rất ngạc nhiên, vì lúc bấy giờ ở tỉnh này số CTCP được thành lập chỉ đếm trên đầu ngón tay, cũng chẳng ai đầu tư ngành chăn nuôi, bởi đây là một ngành “xương xẩu”, khó làm giàu.

Anh Trần Hòa lập CTCP Thiên Thuận Tường năm 2003. Khi anh nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh ngành chăn nuôi heo, ba ba, cá sấu..., cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Ninh rất ngạc nhiên, vì lúc bấy giờ ở tỉnh này số CTCP được thành lập chỉ đếm trên đầu ngón tay, cũng chẳng ai đầu tư ngành chăn nuôi, bởi đây là một ngành “xương xẩu”, khó làm giàu.

Quyết chí làm giàu từ nông nghiệp

Anh Trần Hòa kể: “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi về làm công nhân Công ty Cảng và Kinh doanh than (Quảng Ninh). Những năm ngành than khó khăn, công nhân thiếu việc, thu nhập thấp, tôi xin nghỉ, chuyển sang hoạt động kinh doanh. Tôi không chọn những ngành nghề phải cạnh tranh khốc liệt, vì hãi lắm!

Gia đình sẵn có gần 47ha ao hồ, đầm lầy ở cuối phường Cửa Ông, đầu phường Mông Dương, nơi gia đình sơ tán đến đây từ thời chiến tranh. Vì vậy tôi quyết chí trở về đây lập nghiệp, chọn nghề chăn nuôi lợn, gà, ngan, ngỗng, cá sấu, ba ba, cá rô phi, trồng rừng... Sản phẩm của nghề này bao giờ và ở đâu thị trường cũng cần, nhưng lại ít người làm, vì cho rằng công việc chăn nuôi không sang”.

Một góc trang trại chăn nuôi heo của Công ty Thiên Thuận Tường.

Một góc trang trại chăn nuôi heo của Công ty Thiên Thuận Tường.

Ban đầu anh chỉ trồng cây ăn trái như na, chuối, vải, mít và phát rừng trồng cây keo. Đến khi dành dụm và vay mượn thêm được vốn, anh mua vài chiếc ô tô tải và một chiếc máy xúc để chở thuê đất đá từ mỏ đưa lên mang đi đổ. Tận dụng đất đá bỏ đi, anh san lấp ao hồ, đầm lầy trong khu đất của gia đình. Khu đất hoang hóa biến thành bãi bằng, cây cối xanh tốt, rừng trồng đến kỳ khai thác.

Ông chủ trẻ & trang trại lớn ảnh 2Tôi thật hạnh phúc khi được gắn bó với nghề chăn nuôi, giống như một người thích bơi được vẫy vùng trong biển cả vậy. Nếu như hồi ấy công việc ở ngành than ổn định, mỗi tháng có việc để được vào mỏ làm 22-24 ngày công, thu nhập vài triệu đồng, chắc hẳn tôi chưa nghỉ việc để quyết chí chuyển sang ngành chăn nuôi và hẳn tôi chẳng thể là tôi như bây giờ. Ở đời nhiều khi trong cái rủi lại mở ra cho mình cơ hội. Vấn đề là phải biết nhìn xa, biết khai thác cơ hội đến với mình để quyết chí lập nghiệp.
Ông chủ trẻ & trang trại lớn ảnh 3

Anh TRẦN HÒA,
Giám đốc CTCP Thiên Thuận Tường

Để lập nghiệp ngành chăn nuôi, anh Hòa tham dự lớp học do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM, trong đó có các giảng viên của Trường Đại học Nông nghiệp Hoa Kỳ giảng dạy. Khi khai giảng, lớp có rất đông học viên, nhưng vơi dần, bế giảng chỉ còn 4 người được cấp chứng chỉ, trong đó có anh Hòa. Ý thức yếu tố quan trọng cho việc thành bại trong nghề chăn nuôi là khâu chọn giống, nên anh Hòa lại cất công sang Canada học nghề và tìm nơi cung cấp giống.

Hiện nay trong trang trại của gia đình, anh Hòa dành 26ha đất để chăn nuôi, riêng khu nuôi heo rộng đến trên 13ha. Công ty nhập giống heo của 5 nước Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha... về nuôi. Heo đực giống từ 80-85 triệu đồng/con. Heo nhập về có hồ sơ, lý lịch như người, được treo trước cửa chuồng. Nhân viên chăm sóc theo dõi, ghi tình hình sức khỏe từng con hàng ngày.

