Ngành công nghiệp xe gắn máy: Tiến thoái lưỡng nan

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng xe gắn máy thuộc hàng cao nhất thế giới. Với một thị trường rộng lớn, đa dạng và nhiều tiềm năng như vậy, rất nhiều hãng xe gắn máy đã không ngừng đầu tư để giành thị phần. Song, thị trường xe gắn máy đến thời điểm này dường như bước vào giai đoạn bão hòa, cung vượt cầu quá xa, những tác động từ chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân sẽ là thách thức không nhỏ cho các hãng xe.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng xe gắn máy thuộc hàng cao nhất thế giới. Với một thị trường rộng lớn, đa dạng và nhiều tiềm năng như vậy, rất nhiều hãng xe gắn máy đã không ngừng đầu tư để giành thị phần. Song, thị trường xe gắn máy đến thời điểm này dường như bước vào giai đoạn bão hòa, cung vượt cầu quá xa, những tác động từ chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân sẽ là thách thức không nhỏ cho các hãng xe. 

Cung vượt cầu

Theo các số liệu thống kê, trong vòng 4 năm qua, thị trường xe gắn máy nước ta tiêu thụ trên dưới 3 triệu xe/năm. Cụ thể, Cục Đăng kiểm cho biết lượng xe máy được cấp đăng kiểm năm 2011 hơn 3,6 triệu xe; năm 2012 giảm còn 3,3 triệu xe; năm 2013 khoảng 3,2 triệu xe và 2014 tiếp tục giảm xuống dưới 3 triệu xe. Qua số liệu thống kê, cho thấy sức tiêu thụ xe tại thị trường nội địa đang trên đà giảm mạnh. Trong khi đó, tổng công suất sản xuất xe máy của Việt Nam hiện nay đạt 4-5 triệu xe năm.

Riêng Honda Việt Nam với 3 nhà máy đạt công suất khoảng 2,5 triệu xe/năm; Yamaha Việt Nam đặt mục tiêu 1,5 triệu xe/năm; SYM có 2 nhà máy với công suất 500.000 xe/năm; Piaggio Việt Nam có 2 nhà máy với công suất 300.000 xe/năm và Suzuki Việt Nam có 2 nhà máy công suất 300.000 xe/năm. Như vậy, so với tổng công suất của các nhà máy, sức tiêu thụ hiện nay chỉ đạt khoảng 60%.

Sản lượng xe máy trong năm 2015 dự kiến đạt gần 4 triệu chiếc. Như vậy, căn cứ vào nhu cầu mua sắm của người dân (khoảng 2,7-2,8 triệu xe) và thực tế sản lượng của các hãng (4 triệu xe), thị trường xe máy Việt Nam năm nay dự tính ế khoảng 1,2 triệu chiếc.

Ông Nguyễn Cẩm Tú,
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Đáng chú ý, khoảng 90% lượng xe máy tiêu thụ trong năm 2014 thuộc về 5 đại gia: Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Suzuki Việt Nam và SYM (thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - VAMM). Khoảng 10% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp xe máy trong nước. Thị trường xe máy năm 2015, theo dự báo của các nhà sản xuất lẫn các chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh khốc liệt hơn.

Năm 2015, dự báo tiêu thụ xe máy ở thị trường trong nước cũng chỉ dao động ở mức 2,7-2,8 triệu xe. Theo Tổng giám đốc Honda Việt Nam, Minoru Kato: “Năm 2014, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường xe máy trong nước gặp nhiều khó khăn. Doanh số bán hàng của Honda Việt Nam đạt 1,85 triệu xe máy, bằng 95% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chiếm đến 68% thị phần, tăng 5,5%. Trong năm  2015, công ty sẽ cho ra mắt nhiều phiên bản cải tiến của các dòng xe hiện có hoặc hoàn toàn mới để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường tiềm năng”.

Ghi nhận cho thấy trong bối cảnh thị trường xe gắn máy kém sôi động, để giữ vững và mở rộng thị phần, các hãng xe thời gian qua liên tục đưa ra mẫu xe và phiên bản mới. Ước tính trong năm 2014, riêng top 5 các nhà sản xuất xe gắn máy trong nước đã tung ra trên 20 mẫu xe và phiên bản mới, trong khi các đại lý chạy đua đưa ra những chính sách bán hàng khuyến mại giảm giá, tặng quà, hỗ trợ vay tiêu dùng nhưng sức mua vẫn không cải thiện. Hàng loạt đại lý xe máy rơi vào cảnh ế ẩm, khách hàng thưa thớt, kinh doanh thua lỗ buộc phải đóng cửa. Từ thực tế này cho thấy bên cạnh sự tác động của suy thoái kinh tế, người dân thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, bản thân thị trường xe gắn máy dường như đã đạt đến ngưỡng bão hòa.

Xuất khẩu - con đường sống

Do công suất thiết kế quá dư thừa, các hãng xe buộc phải tìm hướng xuất khẩu. Việc tìm thị trường mới có thể xem là yếu tố sống còn, thay vì phải tính đến tình huống xấu nhất là đóng cửa các nhà máy hoặc thu hẹp sản xuất. So với ngành công nghiệp ô tô đã hoàn toàn thất bại trong việc nâng tỷ lệ nội địa hóa và đến nay vẫn chưa có chiến lược, quy hoạch mới, ngành công nghiệp sản xuất xe gắn máy đã nâng tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 90%. Đây là một lợi thế không nhỏ giúp xe gắn máy “made in Vietnam” có thể cạnh tranh với các đối thủ về giá thành tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy giai đoạn 2016-2020 của Bộ Công Thương, đến năm 2020 xuất khẩu xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy đạt 500-800 triệu USD.

