Người thích mạo hiểm

19 tuổi làm chuyên viên marketing, 31 tuổi từ Hoa Kỳ trở về nước lập ra công ty dịch vụ rất mạo hiểm: lau kính bên ngoài các cao ốc; đến khi thành công lại chuyển sang một ngành nghề còn mạo hiểm hơn: kinh doanh dịch vụ trực truyến. Đó là Paul Nguyễn Hưng (ảnh), CEO Vietnam Online Network.

19 tuổi làm chuyên viên marketing, 31 tuổi từ Hoa Kỳ trở về nước lập ra công ty dịch vụ rất mạo hiểm: lau kính bên ngoài các cao ốc; đến khi thành công lại chuyển sang một ngành nghề còn mạo hiểm hơn: kinh doanh dịch vụ trực truyến. Đó là Paul Nguyễn Hưng (ảnh), CEO Vietnam Online Network.

Hiệu quả kiemviec.com

 

Năm 1995, Paul Nguyễn Hưng kết hợp với một số đối tác thành lập Công ty Huy Bảo tại TPHCM với chức năng bảo dưỡng các tòa cao ốc. Khi đó, anh nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh, ngày càng có thêm nhiều cao ốc văn phòng mọc lên, phải đi trước và nắm bắt cơ hội làm ăn.

Huy Bảo là một trong những công ty đầu tiên ở nước ta có các sky rider (người chuyên lau kính bên ngoài các cao ốc) được đào tạo bài bản. Nghề sky rider được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất hiện nay.

Từ vài chục người hồi mới thành lập, đến nay đội ngũ sky rider của Công ty Huy Bảo đã lên đến hơn 600 người. Công ty cũng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như cung cấp dịch vụ quản lý, giải pháp vận hành cao ốc… 

Trong các năm 2000-2003, Công ty Huy Bảo bước vào giai đoạn phát triển, kéo theo nhu cầu tuyển dụng cho công ty cũng như khách hàng như lễ tân, chuyên viên công nghệ thông tin, quản lý các hạng mục trong cao ốc… tăng mạnh.

Nhưng lúc đó, chỉ có 3 kênh tuyển dụng chính: đăng báo rao tuyển dụng, thông qua các trung tâm xúc tiến việc làm và nhờ người quen giới thiệu. Điểm chung của 3 kênh này là nhà tuyển dụng bị động, cả với những vị trí tuyển dụng đơn giản.

Anh Hưng thường xuyên chứng kiến cảnh những người đang tìm việc tập trung ghi ghi chép chép đông đúc tại các trung tâm giới thiệu việc làm, hay sinh viên mới ra trường phải vất vả đem hồ sơ đến từng công ty, nhà máy xin việc. Điều này đã thôi thúc anh thực hiện ý tưởng tổ chức dịch vụ cầu nối việc làm trên mạng, hỗ trợ những người đi xin việc và cũng là hỗ trợ các nhà tuyển dụng.

Tại Hoa Kỳ, từ năm 1995 các website về tuyển dụng đã khá thịnh hành với ưu điểm kết nối nhanh, rộng khắp và tiết kiệm chi phí giữa nhà tuyển dụng và các ứng viên. Vài năm sau, tại Việt Nam cũng có nhiều người nghĩ đến việc áp dụng mô hình này, nhưng gặp rào cản: lúc bấy giờ mức cước internet còn quá cao và chưa phổ cập.

Paul Nguyễn Hưng phải chờ đến năm 2004 - khi giá cước sử dụng internet bắt đầu hạ xuống, tốc độ đường truyền cải thiện hơn - mới quyết định thành lập Công ty Vietnam Online Network (VON) với sản phẩm đầu tiên là website kiemviec.com. Từng theo học chuyên ngành phần mềm tại Nam California (Hoa Kỳ) nên vấn đề kỹ thuật không phải là trở ngại lớn với anh, chỉ mất vài tháng cho việc xây dựng và hoàn thiện website.

Gian nan nhất là phải nghiên cứu hành vi sử dụng internet của người Việt Nam để thiết kế một giao diện phù hợp. Anh đã phải rất đắn đo cân nhắc giữa việc chọn giao diện chuyên nghiệp, hiện đại hoặc giao diện đơn giản, dễ sử dụng với nhiều người.

Để tập trung việc vận hành VON, Paul Nguyễn Hưng quyết định rút khỏi vị trí điều hành Công ty Huy Bảo, chỉ còn là cổ đông sáng lập. Khi kiemviec.com ra đời, vấn đề lớn nhất là quảng bá để mọi người biết đến.

Do chi phí eo hẹp, anh không thể mở những chiến dịch quảng cáo theo kiểu “dội bom” trên truyền hình hoặc trên các tờ báo hàng đầu. Giải pháp kết hợp với các trường đại học được lựa chọn, anh đến các trường đại học giới thiệu website của mình trong các ngày hội việc làm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, việc mời chào dịch vụ trong giai đoạn này không gặp nhiều khó khăn do mức phí thấp, mà hiệu quả lại cao hơn hẳn một số kênh tuyển dụng khác.

