Nợ đọng XDCB: Khối u nợ xấu cần giải tỏa

Một trong những giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian tới là tập trung giải quyết khối nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách, hiện đã lên tới 90.000 tỷ đồng. Theo Bộ kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngoài việc bố trí đủ vốn, tạo điều kiện về chính sách, quan trọng nhất là phải tạo cơ chế để khắc phục bằng được “căn bệnh” đầu tư dàn trải - nguyên nhân chính dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều năm nay.

Một trong những giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian tới là tập trung giải quyết khối nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách, hiện đã lên tới 90.000 tỷ đồng. Theo Bộ kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngoài việc bố trí đủ vốn, tạo điều kiện về chính sách, quan trọng nhất là phải tạo cơ chế để khắc phục bằng được “căn bệnh” đầu tư dàn trải - nguyên nhân chính dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản nhiều năm nay.

“Căn bệnh” kinh niên

Nợ đọng xây dựng cơ bản không phải là vấn đề mới trong nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2004-2006, nợ đọng đã  khiến ngành xây dựng lao đao. Các chủ đầu tư nợ nhà thầu khối lượng xây lắp công trình đã hoàn thành, nhà thầu nợ vốn vay ngân hàng, nợ thuế, nợ tiền vật liệu xây dựng, nợ lương công nhân, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau…

Quốc hội đã từng tổ chức một chuyên đề giám sát riêng về đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản và yêu cầu Chính phủ có kế hoạch cụ thể, biện pháp xử lý mạnh để giải quyết dứt điểm nợ đọng. Sau đó, Chính phủ đã tổ chức cả một hội nghị toàn quốc để quán triệt chủ trương và bàn biện pháp triển khai nhiệm vụ này.

Ở thời điểm đó, khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản vào khoảng 13.000 tỷ đồng và nhiều địa phương đã phải dùng một phần ngân sách hàng năm để trả nợ.

Nợ đọng xây dựng cơ bản dẫn đến công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán giá trị khối lượng thực hiện. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau. Không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản, góp phần làm cho nợ xấu ngân hàng tăng lên, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông PHẠM ĐỨC HỒNG,
Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính

Những tưởng sau những giải pháp quyết liệt đó, nợ đọng sẽ được trị dứt điểm. Vậy mà, chỉ sau vài năm kinh tế suy thoái, “căn bệnh” đó lại bùng phát. Theo thống kê sơ bộ của Bộ KH-ĐT, hiện nay tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 90.000 tỷ đồng; trong đó nợ các dự án đã hoàn thành khoảng 20.000 tỷ đồng, nợ các dự án chuyển tiếp gần 70.000 tỷ đồng.

Phần lớn các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản là ở các địa phương. Không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, tình trạng nợ đọng còn dẫn đến những tác động rất xấu cho nền kinh tế, minh chứng điển hình là ở các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Theo Vụ Tài chính (Bộ GT-VT), tính đến quý III-2012, các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (thuộc Cienco) đang là khối doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất.

Vốn chủ sở hữu của các công ty Cienco rất thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 225 tỷ đồng, trong khi một dự án giao thông trung bình đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó dẫn đến các Cienco buộc phải đi vay để thực hiện các dự án hạ tầng lớn.

Vì thế, số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều mức cho phép. Khó khăn càng chồng chất khi vốn vay phải trả lãi suất cao, dự án bị đình hoãn do không có tiền tiếp tục thực hiện, trong khi vẫn phải gánh phí bảo lãnh hợp đồng, phí điều chuyển máy móc nhân lực, duy trì hiện trạng…

Do vốn ứng trước là vốn vay ngân hàng, nay không được thanh toán đúng hạn, các nhà thầu xây dựng cũng không thể trả được nợ, thậm chí cả tiền lãi. Từ đó nợ đọng đã nhanh chóng chuyển thành nợ xấu và “cục máu đông” này đang khiến nền kinh tế rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Nguyên nhân không mới

So sánh với giai đoạn trước, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay vẫn xuất phát từ những nguyên nhân không mới. Đó là tình trạng đầu tư dàn trải, thực hiện kỷ luật ngân sách không nghiêm từ phía các bộ, ngành, địa phương. Theo một quan chức Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ KH-ĐT), nợ đọng trong xây dựng cơ bản xuất phát từ cả 2 phía: chủ đầu tư và nhà thầu.

