Mở lòng với mùa xuân

Bất chợt nghe se lạnh một cơn gió thổi ngang tháng Chạp, biết mùa xuân đã về trên mảnh đất phương Nam quanh năm ngập tràn màu nắng. Giữa những bước chân vội vã lướt qua từng khoảnh khắc cuối năm, không hiểu sao tôi lại thường nghĩ đến cái Tết của những mảnh đời âm thầm và lặng lẽ. trong ngổn ngang rung động bỗng thấy lòng ấm áp sẻ chia.

Bất chợt nghe se lạnh một cơn gió thổi ngang tháng Chạp, biết mùa xuân đã về trên mảnh đất phương Nam quanh năm ngập tràn màu nắng. Giữa những bước chân vội vã lướt qua từng khoảnh khắc cuối năm, không hiểu sao tôi lại thường nghĩ đến cái Tết của những mảnh đời âm thầm và lặng lẽ. trong ngổn ngang rung động bỗng thấy lòng ấm áp sẻ chia.

1. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, câu tục ngữ ấy vẫn hay ám ảnh tôi mỗi khi nôn nao nhìn cảnh người xe chộn rộn đón tất niên. Tết nhắc nhở tôi về sự sum vầy, và tết cũng nhắc nhở tôi về sự đủ đầy. Dù không phải sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng tuổi thơ tôi may mắn luôn được sống trong tình thương chan hòa.

Tôi cảm nhận điều ấy rất rõ vào mỗi dịp tết, khi đón lấy ánh mắt trìu mến của người này, miếng bánh san sẻ của người kia. Tôi không hề ngoa ngôn khi cho rằng, hạnh phúc lớn nhất của ngày tết là được chìa tay về phía những ai còn túng bấn. Bài học đó tôi thu lượm được từ thời nhỏ dại, và vẫn còn nguyên vẹn thanh âm xôn xao tận hôm nay.

Cái tết ấy tôi lên 8 tuổi. Đất nước thời bao cấp chật vật trăm bề. Chiều muộn ngày cuối năm miền Trung hiu hiu rét. Khi tôi đang lui cui lau đôi dép của mình cho thật đẹp để sáng mùng 1 mang đi phố, thì thấy ông nội tôi có khách. Không phải câu chuyện tri giao lâu ngày gặp gỡ, mà người bạn cũ muốn nhờ ông nội tôi giúp đỡ.

Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng đã nhận 61 con bò do doanh nghiệp tài trợ để trao cho các hộ nông dân nghèo. 

Thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng
đã nhận 61 con bò do doanh nghiệp tài trợ để trao cho các hộ nông dân nghèo. 

Cá tháng giêng tiền tháng chạp, hơn nữa ông nội tôi lớp con lớp cháu có dư dả gì đâu. Thế nhưng thương bạn bần hàn, ông nội tôi lấy một cặp bánh tét ra tặng bạn “cho ấm lòng ba ngày Tết”.

Chỉ vậy thôi mà người bạn cũ rưng rưng. Ông nội tôi tiễn khách đến đầu ngõ và đau đáu trông theo bóng người liêu xiêu khuất nẻo. Cúng giao thừa, bà nội tôi phát hiện thiếu mất cặp bánh tét, ông nội tôi kể lại câu chuyện lúc chạng vạng rồi chẳng hiểu cao hứng thế nào lại đọc câu thơ “cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân” như chưa hết ngậm ngùi cho hoàn cảnh của người bạn cũ.

Tất nhiên, khi ấy tôi không hiểu ý nghĩa của câu thơ, nhưng càng lớn tôi càng thấm thía và ray rứt cho những số phận lầm lũi “con đường mòn gió lạnh bủa vây lấy một người” lúc mùa xuân trở về.

2. “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, giàu có ba mươi tết mới hay”, tổ tiên đúc kết như vậy không phải khuyên hậu sinh khoe vàng khoe bạc mà nhằm kêu gọi sự quan tâm đến những người nghèo vào dịp tết. Chật vật cơm áo ngày thường đã tủi thân, mà chật vật cơm áo ngày tết còn tủi thân gấp bội.

Trong sự vận động đi lên của xã hội, cộng đồng dần hình thành thói quen biết chăm lo cho người bất hạnh. Ngay cả trên truyền hình cũng xuất hiện nhiều chương trình hướng đến những cuộc đời hẩm hiu.

Giữa những kênh giải trí nhộn nhịp trên màn ảnh nhỏ, tôi vẫn ưu tiên chọn “Ngôi nhà mơ ước” hay “Lục lạc vàng” mỗi khi ngồi trước ti vi với niềm tin phập phồng rằng, thêm một khán giả thì con số người theo dõi sẽ cao hơn và nhà tài trợ sẽ hứng thú hơn trong cuộc nâng đỡ những người thua thiệt.

