Mùa ĐHCĐ: Nhiều kịch tính, dễ tạo sóng

(ĐTTCO) - Nhân sự, kết quả kinh doanh 2015 và kế hoạch cho năm 2016 là những chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) trong năm nay. Một loạt ĐHCĐ đã diễn ra một cách yên ả trong tháng 3, nhưng tháng 4 sẽ là cao điểm mùa ĐHCĐ, và khi có nhiều kịch tính sẽ tạo nhiều sóng trên thị trường chứng khoán (TTCK).

(ĐTTCO) - Nhân sự, kết quả kinh doanh 2015 và kế hoạch cho năm 2016 là những chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) trong năm nay. Một loạt ĐHCĐ đã diễn ra một cách yên ả trong tháng 3, nhưng tháng 4 sẽ là cao điểm mùa ĐHCĐ, và khi có nhiều kịch tính sẽ tạo nhiều sóng trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Nóng ruột nhân sự

ĐHCĐ nóng nhất tính đến lúc này có lẽ thuộc về Traphaco (TRA) với những đồn đoán, thông tin liên quan đến vấn đề nhân sự. Tại đại hội năm nay, TRA sẽ tiến hành bầu hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ mới 2016-2020 và nhiều người muốn biết bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước, có tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ này hay không. Việc bầu bán đã góp phần khiến đại hội diễn ra từ buổi sáng kéo dài đến chiều ngày 30-3. Và dù bà Vũ Thị Thuận được xem là linh hồn của TRA vẫn tiếp tục trúng cử HĐQT, nhưng công ty này vẫn chưa thể chốt chức danh Chủ tịch HĐQT do một thành viên trúng cử HĐQT là Phó Tổng giám đốc SCIC Nguyễn Hồng Hiền vắng mặt trong đại hội. Cũng tại đại hội này, với tỷ lệ sở hữu 35,67%, SCIC đã phủ quyết những đề xuất sửa đổi về điều lệ công ty liên quan đến các vấn đề như tỷ lệ cổ phần triệu tập ĐHCĐ, việc đầu tư dự án, bán tài sản có giá trị từ 35% tổng tài sản trở lên, hay tỷ lệ thông qua khi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Các đề xuất sửa đổi đều theo chiều hướng giảm tỷ lệ biểu quyết nhưng SCIC đã dùng quyền phủ quyết của mình để cuối cùng TRA vẫn giữ nguyên các điều lệ quan trọng và qua đó duy trì ảnh hưởng của “siêu tổng công ty” tại một trong những công ty dược hàng đầu hiện nay. Câu chuyện của TRA không mới cũng không lạ, vì cổ đông nhỏ hay lớn đều muốn quyền lợi của mình được đảm bảo.

Việc chia cổ tức có thể diễn ra tại nhiều công ty, nhưng chỉ những đơn vị nào có mức chia cổ tức hấp dẫn nhất mới được chú ý. Hay như kế hoạch kinh doanh 2016, NĐT sẽ đón đợi những công ty công bố kế hoạch tham vọng, hấp dẫn. KQKD quý I-2016 cũng có thể được chờ đợi, nhưng trừ một số ngành được hưởng lợi bởi yếu tố mùa vụ hay giá nguyên vật liệu, thì nhìn chung sẽ không quá cao và điểm rơi KQKD tích cực có thể bắt đầu vào quý II-2016.

Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích CTCK BIDV

Tuy nhiên, nóng về nhân sự chắc chắn sẽ không dừng lại chỉ với TRA, khi mà trong tháng 4 này ĐHCĐ của một loạt công ty lớn cũng như ngân hàng (NH) sẽ diễn ra. Kể từ ngày mai 8-4, Eximbank (EIB) sẽ bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận (LN) chưa phân phối tại thời điểm 31-12-2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ 114,01 tỷ đồng xuống còn âm 834,56 tỷ đồng và LN chưa phân phối tại thời điểm 31-12-2015 âm 817,47 căn cứ trên báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán hợp nhất 2015.

