Nông nghiệp công nghệ cao: Cần cú hích chính sách

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một hình thức sản xuất nông nghiệp đã có từ lâu trên thế giới và được triển khai rộng rãi ở Việt Nam khoảng 10 năm nay. Thế nhưng, cho đến nay hiệu quả của hoạt động đầu tư vào NNCNC vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án chưa được nhân rộng do chính sách hỗ trợ chưa sâu sát với thực tế.

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một hình thức sản xuất nông nghiệp đã có từ lâu trên thế giới và được triển khai rộng rãi ở Việt Nam khoảng 10 năm nay. Thế nhưng, cho đến nay hiệu quả của hoạt động đầu tư vào NNCNC vẫn còn nhiều hạn chế, các dự án chưa được nhân rộng do chính sách hỗ trợ chưa sâu sát với thực tế.

Đi sau về muộn

NNCNC là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, giống mới về cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.

Ở các nước phát triển, từ giữa thế kỷ 20, các khu NNCNC đã được chú trọng xây dựng nhằm đưa các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nông nghiệp. Cụ thể, đầu những năm 80, Hoa  Kỳ đã có hơn 100 khu khoa học NNCNC.

Khu NNCNC TPHCM hiện có 14 DN tham gia đầu tư, nhưng mới có 8 nhà đầu tư triển khai hoạt động. Đó là do khi tham gia, được chứng nhận đủ điều kiện về NNCNC chỉ là thủ tục ban đầu, DN phải qua giai đoạn ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy quyền sử dụng đất… mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư không tiếp cận được vốn ngân hàng, nên chỉ đăng ký hoặc triển khai nửa chừng rồi để đó do không có vốn.

Ông TRẦN PHƯỚC DŨNG,
Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM

Năm 1988, tại Anh đã xây dựng 38 khu vườn khoa học công nghệ với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp (DN). Năm 1996, Phần Lan đã có 9 khu khoa học NNCNC.

Israel cũng quan tâm đầu tư hàng loạt khu vườn để nâng cao hiệu quả cho hoạt động nông nghiệp… Tại châu Á, NNCNC cũng đã được Trung Quốc, Thái Lan và lãnh thổ Đài Loan đưa vào ứng dụng khá lâu.

Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng, phát triển các khu NNCNC và tính đến nay, nước này có khoảng có 405 khu NNCNC, trong đó có 1 khu NNCNC cấp quốc gia, 42 khu cấp tỉnh và 362 khu cấp thành phố.

Các khu vườn NNCNC ở các quốc gia trên trải dài theo các cấp từ quận đến tỉnh, thành và cấp quốc gia. Các nước này còn đầu tư xây dựng hàng ngàn cơ sở ứng dụng công nghệ cao ở nhiều vùng trên khắp đất nước để cung cấp công nghệ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với sự tổ chức bài bản và phát triển đúng hướng, những khu vườn NNCNC trên thế giới đã đạt được năng suất rất cao.

Cụ thể, khi Israel áp dụng thực hiện NNCNC, hoa cắt cành đạt 1,5 triệu cành/ha, cà chua đạt gần 300 tấn/ha, bưởi đạt 100-150 tấn/ha. Dù mới chỉ áp dụng vài năm gần đây nhưng trên diện tích áp dụng NNCNC Trung Quốc thu được giá trị sản lượng trung bình 50.000USD/ha/năm, cao gấp 5 lần so với sử dụng phương pháp sản xuất cũ.

Để thúc đẩy phát triển NNCNC, ngày 29-1-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 176/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Trọng tâm của đề án là khuyến khích DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào các vùng sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, sau 2 năm triển khai, cả nước mới có 3 DN được công nhận ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, gồm CTCP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Agrovina (Dalat Hasfarm) và CTCP Thực phẩm sữa TH.

Ngoài ra, đến nay cả nước chỉ có vài địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, TPHCM, Cần Thơ áp dụng mô hình thí điểm NNCNC.

Ách tắc, thiếu lực hút

Nằm trong số 3 DN được Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT)cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ cao, CTCP Thực phẩm sữa TH đang phát triển dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp lớn tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 350 triệu USD, ứng dụng công nghệ hiện đại thế giới, từ chế biến thức ăn, vắt sữa bò đến đóng gói sản phẩm được khép kín bằng công nghệ nhập 100% từ Israel và Newzeland. Sau 2 năm triển khai dự án, tổng đàn bò sữa của TH hiện có hơn 20.000 con, dự kiến lên 45.000 con vào năm 2013 và 137.000 con năm 2017.

Theo các chuyên gia, nhiều DN muốn tham gia NNCNC nhưng e ngại vì sản xuất nông nghiệp trong nước phân tán, manh mún, quy mô nhỏ, việc tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung rất khó.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các lãnh đạo TP tham quan các sản phẩm rau sạch, chất lượng cao của TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải và các lãnh đạo TP
tham quan các sản phẩm rau sạch, chất lượng cao của TPHCM. Ảnh: THANH TÂM

NNCNC ở Việt Nam chưa phát triển mạnh còn do tiềm lực về tài chính và nhân lực cho hoạt động nghiên cứu, nhập khẩu máy móc thiết bị thiếu và yếu.

