Ngành thép hội nhập: Cơ hội ít, thách thức nhiều

Tiêu thụ thép trong năm 2014 cũng như quý I-2015 đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn, tuy nhiên do cung vẫn còn vượt cầu, lại thêm sức ép từ việc giảm thuế các sản phẩm nhập khẩu khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực khiến ngành thép vẫn luôn trong cảnh “mừng ít, lo nhiều”.

Tiêu thụ thép trong năm 2014 cũng như quý I-2015 đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn, tuy nhiên do cung vẫn còn vượt cầu, lại thêm sức ép từ việc giảm thuế các sản phẩm nhập khẩu khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực khiến ngành thép vẫn luôn trong cảnh “mừng ít, lo nhiều”.

Áp lực từ hàng nhập khẩu

Nhìn lại năm 2014, trước tình hình chung còn nhiều khó khăn, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chỉ đưa ra mức tăng trưởng chung cho toàn ngành vào khoảng 5%. Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết ngành năm 2014, ngành thép lại ghi nhận mức tăng trưởng 12%. Cụ thể, các sản phẩm thép sản xuất đạt trên 12 triệu tấn, tăng 16,15% so với năm 2013.

Trong đó, sản phẩm thép dài đạt trên 5 triệu tấn, tăng 10,95%; thép cuộn cán nguội 2 triệu tấn, tăng 24,3%; ống thép hàn 1 triệu tấn, tăng 23,95%; thép mạ kẽm và sơn phủ màu 2 triệu tấn, tăng 7,2%. Về tiêu thụ, sản phẩm thép dài tiêu thụ đạt 5 triệu tấn, tăng 9,75%, các sản phẩm khác đạt 4.938 tấn, tăng 93,6%. Tuy nhiên, sản phẩm thép dẹt tiêu thụ chỉ đạt trên 3 triệu tấn, giảm 19,69% so với năm 2013.

Năm 2015 ngành thép phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 15%. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này không hề dễ dàng, bởi cuối năm 2015 khi một loại FTA có hiệu lực, các sản phẩm thép từ Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan sẽ tràn vào Việt Nam, gây sức ép lớn đối với thép trong nước.

Ông Hồ Nghĩa Dũng
Chủ tịch VSA

Trên đây chỉ là những con số cơ bản minh họa cho thấy có sự tăng trưởng khá, nhưng thực tế công suất của các doanh nghiệp sản xuất thép chỉ đạt 60% so với thiết kế, một phần do lượng thép nhập khẩu tăng mạnh.

Năm 2014 lượng thép thành phẩm nhập khẩu đạt trên 11 triệu tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, lượng thép hợp kim nhập khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng cao đột biến 105% so với cùng kỳ. Bước sang quý I-2015, tiêu thụ thép tiếp tục có những bước tăng trưởng do thị trường bất động sản đang ấm dần lên.

Theo báo cáo của VSA, tổng lượng thép tiêu thụ trong nước của các doanh nghiệp thành viên 3 tháng đầu năm đạt 2,5 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng chiếm hơn một nửa, đạt 1,29 triệu tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ trong nước tăng nhưng báo cáo của VSA lại chỉ ra rằng thực trạng xuất khẩu không mấy sáng sủa.

Cụ thể, tổng lượng sản phẩm và bán thành phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 360.943 tấn, trị giá hơn 282 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2014, xuất khẩu thép giảm 6% về sản lượng và giảm 4% về giá trị nhập khẩu.

Ngành thép còn 3 quý để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng dự kiến 15%. Song theo một số chuyên gia, để hoàn thành mục tiêu này không dễ dàng. Nhiều lý giải đưa ra cho nhận định này. Thứ nhất, dù tiêu thụ tăng nhưng cung vẫn đang vượt cầu khá xa. Theo đó, hầu hết chủng loại thép đều có công suất và sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Thứ hai, ảnh hưởng từ nguồn thép nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Thứ ba, ảnh hưởng từ việc các FTA song phương và đa phương Việt Nam tham gia ký kết sẽ có hiệu lực trong năm 2015.

Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng với một số FTA Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán, nếu lộ trình cắt giảm thuế quá nhanh trong khi năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép nội địa còn yếu, các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ gặp nhiều khó khăn do tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên một đơn vị sản phẩm của chúng ta cao hơn mức trung bình tiên tiến của thế giới.

Thêm vào đó là khâu lưu thông, phân phối; khâu quản trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập, cần được từng bước cải tiến, đổi mới cho phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Sức ép từ các đối thủ

Hội nhập hay nói cách khác là Việt Nam tham gia đàm phán các FTA song phương và đa phương luôn được nhìn nhận với câu nói quen thuộc “thách thức luôn song hành cùng cơ hội”. Tuy nhiên, thách thức và cơ hội không phải lúc nào cũng san đều cho các ngành nghề. Và với riêng ngành thép, hội nhập đang mang lại nhiều thách thức hơn cho doanh nghiệp.

Trước hết, bàn về Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, ngay đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã  ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC có hiệu lực từ 1-1-2015 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, thuế suất nhập khẩu một số sản phẩm thép, quặng sắt, hợp kim... giảm xuống còn 0%. Điều này sẽ tạo cơ hội cho sản phẩm thép từ các nước Đông Nam Á tràn vào Việt Nam và chắc chắn sẽ tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp trong nước.

