Nữ tướng giữa giữa thời bình

Với những thành công lớn trong việc đưa nghề mây tre lá (MTL) thành ngành hàng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX MTL Ba Nhất, đã từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời ra Hà Nội gặp mặt và viết tặng 4 chữ: “Nữ tướng thời bình”.

Với những thành công lớn trong việc đưa nghề mây tre lá (MTL) thành ngành hàng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX MTL Ba Nhất, đã từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời ra Hà Nội gặp mặt và viết tặng 4 chữ: “Nữ tướng thời bình”.

Bán nhà đi tìm thị trường

Lý giải tại sao chọn MTL chứ không phải là một ngành nghề kinh doanh khác, bà Cúc nói: “Nghề MTL dễ học, dễ làm, chủ yếu là kinh nghiệm dân gian của ông cha truyền lại. Một người học có thể dạy cho nhiều người làm, tận dụng thời gian nhàn rỗi trong dân. Chính vì thế, MTL có thể giúp được nhiều người nghèo có công ăn, việc làm”.

 Bà Nguyễn Thị Cúc (bìa trái) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp năm 2003.

 Bà Nguyễn Thị Cúc (bìa trái) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp
tiếp năm 2003.

Năm 1977, tổ hợp sản xuất MTL phường 16 (thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đổi tên thành HTX MTL Ba Nhất, do bà Cúc làm chủ nhiệm. Tuy nhiên, trong một thời gian dài HTX thiếu nguyên liệu sản xuất, vì hồi ấy MTL cũng phải mua bằng… tem phiếu. Khi bà Cúc chủ động đi tìm mua nguyên liệu, nhiều người e ngại không dám cung cấp vì nghĩ bà đang… buôn lậu.

Bà nhớ lại: “Khó khăn lắm, có khi mình luồn lách trong rừng mấy ngày cũng chỉ mua được vài gánh lá buông về cho chị em làm. Vậy mà còn bị chính quyền hỏi thăm mấy lần”. Vốn là người bản lĩnh, bà Cúc đến gặp lãnh đạo địa phương và trình bày khó khăn và thuyết phục cho phép thành lập ban cung ứng vật tư để cung cấp nguyên liệu làm MTL.

HTX MTL Ba Nhất làm ăn yên ổn không được bao lâu thì xảy ra tình hình nhiều HTX bị giải thể. 60 triệu đồng tiền vốn của HTX không được hoàn trả; sản phẩm trị giá 18 triệu đồng không có nơi tiêu thụ, nằm kho vài tháng đã ẩm mốc, phải đốt bỏ.

Chán nản, hàng ngàn công nhân của HTX Ba Nhất lần lượt bỏ nghề, kiếm kế khác sinh nhai. HTX MTL Ba Nhất chỉ còn lại 70 xã viên. Không chịu ngồi yên nhìn HTX lao xuống dốc, bà Cúc quyết định bán căn nhà đang ở lấy 80 triệu đồng để đi tìm đầu ra cho sản phẩm của HTX. Chồng con phải đi thuê nhà trọ để ở.

Với số tiền bán nhà, bà sang Liên Xô, Philippines, Trung Quốc, học hỏi cách làm của họ, rồi sang các nước châu Âu tìm thị trường. Quả là một hành trình gian nan. Ở nhà, nhiều người đồn bà Cúc bỏ xứ vượt biên đi trốn nợ.

Sau chuyến đi dài, trở về nước với sự am hiểu về nhu cầu thị trường ở nước ngoài cũng như những kỹ thuật mới mẻ về bèo lục bình, bẹ chuối, cỏ…, bà Cúc bắt tay vào làm một việc “chẳng giống ai” ở thời điểm ấy. Bà cho người trong HTX đi gom lục bình, bẹ chuối về làm hàng mỹ nghệ.

Sản phẩm làm ra đẹp và bền chắc. Có hàng, bà Cúc lại xin các khách sạn, nhà hàng có nhiều người nước ngoài lui tới để trang hoàng giúp họ bằng các sản phẩm mỹ nghệ của mình, không quên kèm lời nhắn: “Nếu khách nào hỏi mua, xin cho giùm địa chỉ HTX tui nhé!”.

