Nhà khoa học làm doanh nhân

Ẩn trong dáng người nhỏ nhắn của kỹ sư Phan Trí Dũng (ảnh), Chủ tịch HĐQT CTCP Khoa học Công nghệ Petech là một nhà khoa học miệt mài với những ý tưởng sáng tạo táo bạo, một nhà kinh doanh hào sảng nhưng cũng có những giây phút thăng hoa cùng âm nhạc.

Ẩn trong dáng người nhỏ nhắn của kỹ sư Phan Trí Dũng (ảnh), Chủ tịch HĐQT CTCP Khoa học Công nghệ Petech là một nhà khoa học miệt mài với những ý tưởng sáng tạo táo bạo, một nhà kinh doanh hào sảng nhưng cũng có những giây phút thăng hoa cùng âm nhạc.

Chọn con đường khó

 

Năm 2005, tại hội chợ Techmart Việt Nam kỹ sư Phan Trí Dũng đã gây ngạc nhiên khi lần đầu tiên giới thiệu trước giới khoa học, giới kinh doanh sản phẩm nhà vệ sinh thông minh.

Đây là dòng sản phẩm có nhiều tính năng ưu việt như: tự động dội nước làm sạch bệ, sàn; tự động khử mùi hôi, tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng; sấy tay cảm ứng tự động; tự động thu phí bằng tiền xu…

Sản phẩm mới nhanh chóng được thị trường chào đón. Năm 2006 công ty bán được 14 chiếc ra thị trường với giá 200 triệu đồng/sản phẩm.

Lúc đó kỹ sư Phan Trí Dũng rất mừng, vì nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đưa công nghệ vào cuộc sống, thương mại hóa sản phẩm, để những đứa con tinh thần thoát khỏi “tháp ngà khoa học” là điều ông luôn ấp ủ.

Đối với người làm khoa học có tâm huyết như Phan Trí Dũng, công việc kinh doanh đầu tiên như vậy tưởng chừng suôn sẻ.

Song chỉ sau đó 2 năm, sản phẩm nhà vệ sinh thông minh gần như chết yểu do các đơn vị đầu tư không thể thu hồi vốn. Bấy giờ kỹ sư Dũng nhận ra làm khoa học sao cho có lãi quả thật không dễ.

Không đành lòng nhìn thành quả nghiên cứu nhiều năm của mình và cộng sự bị xếp xó, ông quyết định dù bán hay tặng cũng phải đưa sản phẩm quay lại thị trường. Thế là đề án hợp tác với các nhà quảng cáo tài trợ lắp 10.000 nhà vệ sinh công cộng trên toàn quốc được anh nhanh chóng hoàn thiện.

- 200 triệu đồng mỗi sản phẩm, trong khi công ty tài trợ đến 10.000 sản phẩm. Đây là số tiền không nhỏ, làm sao ông thuyết phục được đối tác?

- Đã có khá nhiều công ty quảng cáo đề nghị cùng tham gia với hình thức khai thác kinh doanh từ việc quảng cáo trên vách nhà vệ sinh thông minh. Có công ty quảng cáo còn tính ra sau 5 năm sẽ hoàn vốn và sau 10 năm sẽ thu lãi cả chục tỷ đồng/năm.

Nhưng đề án lại không được các cơ quan chức năng ủng hộ, lý do được đưa ra là chưa có tiền lệ. Sản phẩm bán không được, tặng cũng không xong, Phan Trí Dũng tạm gác lại những phiền muộn đầu tiên trong công việc kinh doanh, tiếp tục miệt mài nghiên cứu khoa học và chờ đợi cơ hội.

Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, TP Hà Nội mang đến cơ hội cho ông qua đơn đặt hàng 120 nhà vệ sinh thông minh với giá tốt.

Sự xuất hiện của sản phẩm này tại Hà Nội trong dịp lễ hội quốc gia có sức lan tỏa lớn, giúp ông liên tục nhận được hợp đồng cung cấp sản phẩm từ TP Nha Trang, Đà Nẵng... và nhiều đơn vị kinh doanh khu du lịch trong cả nước. Trong 4 năm tới, Petech sẽ hoàn thiện lắp đặt khoảng 1.000 nhà vệ sinh thông minh trên phạm vi cả nước.

