Mục tiêu phát triển: Cần đổi mới tư duy, tầm nhìn

Hôm nay 22-10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Một nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp này là tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng phát triển năm 2013. Những “nút thắt” của nền kinh tế đang tồn tại trong năm nay đang đặt ra nhiều thách thức cho năm 2013. Theo đó cần có sự đổi mới tư duy trong việc áp dụng các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô theo tầm nhìn dài hạn và bền vững hơn.

Hôm nay 22-10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại Hà Nội. Một nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp này là tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 và phương hướng phát triển năm 2013. Những “nút thắt” của nền kinh tế đang tồn tại trong năm nay đang đặt ra nhiều thách thức cho năm 2013. Theo đó cần có sự đổi mới tư duy trong việc áp dụng các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô theo tầm nhìn dài hạn và bền vững hơn.

Oån định nhưng thiếu bền vững

Theo báo cáo của Chính phủ, trên cơ sở tình hình 9 tháng và dự báo quý IV, có thể thấy tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã tiếp tục phát huy hiệu quả.

Lãi suất tín dụng có giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến theo hướng tăng tín dụng cho lĩnh vực sản xuất; tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, kim ngạch xuất khẩu cao hơn kế hoạch…

Mặc dù những tháng qua lạm phát, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế. Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét.

Ông NGUYỄN VĂN GIÀU,
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận đến nay kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng, sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, sức mua của thị trường thấp, tồn kho hàng hóa của một số ngành vẫn rất cao.

Đáng lo ngại hơn, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tâm lý xã hội và niềm tin của thị trường đang diễn biến phức tạp, nếu giải quyết chậm khó khăn sẽ kéo dài và phức tạp hơn trong năm tới.

Nhiều ý kiến nhận định việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp tháng 3 (0,16%), tháng 4 (0,05%) và tháng 5 (0,18%), giảm trong tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm liên tục và xuất siêu 9 tháng, cho thấy năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; 2 nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan do tác động từ sự suy thoái và chậm phục hồi của kinh tế thế giới; nguyên nhân chủ quan là tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm. Một số chủ trương, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh chậm triển khai, nhiều chương trình đề án lớn chưa cân đối được nguồn lực, sự yếu kém của bộ máy quản lý các cấp…

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định yếu tố tác động lớn nhất tới sự phát triển của nền kinh tế từ hệ thống tài chính ngân hàng. Một số ngân hàng yếu kém chưa xử lý xong, tình trạng nợ xấu đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về phương án xử lý. Thu ngân sách cũng đang giảm rất mạnh làm ảnh hưởng đến nhu cầu chi đầu tư phát triển.

“Liên quan đến tính thời vụ của giai đoạn “bí” vốn, nếu chúng ta điều chỉnh chính sách vĩ mô trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp không khéo có thể khiến lạm phát đi lên, do các doanh nghiệp có thể “no dồn đói góp” đẩy nguồn tiền ra. Câu chuyện này không chỉ của 3 tháng cuối năm nay mà cả năm 2013 trong mục tiêu điều hành chính sách vĩ mô” - TS. Thành nói

Xử lý điểm nghẽn

Từ tình hình thực tế, Chính phủ xác định trong những tháng cuối năm sẽ chủ động điều hành kiềm chế lạm phát cả năm ở khoảng 8%, bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Nhóm giải pháp hàng đầu được đưa ra vẫn là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát quay trở lại.

