Ngành giấy 2011 - Lao đao trong bão giá

Năm 2010, ngành giấy đã có sự khởi sắc với nhiều dự án mới đầu tư. Tuy nhiên, bước vào năm 2011, ngành giấy lại đứng trước những thách thức lớn: Áp lực tỷ giá, giá nguyên nhiên liệu đầu vào, lượng giấy nhập khẩu hạn chế đã làm nhu cầu giấy tại thị trường trong nước nóng lên từng ngày. Một loạt nhà cung cấp thông báo sẽ tăng giá bán.

Năm 2010, ngành giấy đã có sự khởi sắc với nhiều dự án mới đầu tư. Tuy nhiên, bước vào năm 2011, ngành giấy lại đứng trước những thách thức lớn: Áp lực tỷ giá, giá nguyên nhiên liệu đầu vào, lượng giấy nhập khẩu hạn chế đã làm nhu cầu giấy tại thị trường trong nước nóng lên từng ngày. Một loạt nhà cung cấp thông báo sẽ tăng giá bán.

Hiện đại hóa công nghệ

Hiện nay cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất giấy, chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị sản xuất cá thể. Sản lượng giấy cả năm 2010 đã tăng gần 10% so với năm 2009, ước đạt 1,85 triệu tấn. 2 tháng đầu năm 2011, sản lượng giấy tăng khoảng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu giấy các loại ước đạt 150 triệu USD, với khoảng 163.000 tấn, tăng 33,4% về lượng và 42,4% về kim ngạch so với cùng thời điểm năm 2010. Nhờ vào việc đầu tư máy móc thiết bị với công nghệ cao, chất lượng sản phẩm giấy Việt Nam ngày càng được cải thiện. Nhiều loại giấy như giấy công nghiệp, giấy tiêu dùng đã bắt đầu chiếm lại thị trường nội địa.

Theo quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy đến năm 2010, tầm nhìn 2020, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2006-2020 là 95.569 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư nhà máy 87.664 tỷ đồng, trồng rừng 7.905 tỷ đồng. Xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất 600.000 tấn bột giấy vào năm 2010 và 1,8 triệu tấn vào năm 2020, đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Biên,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Ngành công nghiệp giấy đã vượt qua được những tác động từ cuộc khủng hoảng và đang có dấu hiệu hồi phục nhờ nâng cao kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Ông Võ Sỹ Dởng, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam, cho biết để tăng hiệu suất cạnh tranh, ngành giấy phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược đầu tư máy móc công nghệ để nâng cao năng suất. Vì vậy trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nhà máy lớn trên thế giới bị phá sản, tổng công ty giấy chớp cơ hội mua được những dây chuyền sản xuất khá hiện đại với giá rẻ.

Sau hơn 20 năm mở cửa mời gọi đầu tư, năm 2010 ngành giấy bắt đầu khởi sắc với 8 dự án mới được đầu tư xây dựng, tập trung vào các sản phẩm chính là giấy bao bì công nghiệp, giấy in viết và giấy tiêu dùng, với tổng công suất khoảng 430.000 tấn/năm. CTCP Tập đoàn Tân Mai mua lại 4 dây chuyền sản xuất bột giấy và giấy của Canada với khoảng 6.000 tỷ đồng để đầu tư 4 nhà máy mới tại Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Kon Tum và Đồng Nai, trong đó có 3 dự án sản xuất bột giấy, đã nhen nhóm nhiều hy vọng sản lượng giấy trong nước tăng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Nguồn vốn FDI cho ngành giấy cũng có tín hiệu tích cực khi dự án liên doanh Công ty SCG Paper của Thái Lan và nhà sản xuất bao bì của Nhật Bản Rengo xây dựng Công ty giấy Vina Kraft tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 3.351 tỷ đồng. CTCP Giấy Sài Gòn (SGP) cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy Mỹ Xuân 2 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, công ty đã đầu tư 100 triệu USD mua máy móc thiết bị mới nhất trên thế giới, có tuổi thọ trên 30-40 năm.

Đây là đơn vị duy nhất trong nước cùng lúc sản xuất 2 mảng giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng. Theo Hiệp hội Giấy - Bột giấy Việt Nam, hiện nay đa số doanh nghiệp ngành giấy còn phụ thuộc vào nguyên liệu bột giấy nhập khẩu, nhưng nếu các dự án đầu tư vào ngành giấy được triển khai theo tiến độ và kế hoạch, toàn ngành sẽ đạt khoảng 2,8 triệu tấn/năm. Với nhu cầu tiêu dùng nội địa khoảng 2,2 triệu tấn, có khả năng ngành giấy sẽ dư thừa bột giấy để xuất khẩu.

Doanh nghiệp sản xuất giấy vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp sản xuất giấy vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

2010 là năm đầy khó khăn cho ngành giấy khi các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức như giá cả đầu vào, tỷ giá, lãi suất, chi phí vận chuyển… đều tăng cao. Ngoài ra, trong năm 2008 và 2009, nhiều nhà máy đã cho ngừng máy, cắt giảm công suất, nên khi nhu cầu sử dụng hồi phục đã lúng túng vì lượng bột giấy trên thế giới bắt đầu khan hiếm, giá cả tăng cao.