Không lâu sau, có một doanh nhân Đài Loan tên Linky tìm đến tận HTX để đặt một đơn hàng trị giá 100.000USD. Nhận được đơn đặt hàng, bà Cúc mừng đến rơi nước mắt. Nhưng, chỉ mới giao được 4.000USD sản phẩm, thì phải hủy hợp đồng giữa chừng do lúc bấy giờ HTX chưa được trực tiếp làm ăn với nước ngoài.

Đưa bèo, cỏ lên tàu xuất khẩu

Năm 2000, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tìm đến tận HTX MTL Ba Nhất mời bà Cúc về quê ông ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) để hướng dẫn nông dân địa phương làm hàng MTL xuất khẩu và nghiên cứu nhân rộng mô hình làm ăn của HTX MTL Ba Nhất. Kết quả thật mỹ mãn, bà Cúc về Vĩnh Long hướng dẫn chuyển nghề làm chiếu cói truyền thống sang đan lát MTL xuất khẩu. Bà miệt mài nghiên cứu hàng tháng liền rồi đặt hàng cho Trường Đại học Bách Khoa TPHCM chế tạo máy se cói ngược độc nhất vô nhị. Ở thời điểm ấy, máy này được xem là phép lạ làm thay đổi cả tập quán đan lát theo kiểu truyền thống, cho ra đời những sản phẩm có tính mỹ thuật cao, được thị trường phương Tây ưa chuộng.

Đến năm 1993, khi các rào cản của cơ chế cũ đã được xóa bỏ, thấy đã đến lúc có thể phát triển mạnh mẽ ngành MTL xuất khẩu, bà Cúc lấy 2ha đất nông nghiệp của gia đình ở thị trấn Uyên Hưng làm nhà xưởng. Từ đó, lượng hàng làm ra nhiều hơn và bà tiếp tục tìm cách xuất khẩu sản phẩm. Lần này, bà Cúc đến tận các điểm du lịch nổi tiếng để trưng bày sản phẩm.

Ngay lập tức, bà được ông Morell, một doanh nhân Pháp, đặt đơn hàng 200.000USD. Sau đó, thấy Ba Nhất làm sản phẩm tốt, ông Morell tiếp tục ký thêm hợp đồng đặt hàng hơn 100 container hàng mỹ nghệ MTL, lại ứng 20.000USD để HTX xây dựng gian hàng giới thiệu sản phẩm. Tiếp đó, có thêm một doanh nhân Nhật Bản tên là Yamamoto đặt đơn hàng lên đến 500.000USD.

Ít ai biết được rằng ở thời điểm năm 1994, khi lệnh cấm vận chưa dỡ bỏ, sản phẩm của Ba Nhất đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Để làm được điều này, bà Cúc đã phải xuất hàng quá cảnh sang Canada và Hà Lan rồi vào thị trường Hoa Kỳ. Nhận thấy hàng của mình có thể cạnh tranh được ở thị trường giàu tiềm năng này, bà Cúc ký gửi cho các hãng bán lẻ lớn phân phối sản phẩm.

Đến ngày 17-11-2000, khi Tổng thống B.Clinton sang thăm Việt Nam, bà soạn một lá thư bằng tiếng Anh gửi bà Hillary, phu nhân tổng thống, với nội dung đề nghị hỗ trợ đưa sản phẩm MTL vào thị trường Hoa Kỳ nhằm giúp xóa đói giảm nghèo. Sau đó, phía Hoa Kỳ đã giúp đỡ bà đem sản phẩm MTL bán vào thị trường của họ bằng cách tài trợ tiền và bảo lãnh cho HTX MTL Ba Nhất tham gia các hội chợ.

Hội chợ quốc tế đầu tiên mà HTX MTL Ba Nhất được tham gia là Hội chợ Atlanta năm 2003. Từ hội chợ này, các hãng bán lẻ hàng mỹ nghệ của Hoa Kỳ đã chú ý hàng MTL Việt Nam. Bởi trước đó, dù nhu cầu thị trường Hoa Kỳ rất lớn nhưng hàng Trung Quốc vẫn chiếm đại đa số trên các kệ hàng.