Công ty đang nuôi 850 con heo hậu bị. Con to nhất tới hơn 2 tạ. Bình quân mỗi tháng có 200 con đẻ, mỗi con đẻ bình quân 10 heo con, mỗi tháng có thêm 2.000 heo con. Sau 21-28 ngày cai sữa, heo con được đưa ra khu nuôi riêng, có chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong số heo con, công ty lại chọn lọc số heo tốt để nuôi thành heo nái, số còn lại nuôi thương phẩm. Công ty đang nuôi trên 3.000 con heo thương phẩm, trọng lượng bình quân từ 95-105kg/con. Mỗi tháng công ty xuất chuồng từ 12.000-15.000 tấn heo hơi.

Đất không phụ người

Công ty còn có khu nuôi heo rừng, tạo ra môi trường sống gần giống với thiên nhiên. Hiện nay trang trại có gần 200 con, bình quân mỗi con trên 1 tạ. Riêng nguồn thu bán heo giống và thịt heo rừng cũng mang lại hàng chục tỷ đồng.

Ngoài ra công ty đang nuôi trên 10.000 con ba ba, trọng lượng con to nhất tới trên 20kg. Ba ba giống kích cỡ 2-3cm giá 4.000-5.000 đồng/con, nuôi 8-9 tháng bán từ 280.000-320.000 đồng/kg. Mỗi năm doanh thu từ  nuôi ba ba cũng ngót 20 tỷ đồng.

Trang trại còn nuôi các loại cá nước ngọt như rô phi, chép, mè... mỗi năm thu hoạch khoảng 500-600 tấn, giá bán từ 22.000-25.000 đồng/kg, doanh thu về cá ước đạt gần 13 tỷ đồng/năm.

Để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, anh Hòa quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Chuồng trại có hệ thống đường ống dẫn nước làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông. Phân heo được biến thành điện, thành gas bằng hệ thống biogas, do vậy vào thời điểm cả nước bị thiếu hụt nguồn điện, ở Công ty Thiên Thuận Tường vẫn có điện, gas xài thoải mái. Công ty còn đầu tư xe chở nước, hàng ngày về tận Cẩm Phả mua nước sạch cung cấp nước uống cho heo. Mùa hè, cứ 2 tiếng heo được tắm 1 lần bằng hệ thống vòi phun tự động, nên chuồng heo luôn sạch sẽ. Khu chuồng trại nào cũng có một người trực, có bàn làm việc như ở công sở. Khách đến thăm chuồng trại phải thay quần áo, mặc áo choàng trắng, đeo khẩu trang, đi ủng sát trùng và đội mũ trùm kín đầu, chỉ được nhìn, không được nói. Anh Đinh Văn Ảnh, cán bộ kỹ thuật cho biết: “Nếu không tiệt trùng như vậy, chỉ một đợt dịch tai xanh thì chỉ có nước phá sản”.

Công ty Thiên Thuận Tường còn có khu nuôi cá sấu và kỳ đà với trang bị và quy trình nuôi rất hiện đại. Giống cá sấu do Trung tâm Bảo tồn cá sấu (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cung cấp. Giá từ 1,2-1,4 triệu đồng/con, chỉ nhỏ bằng ngón tay. Nuôi 25 tháng cá sấu đạt trọng lượng từ 100-150kg/con.

Hiện công ty nuôi trên 200 con, bình quân 20-30/kg. Công ty Thiên Thuận Tường có quy mô đàn cá và heo rất lớn, nên cá và nhau thai của lợn nái đủ để nuôi đến 5.000-10.000 cá sấu. Kỳ đà là loài bò sát rất khó nuôi, lâu nay đã có nhiều nơi nuôi nhưng không thành công, do kỳ đà không chịu được cái lạnh mùa đông của miền Bắc.

Để học hỏi kinh nghiệm nuôi kỳ đà, anh Hòa sang Singapore tham quan cách nuôi. Ở đó, muốn vào tham quan khu chăn nuôi, anh phải bỏ ra 1.000 SGD vé vào cổng; muốn lấy được một nhúm cát, một lọ nước ở trang trại chăn nuôi cũng phải bỏ ra vài trăm SGD.

