Mở rộng nguồn vốn tín dụng tiêu dùng

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH – NHNN

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH – NHNN

Truyền thông kiến thức tài chính tiêu dùng

 

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang phát triển khá nhanh chóng với tốc độ bình quân 20%/năm. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng theo số liệu cuối năm 2015 xấp xỉ 10% tổng dư nợ của hệ thống NH. Đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi và tốc độ tăng trưởng khá so với các nền kinh tế thế giới.

Tín dụng tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Thứ nhất, tín dụng tiêu dùng phát triển cũng là một kênh kích cầu tiêu dùng đối với nền kinh tế trong bối cảnh chung kinh tế toàn cầu khá ảm đạm. Thứ hai, tín dụng tiêu dùng cũng là một phương tiện tốt để người có thu nhập trung bình và thấp tích lũy tài sản mà trong điều kiện tích góp bình thường sẽ khó tích lũy được. Thứ ba, tín dụng tiêu dùng chính thức phát triển sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách thiết kế chính sách nhằm hướng tới sự cân bằng của thị trường, góp phần rất lớn trong việc chống tín dụng đen, cho vay nặng lãi của thị trường.

Đối với lãi suất cho vay, theo tôi nên để cho thị trường quyết định vì lãi suất hình thành từ cung cầu về vốn. Các công ty tài chính (CTTC) hoặc NH cho vay tiêu dùng áp dụng lãi suất đối với khách hàng vay dựa trên cơ sở đánh giá năng lực của khách hàng và khả năng không có tài sản thế chấp nên rủi ro rất cao, nhất là tại một thị trường mới đang phát triển như Việt Nam. Rủi ro cao đương nhiên lãi suất sẽ phải cao, vì vậy để cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường lãi suất nên được thỏa thuận giữa định chế tài chính và khách hàng là tốt nhất. Nếu như cơ quan quản lý đưa ra những biện pháp khống chế trần lãi suất sẽ rất khó cho thị trường, vô hình trung có thể hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng tiêu dùng của những người dưới chuẩn, tức những khách hàng không có tài sản lớn, không đạt được chuẩn tín dụng, có mức độ rủi ro cao, lúc đó những khách hàng này lại quay lại với thị trường tín dụng đen.

Muốn làm được điều này cần có một khuôn khổ quản lý từ cơ quan nhà nước, đặc biệt là tách khung pháp lý cho vay tiêu dùng riêng, không gộp chung vào khung pháp lý cho vay của các TCTD. Thiết kế mẫu của hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có những chốt chặn cụ thể, hợp lý và được minh bạch hóa trên thị trường, bảo vệ lợi ích của người vay tiêu dùng. Do vậy, trước mắt rất cần giải pháp về mặt truyền thông để định hướng kiến thức về tài chính tiêu dùng để người dân, người thu nhập trung bình và thấp hiểu rõ các vấn đề liên quan đến vay tiêu dùng trước khi ký hết hợp đồng vay vốn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Cần hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân

 

Tại các nước, tín dụng tiêu dùng rất phổ biến với nhiều hình thức đa dạng như thẻ tín dụng, những CTTC của các nhà sản xuất cung cấp tín dụng cho người tiêu dùng mua sản phẩm từ công ty mẹ, các CTTC không trực thuộc nhà sản xuất và các NH cũng có những chương trình cho vay cá nhân cho mục đích tiêu dùng. Tín dụng tiêu dùng đóng góp một tỷ lệ đáng kể vào GDP của một quốc gia, điển hình như Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, dư nợ tín dụng tiêu dùng trên tổng dư nợ còn thấp, tiềm năng còn rất lớn, trong hơn 90 triệu người vẫn còn rất nhiều người dân chưa tiếp xúc với những kênh chính thức gồm NHTM, CTTC nên nguồn tín dụng cung cấp cho người dân chủ yếu thuộc về tín dụng đen. Đó là khác biệt rất lớn của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam so với các nước tiên tiến. Dĩ nhiên, tại các nước tiên tiến cũng có tín dụng ngầm, tín dụng đen nhưng không phổ biến và chỉ khi không còn cách nào khác người dân mới vay. Chẳng hạn như điểm tín dụng quá thấp không thể vay được họ mới đến các kênh không chính thức để vay tiền. Người dân Việt Nam còn chủ yếu dùng tiền mặt nên vấn đề chứng minh thu nhập rất khó, đồng thời thu nhập thấp cũng là rào cản vay vốn chính thức nên phải vay nóng từ tín dụng đen để trả những chi phí cần gấp như phí bệnh viện, trang trải nợ nần…