Đưa công nghệ Việt xuất ngoại

Có 2 công nghệ hiện được Công ty Petech chú trọng xuất ra thị trường nước ngoài, đó là nhà vệ sinh thông minh và công nghệ xử lý rác plasma PIMI.

Sau khi sản phẩm vệ sinh thông minh được bán ra thị trường 1 năm, năm 2007 Petech bắt đầu xuất khẩu sản phẩm này sang một khu du lịch tại quốc đảo Barbados với giá gần 40.000USD/sản phẩm. Mức giá cao gấp nhiều lần trong nước khiến các thành viên trong ban quản trị công ty rất phấn khởi và đặt ngay mục tiêu xuất khẩu làm trọng tâm phát triển trong 3 năm tiếp theo.

Nhưng lắp đặt xong cho đối tác, Petech mới nhận ra chi phí đi lại, bảo trì quá cao, lãi không nhiều. Lại thêm cuộc khủng hoảng kinh tế trong mấy năm liên tiếp khiến các đơn đặt hàng chậm lại. Thị trường trong nước đã dạy cho ông nhiều bài học kinh doanh, trong đó có bài học về tính kiên nhẫn.

Trong khi chờ đợi kết quả đàm phán những đơn hàng mới, ông và các kỹ sư của Petech đã ngày đêm nghiên cứu hoàn thiện hệ thống để giảm thiểu chi phí bảo trì. Cuối năm 2010, công ty xuất khẩu sản phẩm của mình sang một số thị trường như Đức, Uruguay… với giá trị mỗi hợp đồng không dưới 300.000USD.

- Khi xuất khẩu ông có giữ được thương hiệu của mình?

- Có nhiều người nêu vấn đề như vậy. Với tôi, việc xuất khẩu sản phẩm đi châu Âu là thành công rất lớn. Tôi có thể khẳng định vẫn giữ thương hiệu Petech, phía công ty đối tác phải thỏa thuận tìm ra một cái tên phù hợp cho sản phẩm khi cung ứng ở thị trường nước ngoài.

Sản phẩm nhà vệ sinh thông minh của Petech đã có mặt tại châu Âu. 

 Sản phẩm nhà vệ sinh thông minh của Petech đã có mặt tại châu Âu.

Không chỉ xuất khẩu nhà vệ sinh thông minh, Petech còn xuất khẩu công nghệ xử lý rác thải plasma PIMI. Ông Phan Trí Dũng cho biết nhà vệ sinh thông minh và công nghệ xử lý rác thải này đều không phải mới trên thế giới, nhưng để nó trở thành của mình và được quốc tế công nhận phải có thời gian nghiên cứu, phát triển thêm những điểm mới ưu việt hơn.

Ông diễn giải theo cách của một… nghệ sĩ, khiến vấn đề khoa học - công nghệ trở nên mềm mại, dễ hiểu hơn: “Giống như khi có trong tay những nốt nhạc cơ bản, bằng biến tấu tài ba của mình mỗi nhạc sĩ lại cho ra đời những bản nhạc khác nhau”.

Để có những sản phẩm “biến tấu” như mong đợi, ông Dũng và đồng nghiệp phải mất 5 năm nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan một số nhà máy tại Đức, Nga, Israel trước khi hoàn thiện công nghệ xử lý rác thải plasma.

Mới nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng công nghệ luôn là điều được các doanh nghiệp giữ bí mật, nên để có thể được vào bên trong các nhà máy của nước ngoài xem xét, chụp hình, nghe chia sẻ kinh nghiệm… là cả một vấn đề đòi hỏi ông Dũng phải xử lý khôn khéo.

“Có lẽ giờ đây họ đã bất ngờ vì Petech có kế hoạch hợp tác với một công ty của Đức xuất khẩu công nghệ này sang châu Âu với giá thành rẻ hơn” - ông Dũng nói.