Anh Trần Hòa kể: “Người ta đến tham quan đúng là tham quan, còn tôi cứ phải lẻn đến các chuồng trại để tìm tòi, học hỏi. Nhờ chuyến đi này, tôi ký được hợp đồng nhập dây chuyền sản xuất - chế biến thức ăn gia súc, giá rẻ hơn giá chào bán của các đơn vị xuất nhập khẩu trong nước chục lần”.

Từ kinh nghiệm học được, anh Hòa áp dụng vào trang trại mình. Dám nghĩ, dám làm và mạnh dạn đầu tư vào các dự án mới là nhận định của nhiều người khi nhắc tới doanh nhân Trần Hòa.

Định hình mô hình sản xuất hiện đại

Trang trại nuôi cá sấu của Công ty Thiên Thuận Tường.

Trang trại nuôi cá sấu của Công ty Thiên Thuận Tường.

Hiện trang trại có vài chục cái hồ với diện tích 12ha nuôi cá sấu, ba ba, kỳ đà. Xung quanh hồ trồng cây ăn quả đủ loại. Ven hồ anh còn cho xây hào, trên mặt hào lát gạch, phủ cát. Đi vòng quanh các khu hồ khang trang, ta tưởng như đang đi dạo ở công viên. Hệ thống nước điều hòa nhiệt độ hoạt động bằng năng lượng biogas cứ chảy tuần hoàn, suốt ngày đêm, mùa hè làm mát, mùa đông làm nóng cát. Mùa rét, kỳ đà có thể rúc vào cát sưởi ấm.

Cát trong khu nuôi kỳ đà phải là cát Vân Hải, dùng sản xuất thủy tinh, giá tới 450.000 đồng/m3 và phải trộn một phần cát sông Hồng. Vì cát Vân Hải hấp thụ nhiệt nhanh, còn cát sông Hồng giữ được độ ẩm, làm mát lâu.

Với hệ thống xử lý chất thải khép kín theo công nghệ sản xuất sạch, không khí được xử lý trước khi đưa vào chuồng trại, xây dựng hệ thống hầm khí biogas, bể lắng xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường, do vậy môi trường xung quanh luôn được cải thiện và không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Hiện nay Công ty Thiên Thuận Tường có gần 90 lao động, trong đó có 25 kỹ sư - cử nhân, 6 bác sĩ thú y. Thu nhập của người lao động  từ 3,5-8 triệu đồng/người/tháng. Công ty đạt tổng doanh thu các mô hình chăn nuôi từ 60-100 tỷ đồng/năm, là một trong những đơn vị chăn nuôi có doanh thu và nộp ngân sách cao nhất tỉnh.

Trước tình hình khó khăn của thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh, CTCP Thiên Thuận Tường vẫn không ngừng tăng trưởng nhờ biết cách vận dụng tiết kiệm, khai thác hết khả năng thế mạnh của ngành chăn nuôi trên địa bàn một tỉnh công nghiệp.

Anh Hòa cho biết, để tiết kiệm khoản chi phí nhập thức ăn gia súc của Thái Lan, mỗi tháng từ 1,2-1,5 tỷ đồng, công ty đang lắp đặt dây chuyền chế biến thức ăn gia súc của Nhật, công suất 10.000 tấn/năm, với vốn đầu tư gần 25 tỷ đồng, vừa cung ứng cho công ty, vừa xuất khẩu.

Ngay từ khi nhà máy còn trên bản vẽ, một số doanh nghiệp chăn nuôi của Trung Quốc đã ký hợp đồng mua số lượng lớn. Công ty cũng đang xin tỉnh cấp 30ha đất ở xã Cộng Hòa để nâng quy mô sản xuất lên trên 30.000 con heo thương phẩm và khoảng 10.000 con heo hậu bị.

Không chỉ là nhà đầu tư giỏi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, anh Trần Hòa còn là một doanh nhân nổi bật trong các hoạt động xã hội từ thiện. Nhiều năm nay, công ty đảm nhận mua bảo hiểm học đường cho 100% học sinh Trường Tiểu học phường Cẩm Phú và ủng hộ trên 700 triệu đồng xây dựng trường tiểu học này, đóng góp hàng tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng nhà tình thương cho 28 hộ nghèo.

Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, anh Trần Hòa đã được Chủ tịch nước tặng Kỷ niệm chương, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích tham gia xã hội hóa giáo dục. Nhiều năm anh được UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND thị xã Cẩm Phả công nhận “Doanh nhân tiêu biểu".

Các tin khác