Muốn đẩy mạnh hình thức cho vay tiêu dùng qua kênh chính thức, Việt Nam cần có một hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân. Chẳng hạn như Hoa Kỳ có 3 công ty xếp hạng tín dụng lớn chấm điểm cho hầu hết người dân với thang điểm thấp nhất là 400 điểm và cao nhất là 800 điểm theo các tiêu chí định điểm. Dựa vào số điểm đó, khi người dân có nhu cầu vay vốn, NH kiểm tra điểm xếp hạng tín dụng để xét duyệt cho vay rất nhanh chóng và tương đối an toàn. Việt Nam chưa có xếp hạng tín dụng, chấm điểm tín dụng cho cá nhân nên NHNN cần quan tâm để thiết lập một hệ thống chấm điểm tín dụng cho người dân trên toàn quốc, dựa vào đó các NH và CTTC có thể cho vay dễ dàng hơn. Tôi cho rằng, các luật lệ về tín dụng tiêu dùng cần phải hoàn chỉnh hơn để phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng. Hiện tại, Luật TCTD và Luật Tín dụng tiêu dùng tập trung vào lĩnh vực tín dụng cho doanh nghiệp mà không tập trung vào cá nhân, đây là một vấn đề thiếu sót.

TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM

Cạnh tranh lành mạnh gián tiếp giảm lãi suất

 

Những động thái mới trên thị trường cho vay tiêu dùng cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt đã lên đến đỉnh điểm giữa các CTTC và các NHTM. Thời gian này, nhiều NH liên tiếp tung ra chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất thấp để thu hút khách hàng, với mức lãi suất khiến nhiều người bắt đầu “so đo” với lãi suất cho vay tiêu dùng tại CTTC. Trước đây, lợi thế của dịch vụ cho vay tiêu dùng thuộc về các CTTC vì mô hình hoạt động của các công ty này phù hợp với đặc điểm của các món vay không lớn, thủ tục giải ngân nhanh, mạng lưới bao phủ hầu khắp các điểm bán lẻ.

Gần đây, nhiều NH cũng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân, tập trung vào nhiều phân khúc khách hàng khác nhau để bù đắp cho hoạt động cho vay doanh nghiệp đang chậm lại do khó khăn của nền kinh tế. Sự sôi động trong mua bán, sáp nhập CTTC của nhiều NHTM trong thời gian vừa qua đã cho thấy điều này. Mặc dù vậy, để đạt được các khoản vay tiêu dùng người đi vay vẫn phải thỏa mãn một số tiêu chí nhất định liên quan đến vấn đề quản trị rủi ro của NH. Do vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm đến dịch vụ vay tiêu dùng của các CTTC hơn.

Theo tôi, những quy định pháp lý hiện có trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng vẫn còn chung chung khiến thị trường khó phát triển, ngay cả các TCTD giờ đây cũng không biết dựa vào cơ sở nào để thực hiện cho đúng. Các khuôn khổ pháp lý mới cần phải làm sao có thể nêu bật được những vấn đề quan trọng về hồ sơ, thủ tục, điều kiện vay vốn… Làm sao để các thủ tục vay tiêu dùng phải thực sự đơn giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thị trường phát triển. Khi hành lang pháp lý về các CTTC được hoàn thiện, sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp giúp lãi suất vay tiêu dùng hạ thấp hơn nữa, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao.

Về quản lý nhà nước, các cơ quan lập pháp cần rà soát các văn bản chi phối hoạt động tín dụng tiêu dùng. Bản thân các TCTD phải coi thị trường này là thị trường tiềm năng và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận của TCTD. Khi đó, cơ cấu tổ chức, nghiệp vụ của các TCTD phải thay đổi, phương thức tín dụng tiêu dùng cũng phải thay đổi, chứ không chỉ đơn thuần là nhìn vào hồ sơ của khách hàng rồi rà soát như bây giờ. Bên cạnh đó, TCTD phải vươn tới trình độ vừa cho vay, vừa tư vấn tiêu dùng cho khách hàng. Như vậy, TCTD sẽ hạn chế được nhiều rủi ro hơn, còn bản thân khách hàng cũng cảm thấy yên tâm khi vay tiền mua hàng, vừa đảm bảo cho sinh hoạt đời sống, lại vừa yên tâm trả nợ.

Các tin khác