Diễn biến kinh tế hội nhập:

Nhạy bén tình thế, lượng định mục tiêu

Đối phó với thách thức, tận dụng cơ hội ra sao khi năm 2015 Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) dự kiến kết thúc đàm phán hoặc chuẩn bị ký kết. Đặc biệt, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập cuối năm 2015. Đó là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia quan tâm tại hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp trong và sau 2015” diễn ra cuối tuần qua.

Đối phó với thách thức, tận dụng cơ hội ra sao khi năm 2015 Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) dự kiến kết thúc đàm phán hoặc chuẩn bị ký kết. Đặc biệt, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập cuối năm 2015. Đó là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia quan tâm tại hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp trong và sau 2015” diễn ra cuối tuần qua.

Bài toán nguồn nhân lực

Theo GS. John Vong, cố vấn cấp cao Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hiệp quốc, Việt Nam đóng vai trò quan trọng về vị trí địa lý trong khu vực, thế giới và đó là lý do nhiều người nước ngoài biết đến Việt Nam. “Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực sông Mê Công, dù một số người nghĩ là Thái Lan. Bởi lẽ, Thái Lan những năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi 4 nước có sự tăng trưởng vượt trội hơn: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Bởi vậy, khi doanh nghiệp, nhà đầu tư cần lời tư vấn, câu trả lời của tôi là Việt Nam” - ông John Vong nhấn mạnh.

Trong năm nay và cả dài hạn, chính sách tiền tệ, tài khóa sẽ ra sao? Quan điểm tôi cho rằng từ nay đến sau này mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sẽ luôn là hàng đầu, nên doanh nghiệp đừng ảo tưởng tín dụng hàng năm tăng 30-50%. Tôi nghĩ đó là nguyên tắc trong điều hành thời gian tới, bởi chúng ta đã phải trả giá cho những bài học đau đớn đã xảy ra.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng CIEM

Lời khuyên cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu cũng như chuẩn bị tham gia AEC vào cuối năm 2015, GS. John Vong cho rằng Việt Nam không cần đặt mục tiêu phát triển công nghiệp cao mà nên tập trung thế mạnh liên quan đến hàng nông sản. Không chỉ đơn giản là công nghệ khai thác, trồng trọt mà cần cả kỹ năng quản lý trong lĩnh vực.

Các nước trong khối ASEAN đang cố gắng xây dựng các thế mạnh của mình khi AEC đang hình thành dựa trên các yếu tố về thị trường, cơ sở sản xuất chung, hội nhập với các nền kinh tế khác… Nền kinh tế cạnh tranh hơn không có nghĩa các nước thành viên cạnh tranh nhau mà là toàn khu vực ASEAN có sức cạnh tranh hơn với khu vực khác.

Theo vị chuyên gia có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng tại 10 quốc gia ASEAN, vấn đề quan trọng để hội nhập đối với Việt Nam hiện nay chính là nhân lực.

GS. John Vong kể trong phần lớn thời gian sống ở Singapore, ông nhận thấy Singapore vẫn thiếu lao động có tay nghề. Trong khi quan sát Việt Nam, ông thấy rằng có khá nhiều nguồn nhân lực có tay nghề. Đó là điều quan trọng. Bởi lẽ, nếu cách đây 100 năm kinh tế thế giới đề cao máy móc, công nghệ để tăng trưởng kinh tế, nay điều đó không hoàn toàn đúng nếu nhìn vào lĩnh vực dịch vụ. Lĩnh vực này đã có sự tăng trưởng lên nhiều và đóng góp lớn là yếu tố con người và yếu tố nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển chung.

Bình luận về các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, GS. John Vong phân tích, 5 năm qua nhiều công ty của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Điều đó có thể giống như Thái Lan trước đây. Tuy nhiên, hãy đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp Nhật Bản không đầu tư tại Nhật Bản? Đó là vì dân số Nhật Bản có tốc độ già nhanh. Trong khi Việt Nam có khoảng 60% dân số có độ tuổi dưới 35 tuổi, Nhật Bản lại có đến 50% có tuổi 60 trở lên. Vì vậy, các công ty Nhật Bản không đầu tư nước ở sở tại mà chuyển hướng sang nước có dân số trẻ như Việt Nam, Myanamar.

Doanh nghiệp dễ bị tổn thương

Theo GS.TS John Behzad, thành viên Hội đồng tư vấn học thuật, Đại học Quản trị Paris tại Việt Nam, GS danh dự về quản trị và tài chính, Đại học California (Hoa Kỳ), có 2 thách thức lớn đe dọa đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty trong nước. Thứ nhất, các lực đẩy từ môi trường bên ngoài. Ngày nay, các doanh nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các thay đổi vĩ mô, những việc liên quan đến địa chính trị, sự dao động mạnh về giá cả hàng hóa và tài sản, suy thoái kinh tế…

Để củng cố vị thế trên thị trường các doanh nghiệp cần cảnh giác với thay đổi bên ngoài, đọc và giải thích đúng về phát triển vĩ mô, vi mô; tái thiết các mô hình kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, quy trình làm việc và năng lực chính dẫn đến giá trị gia tăng cho khách hàng, xã hội, nhân viên và chủ sở hữu; sắp xếp các chiến lược tài chính với chiến lược kinh doanh và triển vọng cân bằng lợi nhuận với các rủi ro tương ứng…

GS.TS John Behzad

Thứ 2, doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép về hoạt động. Các đối thủ cạnh tranh ngày càng tinh vi, những lợi thế riêng ngày càng giảm, vòng đời sản phẩm và vòng đời thiết kế sản phẩm ngắn, tình trạng sao chép/bắt chước khó kiểm soát.

