Người đàn bà gỗ

Bản lĩnh xoay chuyển tình thế

 
Trong Đại hội cổ đông năm 2010 của CTCP Gỗ Đức Thành, lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc Tổng giám đốc công ty này - doanh nhân Lê Hải Liễu (ảnh). Trong lúc đang chờ cổ đông có ý kiến sau khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh, chị giơ cao chiếc hộp đựng rác văn phòng bằng gỗ, một sản phẩm nhỏ và xinh xắn của công ty, để giới thiệu với mọi người. Không khí căng thẳng trong hội trường nhanh chóng bị phá tan, mọi người vui vẻ hỏi thăm cô tổng giám đốc về sản phẩm “không đụng hàng” này. Vì vậy Tôi cảm nhận rõ chị là người rất hòa đồng, gần gũi với mọi người và luôn nỗ lực một cách nhiệt thành trong công việc.

Bản lĩnh xoay chuyển tình thế

Tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên của Trường Đại học Kinh tế TPHCM, tương lai rộng mở trước mắt cô gái trẻ nhiều hoài bão nhưng bản chất năng động không cho phép Lê Hải Liễu hài lòng với những điều đang có. Mong muốn làm được nhiều hơn nữa, chị đã rời giảng đường, ra nước ngoài để học cách kinh doanh.

Năm 1993, ông Lê Ba - cha chị - lâm bệnh nên muốn lui về an dưỡng tuổi già, chị trở về thay cha quản lý Công ty Gỗ Đức Thành. Dù được thừa hưởng cơ ngơi của gia đình, nhưng con đường khởi nghiệp của chị không trải đầy hoa hồng, mà có khá nhiều chông gai.

Chị bộc bạch: “Khi tôi tiếp quản, công ty chỉ là một xưởng cưa nhỏ vận hành theo cơ chế cũ và đang ngập trong nợ ngân hàng, lợi nhuận có được chỉ đủ trả lãi vay. Lúc đó, điều duy nhất tôi nghĩ đến là cố gắng làm có tiền trả hết nợ rồi chuyển sang kinh doanh ở lĩnh vực khác. Nhưng rồi cái duyên với gỗ giúp tôi gắn bó với nghề lúc nào không biết”.

- Vậy lúc đó chị đã làm gì để xoay chuyển tình thế?

- Như người ta nói “Trong cái khó ló cái khôn”, ngoài việc áp dụng kiến thức kinh doanh được học ở nước ngoài, tôi nghĩ đến giải pháp kinh doanh trên vốn của khách hàng, có nghĩa đề nghị khách hàng ứng trước tiền để sản xuất. Muốn làm được điều này, trước hết phải chinh phục lòng tin của khách hàng. Dù biết sẽ rất khó khăn nhưng tôi nỗ lực học nghề để có đủ kiến thức chuyên môn nhằm có thể thuyết phục khách hàng. Tôi bắt đầu học từ các anh em kỹ thuật, công nhân.

Những điều gì chưa rõ, tôi không ngần ngại nhờ mọi người chỉ dẫn. Khi làm sai, được mọi người góp ý, tôi vui vẻ tiếp nhận, khắc phục vì tôi nghĩ không biết phải học. Anh em muốn giúp đỡ mới góp ý, có vậy mới nhớ lâu, biết rõ. Học hỏi ở công ty đã khó, học hỏi trên thương trường càng khó hơn. Có lần, tôi gặp đối tác với đơn hàng lớn, yêu cầu cao về chất lượng, kỹ thuật. Thấy tôi là phụ nữ trẻ, đối tác tỏ vẻ không tin tưởng và một mực đề nghị gặp cha tôi để bàn bạc hợp đồng.

Tôi phải khẳng định với họ rằng tôi là giám đốc công ty và có đủ hiểu biết để hoàn thành yêu cầu của đơn hàng. Đến lúc đó, họ mới miễn cưỡng ngồi vào bàn làm việc. Sau khi đơn hàng giao đáp ứng được mọi yêu cầu, họ mới thực sự tin tưởng vào tôi. Khi thực hiện đơn hàng rồi, đã quen với đối tác, tôi học hỏi cách làm ăn của họ, đồng thời luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp để hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.

