Năng lượng gió: Gỡ khó để khai thác tiềm năng lớn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 37 công bố cơ chế hỗ trợ ngành điện gió Việt Nam. Đây là tin vui cho ngành điện gió vốn được đánh giá là tiềm năng nhưng chưa thực sự phát triển ở nước ta. Tuy nhiên, việc phát triển ngành năng lượng xanh - điện gió - vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 37 công bố cơ chế hỗ trợ ngành điện gió Việt Nam. Đây là tin vui cho ngành điện gió vốn được đánh giá là tiềm năng nhưng chưa thực sự phát triển ở nước ta. Tuy nhiên, việc phát triển ngành năng lượng xanh - điện gió - vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Tiềm năng to lớn

Theo các chuyên gia, nước ta có tiềm năng về điện gió rất lớn nhờ khí hậu nhiệt đới gió mùa và bờ biển dài trên 3.200km. Ngoài những dự án điện gió khu vực phía Nam, các nhà đầu tư đang mở rộng thị trường điện gió tại Việt Nam bằng những dự án tại khu vực Bắc và Nam Trung bộ.

Đến nay UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận 12 dự án đầu tư khai thác điện gió với tổng công suất khoảng 1.500MW nằm rải rác ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam… Tổng trữ lượng điện gió của tỉnh Bình Thuận hiện lên đến trên 4.000MW và còn có thể kêu gọi thêm nhà đầu tư đến khai thác.

Tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cực lớn. Về điện gió, trên lãnh thổ Việt Nam có 8,6% diện tích được đánh giá có thể khai thác điện gió. Theo đó năng lực điện gió Việt Nam ước đạt trên 513.360MW, tức hơn 200 lần công suất thủy điện Sơn La, hơn 10 lần tổng công suất dự báo ngành điện đến năm 2020. Về việc phát triển năng lượng mặt trời, với 2.000-2.500 giờ nắng trong một năm, với cường độ bức xạ trung bình 4,5kWh/m2/ngày, tương đương 43,9 triệu tấn dầu quy đổi/năm nhưng vẫn chưa khai thác.

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới

Những dự án này không những mang lại lợi ích mở rộng năng lượng điện gió, tăng nguồn cung cho điện lưới quốc gia mà còn mang lại những lợi ích xã hội đối với mảnh đất đầy nắng và gió này. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy khoảng 8% lãnh thổ nước ta có tiềm năng về năng lượng gió, cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Khảo sát của WB cũng cho thấy khả năng ứng dụng tài nguyên gió quy mô lớn ở các vùng núi ở miền Trung và Nam Việt Nam, Trung Lào, Trung và Tây Thái Lan và một số vùng khác từ mức tốt đến rất tốt. Thêm vào đó, vùng ven biển Nam bộ và Nam Trung bộ có triển vọng đặc biệt về sử dụng năng lượng gió bởi không chỉ gió ở đây mạnh mà còn rất gần các trung tâm dân cư.

Phát triển điện gió còn mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội lớn lao. Theo tính toán của một số chuyên gia, để có 1MW điện phải lấy đi 10ha rừng làm thủy điện. Nếu khai thác hết tiềm năng về điện gió, chúng ta sẽ cứu được 5.133.600ha rừng hoặc hơn thế nữa.

Hàng triệu ha rừng được cứu đồng nghĩa với nhiều con sông không bị chặn dòng, nhiều vùng đồng bằng yên tâm trước nỗi ám ảnh xả lũ, nhiều loài động thực vật có cơ hội sống sót... Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2030 nhu cầu năng lượng trong nước tăng khoảng 4 lần so với hiện nay. Trước tình hình này, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang đặt ra hết sức cấp bách.

Điện gió hay titan?

Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện đến 14 dự án điện gió, trong đó có 7 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và 7 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế phát triển điện gió trong thời gian qua vẫn gây nhiều trở ngại cho nhà đầu tư.

 Những dự án điện gió thường được khảo sát, quy hoạch ở các khu vực gần biển, nhưng do vùng biển có nhiều dân cư sinh sống nên việc đền bù, giải tỏa rất tốn kém và không dễ làm. Hiện nay, hàng loạt dự án điện gió ở tỉnh Ninh Thuận đang vướng bởi cát đen ở dưới lòng đất, vì theo quy định của Bộ Tài nguyên - Môi trường, những nơi có cát đen, sau khi khai thác xong mới tiến hành xây dựng các dự án trên nó. Do đó, các dự án phải chờ rất lâu mới triển khai. Tỉnh Ninh Thuận đang lập quy hoạch tổng thể phát triển điện gió trình Chính phủ xem xét, phê duyệt để làm yên lòng nhà đầu tư.

