Năng lượng gió ở Đông Nam Á: Sức sống mới

Mặc dù điện gió bắt đầu được thế giới để ý đến từ 25 năm trước, nhưng chỉ trong 10 năm trở lại đây nó mới khẳng định vị trí trên thị trường năng lượng thế giới, khi sản lượng điện gió tăng trưởng một cách ngoạn mục với tốc độ 28%/năm, cao nhất trong tất cả nguồn năng lượng hiện có. Sự phát triển thần kỳ này của điện gió nhờ vào một số thay đổi quan trọng trong thời gian qua.

Mặc dù điện gió bắt đầu được thế giới để ý đến từ 25 năm trước, nhưng chỉ trong 10 năm trở lại đây nó mới khẳng định vị trí trên thị trường năng lượng thế giới, khi sản lượng điện gió tăng trưởng một cách ngoạn mục với tốc độ 28%/năm, cao nhất trong tất cả nguồn năng lượng hiện có. Sự phát triển thần kỳ này của điện gió nhờ vào một số thay đổi quan trọng trong thời gian qua.

Khai mở năng lượng gió

Cùng với tăng trưởng kinh tế, nhu cầu năng lượng của khu vực Đông Nam Á cũng tăng nhanh và trở nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu mỏ từ các nước Ả Rập. Để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, gần đây, chính phủ các nước trong khu vực đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiến trình độc lập năng lượng, trong đó không thể không nhắc tới các chiến lược phát triển nguồn năng lượng thay thế, sạch và có thể tái tạo.

Mặc dù trước đây, khu vực Đông Nam Á chưa phải là đối tượng nghiên cứu của ngành năng lượng gió nhưng về địa hình, Việt Nam và các nước Philippines, Campuchia, Thái Lan đều có vùng duyên hải thoáng đãng hoặc vùng cao thích hợp cho việc phát triển các trang trại gió. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), ngoài Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan cũng tiềm tàng nguồn năng lượng sạch này nếu biết khai thác.

Đến năm 2020 sản lượng điện gió sẽ chiếm tới 12% trong tổng sản lượng điện năng của thế giới. Để đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ USD mỗi năm vào điện gió, đồng thời tạo ra 2,3 triệu việc làm và giảm được một lượng đáng kể khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Thị trường năng lượng gió sẽ phát triển mạnh mẽ, đưa giá thành lắp đặt cũng như vận hành điện gió xuống mức rẻ nhất, với chi phí lắp đặt khoảng 600USD trên một đơn vị kW công suất và giá điện thương phẩm sẽ dưới 3USD/kWh.

Hội đồng Năng lượng gió Thế giới

Tuy nhiên, tính đến nay Philippines đang trở thành nước dẫn đầu về phong điện trong khu vực Đông Nam Á. Luật Năng lượng tái tạo năm 2008 của Philippines, đặc biệt ở phần thuế ưu đãi (FIT), đã thiết lập một sân chơi công bằng với năng lượng hóa thạch bằng biện pháp hỗ trợ doanh thu cho các công nghệ đang nổi lên, đáp ứng tiêu chí có thể tái tạo và thân thiện môi trường.

Những công cụ, chính sách như thế được kỳ vọng sẽ khai mở tiềm năng gió và làm lợi cho đất nước về nhiều mặt. Trước mắt là kích thích đầu tư phát triển những ngành hỗ trợ sản xuất và lắp đặt các turbine gió công suất lớn, thúc đẩy đào tạo lực lượng lao động địa phương để vận hành và bảo trì các trang trại gió.

Hiệp hội Phát triển phong năng Philippines (Wedap) cho biết số lượng hợp đồng dịch vụ năng lượng tái tạo được cấp từ tháng 9-2009 đến giữa năm 2010 có thể mang lại công suất phát điện khoảng 1.000MW, thu hút 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, tạo ra 15.100 công việc chuyên môn.

Nhận thức cơ hội này, các nhà phát triển điện gió Philippines đã quyết định thành lập Wedap nhằm thúc đẩy hơn nữa ngành công nghiệp năng lượng gió. Wedap tập hợp 14 công ty, do Niels Jacobsen làm chủ tịch. Jacobsen đã có 10 năm kinh nghiệm phát triển các dự án phong năng Philippines, hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Phát triển năng lượng NorthWind.

Tháng 10-2008, NorthWind đã vay 13,1 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch để nâng công suất trang trại gió Bangui từ 24,75MW lên 33MW, tổng chi phí dự án này là 50 triệu USD. Trang trại gồm 15 cối xay gió cao 70m nằm dọc bờ biển Ilocos Norte, là trang trại gió lớn nhất Đông Nam Á ở thời điểm đó. Năm 2009, NorthWind đàm phán tìm kiếm các gói hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản, Đan Mạch, Tây Ban Nha cho một dự án có quy mô lớn hơn, xây dựng trang trại gió công suất 40MW trị giá 95 triệu USD ở Aparri, Cagayan.

Và khai thác gió biển khơi

Trong thập kỷ tới, Philippines xác lập mục tiêu đạt công suất tối thiểu 417MW điện gió. Dựa vào những nghiên cứu của phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo, Philippines quy hoạch một khu vực được đánh giá là rất tốt để phát triển năng lượng gió với diện tích lên tới 10.000km2 cho dự án phát triển điện gió.

Theo tính toán, tiềm năng về công suất gió của khu vực này lên tới hơn 70.000MW, có thể cung cấp khoảng 195 tỷ kWh mỗi năm. Các nghiên cứu triển khai cho dự án này hiện vẫn đang được tiếp tục và bước đầu đưa vào thực tế.

Một trang trại điện gió ở Philippines.

Một trang trại điện gió ở Philippines.

Trên bước đường phát triển năng lượng gió, khu vực Đông Nam Á thường tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật từ châu Âu. Châu Âu không chỉ thành công với các trang trại gió trên cạn mà còn dẫn đầu thế giới trong công tác khai thác năng lượng gió ngoài biển khơi.

Theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng gió châu Âu (EWEA), trong nửa đầu năm 2010, đã có 118 turbine gió biển mới với tổng công suất 333MW từ 6 trang trại ở Đan Mạch, Đức, Anh hòa vào mạng lưới, đó là chưa kể 151 turbine (440MW) đã được lắp đặt mà chưa hòa mạng, trong lúc công suất lắp đặt của cả năm 2009 là 577MW.

Giám đốc chính sách EWEA Justin Wilkes nhận xét: “Ngành công nghiệp gió biển tiếp tục tăng trưởng khả quan bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế. Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã đóng vai trò cốt yếu cung cấp các khoản cho vay triển khai dự án. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính công cũng tích cực hỗ trợ nhằm đẩy mạnh tăng trưởng ngành năng lượng gió biển và tạo công ăn việc làm cho người dân châu Âu, cũng như góp phần giảm khí thải CO2 toàn cầu”.

Các tin khác