Nợ xấu là 1 trong 2 nút thắt của nền kinh tế, làm tắc nghẽn quá trình lưu thông nguồn lực quốc gia. Ảnh: LÃ ANH

Nợ xấu là 1 trong 2 nút thắt của nền kinh tế, làm tắc
nghẽn quá trình lưu thông nguồn lực quốc gia. Ảnh: LÃ ANH

Đối với chính sách tiền tệ, thực hiện phương án tạm khoanh nợ và xử lý nợ xấu, áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, nhất là điều kiện và thủ tục vay. Tăng mức cấp tín dụng cho nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp, có phương án cung ứng tín dụng để bình ổn giá lương thực, thực phẩm dịp cuối năm.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5% trong năm 2012, TS. Võ Trí Thành cho rằng trước mắt cần tập trung xử lý những vấn đề ngắn hạn và bắt tay vào việc thay đổi cách thức phát triển kinh tế. Theo chuyên gia này, thời gian qua chúng ta còn thiếu sự cương quyết, triệt để trong sự linh hoạt cần thiết. Do vậy, trong thời gian tới cần lấy mục tiêu ổn định kinh tế làm trọng tâm, bên cạnh việc linh hoạt xử lý các chính sách, các biện pháp, đặc biệt là các chính sách vĩ mô để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị cần tập trung khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt của nền kinh tế là hàng tồn kho và nợ xấu. Tồn kho càng lớn nợ xấu càng tăng lên, do vậy giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay.

Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác, minh bạch quy mô nợ xấu, các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; xử lý nợ xấu trên nguyên tắc ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm, tự chủ động giải quyết. Trên cơ sở có số liệu chính xác về quy mô, cơ cấu nợ xấu, cân nhắc, quyết định mô hình tổ chức xử lý, không nên phân tán sức mạnh, nguồn lực quốc gia và chỉ thành lập, sử dụng một công ty xử lý vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

2013 đặt mục tiêu cao hơn?

Với tình hình hiện nay, có thể dễ dàng dự báo xu hướng khó khăn của nền kinh tế sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2013. Mục tiêu tổng quát được Chính phủ đặt ra trong năm tới là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”.

Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; kết hợp hài hòa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ trong ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng. Một mục tiêu rất quan trọng khác được xác định là đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. 

Để bảo đảm có nền tài chính lành mạnh, là một “mạch máu” nuôi dưỡng nền kinh tế, trước hết phải “chữa bệnh” về máu, tức bảo đảm cho hệ thống ngân hàng lành mạnh. Đặc biệt, công tác đánh giá tài sản, đánh giá nợ xấu, đánh giá tín dụng cho vay, các khế ước cho vay... là những vấn đề cần đặc biệt lưu ý, giám sát để góp phần minh bạch hóa, lành mạnh hóa nền kinh tế.

TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN,
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng xét trên cả 2 phương diện tổng cung và tổng cầu, năm 2013 nhiều khả năng tăng trưởng GDP khá hơn. Tuy nhiên, do còn không ít thách thức cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP năm 2013 ở mức 5,5-6%.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, vì thế cần bắt đầu từ thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực; công khai, minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác số liệu để làm căn cứ tin cậy cho việc ra quyết định.

Điều này sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình mới.

Về mục tiêu tăng trưởng năm 2013 vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau: một số ý kiến đề nghị tăng trưởng kinh tế chỉ phấn đấu ở khoảng 4-5%, nhưng cũng có ý kiến đề nghị khoảng 6%.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: ”Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 chỉ nên đặt ở mức 3-4% và cũng chỉ được coi là mục tiêu định hướng”.

Chuyên gia này nhấn mạnh nền kinh tế đang trong tình thế đặc biệt nên cần “liều thuốc đặc trị”, không thể dựa vào mấy “bài thuốc” đã dùng quen nhưng ít tác dụng. Theo TS. Thiên, nếu vẫn tập trung chú ý thành tích ngắn hạn, lo tìm kiếm các giải pháp “ăn ngay”, quan tâm đến sự lên xuống từng % của các chỉ tiêu vĩ mô mà không dành sự quan tâm ưu tiên cho những quyết sách lớn, những giải pháp chiến lược, thì trong điều kiện kinh tế thế giới còn u ám, nước ta khó có thể tạo sự xoay chuyển thực sự để thoát khỏi tác động tiêu cực, thậm chí đối mặt khủng hoảng.

Các tin khác