NNVN: Vì sao phát triển yếu kém, bấp bênh?

Từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng chủ lực có giá trị xuất khẩu giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện và trình độ sản xuất, thể chế chính sách bất cập đã đặt ra nhiều thách thức cho phát triển nông nghiệp, ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng chủ lực có giá trị xuất khẩu giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện và trình độ sản xuất, thể chế chính sách bất cập đã đặt ra nhiều thách thức cho phát triển nông nghiệp, ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Nhận diện thực trạng

Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư xã hội cho nông nghiệp đạt bình quân 11,3%/năm giai đoạn 1986-1993, giảm mạnh xuống còn 1,1%/năm trong giai đoạn 1994-2000; hồi phục, tăng mạnh nhất và đạt 9,2% trong giai đoạn 2001-2007, nhưng lại giảm đáng kể trong giai đoạn 2008-2013, với tốc độ tăng trưởng vốn âm (-0,88%).

Tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp trong tổng đầu tư liên tục giảm trong suốt 30 năm qua và chỉ còn chiếm 5,8% trong giai đoạn 2008-2013 (cụ thể chỉ còn 4,7% năm 2013). Tỷ trọng này quá thấp so với những đóng góp, tầm quan trọng và tiềm năng của lĩnh vực nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế.

Bức tranh chung cho thấy doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam có quy mô hết sức nhỏ, cần được chú trọng hỗ trợ để có sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp liên doanh, tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn nước ngoài đã và đang được mời gọi đầu tư vào Việt Nam. Điều này càng bức thiết hơn khi chúng ta gia nhập thị trường TPP và AFTA.

Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp vốn đã chiếm tỷ trọng thấp, lại phân bổ không hợp lý, quản lý chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2008-2013. Vốn ngân sách hiện nay tập trung nhiều nhất cho thủy lợi (75,6% năm 2013), chủ yếu là các công trình tưới tiêu lớn cho vùng trọng điểm lúa ở 2 vùng đồng bằng chính Bắc bộ và Nam bộ.

Tỷ trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN) và đào tạo nhân lực còn rất hạn chế (tương ứng 0,8% và 1,5%). Đầu tư công cho KHCN ở Việt Nam đạt 0,1% GDP, chỉ bằng 1/4 so với Philippines và Indonesia, bằng 1/7 so với Malaysia. Đối với các quốc gia khác tỷ lệ này là 1% GDP ở Australia; 1,3% GDP ở Canada; 0,7% GDP ở Hoa Kỳ, tức là gấp hàng chục lần so với Việt Nam.

Năm 2012, tổng kinh phí khuyến nông Trung ương và địa phương đạt xấp xỉ 500 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ nông dân được đầu tư khoảng 50.000 đồng/năm, trong khi một số quốc gia nông nghiệp trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… có mức đầu tư bình quân 50-80USD/hộ nông dân/năm.

Bất cập chính sách

Chính phủ đã triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn cải thiện đời sống và giảm thiểu tính tổn thương. Hầu hết trong số này đều có hợp phần tín dụng ưu đãi được trợ cấp một cách mạnh mẽ, chỉ bằng gần một nửa lãi suất các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Chính phủ đã định hướng chính sách tập trung vào việc tăng cường sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Kết cấu đầu tư chủ yếu tập trung vào kích cung và khâu trực tiếp sản xuất, chưa chú ý đến khâu bảo vệ sản xuất, sau thu hoạch và thương mại, dẫn đến tắc nghẽn cho cả chuỗi giá trị nông sản. Đầu tư sản xuất vẫn tập trung vào các sản phẩm có tập quán và điều kiện sẵn có (như lúa, lợn, gỗ dăm…), chưa chú ý đến các sản phẩm có khả năng thị trường  tiêu thụ lớn và có lợi thế.

Trong năm 2009, Chính phủ ban hành Quyết định 497/QĐ-TTg và sau đó là Quyết định 2213/QĐ-TTg, cơ bản đáp ứng các mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng vay là các chủ thể tham gia sản xuất và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thi hành còn nhiều hạn chế và kết quả thực hiện được rất thấp. Sau 1 năm thực hiện, tổng dư nợ chỉ bằng 7,7% tổng gói hỗ trợ. Một số địa phương có số tiền giải ngân chỉ khoảng vài trăm triệu đồng (Sơn La, Bình Định, Đắk Nông), cá biệt Bắc Kạn chỉ đạt 20 triệu đồng.