Chính vì vậy, chẳng bao lâu, Gỗ Đức Thành đã được nhiều khách hàng chọn làm đối tác lâu dài. Từ sự tin tưởng về uy tín, các khách hàng bắt đầu hỗ trợ tôi bằng cách ứng vốn trước. Có những đơn hàng tôi được ứng đến 90% giá trị hợp đồng, nhờ đó công ty có vốn để sản xuất.

Tự tin trong cơn khủng hoảng

Có vốn, những tưởng hoạt động của công ty sẽ theo đà đó tăng trưởng. Thế nhưng đến năm 1994, để ngăn lãng phí tài nguyên gỗ, Chính phủ quy định các công ty gỗ phải xuất khẩu sản phẩm hoàn thiện. Thời điểm đó, Gỗ Đức Thành chỉ cung cấp gỗ nguyên liệu và bán thành phẩm.

Quy định này buộc Lê Hải Liễu phải quyết định chuyển hướng đầu tư sang sản xuất thành phẩm và tìm khách hàng mới. Nhưng tìm khách hàng bằng cách nào và tìm ở đâu là một vấn đề nan giải. Cuối cùng, chị bỏ ra một số tiền lớn để tham gia vào các hội chợ, triển lãm quốc tế. Thường các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm chủ yếu để làm quen đối tác, giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường.

Nhưng mới lần đầu tham dự hội chợ, sản phẩm của Gỗ Đức Thành đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng và các đơn hàng đổ về. Nối tiếp thành công đó, Gỗ Đức Thành liên tục tham gia các hội chợ và ngày càng có nhiều khách hàng hơn. Cho đến nay, thương hiệu Gỗ Đức Thành đã có mặt tại hơn 50 nước trên thế giới.

Người đàn bà gỗ ảnh 2 Nhìn lại quá trình phát triển của CTCP Gỗ Đức Thành, có thể thấy việc cổ phần hóa từ một công ty gia đình có nhiều nét khác biệt so với các công ty khác. Nhưng vấn đề quan trọng là phải biết cách thích ứng để có định hướng chiến lược phù hợp sau khi chuyển đổi. Vì vậy, thay vì bằng cách mở rộng kinh doanh đa ngành nghề như các công ty khác, Gỗ Đức Thành vẫn kiên định chiến lược phát triển sản phẩm riêng, tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất chuyên biệt của mình để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Cho đến nay, có thể khẳng định Gỗ Đức Thành đã thực sự thành công khi đi theo con đường này. Người đàn bà gỗ ảnh 3

LÊ HẢI LIỄU,
Tổng giám đốc CTCP Gỗ Đức Thành

Năm 1997, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, khách hàng của Gỗ Đức Thành đột ngột giảm mạnh.

Tuy bị “sốc” nhưng Lê Hải Liễu nghĩ ngay đến việc phải nhanh chóng chinh phục thị trường nội địa và tìm kiếm thị trường mới để công ty trụ vững trong thời khó khăn. Nghĩ vậy, chị bỏ thời gian nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam và nhận thấy khách hàng trong nước quen sử dụng những sản phẩm giá cả phải chăng, do vậy sản phẩm làm từ các loại gỗ quý hiếm giá cao chắc chắn sẽ khó có chỗ đứng.

Đây là một lợi thế của Gỗ Đức Thành, bởi ngay trong chiến lược phát triển sản phẩm hoàn thiện, Lê Hải Liễu đã vạch ra phương án sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ trồng như cao su và tràm bông vàng. Bên cạnh đó, nhờ sản xuất dòng sản phẩm chuyên biệt nên Gỗ Đức Thành nổi bật với dòng sản phẩm đồ gỗ dùng trong nhà bếp, gỗ gia dụng và đồ chơi trẻ em.

Trên thị trường, đây là những sản phẩm thật sự cần thiết trong đời sống hàng ngày. Chính đặc điểm lạ và bắt mắt, sản phẩm đồ gỗ của công ty nhanh chóng chinh phục khách hàng trong nước.