Bất cứ FTA nào đều có những cơ hội và thách thức. Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam tìm thấy được cơ hội ngay trong thách thức để vươn lên cạnh tranh, hội nhập.

Ông Đỗ Thắng Hải,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Tương tự, việc FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết cũng đang gây lo lắng cho nhiều doanh nghiệp trước cuộc đổ bộ của thép từ Nga, một nước vốn rất mạnh trong sản xuất thép. Mặc dù đại diện nhiều bộ, ngành và cả Chính phủ luôn khẳng định thép từ Nga không thể gây sức ép quá lớn đến ngành thép trong nước.

Theo đó, sản phẩm thép của Nga tới Việt Nam phải trải qua chặng đường rất dài, từ trung tâm luyện thép tại miền Trung nước Nga qua Viễn Đông rồi mới tới Việt Nam, khiến thép Nga chưa hẳn có giá cạnh tranh. Tuy nhiên, với lợi thế về thiên nhiên cũng khó nói trước những áp lực mà thép Nga có thể mang lại cho Việt Nam. Đặc biệt, trước biến động mất giá của đồng tiền Nga (rúp) cộng với những lợi thế từ VCUFTA, khả năng thép Nga nhập khẩu ồ ạt hơn và bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước là điều hoàn toàn sớm xảy ra.

Trong khi đó, đối thủ đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước suốt thời gian qua là Trung Quốc, được dự báo sẽ có thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường Việt Nam qua FTA ASEAN - Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam phải đưa thuế suất mặt hàng phôi để sản xuất thép cuộn về 0% năm 2018, mặt hàng phôi để sản xuất thép cây về dưới 5% vào năm 2020…

Có vẻ tương lai của ngành thép trên sân nhà không có nhiều gam màu tươi sáng. Bên cạnh đó, với thị trường xuất khẩu, nếu thép ngoại vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%, thép Việt Nam vào các nước cũng được hưởng thuế suất đó. Điều này có nghĩa các nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ giăng nhiều hàng rào để bảo vệ sản xuất trong nước (và thực tế nhiều nước đang thực hiện). Vì thế, từ nhiều năm qua, các sản phẩm thép của Việt Nam luôn vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá.

Tính từ năm 1994 đến 2013, Việt Nam đã phải đối mặt với 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước trên thế giới, trong đó sản phẩm ngành thép bị kiện lên đến 15 vụ. Tính riêng trong 3 năm gần đây (2011-2013), Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Trước những sức ép lớn trong hiện tại và tương lai, doanh nghiệp trong ngành thép rất cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng để có thể tăng sức cạnh tranh. Thí dụ, về thép nhập khẩu chứa nguyên tố BO từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp cho rằng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc áp thuế cho loại thép này như các loại thép khác để hạn chế gian lận thương mại.

Hoặc trước tình hình thép nhập khẩu kém chất lượng, hồi giữa năm 2014, Thông tư liên tịch 44/2013 giữa Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu của doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực. Nhưng cho đến nay thông tư này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.

Cụ thể, Thông tư 44 được coi là hàng rào kỹ thuật giúp ngăn chặn hàng kém chất lượng vào Việt Nam, nhưng theo nhận định của VSA, việc thực thi thông tư ngày vẫn chưa thực sự phát huy hết hiệu quả do các tiêu chuẩn vẫn chưa rõ ràng. Các tiêu chuẩn theo hợp đồng nhập khẩu dẫn đến 2 bên mua bán tự thỏa thuận nên rất khó kiểm soát và giám định. Do vậy, quy chuẩn này cần sớm được xây dựng lại để xiết chặt hơn việc này, giúp doanh nghiệp trong nước ổn định sản xuất, đồng thời giúp thanh lọc những hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu lan tràn trên thị trường Việt Nam.

Thị trường thép đã khởi sắc hơn khi thị trường bất động sản đang phục hồi. Ảnh: LONG THANH

Thị trường thép đã khởi sắc hơn khi thị trường bất động sản đang phục hồi. 
Ảnh: LONG THANH

Như đã nói ở trên, hiện nay khi xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam rất dễ vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá. Chính vì thế các doanh nghiệp khi vướng vào những vụ kiện này rất cần sự giúp sức từ các cơ quan chức năng trong nước cũng như phía hiệp hội, nơi đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp. Ngoài ra, theo ý kiến nhiều chuyên gia, để bảo vệ sản xuất trong nước, Việt Nam cần chú trọng đến các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp. Và để phát huy hiệu quả các biện pháp này, vai trò của bộ máy quản lý và các cơ quan chuyên trách vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép cũng cần nâng cao ý thức về phòng vệ thương mại, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu hiện nay. Bởi thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp chứ không riêng trong ngành thép vẫn chưa thực sự quan tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ mình. Thí dụ việc không chủ động khởi kiện của nhiều doanh nghiệp đang gây khó cho các cơ quan chức năng.

Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), từng thẳng thắn nhìn nhận: “Ngoài hạn chế từ nguồn nhân lực của cơ quan điều tra, ngôn ngữ, hệ thống tài chính kế toán, sự chuẩn bị của các doanh nghiệp liên quan trong các vụ kiện chưa tốt. Trong khi đó, việc này đang trở thành một yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp phải tập làm quen và có sự chuẩn bị chu đáo. Bởi nếu không chính doanh nghiệp sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi không có sự ưu tiên cho bất cứ ai”.

Các tin khác