Theo số liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ nông thôn Việt Nam giai đoạn 2006-2012, quy mô cho vay nông thôn chỉ chiếm 13,6% tổng dư nợ cho vay; mặc dù có tới 50% số hộ nông dân có vay nợ và 60% trong đó có nguồn tín dụng từ ngân hàng. Tín dụng vi mô kém phát triển khiến tín dụng phi chính thức gặp rất nhiều rủi ro và thiệt thòi cho nông dân vẫn phổ biến tại nông thôn.

Nguyên nhân chính do một số quy định vay vốn không phù hợp. Cụ thể, thủ tục, quy định vay vốn quá chặt đối với nhiều nông dân; quy định nông dân phải mua máy móc lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên, trong khi ngoài thị trường những loại nông cụ đạt tỷ lệ nội địa trên rất ít, hoặc cung không đủ cầu; quy định về số tiền vay nhỏ.

Thiếu vốn và kèm theo đó khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế không chỉ cản trở đối với nông hộ mà còn của cả các doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn, khi có đến 85,3% số doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Sau khi chính sách khuyến khích tín dụng ra đời theo Nghị định 41/NĐ-CP, dư nợ tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng trở lại mức 20-22% trong năm 2011-2012. Tính đến tháng 11-2013, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn tín dụng đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chính sách tín dụng tuy đã có nhiều cải thiện song vẫn vướng phải trở ngại do chưa hội đủ các điều kiện cần thiết cùng với yêu cầu bảo toàn vốn của các ngân hàng, đã khiến nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân vẫn khó tiếp cận. Nguồn vốn chưa đáp ứng cả về số lượng và thời gian chu kỳ sản xuất phù hợp đối với nông dân.

Trong điều kiện nguồn vốn không quá thiếu, ngân hàng có thể huy động được nhiều nguồn trong xã hội, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bảo lãnh và ưu đãi tín dụng, thực thi chính sách hiệu quả mới thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và bền vững, thực sự trở thành đòn bẩy cho sự phát triển của nông nghiệp nông thôn.

Doanh nghiệp nông nghiệp chưa định hình

Theo số liệu điều tra của Bộ NN-PTNT, số doanh nghiệp trong lĩnh vực này chỉ có hơn 13.000 trên tổng số khoảng hơn 400.000 doanh nghiệp cả nước, chiếm trên dưới 3%, là con số rất khiêm tốn. Trong số này chủ yếu là doanh nghiệp thuộc dịch vụ nông nghiệp chiếm 46%, chế biến nông sản 42,27%. Ba nhóm hoạt động quan trọng có tỷ trọng rất thấp là trồng trọt chỉ có 910 doanh nghiệp  (6,84%), chăn nuôi 470 doanh nghiệp (3,53%), nghiên cứu phát triển giống 187 doanh nghiệp (1,4%).

Về quy mô, theo xếp loại tiêu chí vốn chỉ có 4,6% doanh nghiệp quy mô lớn, vừa là 12,6%, nhỏ là 11,7% và siêu nhỏ tới 71,1%. Doanh nghiệp lớn và vừa chủ yếu ở lĩnh vực chế biến, thiếu vắng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là doanh nghiệp  sản xuất công nghệ cao. Về thu ngân sách, số liệu năm 2012 cho thấy nhóm doanh nghiệp giống có 63% không nộp thuế do lỗ; tương tự 39% ở nhóm trồng trọt và 43% ở nhóm doanh nghiệp chế biến. Tổng nguồn thu và số thu trung bình trên một đơn vị doanh nghiệp cũng thấp.

Nền nông nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ. Ảnh: CAO THANG

Nền nông nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ.
Ảnh: CAO THANG

Qua giám sát của Quốc hội cho thấy số doanh nghiệp nông nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn cũng rất ít. Đây là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, kết quả và tính bền vững trong xóa đói giảm nghèo ở vùng núi và đồng bào dân tộc.

Thực trạng bức tranh về doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp phản ảnh đúng những gì cơ chế, chính sách tác động đến lĩnh vực nông nghiệp, như phân bổ nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, cơ cấu đầu tư cho các lĩnh vực, ngành trong sản xuất nông nghiệp, các lĩnh vực hỗ trợ như KHCN, nhân lực và hạ tầng nông nghiệp khác cùng các quy định về chính sách ưu đãi, bao gồm cả tín dụng.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển số lượng, chất lượng, bảo đảm cơ cấu hợp lý doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là vấn đề cần hết sức ưu tiên và được xem là điểm cốt lõi trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt cần cụ thể hóa hợp lý những nội dung quy định trong Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua liên quan đến chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhóm đối tượng này.

Giải quyết đồng bộ hệ thống chính sách mang tính đột phá cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả nguồn lực đầu tư và thực thi nó một cách có hiệu quả mới góp phần từng bước thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Các tin khác