Năm rắn nói chuyện lạ về rắn

Rắn bạch tạng 2 đầu

Rắn bạch tạng 2 đầu

 

Các nhà sinh vật học tại Viện nghiên cứu Sunshine Serpents bang Florida (Hoa Kỳ) đã ấp 7 quả trứng loài rắn sữa Honduras. Khi những quả trứng nở, họ rất ngạc nhiên vì phát hiện có một con rắn bạch tạng 2 đầu.

Tỷ lệ xuất hiện con rắn 2 đầu vô cùng hiếm: 1/10.000 trứng và nếu là rắn bạch tạng thì còn hiếm hơn. Thông thường, những sinh vật bạch tạng chỉ có màu trắng nhưng với loài rắn, bạch tạng có nghĩa là thiếu đi sắc tố màu tối.

Vì thế chúng ta vẫn có thể nhìn thấy màu cam trên cơ thể con rắn này. Các nhà sinh vật học cho rằng, con rắn này sẽ khó sống trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt nó có thể sống được 20 năm.

Rắn có chân 

 

Bà Duan Qiongxiu, tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Nam Trung Quốc, cho hay bà phát hiện con rắn đang bò trên tường phòng ngủ nhà bà vào lúc nửa đêm. Con rắn kỳ lạ với một bàn chân có móng vuốt "mọc" ở giữa cơ thể.

Quá sợ hãi, bà Duan đã vội vàng quơ lấy một chiếc giày và đập con rắn đến chết trước khi bảo quản nó nguyên vẹn trong một chai rượu. Con rắn dài 40cm đã được chuyển tới Khoa Khoa học và đời sống Trường Đại học West Norrmal, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây để nghiên cứu.

Các nhà chuyên nghiên cứu về rắn cho biết một hiện tượng biến đổi gen thường được gặp ở loài rắn là "mọc" thêm cái đầu thứ 2. Tuy nhiên, cơ hội sống sót của những con rắn thư thế là rất ít.

Rắn mềm không có mắt 

 

Mới đây, các nhà khoa học tại Brazil đã công bố kết quả nghiên cứu về một loài rắn kỳ lạ được tìm thấy. Loài rắn này xuất hiện gần khu vực sông Madeira, tiểu bang Rondonia, phía Bắc Brazil.

Được biết, “gia đình rắn lạ” gồm 6 con đã được người dân tìm thấy trên một con đập thủy điện, được các nhà khoa học đặt tên là "floppy snake" (rắn mềm). Điểm đặc biệt của loài rắn này là chúng không có mắt và có làn da “mềm nhũn”.

Mặc dù nhìn giống như con rắn, nhưng chúng không phải bò sát mà có nhiều nét tương đồng với kỳ nhông và ếch. Kết quả nghiên cứu cho thấy loài vật kỳ lạ này hít thở qua da, có thể ăn cá nhỏ, sâu, côn trùng. Nhiều nhà sinh vật cũng khẳng định vẫn còn nhiều bí ẩn liên quan đến loài rắn này chưa được khám phá.

Rắn 2 đầu và không có đuôi 

 

Gia đình của ông Savanna Logan, sống tại bang South Carolina (Hoa Kỳ) đã phát hiện một con rắn 2 đầu rất đặc biệt. Thông thường, những con rắn 2 đầu thường có chiếc đầu tách 2 và chung phần thân, tuy nhiên con rắn 2 đầu vừa được phát hiện tại bang South Carolina hoàn toàn ngược lại.

Con rắn 2 đầu này có 1 đầu nằm ở trước và 1 đầu nằm ở sau cơ thể, nghĩa là con rắn không có đuôi và đuôi của nó chính là một chiếc đầu. Có vẻ như 2 chiếc đầu nằm ở 2 phía khác nhau của cơ thể con rắn đều có thể điều khiển cơ thể, với mỗi đầu đều có những chiếc lưỡi riêng biệt để đánh hơi và tìm hướng đi.