Đặc biệt, tuy nói ra hơi khó tin, tôi rất hồi hộp khi theo dõi những màn đấu giá trực tiếp trong chương trình truyền hình “Tết vì người nghèo” hoặc “Tết vì nông dân nghèo”.

Dẫu bản thân không liên quan đến những kỷ vật được đấu giá, nhưng tôi vẫn háo hức lắng nghe số tiền nhích lên theo từng lệnh mua của mạnh thường quân. Và khi chốt lại buổi đấu giá, tôi cứ lơ mơ nhẩm tính sẽ có bao nhiêu người nghèo được hưởng lợi.

Rất có thể, nếu chia nhỏ ra, mỗi người nghèo chỉ nhận được vài cân đường hay dăm gói kẹo, nhưng những món quà đơn sơ kia như những làn nắng ấm mùa xuân ùa vào những mái nhà đang cô quạnh trong mùa đông lạnh lẽo.

3. “Số cô chẳng giàu thì nghèo, ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà”, ca dao đùa chơi đấy mà nghiêm túc đấy. Mỹ tục thưởng tết được hình thành như một văn hóa công sở cũng chỉ với mục đích duy nhất để người lao động có được miếng thịt treo trong nhà khi bước qua đêm trừ tịch linh thiêng.

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc tạo ra những khoảng tĩnh lặng quý giá để mọi người nghĩ đến nhau và trân trọng nhau. Cái phong bì lì xì mang theo mong ước của bậc cha ông sao cho cháu con lớn lên không phải vất vả ăn đong, không phải xuôi ngược vay mượn. Phúc lộc gửi theo cái phong bì đâu chỉ mừng tuổi cho trẻ em, mà còn thể hiện sự thông cảm giữa những người lớn.

Bạn bè cùng thế hệ với tôi, bây giờ dạt trôi mỗi người một ngả. Có người thành đạt chốn đô thị phồn hoa, có người vẫn lầm lũi mảnh ruộng nơi chôn nhau cắt rốn. Ngày tết về quê, tôi lại hân hoan làm một người giao liên âm thầm.

Công việc của tôi rất đơn giản, chuyển mấy cái phong bì của những người khá giả ở thành phố cho những người còn lam lũ ở cố hương gọi là “lì xì mấy cháu nhỏ” nhưng phải hoàn thành trước giờ... giao thừa. Ai cũng hiểu, người nghèo rất tự trọng và dễ tự ái. Đồng trang lứa, nếu thẳng thừng “tao giúp mày ăn tết” không khéo sẽ gây tổn thương cho những người đang gieo neo thua thiệt.

Người nhận phong bì, lúc ấy dẫu thay mặt con cảm ơn bạn, nhưng sáng mồng 1 lại nhắn tin: “Nhà tao có tết hoành tráng nhờ món quà của tụi bây”. Vậy thôi, không ai tỏ vẻ ban phát, không ai phải thấy ngại ngùng.

4. “Làm như ba ngày mùa để đâu cho hết, ăn như ba ngày tết lấy gì mà ăn”, câu thành ngữ này hơn một lần thúc giục tôi suy nghĩ kỹ lưỡng về giá trị đồng tiền. Kinh tế càng thịnh vượng càng xuất hiện nhiều đại gia. Thế nhưng, người giàu chỉ đồng nghĩa với người sang khi biết mở lòng ra với những cuộc đời xung quanh.

Những kẻ chỉ biết quẩn quanh kiếm tiền và đếm tiền sẽ khiến đồng tiền mang màu sắc lạnh lùng và ác nghiệt. Ngày tết chúng ta biết chúc nhau phát tài, thì cũng biết minh oan cho đồng tiền. Lẽ nào người có nhiều tiền lại quên rằng họ đang có cơ hội để nuôi dưỡng sự hào hiệp cho chính mình giữa cuộc sống chộn rộn và dửng dưng?

Tôi đã thấy đây đó những người giàu biết cách chìa tay san sẻ gánh nặng áo cơm với cộng đồng. Chắc chắn có người đòi hỏi xã hội phải vinh danh hoạt động từ thiện của họ, đấy cũng là một quyền lợi chính đáng. Ngược lại, có những người giàu khi đến với người nghèo vẫn tin nét đẹp của sự trắc ẩn luôn nghiêng về phía âm thầm và bền bỉ.

Không cần phân định thái độ từ thiện nào cao hơn thái độ từ thiện nào, tôi chỉ nắc nỏm một ý niệm: khi người giàu biết cách sử dụng những đồng tiền ân tình thì người nghèo sẽ không ai bị bỏ rơi trong không gian mầu nhiệm của ngày tết cổ truyền dân tộc Việt Nam.

Dẫu thực tế còn nhiều ngổn ngang, nhưng trong tôi luôn bồi đắp một tin yêu xanh thẳm rằng, mỗi dịp tết lại giúp người Việt Nam được cùng chung nhịp đập trái tim nhân ái rộn ràng.

TPHCM, xuân Quý Tỵ 2013

Các tin khác