Vì lẽ đó, các lãnh đạo doanh nghiệp nên nhạy bén trước phát triển bên ngoài để có thể biết, dự đoán, đánh giá và quản trị rủi ro cũng như cơ hội ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận. Doanh nghiệp Việt Nam nên chọn phương pháp kinh doanh có trọng tâm hướng ngoại với lộ trình rõ ràng; nên bỏ những mô hình kinh doanh cũ và chọn những mô hình kinh doanh phù hợp với điều kiện mới của thị trường.

Để làm những điều đó, theo ông John Behzad, các công ty nên xây dựng mục tiêu giá trị độc đáo và thuyết phục, một mô hình kinh doanh vững mạnh và thiết kế các hệ thống và quy trình tốt để đạt được hiệu quả hoạt động cao nhất; thiết lập cơ cấu tổ chức linh hoạt và lực lượng lao động tận tụy làm theo kế hoạch; kết hợp chặt chẽ công tác ra quyết định kinh doanh và giải quyết các rủi ro…

Trong và sau năm 2015, môi trường bên ngoài sẽ có nhiều diễn biến khó lường hơn trước. Khi các lực lượng cạnh tranh gia tăng, nhiều chủ doanh nghiệp sẽ học được những bài học một cách khó khăn. Các doanh nghiệp trong nước dù lớn hay nhỏ, kinh nghiệm nhiều hay ít, tư nhân hay công đều dễ tổn thương về kinh tế, tài chính, rủi ro doanh nghiệp.

Giữ ổn định để phát triển

Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với doanh nghiệp năm 2015 cũng như khoảng 3-5 năm sau 2015 có 4 yếu tố cần phải tính toán. Thứ nhất, nên xác định nền kinh tế trong nước ổn định. Từ năm 2011 đến nay, kinh tế vĩ mô đã có sự ổn định tốt hơn và lạm phát tháng 3-2015 chỉ tăng 0,93% so với cùng kỳ 2014. Tháng 4 lạm phát sẽ tăng do ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng trong tháng 3, tuy nhiên dự báo cả năm nay lạm phát chỉ dao động trong khoảng 4%.

Điều cần lưu ý là cán cân thanh toán. Việt Nam đang có dự trữ ngoại tệ khoảng 3 tỷ USD nhưng cán cân thương mại đang có sự thâm hụt. Điều đó có đôi chút áp lực, cộng với việc tháng 3 là thời điểm kết thúc năm tài chính nên các nhà đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp hiện thực hóa lợi nhuận và chuyển về nước. Song xét về tổng thể, cả năm 2015, dự trữ ngoại tệ vẫn có thể thặng dư 5 tỷ USD.

Xét về tình thế hiện nay, nếu nhìn vào lạm phát thì lãi suất có thể hạ nhưng trong ngắn hạn điều này sẽ gần như khó thực hiện nếu nhìn vào lợi tức từ các tài sản tài chính khác. Ngay cả câu chuyện hạ lãi suất 1-2% trong trung, dài hạn cho vay đầu tư cũng gần như không làm được.

Bởi lẽ, năm nay, Việt Nam vẫn phải phát hành rất nhiều trái phiếu chính phủ và để thu hút vốn từ các ngân hàng thì lãi suất trái phiếu phải đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, trong trung hạn dư địa cho điều hành chính sách tài khóa là nhỏ vì nợ công lớn, thâm hụt ngân sách lớn (5% theo tiêu chuẩn của Việt Nam). Tuy nhiên, dư địa nhỏ là chi đầu tư cho cơ sở hạ tầng sắp tới sẽ lớn và là cơ hội cho việc kinh doanh, bởi lẽ trong 5 năm tới Chính phủ vẫn sẽ là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường.

Thứ hai, về cơ hội kinh doanh, nên nhìn vào cầu tiêu dùng. Ít nhất trong 4 năm trở lại đây, chưa có quý nào tiêu dùng lớn như quý I-2015. Những thời điểm khó khăn trước, tăng trưởng tiêu dùng khoảng 5% sau khi trừ lạm phát, nhưng quý I-2015 tăng đến 9%.

Tiếp theo nhìn vào tăng trưởng. Chưa quý nào trong 4 năm gần đây tăng trưởng như năm nay. Theo đó, mọi năm tăng trưởng kinh tế quý I thấp và quý sau thường cao hơn quý trước, trong khi quý I năm nay đã tăng đến 6,03% và nếu duy trì như hàng năm có thể tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn mục tiêu 6,2% đã đề ra.

Một trong những cơ hội kinh doanh nên nhìn vào cầu tiêu dùng.

Một trong những cơ hội kinh doanh nên nhìn vào cầu tiêu dùng.

Thứ ba, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó liên quan đến môi trường kinh doanh. Hiện Chính phủ đang cố gắng thực thi những điều luật đã được thông qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, thực hiện Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Trong đó, với Nghị quyết 19, lần đầu tiên trong lịch sử, các mục tiêu phấn đấu đã được cụ thể hóa bằng những con số, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Điểm cuối cùng cần nhìn nhận là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam về dân số, cải cách, lao động… đang thu hút các dòng vốn đầu tư. Xét về trong nước, Việt Nam nhận nhiều dòng vốn ODA, FDI nhưng tỷ lệ đầu tư của Nhà nước không tăng.

Điều đó cho thấy tỷ trọng đầu tư tư nhân lớn. Vấn đề là khai thác dòng vốn đó tiếp tục đổ vào thay vì nằm nhiều ở tiết kiệm, đầu tư tài chính. Điều đó đòi hỏi có giải pháp làm sao vực dậy niềm tin kinh doanh. “Xét về thu hút vốn nước ngoài, tôi chỉ có thể khẳng định rằng dòng tiền nước ngoài đang nhìn Việt Nam như một cơ hội” - một chuyên gia nói.

Các tin khác