Môi trường kinh doanh: Sức cạnh tranh suy giảm

“Nền kinh tế đang đặc biệt khó khăn” - PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã nhận định như vậy tại “Diễn đàn Đầu tư và tài chính ngân hàng” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và NHNN phối hợp tổ chức đầu tuần này. Biểu hiện rõ nhất là đầu tư suy giảm, tín dụng tăng thấp, lãi vay triệt tiêu khả năng sinh lời của doanh nghiệp.… Nếu không giải quyết những bất cập này, nền kinh tế sẽ suy giảm trầm trọng hơn.

“Nền kinh tế đang đặc biệt khó khăn” - PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã nhận định như vậy tại “Diễn đàn Đầu tư và tài chính ngân hàng” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và NHNN phối hợp tổ chức đầu tuần này. Biểu hiện rõ nhất là đầu tư suy giảm, tín dụng tăng thấp, lãi vay triệt tiêu khả năng sinh lời của doanh nghiệp.… Nếu không giải quyết những bất cập này, nền kinh tế sẽ suy giảm trầm trọng hơn.

Đầu tư suy giảm

Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), riêng năm 2008 thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có mức tăng đột biến (vốn đăng ký 71 tỷ USD), nhưng sau đó giảm mạnh và thực tế vốn giải ngân chỉ đạt quanh 10-11 tỷ USD/năm; đến tháng 7-2012 giảm sâu dưới mức 10 tỷ USD.

Tính đến ngày 20-7-2012, đầu tư lũy kế của nước ngoài tại Việt Nam có hơn 14.007 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 206 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 96 tỷ USD, trong đó có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong 3 năm trở lại đây, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng xấu đi, khiến nhà đầu tư quan ngại. Ngay đối với Nhật Bản, nhà đầu tư trung thành với Việt Nam trong nhiều năm qua, cũng không ngoại lệ. Mới đây, khi làm việc với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), họ nói với tôi rằng nhà đầu tư Nhật Bản đang rất băn khoăn về kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Các đồng nghiệp của tôi khi làm việc với Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) hay Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cũng cảm nhận sự lo lắng tương tự.

TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH,
Giám đốc VERP

Nguyên nhân giảm mạnh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là do suy thoái kinh tế toàn cầu và cạnh tranh trong thu hút vốn FDI các nước trong khu vực.

Về chủ quan, do khó khăn nội tại của nền kinh tế (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp hỗ trợ) và chính sách ưu đãi đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn, thủ tục cấp phép còn chậm. Điểm đáng ghi nhận là vốn thực hiện duy trì tương đương cùng kỳ trong mấy năm qua; khoảng cách vốn đăng ký và vốn thực hiện được thu hẹp; xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt.

Thực tế cho thấy còn một nguyên nhân khác là môi trường đầu tư xấu đi khiến đầu tư không chỉ từ nước ngoài, mà cả trong nước liên tục sụt giảm.

Ông Trương Chí Kiên, Phó Tổng giám đốc CTCP Him Lam Thủ đô, cho rằng sự suy giảm hiện nay trên thị trường bất động sản là hệ quả từ sự phát triển chụp giật, thiếu chiều sâu, làm mất đi những yếu tố bền vững.

Đặc biệt niềm tin của khách hàng vào thị trường này đã mất dần. Môi trường đầu tư thiếu cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát chặt chẽ đã dẫn tới sự lộn xộn của thị trường bất động sản, mà nguyên nhân do sự chi phối của các nhóm đầu cơ và đầu tư.

Bất ổn vĩ mô

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), khoảng 4-5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam liên tục suy giảm đi liền với bất ổn vĩ mô. Ông Thành cho rằng kinh tế vĩ mô bất ổn tàn phá môi trường kinh doanh, đầu tư dữ dội nhất.

Trong 2 năm 2007 và 2008, vốn FDI tăng vọt, cộng với vốn thực hiện không đổi chứng tỏ nhà đầu tư rất tin vào Việt Nam. "Tuy nhiên, đến nay mặc dù dòng tiền nóng vẫn tiếp tục chảy vào Đông Nam Á, nhưng rất tiếc không chảy vào Việt Nam" - ông Thành nói.

Về nguyên nhân giảm sút thu hút đầu tư, ông Thành cho rằng khủng hoảng tài chính không phải là nguyên nhân chính. Khó khăn của nền kinh tế Việt Nam bắt nguồn từ chính nội bộ nền kinh tế. Những chính sách điều hành thời gian qua rất rối. Và khi lạm phát tăng, giá nhân công tăng, nội tệ được định giá cao do tỷ giá không đổi, khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh.

Thế chấp là điều kiện tiên quyết khi vay vốn, dù có phương án tốt, đã làm nhiều DN khó khăn. Ảnh: CAO THĂNG

Thế chấp là điều kiện tiên quyết khi vay vốn, dù có phương án tốt,
đã làm nhiều DN khó khăn. Ảnh: CAO THĂNG

Môi trường đầu tư xấu đi còn liên quan đến chính sách tiền tệ. Ông Ajay Bhagat, Giám đốc Công ty Dutchply (Ấn Độ) đang hoạt động tại Việt Nam, cho biết ở Ấn Độ và Singapore khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp (DN) chỉ cần thế chấp tài sản trị giá 20% món vay, nhưng ở Việt Nam lên tới 150% so với một món vay.

