Nên di dời ga Sài Gòn

(ĐTTCO) - Trong lúc việc tranh luận nên hay không nên di dời ga Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành như hiện nay chưa ngã ngủ, thì điều ai cũng dễ dàng nhận thấy là tàu lửa cũng góp phần vào tình trạng ùn ứ giao thông mỗi khi đoàn tàu chạy qua điểm giao cắt với đường bộ nội ô.

(ĐTTCO) - Trong lúc việc tranh luận nên hay không nên di dời ga Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành như hiện nay chưa ngã ngủ, thì điều ai cũng dễ dàng nhận thấy là tàu lửa cũng góp phần vào tình trạng ùn ứ giao thông mỗi khi đoàn tàu chạy qua điểm giao cắt với đường bộ nội ô.

Góp phần gây kẹt xe

Ga Sài Gòn là điểm đầu và cuối, là điểm đến và đi của hàng chục chuyến tàu mỗi ngày phục vụ hàng trăm ngàn tấn hàng hóa, hàng triệu lượt hành khách, nên việc gây ảnh hưởng về giao thông trong bán kính gần là điều khó tránh khỏi. Trên địa bàn TPHCM hiện nay có hàng chục điểm đường sắt giao cắt với đường bộ. Có thể kể những điểm giao cắt qua những tuyến đường lớn như Lê Văn Sĩ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 13, Kha Vạn Cân… 

Việc di dời ga Sài Gòn đã từng là quan điểm của UBND TPHCM và Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị này, nhưng đến năm 2008 Bộ Giao thông-Vận tải không đồng ý. Thật ra đây chỉ là quyền lợi cục bộ của ngành đường sắt, sợ mất lô đất rộng 40.000m2 nằm ở Hòa Hưng và 70.000m2 của cơ sở sản xuất toa xe Sài Gòn kế bên. Tôi cho rằng Quốc hội nên cho ý kiến về vấn đề này. Vì ở đây có sự chênh nhau về quan điểm giữa chính quyền địa phương và ngành dọc. Không thể lấy quyền của ngành dọc để áp đặt cho địa phương.

Luật gia TRẦN ĐÌNH THU

Mỗi khi tàu chạy qua các điểm giao cắt, hàng ngàn phương tiện phải xếp hàng dài chờ đợi, góp phần gây nên tình trạng kẹt xe. Theo Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TP có 14km đường sắt bắt đầu từ ga Sài Gòn đến địa phận quận Thủ Đức, đi qua các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Trên tuyến đường này có 26 đường ngang, trong đó 20 đường ngang có người gác và 6 đường ngang không người gác nhưng có cảnh báo tự động, ngoài ra còn có 1 đường ngang dân sinh. Đó là chưa kể những tuyến giao “tự phát” do người dân tự mở để đi.

 Ghi nhận hàng ngày tại đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), mỗi khi chuẩn bị có đoàn tàu chạy qua, khu vực này nhanh chóng ùn ứ giao thông do lượng người và xe từ các ngã đổ về. Cách đường Hoàng Văn Thụ không xa là đường Lê Văn Sỹ. Trên đường này, tại đoạn gần ngã tư Huỳnh Văn Bánh cũng có đường sắt cắt ngang. Đây là khu vực “điểm đen” ùn ứ, nên mỗi khi có tàu chạy ngang giao thông càng kẹt cứng hơn. Theo Sở GTVT TPHCM, các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ không chỉ gây cản trở, ùn tắc giao thông đường bộ, kẹt xe khi có đoàn tàu đi qua mà còn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Rõ ràng việc đoàn tàu di chuyển trong khu vực nội thành gây nên tình trạng ùn tắc, thậm chí hỗn loạn giao thông là điều có thật và không thể tránh khỏi. Chính vì thế khi tranh luận việc di dời hay không di dời, các ý kiến ủng hộ việc di dời cho rằng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng kẹt xe trong nội thành. Hơn thế nữa, tuyến đường sắt dài hơn 14km từ Ga Sài Gòn ra đến Thủ Đức có thể dùng quỹ đất này để đầu tư xây dựng thành một trục đường bộ xuyên tâm để tăng diện tích đất giao thông cho TP trong bối cảnh quỹ đất cho giao thông ngày càng hạn hẹp, nhất là trong khu vực nội đô là điều rất nên làm. Trục giao thông này được xây dựng sẽ rất dễ dàng bởi hạ tầng có sẵn, đặc biệt là chi phí bồi thường cũng như giải phóng mặt bằng giảm tối đa và nhanh chóng.

Ga hiện hữu quá nhỏ

Ghi nhận của ĐTTC, chạy dọc theo hành lang tuyến đường sắt đi qua nội ô, chỉ có một số đoạn không có hành lang giao thông đường bộ chạy song song 2 bên như khu vực cầu Hang (Gò Vấp), một số đoạn đi qua quận Thủ Đức… còn lại 2 bên đều có đường giao thông. Tại hẻm 115 Lê Văn Sĩ, phường 13, quận Phú Nhuận hành lang đường bộ 2 bên đường sắt khá rộng, mỗi bên có nơi rộng đến 6m được thảm nhựa khang trang, cộng với hành lang an toàn và đường ray khoảng 5m nữa. Như vậy từ mép bên này qua mép bên kia chiều rộng lên đến gần 20m, chỗ chật hơn khoảng trên 10m. Đoạn qua đường Mai Văn Ngọc, Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) hẹp hơn nhưng cũng không dưới 8m… Nhà cửa 2 bên đường ray chủ yếu là lụp xụp, cũ kỹ. Một người dân trên đường Mai Văn Ngọc cho biết ông về đây sống hơn 15 năm, căn nhà này mua bằng giấy tay và nằm trong lộ giới nên việc nâng cấp, sửa chữa gặp nhiều khó khăn.

Tuyến đường sắt trong nội ô TPHCM nếu được cải tạo thành trục giao thông sẽ góp phần giải quyết ùn tắc. Ảnh: LONG THANH

Tuyến đường sắt trong nội ô TPHCM nếu được cải tạo thành trục giao thông
sẽ góp phần giải quyết ùn tắc. Ảnh: LONG THANH

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM) cho rằng ga đầu nguồn ở các thành phố lớn bao giờ cũng là một tổ hợp kỹ thuật - kinh tế - xã hội. Ngoài phần kỹ thuật phục vụ cho việc đi lại như nơi bán vé, phòng khách, sảnh đợi, hệ thống đường ray, khu duy tu sửa chữa... thì còn các dịch vụ khác xung quanh như khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đảm bảo phục vụ đầy đủ cho khách đi tàu. Trong khi đó ga Sài Gòn hiện nay quá nhỏ, chỉ 6ha, diện tích này hiện nay đủ cho phòng vé, sảnh đợi và bãi giữ xe, không đủ năng lực phục vụ cho mục tiêu ga Sài Gòn hướng tới là 5-7 triệu hành khách/năm và xa hơn nữa là cho hơn 10 triệu khách/năm cùng hàng triệu tấn hàng hóa. Còn ga Bình Triệu có diện tích 42ha hoàn toàn đủ cho việc xây dựng một tổ hợp giao thông và dịch vụ hiện đại, chưa kể Bình Triệu là đầu mối giao thông đường bộ thuận lợi đi về các hướng Đông - Bắc, Tây - Bắc và về miền Tây qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 13 vào sâu nội ô qua đường Trường Chinh. Chính vì vậy việc thay thế tuyến đường sắt hiện hữu bằng đường bộ nếu di dời ga Sài Gòn ra ngoại thành là điều hoàn toàn có thể làm được và phát huy nhiều lợi ích.

Các tin khác