 Năm 2015, nhân sự HĐQT EIB là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm và NH này đã tổ chức ĐHCĐ bất thường vào cuối năm để bầu ra HĐQT mới. Mới hôm 5-4 vừa qua, EIB cũng đã công bố thông tin bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết, thành viên HĐQT kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc trong khi miễn nhiệm chức danh quyền tổng giám đốc của ông Trần Tấn Lộc và bổ nhiệm ông này làm phó tổng giám đốc thường trực. Câu hỏi đặt ra lúc này là với việc cổ phiếu (CP) bị đưa vào diện cảnh báo và có những điều chỉnh trên BCTC như vậy, ban lãnh đạo EIB sẽ xử lý như thế nào? Áp lực tái cấu trúc hoạt động, xử lý những thách thức hiện tại của EIB là rất lớn và dồn trực tiếp lên những người đang điều hành tại NH này. Liệu ban lãnh đạo đã đủ kiện toàn để đưa ra những giải pháp mang tính đột phá hay lại có những thay đổi về nhân sự? Dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, đây là chuyện bình thường, công ty khó khăn, áp lực dành cho nhân sự cao cấp sẽ lớn và khi làm không được thì lại tiếp tục thay thế. Vấn đề là tìm người như thế nào để phù hợp.

Cuối tháng 3, STB (Sacombank) đã gửi công văn đề nghị HOSE chấp thuận gia hạn công bố BCTC kiểm toán 2015 do việc sáp nhập Southernbank 2015 phải chờ hướng dẫn, phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của NHNN. Mặc dù STB cho biết đã có kế hoạch xử lý nợ xấu của Southernbank, nhưng rõ ràng đây là một mục tiêu đầy thách thức và cần những con người chuyên nghiệp, với những giải pháp phù hợp. Nhân sự luôn là vấn đề nhạy cảm hậu sáp nhập khi sự khác biệt về văn hóa làm việc, tư duy, quan điểm điều hành là không dễ dung hòa. Vì vậy, thách thức dành cho STB không chỉ nằm ở việc xử lý nợ xấu mà còn là việc phải có được những con người phù hợp, hiểu tình hình của NH, cùng nắm tay nhau để đưa NH vượt khó.

Mát lòng bằng cổ tức

Tính đến thời điểm này, một loạt công ty lớn, đầu ngành có CP là blue chip như REE, FPT, Masan (MSN), Hòa Phát (HPG)… đã tổ chức xong ĐHCĐ. Sáng ngày 31-3, ĐHCĐ của HPG diễn ra với nhiều thông tin khả quan. Ngoài kết quả kinh doanh (KQKD) 2015 ấn tượng, KQKD quý I-2016 ước tính của HPG cũng rất khả quan với LN sau thuế ước đạt 900 tỷ đồng, tăng trưởng 38,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 28,1% kế hoạch LN sau thuế 2016. Phương án chia cổ tức của HPG cũng đã được đại hội thông qua với tỷ lệ 30%/mệnh giá, trong đó 15% bằng tiền mặt và 15% bằng CP và thời gian thực hiện là vào quý II-2016. Trong buổi tối cùng ngày, Công ty chứng khoán (CTCK) TPHCM đã đưa ra đánh giá mua vào với HPG nhờ vào định giá rẻ. Trong 3 phiên giao dịch gần nhất, HPG đã tăng giá từ 29.000 đồng/CP lên 30.200 đồng/CP và liên tục được khối ngoại mua ròng.

Cổ đông nhỏ lẻ cũng cần phát huy vai trò, tiếng nói của mình thông qua việc tương tác với các thành viên HĐQT độc lập của NH. Đây là cách giúp cho các thành viên HĐQT độc lập phát huy vai trò phản biện của mình hơn nữa trong việc chỉ rõ những khiếm khuyết, những điểm cần sửa chữa, khắc phục của các NH. Nên nhớ rằng, việc nâng cao chuẩn mực quản trị của NH là điều bắt buộc trong thời gian tới đây và vì vậy sẽ cần huy động nguồn lực của toàn xã hội thay vì chỉ đến từ một số cổ đông.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt của FPT trong năm 2015 là 20%/mệnh giá và trong quý III-2015 tập đoàn này đã tạm ứng 10% cho các cổ đông. Tại ĐHCĐ của FPT vừa qua, phương án chi trả 10% còn lại (tương ứng 1.000 đồng/CP) cũng đã được thông qua và thực hiện trong quý II-2016. Năm 2016, chính sách cổ tức bằng tiền mặt của FPT được đưa ra 20% bằng tiền mặt. ĐHCĐ của REE cũng đã thông qua các phương án chi trả cổ tức 2015 bằng tiền mặt (tỷ lệ 10%) và bằng CP (15% được thực hiện trong quý II-2016).

