Nâng cấp chất lượng FDI: Cải cách, giành thế chủ động

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại nước ta có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới luôn biến chuyển đã đến lúc cần nhìn nhận đúng mức những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại. Trên cơ sở đó mới xác định định hướng, giải pháp đúng đắn cho giai đoạn tới.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại nước ta có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới luôn biến chuyển đã đến lúc cần nhìn nhận đúng mức những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại. Trên cơ sở đó mới xác định định hướng, giải pháp đúng đắn cho giai đoạn tới.

Mặt tối dòng vốn FDI

Theo Bộ Kết hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), sau 25 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI với việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, khu vực kinh tế FDI ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Việc thu hút, sử dụng vốn FDI thời gian qua cơ bản đã đáp ứng những mục tiêu đề ra về thu hút vốn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Tính đến tháng 8 năm 2012, cả nước có 14.095 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 206,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân được 97,4 tỷ USD (chiếm 47% vốn đăng ký).

Tạo bước chuyển mạnh về thu hút FDI từ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia là vấn đề cấp bách. Đã đến lúc cần quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó mới định hình việc xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ.

Ông BÙI QUANG VINH,
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Tuy nhiên, khu vực kinh tế FDI thời gian qua bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, hiệu quả tổng thể nguồn vốn FDI chưa cao. Trong công nghiệp - xây dựng, các dự án FDI chủ yếu tập trung lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; có quá ít dự án về cơ sở hạ tầng; tỷ trọng dự án trong nông - lâm - ngư nghiệp rất thấp và có xu hướng giảm dần, trong khi đây là những ngành Việt Nam có thế mạnh.

Trong dịch vụ, các dự án bất động sản quy mô lớn còn cao, nhưng nhiều trong số dự án này chậm triển khai, gây lãng phí về đất đai. Vốn FDI vào các dịch vụ trung gian, dịch vụ giá trị gia tăng cao, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, môi trường… còn hạn chế.

Đối tác đầu tư vào Việt Nam chủ yếu từ châu Á, nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao. Hiện mới chỉ thu hút được trên 100 trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Mục tiêu thu hút, chuyển giao công nghệ cao và nguồn vốn chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5-6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu.

Chuyển giao công nghệ chủ yếu thực hiện theo chiều ngang giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, ít có những biến đổi về trình độ và năng lực công nghệ. Không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở của luật pháp, yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ.

Công nghệ thấp dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thực hiện việc gia công, một số doanh nghiệp được coi là công nghệ cao nhưng những khâu sử dụng công nghệ cao lại không thực hiện ở Việt Nam. Hệ quả là doanh nghiệp Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu.

Lệch pha công tác quản lý

Có thể thấy rằng những hạn chế, tồn tại trong thu hút FDI có nguyên nhân trực tiếp từ hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, chồng chéo, chưa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.

Khi xây dựng khung pháp lý chung áp dụng cho đầu tư trong nước và nước ngoài chưa tính hết tính đặc thù của FDI. Một số đạo luật chuyên ngành (thuế, kinh doanh bất động sản, xây dựng, giáo dục…) quy định cả thủ tục đầu tư, không thống nhất với Luật Đầu tư.

Về quản lý nhà nước, chất lượng quy hoạch chưa cao do thiếu tính dự báo dài hạn, tính liên kết vùng, liên kết ngành hàng. Việc xây dựng quy hoạch còn chưa tính đến năng lực sản xuất trong nước và của FDI, dẫn đến dàn trải, hiệu quả tương hỗ thấp.

Cải cách để nâng cấp chất lượng dòng vốn FDI. Ảnh: CAO THĂNG

Cải cách để nâng cấp chất lượng dòng vốn FDI. Ảnh: CAO THĂNG

Một vấn đề quan trọng khác là việc phân cấp đầu tư chưa phù hợp với tình hình thực tế. Phân cấp đầu tư “đại trà, dàn đều”, chưa tính đầy đủ đến đặc thù của địa phương về năng lực quản lý, trình độ cán bộ, quy mô nền kinh tế…

Tình trạng cạnh tranh trong thu hút FDI dẫn đến một số địa phương cấp phép cho các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng và khai thác tài nguyên không hiệu quả, chưa chú ý đầy đủ tới an ninh quốc phòng, không tính đến chất lượng, lợi ích quốc gia.

Phân cấp trong bối cảnh luật pháp chính sách còn chồng chéo, thiếu quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết, cụ thể và đồng bộ; thiếu nội dung phân cấp phù hợp với đặc thù của từng địa phương, vùng lãnh thổ.

Chưa làm tốt cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, cùng với việc quy kết trách nhiệm, chế tài xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến phân cấp; cơ chế báo cáo, trao đổi thông tin giữa trung ương, địa phương, giữa các bộ, ngành rất lỏng lẻo.

Đáng chú ý, theo nhận định của Bộ KH-ĐT, quản lý nhà nước đối với FDI còn nặng về khâu cấp phép. Khi số lượng dự án được cấp phép tăng, các vấn đề thực tiễn phát sinh ngày càng nhiều, đã dẫn đến tình trạng lúng túng trong xử lý vướng mắc.

Năng lực phản ứng chính sách ở các cấp cũng còn yếu, nên chậm luật hóa vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tiễn (như chuyển giá, vi phạm quy định về môi trường, gian lận thương mại...) dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Ưu đãi đầu tư: Thống nhất và chọn lọc

Để tạo bước đột phá về thu hút và nâng cao chất lượng FDI, trong thời gian tới cần sửa đổi một cách căn bản chính sách ưu đãi đầu tư.

Trước mắt, sửa đổi cho phù hợp với định hướng thu hút FDI đến năm 2020, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Về dài hạn, cần thay đổi một cách căn bản việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ chuyên ngành, địa phương xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư (thuế, đất đai, xuất nhập khẩu…) xuyên suốt, nhằm đảm bảo tính thống nhất.

Trên thực tế, FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế đóng vai trò rất quan trọng, nhưng đến nay hiệu quả còn thấp so với tiềm năng. Vì thế, chính sách ưu đãi cần được xây dựng trên nguyên tắc hậu kiểm có điều kiện và thời hạn, thay vì phương thức tiền kiểm như hiện nay, với định hướng tập trung ưu tiên vào ngành, lĩnh vực cần phát triển, vào các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ông ĐÀO QUANG THU,
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT

Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ KH-ĐT), cho rằng để cải thiện chất lượng thu hút FDI đầu tư, thời gian tới cần tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam và phù hợp với chương trình tái cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư của đất nước.

Bên cạnh đó, tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; hình thành và liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Bộ Khoa học - Công nghệ cũng kiến nghị: Để kiểm soát được công nghệ, tránh đưa vào nước ta các công nghệ cũ, lạc hậu, ô nhiễm môi trường, cần sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung của hồ sơ dự án đầu tư.

Nội dung giải trình công nghệ, thiết bị phải bắt buộc có trong các dự án đầu tư, để các cơ quan thẩm định có căn cứ xem xét, đánh giá, thẩm định, ngăn chặn ngay từ đầu các công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu.

Sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) theo hướng bắt buộc đăng ký hợp đồng CGCN trong trường hợp CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam để có thể kiểm tra, giám sát được nội dung công nghệ sẽ chuyển giao, tránh việc lập hợp đồng CGCN để hưởng ưu đãi và được tính chi phí CGCN vào chi phí sản xuất hợp lý, nhưng nội dung không phải là chuyển giao các đối tượng công nghệ. 

Các tin khác