Thế chấp gần như là điều kiện tiên quyết và duy nhất đối với mọi khoản vay, kể cả khi DN đó có phương án sản xuất tốt, có nhà máy tốt nhưng không đủ độ tin tưởng cho ngân hàng để họ cho vay tín chấp, hoặc chí ít là giảm giá trị tài sản thế chấp so với quy mô món vay.

“Tôi kinh doanh ở Việt Nam, làm sao mang nhà từ Ấn Độ sang thế chấp được?” - ông Ajay Bhagat bức xúc. Lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao cũng là điều khiến nhiều DN gặp khó khăn. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính độc lập Vũ Đình Ánh lại cho rằng muốn giảm lãi suất “ngay, luôn và nhiều” như mong muốn của nhiều DN là chưa thể vì còn phụ thuộc vào lạm phát và các biến số khó lường khác.

Một thực tế khác đang níu giữ quyết tâm giảm lãi suất là “cục máu đông” nợ xấu. Theo ông Ngô Văn Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), nợ xấu năm 2009 chỉ ở mức 45.000 tỷ đồng, tương đương 2,5% tổng dư nợ.

Năm 2010 con số này giảm còn 38.000 tỷ đồng (2,1%). Nhưng đến năm 2011 đã tăng 78.000 tỷ đồng (3,2%) và đến tháng 3-2012, nợ xấu vọt lên 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ. “Sự khác biệt về tỷ lệ nợ xấu có thể do có sự khác nhau giữa cách thức đánh giá, phân loại nợ giữa NHNN và tổ chức tín dụng, nhưng điều đó không quan trọng bằng phương án, cách thức xử lý các khoản nợ xấu.

Bởi lẽ, chính nợ xấu là yếu tố ngăn DN tiếp cận tín dụng do ngân hàng phải co cụm lại phòng thủ bằng hàng rào kỹ thuật hoặc nâng cao lãi suất để bù đắp tổn thất do nợ xấu” - ông Tuấn phân tích.

Lấy lại sức hấp dẫn

Để tăng cường thu hút FDI, tăng sức hấp dẫn cho môi trường kinh doanh, TS. Đặng Xuân Quang cho rằng cần thúc đẩy giải ngân; hoàn thiện luật pháp, chính sách (chính sách đất đai, ưu đãi hỗ trợ đầu tư…); thực hiện tốt Chỉ thị 1617/CT-TTg; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài…

Để ổn định thị trường tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần được thực hiện theo hướng ổn định lãi suất, ổn định thanh khoản của hệ thống tài chính; phát triển các phân khúc của thị trường tài chính và phối hợp cung cấp thông tin. Tăng cường sự phối hợp để thực hiện huy động nguồn bù đắp bội chi ngân sách, cũng như việc huy động trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi trong thời gian tới. Đặc biệt thời hạn huy động, hình thức, lãi suất và thời điểm huy động cần được thông qua hình thức trao đổi, lấy ý kiến, để tránh diễn biến không có lợi trên thị trường tiền tệ, tác động xấu đến kinh tế vĩ mô.

Ông ĐỖ TRỌNG KHANH,
Vụ trưởng Vụ Tài chính - Tiền tệ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Nhận định rằng viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm nay khó khăn, TS. Nguyễn Đức Thành dự báo năm 2012 tăng trưởng không cao (dưới 5%). Lạm phát tiếp tục khuynh hướng hạ, góp phần ổn định môi trường vĩ mô.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng: “Cơ sở cho sự phục hồi nhanh hay không còn phụ thuộc vào cách thức tái cơ cấu nền kinh tế. Các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu diễn ra với hệ thống ngân hàng thương mại, nhưng hiện nay động lực cho cải cách đang có khuynh hướng giảm”.

Theo TS. Trần Đình Thiên, nếu tái cấu trúc thành công, môi trường kinh doanh sẽ được thay đổi tốt hơn. Nền kinh tế đã gặp khó khăn trong vài năm nay chứ không phải chỉ ở thời điểm hiện tại. Nghĩa là sự yếu kém của môi trường kinh doanh do từ cơ cấu bên trong, từ hệ thống phân bổ nguồn lực và từ phương thức tăng trưởng dựa vào vốn.

Vì thế, TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Để cải thiện sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, giải pháp cơ bản và chiến lược là tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là thay đổi hệ thống, cơ chế phân bổ nguồn lực. Qua đó, để tính thị trường phát huy hiệu quả hơn trong cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa khởi động một cách thực sự mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu. Còn nhiệm vụ trước mắt, cần hạn chế tối đa những bất trắc đang xảy ra trong nền kinh tế, bởi những yếu tố đó dễ dẫn đến sự sụp đổ, sự bùng nổ không kiểm soát được”.

Các tin khác