Nhượng quyền khai thác hạ tầng

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ nhiều phương án chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay, cảng biển. Nếu Chính phủ đồng ý về chủ trương, bộ sẽ quyết định phương thức bán, nhượng quyền khai thác với từng dự án cụ thể. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết như vậy khi đề cập đến vấn đề chuyển nhượng quyền khai thác một số công trình hạ tầng giao thông lớn như các cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn, Nha Trang; nhà ga T1 - sân bay Nội Bài, sân bay Phú Quốc, nhà ga sân bay Đà Nẵng...

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ nhiều phương án chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay, cảng biển. Nếu Chính phủ đồng ý về chủ trương, bộ sẽ quyết định phương thức bán, nhượng quyền khai thác với từng dự án cụ thể. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết như vậy khi đề cập đến vấn đề chuyển nhượng quyền khai thác một số công trình hạ tầng giao thông lớn như các cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Sài Gòn, Nha Trang; nhà ga T1 - sân bay Nội Bài, sân bay Phú Quốc, nhà ga sân bay Đà Nẵng...

Nhà nước nắm quyền kiểm soát

 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, tất cả doanh nghiệp đang nắm giữ dự án và quyền khai thác các công trình Nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ 100% vốn, Bộ GTVT sẽ lập phương án triển khai bán, nhượng quyền khai thác tối đa cho các nhà đầu tư. Trong các phương án bán và chuyển nhượng các sân bay, cảng biển trong thời gian tới sẽ có điều kiện ràng buộc và không ràng buộc với nhà đầu tư.

Theo đó, các nhà đầu tư đề xuất được mua, được nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông lớn sẽ phải vượt qua vòng sơ tuyển đánh giá năng lực về trình độ quản lý, công nghệ khai thác, vận hành với từng dự án cụ thể. Trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên vượt qua vòng sơ tuyển, Bộ GTVT sẽ áp dụng các phương thức lựa chọn cạnh tranh để đảm bảo hiệu quả kinh tế dự án.

Nguyên tắc bán hay chuyển nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng giao thông không phân biệt chủ sở hữu, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích tổng thể của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.

Không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác có thể lợi dụng vị thế độc quyền. Việc nhượng quyền khai thác các nhà ga, sân bay hoặc bán đứt cho nhà đầu tư, Nhà nước vẫn nắm quyền kiểm soát việc cấp phép hoạt động của các hãng bay. Mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng phát triển.

Thoái vốn sau khi nhượng quyền khai thác

Nghị quyết 13/2012 của Ban Chấp hành trung ương Đảng yêu cầu huy động mọi nguồn lực xã hội, đảm bảo lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng. Vì thế, việc chuyển giao quyền quản lý các cơ sở hạ tầng có điều kiện cụ thể là hiện thực hóa chủ trương đó. Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những lĩnh vực tư nhân không muốn làm, không làm được hoặc không được phép làm. Tuy nhiên, việc chuyển giao này có điều kiện cụ thể, tuân theo những quy định có liên quan hiện hành, không chỉ bán, nhượng quyền là hết vai trò của Nhà nước tại đó.

Ông Nguyễn Hồng Trường,
Thứ trưởng Bộ GTVT

Thời gian qua, việc nhượng quyền khai thác một số cảng biển lớn cho các nhà đầu tư tư nhân đã được Bộ GTVT tiến tới áp dụng phương án thoái vốn tại các CTCP cảng. Cụ thể, với nhượng quyền khai thác Cảng Quảng Ninh,  Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) đã đề xuất Bộ GTVT cho phép bán hơn 49 triệu cổ phần, tương đương 98,02% vốn điều lệ của CTCP Cảng Quảng Ninh cho các nhà đầu tư quan tâm.

Phương thức bán cổ phần tại Cảng Quảng Ninh, theo đề nghị của Vinalines là bán đấu giá công khai tại sở giao dịch chứng khoán hoặc thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư. Phương thức thỏa thuận trực tiếp được áp dụng trong trường hợp có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần.

Tương tự là trường hợp Cảng Hải Phòng. Việc nhượng quyền khai thác cảng biển này cho nhà đầu tư cũng được thực hiện theo phương thức bán cổ phần tại CTCP Cảng Hải Phòng. Theo đề nghị của Bộ GTVT, Chính phủ đã đồng ý bán tối đa 29,58% cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp cho CTCP Đầu tư Việt Nam - Ôman.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần (khoảng 30%) Cảng Nha Trang cho CTCP Vinpearl Nha Trang theo hình thức thỏa thuận trực tiếp. Giá chuyển nhượng thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở kết quả thẩm định của tổ chức có chức năng tư vấn, thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

Theo một chuyên gia kinh tế, xu hướng nhượng quyền khai thác các dự án cảng biển chắc chắn không dừng lại khi một loạt nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T nhảy vào cuộc đua dành quyền khai thác cảng biển. Việc nhượng quyền khai thác cảng biển, nhà ga sân bay... được xem là hình thức xã hội hóa hợp lý trong bối cảnh những lĩnh vực này Nhà nước không cần nắm giữ. Việc này cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngân sách nhà nước trong việc có tiền để tiếp tục tái đầu tư, khi nguồn thu đang đối mặt nhiều khó khăn.

Đấu thầu, đấu giá

Bình luận về hoạt động bán, nhượng quyền khai thác các sân bay, cảng biển trong thời gian qua, TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Đấu thầu (Bộ KH-ĐT), cho rằng Chính phủ đã ban hành nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 4 tới. Đây là cơ sở để các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước có thể áp dụng phương thức đấu thầu quyền khai thác các dự án sân bay, cảng biển.

Cụ thể, với trường hợp nhà ga T1 - Sân bay Nội Bài có 3 nhà đầu tư là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines đều đề xuất được mua, nhượng quyền khai thác, hoàn toàn có thể áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vận hành khai thác theo dạng cho thuê hoặc thuê mua. Tại Singapore, mô hình này khá phổ biến. Theo đó Nhà nước bỏ tiền đầu tư các công trình hạ tầng giao thông rồi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác vận hành các công trình đó để thu về nguồn vốn cho ngân sách nhà nước đã bỏ ra.

Ông Nguyễn Việt Hùng nhận định việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vận hành, khai thác các công trình hạ tầng giao thông nếu được áp dụng, phương thức này khá giống hoạt động đấu giá tài sản nhằm mang lại lợi ích tối đa cho Nhà nước và tương đối phù hợp. Bởi trên thực tế, tại nhiều nước trên thế giới không phân biệt giữa 2 phương thức đấu thầu và đấu giá tài sản nhà nước.

Các tin khác