Nhớ mùa tát đìa ăn tết

Xóm Đìa

 Xóm Đìa

Hồi tôi còn nhỏ, nhà nghèo, mùa gió chướng nào cũng qua bên xóm Công Điền, thuộc xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu ngày nay để giữ trâu cho cô tôi. Không phải ở đợ mà giữ giùm, để khi cần thì mượn trâu cô tôi về làm mùa. Hồi đó Công Điền là một cái xóm khỉ ho cò gáy, với những ngôi nhà lá thưa thớt nằm chụm đầu lên một con lung trời sinh ngoằn ngoèo và đầy lá dừa nước. Và cũng vì nó nằm ngay cái rún trũng nhất của một vạc đồng rộng có đến vài ngàn ha, nên hàng năm vào tháng 8 âm lịch mưa già, sụt sùi suốt ngày đêm là xảy ra cơn lụt thường niên. Nước dâng cao đến ngập bụng trâu, lé đé nền nhà. Chính vì thế trồng lúa rất khó khăn, đồng đất quanh năm xanh rì cỏ năng xen kẽ từng chòm rừng lá, rừng mắm… Đất chỉ để cầm trâu và chim cò trú ngụ. Mùa sa mưa chim cò về làm tổ rợp trời, nhặt một chút đã đầy một nón trứng chim.

Thế nhưng ông trời lại đối xử rất công bằng. Khi gió chướng sóng thổi, nước trên đồng bắt đầu cạn dần là cơ man nào là cá đồng của cả vạt đồng mênh mông cứ lũ lượt rút về xóm Công Điền. Đó là các loại cá lóc, cá rô, cá trê, cá thác lác, cá sặc bổi; rồi lươn, rùa, rắn… Có thể nói xóm Công Điền là một trong những vùng nhiều cá nhất của xứ Bạc Liêu. Chính vì thế không biết tự bao giờ đã hình thành một nghề làm ăn truyền thống của xóm Công Điền: đào đìa bắt cá. 100% gia đình xóm Công Điền đều có đìa, nhà ít thì 2-3 cái, nhà nhiều có đến hơn 10 cái. Nghề trồng lúa ở đây chỉ là phụ, nghề đào đìa bắt cá mới là nghề chính. Chính vì thế dân quanh vùng gọi xóm Công Điền là “xóm đìa”, gọi riết rồi quen dần, cái tên Công Điền chỉ còn trên giấy tờ.

Ảnh: ĐẤT MŨI
Ảnh: ĐẤT MŨI

Khẩu đìa đôi

Dượng Tư tôi chẳng những sức vóc hơn người mà còn tháo vát, không biết có phải nắm bắt được nhu cầu thị trường lúc đó hay không mà Dượng đã đào nhiều cái đìa bắt cá đồng, trong những khẩu đìa đó có khẩu đìa đôi. Đó là một khẩu đìa đặc biệt, chiều ngang nửa công (18m), chiều dài 1 công (36m). Năm đó khi dứt mưa, gió chướng thổi về là khẩu đìa đôi như rùng mình chuyển động. Không biết bao nhiêu cá đồng của vạt đồng mênh mông cứ kéo về ào ạt. Những nhà ở gần khẩu đìa đôi không sao ngủ được vì cá lóc táp bùm bụp suốt đêm. Năm đó tát khẩu đìa đôi cô dượng tôi phải huy động cả xóm đến làm khô, làm mắm.

Khẩu đìa đôi đã làm cho cả xóm ùn ùn đào đìa nuôi cá. Kỹ thuật đào đìa rất khó. Cùng kích cỡ như nhau, cùng hướng miệng đìa ra đồng… nhưng khẩu đìa đôi thu vài tấn thì khẩu đìa khác chỉ vài trăm kg cá. Vì thế mà khắp vùng bán đảo Cà Mau xuất hiện một nghề đặc biệt gọi là nghề thầy đìa. Đó là những người chỉ cần lặn một hơi là biết khẩu đìa đó có bao nhiêu kg cá, xê xích chừng vài ký. Những ông thầy này được giới đìa cá đặc biệt kính trọng. Họ mời ông đến nhà, lập bàn hương án giữa trời để thầy đìa tế trời tế đất rồi xõa tóc lặn xuống đìa, sau đó lên bờ chỉ cho gia chủ đặt miệng đìa ra hướng nào để thu được nhiều cá. Họ giống như nhà ngoại cảm nhìn trời, nhìn đất, nhìn hướng gió thổi… mà biết được hướng cá sẽ đi vào mùa nước rút.