Anh tâm sự: “Điều làm tôi cảm thấy phấn chấn nhất là dịch vụ của mình đã giải quyết được nhu cầu tìm việc của rất nhiều người. Những nụ cười tươi tắn, ánh mắt hân hoan của những người có được việc làm chỉ vài ngày sau khi đến với kiemviec.com là nguồn động lực rất lớn cho bản thân tôi. Lúc đó, trung bình mỗi tháng tôi nhận khoảng 2.000 thư điện tử và thư tay ân cần cảm ơn”.

Cung ứng nguồn nhân lực cấp cao

Thấy kiemviec.com hoạt động thành công, vào năm 2006 có hàng loạt website về tuyển dụng khác nối tiếp nhau ra đời. Để cạnh tranh, thay vì thu phí đối với doanh nghiệp, các website này sẵn sàng đăng tải miễn phí, lại còn sử dụng chiêu “chôm chỉa” các mẩu đăng tuyển tại kiemviec.com về đăng trên website của mình.

Anh Hưng bộc bạch: “Nhiều người khuyên tôi kiện, nhưng tôi nghĩ áp lực cạnh tranh, bị chơi xấu là điều không thể tránh được trong kinh doanh. Mình không thể thay đổi đối thủ, mà chỉ có thể thay đổi chính mình”. Do vậy, anh dồn sức nâng cao chất lượng dịch vụ, quyết định thành lập một bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp viết các mẫu đăng tuyển thế nào cho hợp lý và bắt mắt các ứng viên.

Đây chính là sản phẩm chủ lực để thể hiện “đẳng cấp” của một website tuyển dụng chuyên nghiệp, vì nếu không có sự đầu tư kỹ lưỡng, kinh nghiệm và am hiểu thị trường nhân sự, các website “lôm côm” rất khó bắt chước theo. Thế nên, qua cạnh tranh, sàng lọc, từ khoảng 60 website về tuyển dụng tại Việt Nam, đã giảm xuống chỉ còn 10, trong đó vietnamworks.com đã chiếm đến 50% thị phần và kiemviec.com chiếm 40% thị phần.

YuMe tổ chức giao lưu với các cây bút viết về kinh tế. 

YuMe tổ chức giao lưu với các cây bút viết về kinh tế. 

“Nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp nói với tôi rằng vì các website tuyển dụng mà nhân viên bây giờ nhảy việc liên tục. Nhưng tôi trả lời: Nếu các doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện làm việc tốt, nhân viên sẽ chẳng bỏ đi đâu cả!” - Paul Nguyễn Hưng tự hào khi nói về tác dụng của website tuyển dụng đã góp phần “nhắc nhở” các lãnh đạo doanh nghiệp biết trân trọng, gìn giữ đội ngũ nhân sự.

Nhưng anh cũng tỏ ra không vui về việc nhiều doanh nghiệp vẫn không thay đổi thói quen tuyển dụng của mình: “6-7 năm về trước khi doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng, tại phần lương bổng, thù lao, thường chỉ ghi “theo thỏa thuận”. Khi đó tôi đã khuyên họ nên minh bạch hơn để tránh mất thời gian của mình và của ứng viên. Nhiều doanh nghiệp lý luận rằng rao mức lương chung chung như vậy để tránh việc bị đối thủ chơi xấu, rao trả lương cao hơn, thu hút nhân tài. Nhưng tôi nói rằng, sức anh trả được bao nhiêu cứ ghi rõ, còn với đối thủ cạnh tranh, khi họ muốn tìm hiểu, anh có giấu cũng chẳng được”.

Do kiemviec.com tập trung vào các vị trí tuyển dụng cấp nhân viên, chuyên viên, VON cũng đồng thời thành lập hrvietnam.com nhằm hướng đến các vị trí cao cấp hơn, từ cấp trưởng phòng đến giám đốc, tổng giám đốc và nhân sự các lĩnh vực “săn đầu người”.

Tuy nhiên, ông Hưng cho biết: “Hiện nguồn nhân lực không đủ để tuyển vào vị trí trọng yếu tại các doanh nghiệp. Do phải cạnh tranh gay gắt nên chỉ khi nào tìm được người và người đó nhận việc thì VON mới nhận phí. Dù vậy, tôi cũng không thể lơ là trong lĩnh vực nhân sự cấp cao, vì mình làm tốt tất cả các nhu cầu tuyển dụng thì chuỗi cung ứng giải pháp nhân sự mới hoàn thiện”.