Từ đó, hàng nghìn mẫu mã sản phẩm của Ba Nhất được các hãng bán lẻ hàng đầu như World Mark, Target, Ikea… nhận phân phối. Nay sản phẩm MTL của HTX MTL Ba Nhất đã có mặt trên 40 nước trên thế giới. Đó cũng là niềm tự hào chung của giới mỹ nghệ trong nước.

Bà Cúc cùng làm việc với công nhân trong xưởng.

Bà Cúc cùng làm việc với công nhân trong xưởng.

Năm 2010 HTX MTL Ba Nhất đạt doanh thu 188,9 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2009, kim ngạch xuất khẩu 10,2 triệu USD. Hiện nay, HTX có 1.355 lao động tại chỗ và hơn 20.000 lao động sơ chế nguyên liệu, làm hàng gia công ở các tỉnh: Thanh Hóa, Long An, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Đó là chưa kể đến các HTX được bà Cúc thành lập ở các địa phương để cung ứng nguyên liệu: cói tại Long An, Ninh Bình và Thanh Hóa, tre ở Nam Định, mây ở Thái Bình, bẹ chuối ở Lâm Đồng, lục bình ở Đồng Tháp. HTX MTL Ba Nhất đã có sáng kiến tận dụng cỏ năng tượng (mọc nhiều ở Cà Mau và Bạc Liêu, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp) trở thành nguyên liệu làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Trước đây, khách hàng của HTX MTL Ba Nhất đặt hàng theo mùa vụ, nay nhiều khách hàng lớn có uy tín trên thế giới đã ký hợp đồng lớn với Ba Nhất, số lượng lên đến hàng trăm ngàn sản phẩm. Đạt được thành quả đó chính là nhờ bà Cúc đã xây dựng cho mình một đội ngũ tiếp thị năng động và rất giỏi tiếng Anh để giao tiếp mở rộng quan hệ kinh doanh. Bà còn cử nhiều chuyên gia sang nước ngoài để liên tục cập nhật thông tin, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm kiếm đối tác.

Giúp người bất hạnh vượt lên trên hoàn cảnh

Bà Cúc còn được nhiều người khâm phục ở khả năng cảm hóa và chuyển hóa con người. Người lao động đến với HTX MTL Ba Nhất từ nhiều cảnh đời. Những người bất hạnh, nghèo khó, lầm lỡ, mù chữõ… đều được dang tay đón nhận. HTX MTL Ba Nhất còn đưa nghề MTL vào Viện Dưỡng lão TPHCM giúp tạo niềm vui được sống có ích cho gần 1.000 lượt người già neo đơn; đưa nghề MTL vào các trung tâm cai nghiện, trại phục hồi nhân phẩm để vực dậy ý chí lao động cho 1.462 người. Do vậy, có thể nói HTX MTL Ba Nhất đã tạo nên kỳ tích về cảm hóa con người.

Khách đến thăm HTX MTL Ba Nhất thường thấy không khí ấm cúng thân tình trong bữa ăn. Bà Cúc ngồi cùng ăn cơm với gần 20 người lao động. Họ đều có những góc khuất nghiệt ngã của số phận. Trong số đó có anh Quang là bộ đội phục viên, rời quân ngũ không có việc làm, vào Bình Dương làm thuê kiếm sống. Đêm 30 Tết không có tiền về quê, anh gõ cửa HTX MTL Ba Nhất xin ngủ nhờ. Bà Cúc giữ lại ăn Tết rồi cho vào làm trong HTX.

Nay anh Quang đã là Phó Chủ nhiệm HTX, lập gia đình và có của ăn của để. Thạch Thế Khanh, một tài xế container, cũng đã được bà Cúc giúp có cuộc sống ổn định. Cách đây 15 năm, khi còn là một cậu bé 15 tuổi, Khanh bỏ vùng quê Đồng Tháp lên TPHCM làm phụ hồ, nhưng vì nhỏ nhắn, sức yếu nên bị chủ đuổi. Nửa đêm trời mưa to gió lớn, Khanh nằm co ro dưới hiên nhà bà Cúc ở quận Bình Thạnh. Bà Cúc đưa Khanh về HTX nuôi dạy, cho đi học bổ túc văn hóa.