Để phát triển ngành sản xuất giấy cần đầu tư dài hạn, nên rất ít nhà đầu tư trong nước tham gia. Năm qua một vài nhà máy do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, trong nước đa số vẫn làm thủ công, manh mún nhỏ lẻ, không đầu tư hệ thống xả thải đúng tiêu chuẩn, đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đã đến lúc chúng ta phải học Trung Quốc về việc không cấp phép các nhà máy giấy dưới vài chục ngàn tấn.

Ông Cao Tiến Vị,
Chủ tịch HĐQT CTCP Giấy Sài Gòn

Hiện nay, mức tiêu thụ giấy tiêu dùng bình quân trên thế giới đạt khoảng 4kg/người/năm, trong đó châu Âu và Bắc Mỹ lên tới 30kg/người/năm, còn ở Việt Nam chưa đến 1kg/người/năm, như vậy tiềm năng thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, ngành giấy vẫn còn nhiều rào cản lớn. Thứ nhất, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa rõ ràng, cào bằng giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy giấy lại càng khó khăn, bởi cứ nghe nói xây dựng nhà máy giấy là các địa phương từ chối vì sợ ô nhiễm môi trường. Đây là hệ lụy của việc nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa với công nghệ sản xuất giấy lạc hậu, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đúng mức. Với các nhà máy hiện đại, sản xuất 1 tấn giấy chỉ cần 7-15m3 nước, trong khi phần lớn nhà máy giấy nước ta sử dụng khoảng 30-100m3 nước/tấn giấy thành phẩm, rất lãng phí. Rào cản thứ hai là vốn đầu tư.

Nếu xây dựng nhà máy với vốn đầu tư thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về công nghệ. Nhưng đầu tư lớn rất khó vì nguồn vốn quá lớn, phải 15-20 năm mới có thể hoàn vốn. Thí dụ, đầu tư 1 dây chuyền sản xuất giấy hiện nay khoảng 17 triệu USD/máy (350 tỷ đồng), rất ít doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực.

Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay chỉ lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, đòi hỏi nhà sản xuất không chỉ cần vốn, mà cả kinh nghiệm. Với các ngành khác, máy lắp xong có thể chạy được ngay để sản xuất. Trong khi với ngành giấy, nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm, dù lắp xong máy nhưng có khi đến 1, 2 năm sau vẫn chưa hoạt động được vì còn phải chỉnh sửa các chỉ số về độ mỏng, trắng, độ mềm, mịn, độ thấm nước…

Áp lực tăng giá

Năm 2010, các nhà cung cấp nước ngoài tập trung đáp ứng các đơn hàng lớn cho Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc nên việc nhập khẩu giấy và bột giấy về Việt Nam bắt đầu khan hiếm. Cộng hưởng với nhiều yếu tố như tỷ giá, lãi suất, chi phí vận chuyển tăng lên, nhiều nhà máy nhỏ đã phải ngừng sản xuất khiến cho nguồn cung thấp hơn nhu cầu thực tế đã đẩy giá giấy tăng cao, các nhà sản xuất chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Cùng với giá bột giấy, giá giấy vụn (giấy tái chế) tăng mạnh, giá bột giấy ở khoảng 800-850USD/tấn, giá giấy vụn khoảng 400-450USD/tấn, đã đẩy giá giấy in báo đến mức 700USD/tấn. Đến quý I-2011, khi giá điện, xăng bắt đầu tăng, giá giấy in, giấy viết trong nước đã tăng 4% và dự báo sẽ còn những đợt tăng giá nữa vì ảnh hưởng của việc tăng giá bột giấy và giá than.

Khó khăn chồng chất, nhiều nhà sản xuất đã phải gồng mình để duy trì sản xuất vì không thể ngừng máy và gây ảnh hưởng nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, trước tình hình giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đẩy giá sản phẩm cao hơn giá giấy nhập khẩu. Chẳng hạn giá giấy in, viết nhập khẩu từ Malaysia chỉ khoảng 22 triệu đồng/tấn, trong khi giá giấy trong nước lượng trên 70g/m2 là 23,1 triệu đồng/tấn (tăng 2,2 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2010); giấy in báo giá 14,5 triệu đồng/tấn (tăng 800.000 đồng), gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành trong việc cạnh tranh về giá cả.

Theo CTCP Dịch vụ thương mại Giấy Việt, trong quý II, giá giấy các loại sẽ tăng thêm khoảng 2,5% và trong quý III sẽ tăng thêm 2% nữa. Mức tăng này sẽ đẩy giá giấy cuộn cao vượt mức 23,5 triệu đồng/tấn và giá giấy ram sẽ ở khoảng 62.000 đồng/ram. Theo ông Ponthep Tuntavadcharom, Giám đốc Marketing Công ty Vina Kraft, nguồn cung dồi dào trên thế giới với giá rẻ hơn sẽ dẫn đến việc Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ của các nhà cung cấp trên thế giới. Trong khi đó, với giá thành cao hơn mà vẫn chưa bù được các chi phí phát sinh khác, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn còn phải chịu tình trạng hoàn vốn thậm chí lỗ, hoạt động cầm chừng.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp đang rất căng thẳng trong việc xem xét lại kế hoạch giảm tiêu hao nguyên liệu, xây dựng mức tăng giá phù hợp để vừa có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, vừa giảm bớt nhập siêu, góp phần kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước, nhất là trong việc đầu tư trồng rừng, xây dựng nguồn nguyên liệu để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chủ động hơn trong quá trình sản xuất.

-------

Bài liên quan:

> Tính toán kỹ khi đầu tư vào ngành giấy

Các tin khác