Không ngại đối đầu thách thức

Người thích mạo hiểm ảnh 3Xây dựng mạng xã hội cũng như xây dựng một trung tâm thương mại. Trung tâm thương mại sau khi hoàn thiện xây dựng sẽ kêu gọi các nhãn hàng tham gia, còn mạng xã hội sau khi được thành lập sẽ kêu gọi các đơn vị tham gia quảng cáo hoặc gắn các sản phẩm của mình lên mạng xã hội, chẳng hạn như game, thương mại điện tử… FPT, VTC, Vinagame và một số đơn vị khác cũng đặt rất nhiều tham vọng trong việc phát triển mạng xã hội, nhưng thực ra đây không phải là mảnh đất màu mỡ. Facebook có quy mô rất lớn nhưng mãi đến gần đây mới có lãi. YuMe hiện vẫn đang tiếp tục đầu tư, cũng có nguồn thu nhưng không đáng kể. Đầu tư mạng xã hội tại Việt Nam vẫn đang là giai đoạn đón đầu nhu cầu sử dụng trong tương lai, đây không phải là thời điểm để sinh lời. Kinh doanh dịch vụ trực tuyến là vậy, lúc nào cũng phải đón đầu nhưng cũng rất dễ trở thành… đoán mò. Người thích mạo hiểm ảnh 4

Anh PAUL NGUYỄN HƯNG,
CEO Vietnam Online Network

Không chỉ hài lòng với dịch vụ việc làm, VON tiếp tục mở rộng kinh doanh dịch vụ trực truyến: năm 2006 ra mắt cổng thông tin điện tử timnhanh.com.vn, và năm 2008 ra mắt mạng xã hội YuMe. Paul Nguyễn Hưng đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào YuMe. Làm sao để YuMe non trẻ có thể trụ được trước sự bành trướng mạnh mẽ của các mạng xã hội khổng lồ như Facebook hay Google Plus? Liệu VON có đang quá liều lĩnh hay không?

Paul Nguyễn Hưng phân tích đầy tự tin: “YuMe và Facebook không phải là đối thủ của nhau, vì chức năng sử dụng khác nhau. Facebook dùng cho việc chia sẻ hình ảnh, video, game, còn YuMe để mọi người chia sẻ các bài viết, suy nghĩ của mình. Các nhà văn, nhà báo hay những người có nhu cầu viết lách thực sự thường không muốn sử dụng Facebook, mà có thể sẽ chọn WorldPress, BlogSpot, Opera hay YuMe. Số lượng người sử dụng YuMe liên tục tăng trong 3 năm qua và hiện đã có khoảng 3,5 triệu thành viên, khẳng định chúng tôi vẫn đi đúng hướng”.

Thời gian gần đây, YuMe tung ra chương trình viết blog nhận nhuận bút và được cộng đồng mạng hưởng ứng khá tích cực. Nếu những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí đăng ký với YuMe sẽ được nằm ở nhóm S-Pro, tức những cây bút chuyên nghiệp, các bài viết sẽ được tính nhuận bút dựa trên số lượt xem với 40 đồng/lượt.

“Sẽ chẳng có ai sống được nhờ chương trình này cả, nhưng nhuận bút có thể dùng để mời bạn bè đi ăn, uống cà phê, tăng sự tương tác giữa không gian ảo và thế giới thực. Đây là cách gắn kết giữa người sử dụng với mạng xã hội bền vững và cũng để tri ân về những kiến thức, suy nghĩ của họ dành cho cộng đồng” - anh Hưng kể.

Ngành kinh doanh dịch vụ trực truyến hiện gặp một rào cản rất lớn chính là sự thụ động của các doanh nghiệp trong nước. Tại các nước phát triển, doanh nghiệp thường khai thác khoảng 70% tiện ích trên internet nhưng tại Việt Nam chỉ mới hơn 1%.

Trong gần 50 tỷ đồng đầu tư cho các dự án, VON đã dành 3 tỷ đồng để tổ chức các hội thảo, mời doanh nghiệp lớn tham dự, nhưng do nhận thức của nhiều doanh nghiệp về internet chưa đầy đủ nên kết quả cũng không cải thiện nhiều.

Paul Nguyễn Hưng nhận định: “Đây là một dịch vụ kinh doanh mạo hiểm, vì sản phẩm có thể “chết” bất cứ lúc nào. Mới hôm nay còn “khỏe” nhưng ngày hôm sau, chỉ cần một số thay đổi cả chủ quan lẫn khách quan là có thể nhanh chóng bị “khai tử”. Nếu trong thời gian tới, số người có nhu cầu viết lách giảm xuống, YuMe cũng sẽ “chết”, đây là điều phải chấp nhận. Khi sản phẩm của mình chết, phải giữ cho được cái đầu lạnh để có thể bắt tay làm sản phẩm khác.

Ngay cả Google đã từng bỏ ra 1 tỷ USD để xây dựng mạng xã hội chuyên về video nhưng cuối cùng thất bại và phải bỏ ra thêm 1,6 tỷ USD để mua lại YouTube. Ngày ngày, tôi vẫn cố hết sức làm việc thật tốt, còn nếu cứ lo sợ thất bại, có lẽ phải lo cả ngày, cả năm và chẳng làm được gì”.

Các tin khác