Thí dụ, để phát triển một khu NNCNC cần ít nhất 20 thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp cùng với nguồn nhân lực có trình độ để tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, trong khi nước ta thiếu trầm trọng. Bên cạnh đó, do quy hoạch tổng thể các khu NNCNC, các vùng ứng dụng NNCNC trên cả nước vẫn chưa được thực hiện, nên các địa phương chưa thể xây dựng chính sách hỗ trợ DN cụ thể.

Theo đó, các DN tham gia lĩnh vực NNCNC chưa được hưởng ưu đãi về cơ sở hạ tầng, điện nước, giao thông… như đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị.

Hoặc Luật Công nghệ cao quy định các DN tham gia NNCNC sẽ được ưu đãi về lãi suất nhưng lại không đưa ra nguồn kinh phí nào hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại, nên ngân hàng không mặn mà cho DN vay vốn.

Trong chiến lược phát triển NNCNC, TPHCM được chọn là trung tâm phát triển NNCNC các tỉnh Nam bộ. Và tính đến thời điểm này TPHCM đã xây dựng khá thành công khu NNCNC.

Tuy nhiên, theo ông Trần Phước Dũng, Trưởng ban quản lý Khu NNCNC TPHCM, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp đã có và khá thoáng, hỗ trợ giải quyết những vấn đề cơ bản phục vụ nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Nhưng do nông nghiệp chiếm vị trí nhỏ trong nền kinh tế của thành phố, nên đầu tư vào nông nghiệp so với các ngành khác gặp nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận thấp, đã khiến việc thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực NNCNC gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua TPHCM đã ban hành Nghị định 61 khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tối đa, thậm chí giao đất không thu tiền sử dụng đất trong vòng 11 năm, giảm thuế, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm thị trường.

Cùng với đó là Quyết định 36 về hỗ trợ vốn trong nông nghiệp quy định DN có dự án tốt, sản phẩm tốt được vay vốn ngân sách của thành phố bù 100% lãi suất, thế nhưng nhiều DN vẫn thờ ơ.

Tạo sức thuyết phục từ mô hình

Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để đẩy mạnh phát triển NNCNC, Nhà nước cần xây dựng mô hình gắn kết công - tư, tập trung hỗ trợ cho khối DN tư nhân từ vốn, công nghệ, nhân lực đến việc tích tụ ruộng đất. Khi DN tư nhân tham gia NNCNC mới có thể phát triển được.

Mức độ đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam từ 14% ngân sách, nay giảm xuống chỉ còn 6%. Với con số này có thể thấy ngành nông nghiệp không được ưu tiên phát triển đúng mức. Vì thế, ngoài việc chú ý đến đầu tư ngân sách, muốn phát triển nông nghiệp, nhất là NNCNC, Nhà nước cần đi theo hướng xuất khẩu để thay đổi tư duy sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường, từng bước nâng cao năng suất và xây dựng sức cạnh tranh để không lúng túng khi hội nhập sâu WTO.

TS. VŨ THÀNH TỰ ANH,
Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Bởi lẽ nhiều năm qua hầu như các dự án NNCNC do DN nhà nước thực hiện đều không đạt hiệu quả. Một số DN cũng kiến nghị muốn phát triển NNCNC, trước tiên Nhà nước cần áp dụng mô hình Nhà nước đầu tư, DN quản lý, nếu thành công chuyển sang mô hình DN đầu tư và quản lý. Việc xây dựng mô hình cụ thể sẽ giúp DN nhìn thấy hướng phát triển để an tâm đầu tư. Bởi khi các dự án đầu tư đạt hiệu quả cao, DN khác và nông dân sẽ chủ động tham gia ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ DN cần phải đi vào thực tế cuộc sống để giải quyết những vướng mắc hiện tại. Thứ nhất, đa số DN Việt Nam đều phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, muốn tiếp cận nguồn vốn này cần phải có thế chấp, nhưng các DN đầu tư vào khu NNCNC lại vay vốn rất khó khăn mặc dù có dự án đầu tư.

Vì vậy, chính sách phải tìm hướng tháo gỡ để DN tìm được nguồn vốn đầu tư. Thứ hai, Nhà nước phải có những chính sách đặc biệt hỗ trợ cho nông nghiệp để bảo đảm cho các đối tượng tham gia đầu tư vào nông nghiệp có lợi nhuận tương đương với mức lợi nhuận họ sẽ có được khi đầu tư vào các ngành khác.

Cụ thể, ở các quốc gia trên thế giới, chính phủ lấy nguồn lợi nhuận từ các ngành kinh tế khác để hỗ trợ, bù đắp cho nông nghiệp.

Thực tế cho thấy ngành nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có sản xuất nông nghiệp mới tạo ra được lương thực, thực phẩm nuôi sống con người, thúc đẩy các ngành khác phát triển. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp với biện pháp phù hợp, hài hòa lợi ích là cách tích cực nhất để thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Các tin khác