Kết nối ý tưởng

Nhà khoa học làm doanh nhân ảnh 3Làm khoa học ở nước ta không khó, cái khó là làm sao mọi người tin tưởng chất lượng sản phẩm nội có tính năng ưu việt và giá bán rẻ hơn sản phẩm ngoại. Bởi thế chúng tôi chỉ mất 3 năm tạo sản phẩm nhưng phải mất đến 5 năm thuyết phục khách hàng để tiêu thụ sản phẩm. So với nhà vệ sinh thông minh sản xuất từ một số nước trên thế giới, sản phẩm của Petech có đặc điểm nổi bật. Thí dụ, một sản phẩm của New Zealand có giá 100.000USD, của Đức và Pháp đến 400.000USD, trong khi của Petech chỉ có 30.000USD. 
Nhà khoa học làm doanh nhân ảnh 4

Ông PHAN TRÍ DŨNG, 
Chủ tịch HĐQT CTCP Khoa học Công nghệ Petech

Vốn là dân nghiên cứu khoa học nhưng không muốn để cơ sở sản xuất điện tử dân dụng của cha mình trở thành bọt biển, kỹ sư Dũng đã quyết định theo nghiệp cha là ông Phan Tất Hoa - nhà khoa học biết làm kinh doanh.

Năm 1999, Phan Trí Dũng lập nghiệp tại TPHCM với 600 triệu đồng vốn. Đến nay, Petech có giá trị tài sản hơn 300 tỷ đồng. Hai cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp gây cho Petech không ít khó khăn, nhưng do ít phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng nên mọi thứ vẫn diễn ra suôn sẻ.

Đến nay, kỹ sư Phan Trí Dũng đã cho ra đời cả trăm nghiên cứu, song dường như công trình nào cũng gắn với môi trường. Tuy vậy, ông không chỉ được biết đến với những sáng chế thuộc “hàng độc”, mà còn rất được lòng giới trẻ, nhất là sinh viên, khi luôn sẵn lòng đầu tư cho các ý tưởng có tính khả thi.

Ông muốn lan tỏa ước ao đưa những sáng chế đến từng ngóc ngách của cuộc sống. Muốn những người trẻ không bị thui chột ý chí nghiên cứu, sáng tạo khi nghĩ rằng biết bao nghiên cứu của các nhà khoa học có tên tuổi còn bị xếp xó.

Khá nhiều ý tưởng sau khi được tài trợ nghiên cứu đã được Petech đưa vào ứng dụng. Không những thế, ông còn là cầu nối liên kết các nhà khoa học, biến ý tưởng của họ thành những sản phẩm có thể đưa ra thị trường.

“Tôi luôn là nhà khoa học làm kinh doanh, nên không khỏi mắc nhiều sai lầm trong môi trường kinh doanh thực dụng. Song sai lầm luôn phải được khắc phục, bởi nếu để nó đi quá xa tôi có thể mất tất cả” - Phan Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Khoa học Công nghệ Petech, bộc bạch.

Ông đã chọn cho mình một con đường đi nhiều chông gai, đầu tư cho khoa học, ứng dụng khoa học vào thực tế, thương mại hóa và biết làm để khoa học sinh lời. Sau những phút căng thẳng bên những thiết kế, những buổi đàm phán với đối tác, ông lại tìm về bên những phím đàn, nốt nhạc.

Giữa bộn bề những bản thiết kế trong phòng làm việc của Phan Trí Dũng tại Công ty Petech là một bộ đàn đá Tây nguyên chiếm gần 2/3 căn phòng.

Tưởng ông chỉ vì yêu nghệ thuật mà trưng bày, ai ngờ khi nghe ông nhẹ lướt tay trên những phím đàn đá tạo nên chuỗi giai điệu thánh thót, uyển chuyển, tôi phát hiện ra ở ông tư chất của người nghệ sĩ thực thụ. Nhưng cho dù là ai, trong cương vị nào hình như ông đều muốn được cống hiến hết mình.

Các tin khác