 Một điểm dễ nhận thấy trong chính sách trả cổ tức của các công ty lớn năm nay chính là việc pha trộn 2 cách trả cổ tức bằng tiền mặt lẫn CP. Điều này một mặt giải quyết nhu cầu thu nhập của các cổ đông (tiền mặt) và cũng là để khẳng định năng lực, cũng như đẳng cấp của công ty trong việc tạo ra nguồn thu nhập, dòng tiền thật. Mặt khác, việc chi trả cổ tức bằng CP lại góp phần giúp cho công ty giữ lại nguồn lợi nhuận để tiếp tục tăng vốn, tái đầu tư phát triển. Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng CP đối với các công ty lớn, đầu ngành cũng góp phần gia tăng nguồn cung CP trên thị trường, qua đó đáp ứng nhu cầu gia tăng sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) và tăng thanh khoản cho CP trên TTCK.

Cổ đông chuyên nghiệp hơn

Sự chú ý của TTCK không chỉ tập trung tại các doanh nghiệp lớn, mà ngay cả những công ty mới xuất hiện trên TTCK cũng thu hút các NĐT. Có thể kể đến ĐHCĐ của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX) được tổ chức vào ngày 4-3. Dù GEX chỉ giao dịch tại UPCoM, nhưng với nền tảng cơ bản tốt, CP này đã thu hút rất nhiều NĐT và khối lượng giao dịch của GEX trong những ngày gần đây có những phiên đạt hơn 2 triệu CP, hơn cả nhiều CP đang niêm yết. Vốn điều lệ của GEX hiện đạt 1.550 tỷ đồng, trong năm 2016 công ty đặt doanh thu 1.400 tỷ đồng, LN sau thuế 235 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức 10%.

Thách thức cho STB vào mùa ĐHCĐ năm nay sẽ là nhân sự trong vấn đề xử lý nợ xấu sau sáp nhập Southern Bank.

Thách thức cho STB vào mùa ĐHCĐ năm nay sẽ là nhân sự



trong vấn đề xử lý nợ xấu sau sáp nhập Southern Bank.

Một điểm nổi bật trong mùa ĐHCĐ năm nay là sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức đã được nâng lên rất cao khi một số người cho biết đi dự ĐHCĐ là một sự… trải nghiệm. Chẳng hạn, không chỉ trình bày một cách rõ ràng, đầy đủ thông tin, một số doanh nghiệp lớn còn đầu tư rất kỹ lưỡng vào phần “nhìn” với các slide trình chiếu, giới thiệu về hoạt động kinh doanh, số liệu rất trực quan, dễ hiểu. Một số đơn vị đầu tư kỹ lưỡng vào báo cáo thường niên có hẳn một bộ phận chuyên trách đã thu thập số liệu quanh năm và đến mùa tổ chức đại hội sẽ tổ chức ráp nối, trình bày thông tin một cách dễ hiểu, đầy đủ. Một số NĐT có thể thích những ĐHCĐ sôi động, thậm chí có “đấu khẩu”, cãi cọ lại càng hay, nhưng nhiều ĐHCĐ tổ chức chuyên nghiệp, yên ổn cũng là một tín hiệu tích cực, cho thấy công ty làm ăn hiệu quả, lợi ích của cổ đông được đảm bảo.

 Chuyên gia tài chính-NH Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc cổ đông nhỏ lẻ tham gia ĐHCĐ của NH và không có nhiều tiếng nói là một thực tế đã diễn ra nhiều năm nay. Ngoài nguyên nhân xuất phát từ tư duy các cổ đông lớn xem NH là “của riêng” và đưa vấn đề có phần áp đặt, thì chính cổ đông nhỏ lẻ cũng phải xem lại vai trò của mình. Suy nghĩ “không có tiếng nói” hoặc “không làm được gì” dẫn đến việc không nêu lên ý kiến, quan điểm là rất sai lầm. Nên nhớ rằng, các ý kiến của bất kỳ cổ đông nào cũng sẽ được ghi lại tại biên bản của đại hội và thậm chí phản ánh trên báo giới nếu đúng, hợp lý sẽ có sức lan tỏa rất lớn. 

Các tin khác