Bằng cách đó, từng bước Lê Hải Liễu đưa Gỗ Đức Thành vượt qua khủng hoảng trong khi có nhiều doanh nghiệp đồ gỗ đã bị xóa tên. Năm 2000, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton sang thăm Việt Nam, chị được chọn làm đại diện cho giới doanh nhân TPHCM đọc bài phát biểu chào mừng trong cuộc gặp ông Bill Clinton.

Tiếp đó, chị cũng vinh dự được chọn tháp tùng phái đoàn Chính phủ trong chuyến thăm Hoa Kỳ. Cũng trong năm 2000, với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu, Gỗ Đức Thành tiến hành cổ phần hóa, tăng số lượng nhân viên lên 1.000 để đáp ứng mục tiêu vừa gia công cho đối tác, vừa sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh mang thương hiệu Gỗ Đức Thành để xuất khẩu.

Song, suốt 5 năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần, Gỗ Đức Thành vẫn chưa có nhiều chuyển biến, cổ phần vẫn nằm trong tay các thành viên trong gia đình và cổ đông nội bộ.

Đến năm 2005, cơ duyên đưa Lê Hải Liễu tiếp cận Công ty Quản lý quỹ đầu tư Mekong Capital. Với những ý tưởng kinh doanh đầy sáng tạo trong chiến lược phát triển được thực hiện các năm qua, chị đã thuyết phục được đối tác này đầu tư với số vốn 1,35 triệu USD vào Gỗ Đức Thành.

Năm 2006 quỹ này lại tiếp tục cung cấp thêm 400.000USD cho công ty mở rộng phát triển. Một phần trong số vốn này được dùng để xây dựng nhà máy chế biến gỗ rộng 3,3ha ở tỉnh Bình Dương, giúp doanh thu của công ty tăng trưởng vượt bậc. Từ bệ phóng này, Gỗ Đức Thành đã thu hút được sự quan tâm của quỹ đầu tư cổ phần tư nhân Đan Mạch BankInvest.

Năm 2007 BankInvest đã đầu tư 2 triệu USD để phát triển thị trường, nhân lực và xây dựng lộ trình niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nắm bắt cơ hội này, Lê Hải Liễu bắt đầu xây dựng nhà máy mới tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (tỉnh Bình Dương) với diện tích mặt bằng đến 10ha, công suất cao hơn so với các nhà máy hiện tại.

 Tổng giám đốc Lê Hải Liễu chăm chút các sản phẩm đồ chơi gỗ mang tính trí tuệ dành cho trẻ em.

 Tổng giám đốc Lê Hải Liễu chăm chút các sản phẩm đồ chơi gỗ mang tính trí tuệ
dành cho trẻ em.

 Năm 2008-2009, khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, đơn hàng của Gỗ Đức Thành gần như ngưng trệ, Lê Hải Liễu lại một lần nữa phải vắt óc nghĩ cách “vượt bão”. Bài toán nhiều doanh nghiệp thực hiện lúc đó là giảm lương, bớt nhân sự. Nhưng chị không muốn đi theo con đường đó nên đã tổ chức họp toàn công ty để thông báo tình hình về hoàn cảnh của công ty để mọi người cùng nhau chia sẻ tìm cách giải quyết.

Trước khó khăn của công ty, bộ phận sản xuất đã đưa những biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất đồng thời đề nghị không tăng ca để cắt giảm tiền lương ngoài giờ. Bộ phận văn phòng đề nghị nghỉ 1-2 ngày/tuần không hưởng lương nhưng vẫn hoàn thành công việc. Với sự chia sẻ này, Gỗ Đức Thành trên dưới đồng lòng vượt khó.

Nhận định giá nguyên liệu đang xuống thấp khi khủng hoảng, đến lúc khủng hoảng kết thúc, các nhà nhập khẩu sẽ ồ ạt đi tìm nhà cung cấp. Khi đó ai có hàng sẽ nắm chắc phần thắng, do vậy Lê Hải Liễu quyết định mua gỗ dự trữ. Đúng như chị dự báo, đến cuối năm 2009 khủng hoảng đi qua, Gỗ Đức Thành liên tục nhận được hợp đồng đặt hàng.