Phát triển năng lượng tái tạo là nhu cầu thiết yếu của nước ta. Ai cũng nói thế nhưng thực tế khoảng 2-3 năm gần đây có một số nhà đầu tư là công ty lớn trong lĩnh vực điện gió nước ngoài đã vào Việt Nam, mang vào những dự án lớn được Chính phủ bảo lãnh, nhưng rồi vẫn chưa triển khai được. Năm 2009, Bộ Công Thương được giao soạn thảo nghị định khuyến khích hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nay đã hết thời hạn góp ý nhưng vẫn chưa được ban hành.

Ông TRẦN KHANG THỤY, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học kinh tế

Còn tại Bình Thuận - địa phương có nhiều dự án điện gió nhất Việt Nam hiện nay với 12 dự án đã được chấp thuận đầu tư - cũng đang gặp trở ngại lớn trong việc cấp phép đầu tư các dự án khai thác điện gió do nhiều vùng đất có tiềm năng khai thác điện gió lại nằm chồng lấn với vùng có trữ lượng titan lớn.

Trong thời gian qua, việc cấp phép dự án điện gió phải tạm ngừng vì tỉnh đang chờ kết quả khảo sát trữ lượng khoáng sản titan trên địa bàn, do Bộ Tài nguyên - Môi trường triển khai.

Hiện nay các nhà đầu tư tìm đến Bình Thuận xin đầu tư khai thác điện gió rất nhiều. Tỉnh cũng vừa xây dựng xong bản đồ quy hoạch mạng lưới điện gió, tốc độ gió để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, trở ngại lớn đối với việc thu hút các dự án khai thác điện gió của tỉnh là phải chờ khai thác xong trữ lượng titan mới có thể xây dựng điện gió.

Trước tình hình này, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ưu tiên triển khai các dự án điện gió trước tại các vùng đất có trữ lượng titan. Tuy nhiên, những kiến nghị đó khó thực thi vì việc khai thác titan xem như đã quyết.

Theo Luật Khoáng sản, khi phát hiện và công bố mỏ titan với trữ lượng lớn phải tiến hành khai thác, hoàn thổ xong mới được triển khai các dự án khác, trừ trường hợp những vùng mỏ này được công bố là mỏ dự trữ. Hơn nữa, các địa phương không thể tự quyết, khi các dự án khai thác titan thuộc quyền cấp phép của cấp bộ. Làm gì để khai thác hài hòa nguồn năng lượng điện gió và tài nguyên titan đang là vấn đề nan giải đối với các tỉnh có tiềm năng điện gió hiện nay.

Rất cần cơ chế hỗ trợ

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới phổ biến công suất 30MW đang được nghiên cứu triển khai, tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định... Đây là những địa phương được đánh giá có tiềm năng điện gió với công suất thiết kế trên 2.000MW.

Tuy nhiên, phát triển điện gió tại nước ta còn những hạn chế do công nghệ chưa cao, đặc biệt suất đầu tư cao dẫn tới giá thành, giá bán điện cao. Suất vốn đầu tư điện gió thế giới cũng như ở Việt Nam còn khá cao, mức dao động lớn, cao nhất 2,77 triệu USD/MW, thấp nhất 1,77 triệu USD/MW và trung bình 2,2 triệu USD/MW.

Trên lãnh thổ Việt Nam có 8,6% diện tích có thể khai thác điện gió.

Trên lãnh thổ Việt Nam có 8,6% diện tích có thể khai thác điện gió.

Do vậy, việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển điện gió là cơ sở để khuyến khích phát triển các dự án đầu tư điện gió tại Việt Nam. Hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện gió rất cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển.

Ngày 29-6-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Đây là hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy các dự án điện gió phát triển nhanh tại các địa phương giàu tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo này trong thời gian tới.

Theo Quyết định 37 những đơn vị đầu tư dự án điện gió sẽ nhận được nhiều ưu đãi như được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp như các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt được ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật. Riêng với các thiết bị điện gió trong nước chưa sản xuất được sẽ được miễn thuế nhập khẩu.

Ngoài ra, sản lượng điện từ các dự án điện gió sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua lại toàn bộ với giá 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 cent/kWh chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, Nhà nước sẽ hỗ trợ EVN 207 đồng/kWh). 

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, mức hỗ trợ này vẫn còn thấp so với nhu cầu đầu tư thực tế, vì tính theo giá thành hiện nay, mỗi kWh điện phải bán với giá 9-12 cent mới có lãi. Đại diện Công ty Phong Điện (Tuy Phong, Bình Thuận) cho biết hiện Nhà máy Phong Điện đã lắp đặt được 20 turbine, đã hòa mạng điện lưới quốc gia, nhưng những năm qua việc bán điện với EVN gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa tìm được tiếng nói chung về giá.

Với Quyết định 37, cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành năng lượng xanh. Tuy nhiên thực tế cho thấy mức hỗ trợ giá vẫn còn thấp so với suất đầu tư và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nếu giá điện gió bán được khoảng 12cent thì các doanh nghiệp mới có lãi và sẽ mặn mà hơn trong đầu tư nguồn điện này.  

Các tin khác