Theo nhận định của Khoa Sinh học thuộc Trường Trung học Shoals ở gần nơi gia đình ông Logan sinh sống, con rắn kỳ lạ này thuộc loài rắn đất. Con rắn đã bị đột biến khiến nó có đến 2 đầu. Mặc dù có 2 đầu tuy nhiên loài rắn đất này là một loài rắn hiền lành và không có nọc độc hay gây nguy hiểm với con người, độ dài của chúng vào khoảng 23-36cm.

Ngôi làng người và rắn  

 

60 năm trước, một bác sĩ Thái Lan đã thuyết phục những dân làng coi rắn như... vật nuôi trong nhà và cho khách du lịch chiêm ngưỡng chúng. Đến nay, ngôi làng nhỏ tồi tàn Ban Kok Sa-Nga, tỉnh Khon Kaen phía Đông Bắc Thái Lan ngày xưa đã trở thành một điểm hấp dẫn du lịch, được đông đảo khách ngoại quốc biết đến với tên gọi: "Làng hổ mang".

Tất cả 140 gia đình tại Ban Kok Sa-Nga đều nuôi ít nhất 1 con rắn, chúng được đặt trong những hộp gỗ ngoài nhà. Họ nuôi các loài rắn từ những loài độc nhất, như rắn hổ mang vua và rắn hổ mang mắt kiếng, tới các loài "ít độc" hơn như rắn hổ mang thường hoặc trăn.

Chính vì vậy không khí ở ngôi làng này luôn như ở lễ hội. Các loài rắn ở đây được nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt và cho tham gia vào những buổi biểu diễn rất nguy hiểm, kiểu như "đấm bốc giữa người và rắn". Người dân làng Ban Kok Sa-Nga không hề sợ rắn, ngay cả những đứa bé có thể điều khiển rắn dễ dàng do đã được dạy dỗ cẩn thận từ rất sớm.

Rắn tí hon kỳ lạ ở Việt Nam 

 

Rắn giun có thể được bắt gặp tại nhiều nơi ở Việt Nam, từ miền Bắc cho tới miền Nam, thậm chí ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Rắn giun có ngoại hình rất giống với giun đất thường, với chiều dài cơ thể xấp xỉ 20cm, nhỏ hơn cả một con giun đất cỡ lớn.

Phải nhìn thật kỹ mới có thể nhận ra chúng không phải là giun, qua các đặc điểm: đầu tròn, có màu nâu bong, cơ thể có vảy và không phân đốt, có một đôi mắt nhỏ xíu trên đầu, có miệng mở ra được và đặc biệt có chiếc lưỡi chẻ đôi đặc trưng của loài rắn.

Chúng thường sống dưới mặt đất, các đống đổ nát hoặc củi mục, thức ăn chủ yếu của rắn giun là trứng kiến và mối. Một đặc điểm kỳ lạ khác của rắn giun là chúng có thể sinh sản không cần đến con đực. Dù phân bố rộng ở Việt Nam, nhưng rắn giun vẫn là loài khá hiếm gặp.

Rắn lục mắt hồng ngọc ở Việt Nam 

 

Đó là một loài rắn có tên gọi khá kêu: “rắn lục mắt hồng ngọc” được tìm thấy ở một số vùng rừng thuộc tỉnh Đồng Nai, gần TPHCM và các vùng đồi núi thấp ở miền Nam Việt Nam và miền Đông Campuchia.

Chúng được các nhà khoa học Anh, Hoa Kỳ công bố là một loài mới vào đầu năm 2011 với tên khoa học là Cryptelytrops rubeus. Đúng như tên gọi, ngoại hình của loài rắn này gây ấn tượng mạnh mẽ với đôi mắt đỏ long lanh như hồng ngọc nổi bật trên lớp vẩy màu lá cây xanh biếc. Cũng như họ hàng rắn lục, đây là một loài rắn độc.

Rất ít người có cơ hội được nhìn loài rắn lục mắt hồng ngọc bởi chúng cực hiếm. Theo các nhà khoa học, rắn Cryptelytrops rubeus thường xuất hiện gần các con suối và món ăn ưa thích của loài rắn này là ếch.

Các tin khác