Chủ đầu tư thường là chính quyền, các bộ, sở, ngành, cơ quan nhà nước các cấp từ trung ương đến địa phương, với những dự án xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng cấp vốn, giải ngân chậm.

Hoặc các địa phương thi nhau xây dựng công trình, không loại trừ những trường hợp lập dự án xây dựng, làm chủ đầu tư để "tư túi" phần trăm hoa hồng, đút lót của nhà thầu. Vì thế nhiều công trình xây dựng cứ được chỉ định thầu, hay cho đấu thầu theo kiểu tiền trảm hậu… xin, cứ khởi công xây dựng rồi xin cấp phép sau.

Hệ thống giao thông liên hoàn tại quận 2, TPHCM (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: CAO THĂNG

Hệ thống giao thông liên hoàn tại quận 2, TPHCM
(ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, về phía nhà thầu dù năng lực tài chính thấp nhưng do muốn phát triển nhanh nên vẫn ồ ạt vay vốn ngân hàng đua nhau dự thầu, thậm chỉ bỏ thầu giá thấp để có được công trình, không cân nhắc tính hiệu quả và khả năng thanh toán của chủ đầu tư.

Thực tế thời gian qua cho thấy các dự án nằm trong danh mục chỉ định thầu chủ yếu sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và hầu hết chưa được bố trí đủ vốn, phần lớn mới chỉ được cấp vốn vào khoảng 20-60% giá trị gói thầu.

Bên cạnh đó, do khó khăn kinh tế, trong 2 năm qua Chính phủ phải cắt giảm đầu tư công, nên ngành tài chính không bố trí kịp ngân sách cho các công trình đang thi công để thanh toán kịp thời. Các công trình cũ trước đây phần lớn lấy từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ, kết hợp với vốn huy động dân vùng hưởng lợi, nhưng do vốn ngân sách bố trí dàn trải, không đồng bộ với tiến độ thi công, kéo dài nhiều năm, nguồn vốn huy động trong dân rất khó khăn, nên nợ đọng xây dựng kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp vì cạnh tranh gay gắt trong đấu thầu, cốt sao trúng thầu, đã hạ giá, khiến đã thua lỗ nhiều khi lại gặp tiếp chủ đầu tư nợ tiền xây dựng cơ bản, nên thêm càng khó khăn.

Tại một diễn đàn kinh tế tổ chức mới đây, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ sự lo lắng trước tác động của khoản nợ xây dựng cơ bản lên đến 90.000 tỷ đồng: "Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp vật lộn với khó khăn hiện nay, sẽ có bao nhiêu đơn vị đứng trước nguy cơ chết hoặc chờ chết vì không thu được các món nợ từ địa phương? Đây là vấn đề cần sớm có lời giải”.

Xử lý dứt điểm 2013?

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bước đầu đã được thống kê, giải quyết theo hướng các bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Đến năm 2015 phải hoàn tất thanh toán số nợ đọng nói trên.

Vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản đã dồn lại từ cả chục năm qua và chỉ đến khi kinh tế rơi vào suy thoái, bi kịch nợ xấu mới lòi ra. Vì vậy đã nói là phải làm và làm kiên quyết. Cũng như mọi việc khác, vấn đề này chỉ được thực hiện nghiêm túc và triệt để khi gắn với trách nhiệm cá nhân, đơn vị rõ ràng.

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Mới đây, Bộ KH-ĐT đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước báo cáo tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản và danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ phải đình hoãn do không có vốn thực hiện.

Dự kiến sau khi tổng hợp, phân loại các khoản nợ cụ thể, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với chính phủ các giải pháp xử lý dứt điểm trong năm 2013.

Trước đó, hồi đầu tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 27 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng, xem đây là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo đó, từng địa phương, từng cấp phải cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm nợ đọng, xây dựng phương án trả nợ bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác.

Từ 2013 phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, bảo đảm trước ngày 20-5 hàng năm phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản. Các địa phương chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng theo kế hoạch. Những địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn không được bố trí vốn cho việc khởi công mới các dự án.

Theo Bộ KH-ĐT, Chính phủ sẽ tiếp tục đình hoãn một số dự án để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với những công trình thực sự có hiệu quả, mức vốn hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Đối với những công trình có khả năng khai thác từng phần thì hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép, các hạng mục còn lại phải kiên quyết đình hoãn.

Các tin khác