Ngân sách 2015: Trăn trở chi thường xuyên

(ĐTTCO)-Trong một năm thu ngân sách vượt kế hoạch như 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vẫn không giấu được sự trăn trở vì cân đối ngân sách "hết sức khó khăn." Cũng chính ông đã đề nghị ngành tài chính phân tích lại cơ cấu chi ngân sách hiện đã hợp lý hay chưa khi mà chi thường xuyên đang tăng quá nhanh, đặc biệt là chi cho các đơn vị sự nghiệp.

(ĐTTCO)-Trong một năm thu ngân sách vượt kế hoạch như 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vẫn không giấu được sự trăn trở vì cân đối ngân sách "hết sức khó khăn." Cũng chính ông đã đề nghị ngành tài chính phân tích lại cơ cấu chi ngân sách hiện đã hợp lý hay chưa khi mà chi thường xuyên đang tăng quá nhanh, đặc biệt là chi cho các đơn vị sự nghiệp.

“Năm nào cũng vượt kế hoạch”

Nói lên tâm tư này trong những ngày cuối cùng của năm cũ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thẳng thắn, ông "giật mình" với cơ cấu ngân sách hiện tại.

Theo báo cáo ngành tài chính, mặc dù thu ngân sách năm 2015 tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước đó nhưng bội chi ngân sách trong năm qua cũng lên tới 226.000 tỷ đồng, tương đương 5,0% GDP.

Theo Phó Thủ tướng, thu ngân sách năm nào cũng vượt kế hoạch, năm sau thu cao hơn năm trước nhưng cân đối ngân sách quốc gia vẫn trong tình trạng rất khó.

Phó Thủ tướng đắt ra câu hỏi "vậy thì vấn đề ở đây là gì," động viên ngân sách hay cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý. Theo ông, việc chi thường xuyên tăng nhanh trong thời gian qua là một phần nguyên nhân khiến ngân sách gặp khó.

 

Bộ máy hành chính cồng kềnh”

Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận. Theo Bộ trưởng, việc cơ cấu chi ngân sách thường xuyên ở mức 68-69% khiến cho những khoản chi khác khá hạn hẹp. Đây là những khoản chi tiền lương, tiền công, chi vật tư văn phòng, chi công tác phí, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị,...

Đưa ra quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô trí Long cho rằng, muốn tiết giảm các khoản chi thường xuyên, trước hết cần giảm chi cho một bộ máy hành chính cồng kềnh và thực hiện tinh giản để có đội ngũ công chức tốt.

Đồng tình, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm phải giảm chi quản lý hành chính Nhà nước. Theo ông, muốn giảm chi quản lý Nhà nước, phải tinh giảm bộ máy biên chế bởi vì trong kinh phí bố trí chi quản lý hành chính Nhà nước thì tỷ trọng chi trả lương chiếm rất lớn.

"Điều quan trọng nhất phải đánh giá trách nhiệm cán bộ, xác định ai là người thừa để có biện pháp tinh giản biên chế," ông Thụ nói.

“Hơn 55.800 đơn vị sự nghiệp công là quá nhiều?”

Đây cũng là vấn đề được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhắc nhở với ngành tài chính. Theo Phó Thủ tướng, tỷ trọng chi lương cho đơn vị sự nghiệp chiếm gần 39% tổng chi lương toàn hệ thống, trong khi đó, cơ quan hành chính từ Trung ương đến xã chiếm tỷ lệ chi chưa đến 9%.

Phó thủ tướng cho rằng, hơn 55.800 đơn vị sự nghiệp công là “quá nhiều, quá lớn” khiến mấy năm nay không tăng được lương, trong khi chất lượng và dịch vụ vẫn chưa tốt và người dân còn than phiền nhiều.

Đưa ra quan điểm của mình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với tỷ lệ cân đối ngân sách như trên thì "rõ ràng cần phải xem xét lại."

Theo ông, điều cần làm hiện tại là sắp xếp lại bộ máy hành chính sao cho hợp lý và giảm bớt các nguồn chi không thực sự cần thiết để tập trung vào chi đầu tư phát triển.

"Theo tôi, những dịch vụ công nào có thể xã hội hóa thì nên mạnh dạn vừa để tăng cường chất lượng phục vụ, vừa có thể giảm bớt nguồn chi từ ngân sách Nhà nước để phục vụ chi đầu tư phát triển," ông Lộc nói.

“Họ có thể làm tốt hơn Nhà nước”

Ý kiến này của ông Lộc nhận được sự đồng thuận của ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Theo ông Tiến, Nhà nước có thể để cho các tổ chức xã hội, cho tư nhân dịch vụ làm những dịch vụ mà họ có thể làm tốt hơn Nhà nước. Đây là giải pháp theo ông có thể huy động được nhiều nguồn lực hơn nhưng với điều kiện các tổ chức, tư nhận phải được trao quyền, ưu đãi.

Thừa nhận chi ngân sách "khó" nhưng tư lệnh ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá, "rõ ràng còn có dư địa."

Theo ông, những khoản chi thường xuyên nhất quyết phải tiết kiệm là chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài,...

Lãnh đạo ngành tài chính cũng khẳng định, trong năm 2016, kế hoạch của ngành là hạn chế mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ từng bước thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ôtô công đối với một số chức danh và địa bàn phù hợp.

Dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2016 là hơn 1.273.000 tỷ đồng, tăng 126.100 tỷ đồng so dự toán năm 2015. Trong số này, dự toán chi đầu tư phát triển là 254.950 tỷ đồng trong khi dự toán chi thường xuyên là 824.000 tỷ đồng, ưu tiên bố trí các nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Các tin khác