Do có sẵn nguyên liệu nên đơn hàng nào công ty cũng sẵn sàng nhận, ngay cả những đơn hàng yêu cầu giao hàng gấp rút, tạo được ấn tượng tốt với đối tác nước ngoài. Năm 2009 với doanh thu 174 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng doanh thu 30%/năm, Gỗ Đức Thành đường hoàng niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (mã chứng khoán GDT).

Tấm lòng yêu thương dành cho trẻ em 

Lê Hải Liễu gắn bó, tâm huyết với nghề và tạo dựng được một thương hiệu mạnh trong ngành gỗ nên trong giới sản xuất và kinh doanh đồ gỗ đặt cho chị biệt danh “Người đàn bà gỗ”. Mới nghe cứ ngỡ đó là một người phụ nữ lạnh lùng, nhưng nhiều lần gặp, tôi nhận ra chị là một phụ nữ nhân hậu.

Ngay khi lo toan việc kinh doanh trên thương trường, Lê Hải Liễu vẫn chăm chút tạo ra một thế giới đồ chơi gỗ mang tính trí tuệ dành cho trẻ em. Từ mong muốn có những món đồ chơi giúp con mình vừa chơi vừa học, chị quan tâm tìm tòi những sản phẩm đồ chơi hỗ trợ trẻ em phát triển trí tuệ. Khi có một người bạn sản xuất đồ chơi gỗ muốn bán lại xưởng, chị lập tức tiếp nhận nhân công và mua lại toàn bộ máy móc, thiết bị, cùng với công nghệ, mẫu mã của xưởng và ngay lập tức bắt tay vào sản xuất. Sản phẩm Winwintoys của Gỗ Đức Thành ra đời từ đó.

Lê Hải Liễu chia sẻ: “Tôi làm đồ chơi gỗ không phải chỉ vì lợi nhuận mà điều quan trọng nhất là để cho trẻ em có những sản phẩm phù hợp với nhu cầu phát triển. Người bạn bán lại xưởng đồ chơi cũng nhắc nhở tôi rằng trẻ em khi chơi đồ chơi sẽ không ý thức được sự nguy hiểm, vì vậy khi làm bất cứ món đồ chơi nào cũng phải thật cẩn thận, nếu như mình sơ ý không đảm bảo an toàn sẽ hối tiếc không kịp. Lời khuyên này giúp tôi luôn ý thức được sự quan trọng của việc làm ra đồ chơi cho trẻ. Tôi cũng là một người mẹ nên khi sản xuất bất kỳ món đồ chơi nào, tôi cũng xem như đây là đồ chơi dành cho con mình, phải thật tốt, không được có bất cứ sơ suất nào làm tổn hại đến con”.

Tôi có vài lần ghé qua các gian hàng đồ chơi gỗ của Gỗ Đức Thành, đó là một không gian đầy màu sắc và thật sự hấp dẫn. Hiện đã có hơn 200 mẫu sản phẩm Winwintoys, giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng.

Những người làm đồ chơi gỗ luôn suy nghĩ để tạo ra sản phẩm có kết cấu, màu sắc phù hợp, liên tục tạo ra mẫu mã mới. Và "bí kíp" của sản phẩm mới là một món đồ chơi phải có nhiều công dụng khác nhau để người tiêu dùng không cảm thấy sản phẩm quá đắt hoặc chơi nhàm chán.

Mỗi khi đến thăm bệnh nhi ở các bệnh viện, Lê Hải Liễu không khỏi chạnh lòng. Thấy mọi người thường tặng tiền, quà cho bệnh nhi, chị nghĩ mình nên làm điều thiết thực và mang tính lâu dài hơn. Thế rồi chị đã đầu tư tiện ích dành cho bệnh nhi tại các bệnh viện: Trang bị 50 giường bệnh cùng nhiều tiện ích cần thiết như kệ để đồ, máy in, máy vi tính tại khoa nhi Bệnh viện Ung bướu TPHCM; hỗ trợ 2 tỷ đồng cho Bệnh viện Nhi đồng 2 để nâng cấp khoa huyết học thành khoa ung bướu huyết học và tổ chức một khu vui chơi ngoài trời dành cho trẻ em đang điều trị bệnh tại đây. Lê Hải Liễu còn tham gia nhiều chương trình xã hội từ thiện khác trong việc giúp đỡ cộng đồng. 

Các tin khác