Nhỏ nên khó đủ đường

Việc đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại đang trở thành xu hướng tất yếu của hầu hết DN. Song với nhiều DNNVV, câu chuyện đưa hàng vào siêu thị lại không đơn giản, dễ dàng.

Việc đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại đang trở thành xu hướng tất yếu của hầu hết DN. Song với nhiều DNNVV, câu chuyện đưa hàng vào siêu thị lại không đơn giản, dễ dàng.

Tại một hội thảo gần đây, đại diện một DN cho biết sản phẩm của mình tuy đã xuất khẩu sang một số nước trong khu vực và thế giới nhưng chưa thể chen chân vào các siêu thị trong nước, dù phía DN đã kiên trì làm việc với các siêu thị. Thực tế đây không chỉ là bức xúc của một vài DN nhỏ mà là mối quan tâm của hầu hết DNNVV trong việc đưa sản phẩm vào bán tại các siêu thị.

Nỗ lực đưa hàng

Hiện kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 20% tổng thị phần bán lẻ cả nước, nhưng tiềm năng phát triển của nó rất lớn với dự báo đạt khoảng 40% vào năm 2020. Chính vì lẽ đó, việc đưa hàng vào siêu thị - một trong những loại hình của bán lẻ hiện đại-đang trở thành một xu thế tất yếu.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng (chuyên sản xuất quần áo trẻ em), cho biết doanh số từ việc bán hàng tại các siêu thị hiện vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng DN vẫn phải nỗ lực đưa hàng và duy trì kênh này vì đây cũng là một kênh quảng bá thương hiệu cho DN. Thực tế, nhiều DN hiểu rất rõ việc đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại sẽ giúp gia tăng giá trị thương hiệu, để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sản phẩm của mình nhiều hơn.

Saigon Co.op đang phối hợp với Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao chọn khoảng 10 DNNVV để hỗ trợ huấn luyện đào tạo. Theo đó, hướng dẫn những thủ tục, xây dựng nhãn hiệu, tem nhãn, quy cách đóng gói bao bì… Đặc biệt siêu thị sẽ ưu tiên phân phối sản phẩm của những đơn vị này, giảm chiết khấu đầu vào, hỗ trợ quảng bá cùng các chương trình khuyến mại; đồng thời tổ chức cho các DN liên kết với nhau và liên kết với đơn vị phân phối để việc phân phối hàng thuận lợi hơn.

Ông Võ Hoàng Anh,
Giám đốc marketing Saigon Co.op

Tuy nhiên, theo một số DN cung cấp hàng cho siêu thị, để có chỗ đứng trong siêu thị, sản phẩm phải đáp ứng nhiều quy định với điều kiện gắt gao. Chẳng hạn, với mặt hàng thực phẩm, phải có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế; hàng nhập khẩu phải có tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế. Đối với hàng hóa có tính chất đặc biệt, đặc trưng phải có giấy phép lưu hành của các cơ quan quản lý chuyên ngành...

Ðể hoàn tất các loại giấy tờ này, DN phải mất hàng tháng trời mới xong. Bên cạnh đó, các siêu thị đều yêu cầu DN tính chiết khấu với tỷ lệ khá cao với lý do phải chi phí cho hàng loạt khâu như hỗ trợ doanh số bán hàng, chi phí quầy kệ, hỗ trợ quảng cáo… chưa kể DN còn phải tổ chức khuyến mại riêng cho siêu thị vào các dịp lễ, tết trong năm. Chính vì thế, nhiều DN rất muốn hàng hóa vào siêu thị, nhưng nhìn lại các quy định, thủ tục và điều kiện đều ngán.

Để hỗ trợ DN, nhất là DNNVV, dễ dàng tiếp cận và đưa hàng vào siêu thị, các hiệp hội DN, trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN tổ chức nhiều chương trình, hội thảo để các bên có thể xích lại gần nhau hơn. Không thể đổ hết lỗi cho hệ thống siêu thị, bởi cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các hệ thống bán lẻ buộc siêu thị phải đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe để đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Thêm nữa, diện tích siêu thị, quầy kệ có hạn, trong khi số lượng DN, hàng hóa nhiều nên siêu thị phải lựa chọn là điều đương nhiên. “DNNVV muốn đưa hàng vào siêu thị rất chật vật, mất nhiều thời gian, tốn nhiều chi phí nhưng đó là kinh tế thị trường. Một siêu thị có một kệ hàng thực phẩm mà có cả chục DN muốn vào nên siêu thị sẽ phải ra điều kiện” - lãnh đạo một siêu thị nói.

Từng bước gỡ khó

Nói về điều kiện để hàng hóa của DN có thể vào được siêu thị, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhắc đến 3 yếu tố được cho là quan trọng nhất. Thứ nhất, sự ổn định về chất lượng, số lượng, đặc biệt với những DN nhỏ, những cơ sở sản xuất. Bởi một số nhà cung cấp khi sản xuất bình thường thì ổn nhưng khi gặp đơn hàng số lượng lớn lại có trục trặc về chất lượng.

Thứ hai, hoạt động cung ứng và vận chuyển hàng hóa. Khi DN yếu về khâu này có thể gây thiếu hụt hàng hóa ở điểm bán của các nhà bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu sản phẩm. Thứ ba, sự phù hợp thị hiếu và đúng xu hướng.

Yếu tố đầu tiên được một số đơn vị bán lẻ khác đồng tình, nhất là với những sản phẩm đặc sản địa phương được sản xuất ở các cơ sở còn thiếu những quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Ngoài ra, theo chia sẻ của một chuyên gia thương hiệu, DNNVV còn yếu và thiếu trong khâu quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm của mình.

Vì thế, dù hàng hóa đã vào được siêu thị nhưng người tiêu dùng không biết tới, không tạo được doanh số tốt và đây là nguyên nhân sản phẩm/hàng hóa đó phải rời kệ nhường chỗ cho sản phẩm khác. Việc nghiên cứu để tung ra những sản phẩm mới, độc đáo cũng là điều kiện giúp DN trong cạnh tranh với các hàng hóa cùng loại khi đưa vào siêu thị. Có thể thấy hiện nay trong nhiều hệ thống siêu thị, hàng hóa Việt Nam cũng có chỗ đứng nhất định, chẳng hạn trong chuỗi siêu thị của Saigon Co.op hàng Việt chiếm đến 90%.

Việc hiện diện trong các siêu thị cũng là một cách để các DN Việt giữ sân nhà khi cánh cửa hội nhập đang đến rất gần. Tất nhiên, bên cạnh việc nỗ lực đưa hàng vào siêu thị còn rất nhiều con đường khác DN phải đi song hành để người tiêu dùng tin tưởng chất lượng hàng hóa Việt Nam, như đưa hàng về nông thôn, đưa hàng vào chợ truyền thống…

Điều quan trọng, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đã từng khuyến cáo: “Các DN cần liên minh với nhau tạo ra môi trường liên kết giúp các thành viên nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh cung cấp cho kênh phân phối. Họp định kỳ để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin xu hướng thị trường, tránh tạo sự đối chọi, đấu tranh thiếu lành mạnh để ai cũng bị chèn ép khi thương thảo với nhà phân phối”.

Các tin khác