Khi thương thuyền Hải Nam của Trung Quốc cập bến Gành Hào, Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá… để bán đồ gốm, vôi ăn trầu, chai trét ghe… vào đầu thế kỷ 20 rồi mua lại bong bóng cá dường, sáp ong, khô bổi, khô lóc… là mở ra một hướng đi mới cho nghề đìa cá ở bán đảo Cà Mau. Gần như xóm làng nào cũng đào đìa bắt cá. Tất nhiên mỗi vùng có cách bắt cá khác nhau. Ví như ở Bạc Liêu, Sóc Trăng thì tát đìa cho cạn nước mới bắt cá, còn vùng Cà Mau, Rạch Giá thì chụp đìa. Nghĩa là họ dùng lưới hoặc đăng tre bao ví đê bắt cá trong đìa.

 Mùa vui

Mùa đìa cực mà vui. Khi gió chướng sóng thổi, mưa dứt hạt, đồng bắt đầu khô dần là lúc cá về đìa. Khi đó con cái trong nhà được giao ôm nóp lên đầu đất ngủ giữ đìa. Đó là mùa vui không thể tả của bọn trai tơ gái lứa chúng tôi. Đầu hôm một điệu hò, một câu vọng cổ cất lên, lan dài theo đồng ruộng là biết hôm nay có nàng bên ấy lên ngủ giữ đìa, thế là lân la sang chơi, nói lời trăng gió suốt đêm. Đói thì bắt cá lóc dưới đìa nướng chấm muối cục và tập nhậu. Buồn nữa thì cả chục đứa xúm lại đờn ca.

Đến gần Tết thì tát đìa, và chỉ còn cách là luân phiên đổi công chứ một gia đình không thể làm xuể. Lúc đầu cả chục thanh niên tát gàu sòng suốt ngày đêm mới cạn, sau này có máy móc đỡ hơn nhưng cũng rất nhiều việc phải làm. Mỗi cái đìa cả tấn cá, có khi ở trên đầu đất, xa cả cây số phải gánh, phải lòi cá, thậm chí phải dùng trâu kéo cộ về nhà, sau đó lựa mà cho vào thùng cá rồi chở ra chợ Bạc Liêu bán. Bắt cá đìa cần phải có một đội quân đông hàng chục người. Đêm tát đìa đèn măng-sông thắp sáng rực để cánh phụ nữ lựa cá, làm mắm, xẻ khô những loại khô nhỏ, và đêm đó cũng là đêm chủ đìa nấu món ăn thật ngon, có khi là rùa, rắn, lươn, có khi là cá lóc nấu cháo dừa để cho cánh đàn ông phụ giúp nhậu rồi đờn ca suốt đêm.

Tát đìa hiện nay trở thành sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL. Ảnh: CÔNG QUANG

Tát đìa hiện nay trở thành sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL. Ảnh: CÔNG QUANG

Mùa tát đìa kéo dài từ cận Tết cho đến hết tháng Giêng. Đến tháng 2, tháng 3 là công đoạn sên đìa, đào đìa, tháng 4, tháng 5 kéo chà hay đốn lá cặm dưới đìa làm ổ cho cá. Mùa đìa ở những làng quê vùng bán đảo Cà Mau như xóm Đìa kéo dài 4-5 tháng. Trong 4-5 tháng ấy làng xóm chộn rộn, sôi động suốt ngày đêm. Tiếng máy tát đìa, tiếng đờn ca ở những tiệc nhậu, tiếng í ới gọi nhau. Mùa tát đìa thật sự là mùa vui, nhà nào cũng tiền bạc rủng rỉnh trong túi. Xóm đìa giàu lên rất nhanh, hồi trước giải phóng mà có đến hơn 50% nhà là nhà tường.

Đất giàu tôm cá đã sinh ra đời sống của mùa đìa. Đó vừa là bản sắc của vùng đất, vừa là tâm hồn của đồng ruộng làng quê sưởi ấm hồn người. Nhắc chuyện mùa đìa cũng là để nhắc bản sắc, nhắc đến tâm hồn đất đai ở bán đảo Cà Mau, nhắc đến cội nguồn của tình yêu làng quê, đồng ruộng.

Các tin khác