Những nút thắt cần gỡ bỏ

Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTTDL) trình, như tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch... Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đây là những giải pháp căn bản nhằm tháo gỡ nhiều nút thắt, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ nhất trí với các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTTDL) trình, như tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch... Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đây là những giải pháp căn bản nhằm tháo gỡ nhiều nút thắt, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển.

PHÓNG VIÊN: - Đề xuất miễn thị thực cho công dân một số nước được đánh giá là thị trường khách trọng điểm, tiềm năng được coi sẽ có tác động lớn đối với nguồn khách du lịch đến Việt Nam. Ông có thể phân tích rõ hơn về những lợi ích này?

 

Ông

HÀ VĂN SIÊU: - Theo tờ trình của Bộ VHTTDL, Tổ chức Du lịch thế giới đã xác định 5 nhóm biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng rộng rãi, như minh bạch hóa thông tin; thuận lợi về quy trình thủ tục, áp dụng cấp visa tại cửa khẩu; ưu đãi với một số đối tượng ưu tiên, đơn phương miễn thị thực cho một số quốc gia; cấp visa điện tử (e-visa); thực thi thỏa thuận khu vực.

Đến nay, trên thế giới, Thái Lan đã miễn visa cho công dân 61 quốc gia, vùng lãnh thổ (miễn visa đơn phương cho 49 nước); Malaysia miễn cho 155 quốc gia (miễn đơn phương 82 quốc gia); Lào áp dụng e-visa và visa cửa khẩu cho 150 quốc gia (miễn đơn phương 10 quốc gia); Nhật Bản, từ tháng 7-2013 đã miễn visa cho khách Thái Lan, Malaysia, kéo dài thời hạn visa và cấp visa nhiều lần cho khách Campuchia, Indonesia, Philipines, Lào, Myanmar, Việt Nam. Do đó, năm 2014 lượng khách du lịch đến Nhật Bản từ Thái Lan tăng 45,5%, từ Malaysia tăng 41%, từ Phillipines tăng 70% và từ Việt Nam tăng 47% so với năm trước.

Thực tế, Việt Nam đang miễn visa đơn phương cho 7 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN. Từ khi miễn visa (năm 2014) khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần; từ Nga (từ năm 2009) tăng 7,45 lần… tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân tăng trưởng khách quốc tế.

- Ngoài 16 nước đã được hưởng chính sách miễn visa, sắp tới ngành du lịch sẽ đề xuất miễn visa cho những nước nào, thưa ông?

Visa nhập cảnh được coi là nhóm chính sách có tác động mạnh đến du lịch. Vì thế, đơn giản hóa chính sách visa là biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, trao đổi khách và giao lưu văn hóa, thể hiện mức độ hội nhập của một quốc gia điểm đến.

- Theo đề  xuất của Bộ VHTTDL, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho những nước là thị trường trọng điểm có nguồn khách lớn, nhu cầu lưu trú dài hơn, chi tiêu cao hơn. Trước mắt là các nước Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha. Tiếp theo là các thị trường mới và tiềm năng như Australia, New Zealand, Canada, Ấn Độ. Cùng đó, ngành du lịch cũng đưa ra những đề xuất về việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian cấp visa nhằm thể hiện sự thân thiện, cởi mở, tạo tâm lý thoải mái cho du khách khi đến với Việt Nam.

- Cùng với đề xuất miễn thị thực, đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có phải là một trong những nhân tố kỳ vọng tạo nên chuyển biến lớn đối với ngành du lịch?

- Dự kiến quỹ này có quy mô 2.000-2.500 tỷ đồng sau 5 năm thành lập, được bổ sung nguồn hàng năm nhằm duy trì hoạt động liên tục và đảm bảo nguồn chi. Trong đó 30% từ nguồn ngân sách nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch.

Nguồn thu của quỹ theo dự tính trích từ khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Cụ thể, trích từ tiền phòng khách sạn mỗi khách quốc tế đến Việt Nam với mức 10.000-20.000 đồng/khách/đêm lưu trú tại khách sạn từ 3 sao trở lên. Ngoài ra còn có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được sử dụng cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển mở rộng thị trường, hoạt động văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; ứng phó giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động du lịch do nguyên nhân khách quan (thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh); bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh an toàn cho du khách tại các điểm khu du lịch quốc gia…

Quỹ này được kỳ vọng sẽ huy động tăng thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần lấp những khoảng trống, tháo gỡ những nút thắt tạo động lực cho du lịch phát triển.

- Trước đây đã có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, nhưng tới thời điểm này mọi việc vẫn chưa có nhiều tiến triển. Quỹ này làm thế nào để tránh đi vào vết xe đổ ấy, thưa ông?

- Muốn có nhiều nguồn thu cần phải có những nội dung, đem lại lợi ích và tạo được niềm tin cho các bên, họ sẽ tự nguyện đóng góp. Cần phải rõ ràng minh bạch chi cái gì, mục tiêu gì, đem lại lợi ích như thế nào, không chỉ quanh quẩn chi công tác phí...

Thêm nữa, quỹ cần phải có bộ máy điều hành cực kỳ chuyên nghiệp, thậm chí phải thuê cả nước ngoài, là những chuyên gia về ngành, về tài chính... mới ra được các chương trình hành động hay chiến dịch quảng bá xúc tiến đầy hứa hẹn... Như vậy mới cuốn hút được sự tham gia của xã hội.

Theo tôi, nếu quỹ hoạt động tốt, có uy tín, minh bạch chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, khi đó nguồn lực tài chính cho phát triển du lịch sẽ mạnh lên, có điều kiện tổ chức quảng bá, xúc tiến bài bản và phát triển các kỹ năng chuyên nghiệp để vừa thu hút khách, vừa nâng cao chất lượng điểm đến.

Cơ chế hoạt động của quỹ sẽ linh hoạt và có điều kiện làm những việc từ trước đến nay chưa làm như thiết lập hệ thống văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường du lịch tiềm năng. Cùng với miễn visa, việc có hệ thống văn phòng đại diện sẽ tạo cầu nối những thị trường du lịch quốc tế với điểm đến Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác