Nâng cao giá trị gia tăng

Báo cáo doanh nghiệp thường niên 2013 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tính đến 1-1-2013, cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp khu vực nông, lâm, nghiệp, thủy sản, với hơn 370.000 lao động (nếu tính lực lượng lao động trong các ngành này trên 24 triệu người). Khu vực này đã có những đóng góp không nhỏ trong đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức do thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và định hướng chính sách.

Báo cáo doanh nghiệp thường niên 2013 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tính đến 1-1-2013, cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp khu vực nông, lâm, nghiệp, thủy sản, với hơn 370.000 lao động (nếu tính lực lượng lao động trong các ngành này trên 24 triệu người). Khu vực này đã có những đóng góp không nhỏ trong đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức do thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân và định hướng chính sách.

Tăng trưởng chững lại, đi xuống

Trong các đợt suy thoái kinh tế cuối thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước và giai đoạn 2009-2011, nông nghiệp đóng vai trò phao cứu sinh cho Việt Nam vượt qua khó khăn nhờ cung ứng đủ lương thực, thực phẩm giúp duy trì ổn định kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đến năm 2012, “bộ đệm” an toàn này đã không thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng như các năm trước. Lý do: tăng trưởng nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (tăng diện tích đất, thâm dụng nước tưới để tăng vụ…) cùng mức sử dụng vật tư đầu vào cao, trong khi hàm lượng đổi mới công nghệ thấp.

Chất lượng tăng trưởng thấp thể hiện ở mức tổn thất sau thu hoạch cao, chất lượng sản phẩm không đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo, khả năng tạo giá trị mới thấp. Vì vậy, sau một thời gian dài khởi sắc, tăng trưởng nông nghiệp bắt đầu chững lại trong thời gian gần đây, từ mức 4,5% giai đoạn 1995-2000 xuống còn 3,8% giai đoạn 2000-2005, còn 3,4% giai đoạn 2006-2011 và chỉ còn 2,7% trong năm 2012, 2013.

Đột phá thể chế trong phát triển nông nghiệp cần tập trung về tổ chức mô hình, phương thức sản xuất quy mô lớn ở những vùng có điều kiện bên cạnh vai trò của hộ gia đình. Có vậy mới khắc phục được tình trạng manh mún, các bất cập trong sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ hiện nay, đồng thời hướng đến một nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp chuyên nghiệp, bền vững. Bên cạnh đó, phải có phương thức tăng vị thế nông dân trong mặc cả hàng hóa trên thị trường, gắn hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước nhằm phân phối hợp lý thu nhập cho nông dân.

TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa thực sự phản ánh lợi thế so sánh và chưa đáp ứng triển vọng nhu cầu trong tương lai. Trồng trọt vẫn chiếm trên 50% cơ cấu nội ngành nông nghiệp, trong đó lúa gạo vẫn chiếm tỷ trọng chính. Tuy chiếm phần lớn diện tích cây hàng năm nhưng hiệu quả của cây lúa đem lại không cao nên đã xuất hiện tình trạng nông dân không thiết tha với cây lúa, không thâm canh tăng vụ, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Hồng.

Ngành thủy sản và chăn nuôi phát triển nhanh song thiếu bền vững. Năng suất vật nuôi còn thấp, giá thành chăn nuôi cao, thức ăn chăn nuôi chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu, mô hình chăn nuôi công nghiệp chưa phát triển, khả năng kiểm soát dịch bệnh còn yếu, kiểm soát thị trường và tổ chức kinh doanh kém… làm nhiều hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL treo ao, hộ chăn nuôi bỏ chuồng.

Một trong những điểm yếu kém dễ nhận ra trong ngành nông nghiệp là sản xuất manh mún, thể hiện qua con số hơn 13 triệu hộ nông dân canh tác trên 75 triệu mảnh đất nông nghiệp, với tổng diện tích 8,4 triệu ha. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, năng suất thấp làm chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng sản phẩm không đồng nhất, số lượng nông sản thu gom bị hạn chế.

Đây chính là nguyên nhân gây ra sức cạnh tranh kém trên thương trường. Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã bắt đầu được áp dụng, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại. Tính đến nay đã có 43 tỉnh, thành phố triển khai mô hình này với trên 100.000ha lúa. Tuy nhiên, vấn đề phân phối và xuất khẩu nông sản, nhất là gạo vẫn bị chi phối bởi các hiệp hội ngành nghề mà hội viên chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước.

Điểm đáng quan tâm nữa trong lĩnh vực này, là sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có hàm lượng khoa học công nghệ thấp. Do việc đầu tư cho công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản còn hạn chế, đã dẫn đến tỷ lệ mất mát, hư hỏng cao, hàng hóa không đồng nhất về quy cách lẫn chất lượng… khiến tính cạnh tranh của nông sản càng kém. Quy trình sản xuất không tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường, phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp.

Chính sách khuyến khích

Đầu tư cho nông nghiệp có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong năm 2013, số vốn thực hiện đạt hơn 1.474 tỷ đồng, vốn trong nước đạt 115 tỷ đồng, còn lại hơn 1.359 tỷ đồng chủ yếu là vốn nước ngoài. Tuy nhiên, vốn nước ngoài lại phần lớn là vốn ODA. Điều đó cho thấy ngành nông nghiệp vẫn chưa thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.

Tính đến năm 2013, tổng số vốn FDI đăng ký trong nông nghiệp hơn 86 triệu USD, trong đó số vốn đăng ký mới của 10 dự án hơn 60 triệu USD. Như vậy, ngành nông nghiệp chỉ đứng thứ 10 về thu hút FDI trong năm 2013.

Bất chấp những triển vọng to lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam, mức độ phát triển của doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Các chính sách khuyến khích đầu tư chỉ đem lại mức hỗ trợ nhỏ bé, không bù đắp nổi những thiệt thòi, rủi ro to lớn về kết cấu hạ tầng lạc hậu, thủ tục cấp đất khó khăn, chất lượng, chi phí cao và mức tin cậy kém của việc cung cấp điện, nước, thông tin, giao thông ở nông thôn.

Trong khi đó, các hiệp định tự do hóa thương mại mở cửa thị trường ngày càng sâu rộng, nền sản xuất dựa trên nền tảng hộ tiểu nông của Việt Nam dự báo sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tham gia tiến trình toàn cầu hóa.

Theo VCCI, với vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp, Việt Nam phải khắc phục được các hạn chế hiện nay thông qua việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Các tin khác