Mục tiêu của Honda Việt Nam là từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu xe máy trong khu vực. Ước tính, thị trường xuất khẩu của Honda Việt Nam trong năm tài chính 2015 sẽ mở rộng sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 247 triệu USD.

Ông Minoru Kato,
Tổng giám đốc Honda Việt Nam

Theo thông tin từ Honda Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa của đơn vị này đạt trung bình 93%, một số mẫu xe số thậm chí còn lên đến 99%. Nỗ lực nâng tỷ lệ nội địa hóa minh chứng cho khả năng thành công của các dự án đầu tư có liên quan đến phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam. Kể từ năm 2011, Honda đã bắt đầu có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tiến tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu xe máy của Honda. Mục tiêu này đang dần được hiện thực hóa bằng việc thiết lập các cơ sở hạ tầng vững chắc với 3 nhà máy xe máy có tổng công suất thiết kế lên tới 2,5 triệu xe/năm cùng với các phân xưởng sản xuất phụ tùng.

Trong năm tài chính 2014 (từ tháng 4-2013 đến 31-3-2014), Honda Việt Nam đã gặt hái được những thành công vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu. Hầu hết mẫu xe của Honda Việt Nam đều được xuất khẩu đi nhiều nước. Bên cạnh đó có những mẫu xe được Honda Việt Nam sản xuất riêng cho các nước, chẳng hạn xe DUNK cho thị trường Nhật Bản. Sản lượng xuất khẩu xe nguyên chiếc (CBU) của công ty đạt 32.600 xe và tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 163 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu.

Với Yamaha Việt Nam, năm 2014 đơn vị này đưa ra tiêu thụ trên thị trường nội địa khoảng 700.000 xe máy và xuất khẩu khoảng 100.000 chiếc. Năm 2015, các dòng xe do liên doanh Nhật Bản sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, các dòng xe Yamaha đang lắp ráp đạt tỷ lệ nội địa hóa lên đến gần 90%. Piaggio Việt Nam cũng cho biết sau khi đầu tư nâng công suất lên 300.000 xe/năm, ngoài thị trường nội địa sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khoảng 30.000 xe/năm sang thị trường các nước Đông Nam Á và châu Âu. Trong giai đoạn 2014-2017, Piaggio Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc…

Chiến lược thích ứng?

Theo quy hoạch ngành giao thông vận tải, đến năm 2020, số lượng xe gắn máy trên toàn quốc vào khoảng 36 triệu chiếc. Tuy nhiên số liệu cập nhật mới nhất đến cuối năm 2014 cả nước có khoảng 43 triệu chiếc, vượt quy hoạch 7 triệu chiếc. Tại các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội, dù đã đầu tư mạnh mẽ cho phát triển hạ tầng giao thông, nhưng tình trạng quá tải, kẹt xe, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề nóng. Và trong khi chính quyền các địa phương đang loay hoay với bài toán giảm phương tiện cá nhân, số lượng xe máy đã vượt qua con số được Chính phủ phê duyệt. Ước tính tại TPHCM hiện có khoảng 7 triệu xe gắn máy đăng ký tại địa phương, chưa kể xe từ các tỉnh đang lưu hành.

Trong những năm tới, quy hoạch giao thông sẽ hạn chế xe máy bằng các biện pháp hành chính, kinh tế, kỹ thuật nhằm thay đổi căn cơ diện mạo của bộ mặt đô thị. Xe máy sẽ sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn, nơi không có vận tải hành khách công cộng. Cũng theo nhiều chuyên gia giao thông, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, các đô thị vệ tinh phát triển chậm, nếu để xe máy gia tăng sẽ gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông, cản trở phát triển kinh tế - xã hội lẫn môi trường đầu tư. Tuy nhiên, đứng về phía các nhà sản xuất xe máy, lộ trình siết xe gắn máy đang đến gần thực sự là một mối lo lớn.

Thị trường xe gắn máy đang bước vào giai đoạn bão hòa. Ảnh: LÃ ANH

Thị trường xe gắn máy đang bước vào giai đoạn bão hòa. Ảnh: LÃ ANH

Giữa năm 2014, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT), ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Honda Việt Nam kiêm Chủ tịch VAMM, đề nghị được chia sẻ về cơ sở tính toán và xây dựng mục tiêu hạn chế xe máy ở mức 36 triệu xe vào năm 2020. Việc hạn chế xe có khả năng làm tăng gánh nặng về phát triển hạ tầng giao thông công cộng lên Chính phủ, ảnh hưởng đến tỷ lệ đóng góp GDP hàng năm của ngành công nghiệp xe máy, nguy cơ lãng phí hạ tầng cơ sở của công nghiệp phụ trợ và ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu của xe máy Việt Nam.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng Bộ GTVT luôn tham mưu cho Chính phủ phát triển ngành theo hướng bền vững, trong đó hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải khách công cộng là một chủ trương lớn. VAMM khi xây dựng chiến lược phát triển của mình cần gắn liền với chiến lược, quy hoạch của ngành và ngược lại, trước khi đưa ra một chủ trương, định hướng, Bộ GTVT đều gắn với chiến lược của các doanh nghiệp, hiệp hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển. Thứ trưởng cũng đề nghị VAMM tiếp tục tìm hiểu các chiến lược phát triển của các loại phương tiện, loại hình dịch vụ của ngành GTVT để có quy hoạch, chiến lược phù hợp trong tương lai.

Các tin khác