Giờ Khanh đã là tài xế thu nhập mỗi tháng 8 triệu đồng, có vợ sinh con rồi lại được bà Cúc xây nhà cho ở ngay tại HTX. Còn nhiều mảnh đời bất hạnh được bà giúp tạo dựng cuộc sống. Tại nhà bà Cúc có đến hơn 30 em bé mồ côi, không nơi nương tựa được bà cưu mang, cho ăn học đàng hoàng. Bà bảo, không thể dửng dưng trước những cảnh đời bất hạnh.

Sau một ngày làm việc mệt nhọc, bà lại chăm sóc cỏ cây trong vườn. Khu nhà xưởng và nhà ở tại Tân Uyên trước đây là một khu rừng rậm rạp, bom mìn ngổn ngang. Vậy mà sau nhiều năm cải tạo, bà Cúc đã có được một ngôi nhà nhỏ xinh xắn nằm giữa vườn cây. Xưởng MTL Ba Nhất nhộn nhịp khách đến tham quan, container liên tục xuất hàng đi.

Chính vì thế, dù có resort ở Phan Thiết, nhà cao cửa rộng ở quận Bình Thạnh nhưng gần như toàn bộ thời gian sinh hoạt và làm việc bà đều dành trọn cho HTX MTL Ba Nhất ở Tân Uyên.

Bà Cúc tâm sự: “Tui muốn ở bên những người lao động gắn bó với mình. Không phải để kiểm soát họ là để thông cảm, chia sẻ với mọi người”. 35 năm qua, bà Cúc đã dựng vợ, gả chồng cho hơn 200 đôi uyên ương là lao động của HTX. Với người đã có nhà, bà giúp vốn làm ăn. Với người chưa có nhà, bà xây tặng nhà để họ yên tâm làm ăn, sinh sống. Con em trong HTX, bà đều hỗ trợ tiền đi học hàng năm, lại lập quỹ khuyến học để thúc đẩy việc học hành.

Bà Nguyễn Thị Cúc đã đưa HTX MTL Ba Nhất vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong suốt 35 năm kể từ ngày thành lập. Nói về bí quyết thành công trong thời điểm hàng loạt công ty xuất khẩu mỹ nghệ đang điêu đứng, bà Cúc cho biết: “Ba Nhất đang thực thi giải pháp phải sản xuất bán cái người ta cần, chứ không chỉ bán cái mà mình đang có. Nhờ vậy, khách luôn tìm đến chúng tôi dù bây giờ hàng MTL đầy ra đó!”.

Nhiều người hỏi, vì sao bà có vốn, có mối quan hệ trong tay mà lại không chuyển đổi ngành nghề làm ăn để thu nhiều lợi nhuận hơn. Bà chỉ cười bảo: “Tui chọn làm MTL là vì nó giúp người nghèo dễ dàng kiếm tiền, giúp nhiều người ở dưới đáy xã hội có thể kiếm chén cơm ăn”.  Mỗi khi có lao động đến xin việc, bà Cúc thường rất ít khi hỏi về trình độ học vấn.

Bà tâm niệm: “Mỗi con người một hoàn cảnh. Điều cần quan tâm trước tiên là mình sẽ giúp họ vượt lên trên hoàn cảnh bằng cách nào. Càng khó tui càng muốn giúp sớm”.

Không biết bà Cúc có thấm nhuần thuật “đắc nhân tâm” không hay tự tâm bà đã vậy. Dù trong tay có bạc tỷ, đi nhiều nước, giao tiếp với nhiều lãnh đạo cấp cao và là một doanh nhân đầy bản lĩnh trên thương trường, bà vẫn giữ phong thái dung dị và nhân ái của là một lão nông chính hiệu ở tuổi 75.

Các tin khác