Miên man miền biên viễn

Biên cương phía Bắc quyến rũ không giải thích được. Có khi chỉ là ngọn khói lam chiều lơ lửng trên mái nhà sàn, hay chỉ là đám sương mờ đục là là trong lòng thung lũng; đôi khi đó chỉ là tiếng mõ trâu buổi chiều hôm, hay một tiếng khèn môi rả rích buồn; những dãy núi cao sừng sững, hoặc những cánh đồng đá mênh mông…

Biên cương phía Bắc quyến rũ không giải thích được. Có khi chỉ là ngọn khói lam chiều lơ lửng trên mái nhà sàn, hay chỉ là đám sương mờ đục là là trong lòng thung lũng; đôi khi đó chỉ là tiếng mõ trâu buổi chiều hôm, hay một tiếng khèn môi rả rích buồn; những dãy núi cao sừng sững, hoặc những cánh đồng đá mênh mông…

Người Mông Xanh

Một lần, ngược dòng Nậm Tu, theo Quốc lộ 279, chúng tôi đến bản Tu Hạ, Tu Thượng (xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), nơi cư trú lâu đời của người Mông Xanh, với mấy trăm nhân khẩu. Qua cây cầu tạm vắt ngang suối, chúng tôi tìm đến căn nhà gỗ cheo leo trên dốc đá của Vàng A Dình.

Gặp Dình chỉ cốt để hỏi: Có phải người Mông Xanh có nguồn gốc từ Nhật Bản như nhiều người nói? Vàng A Dình nói: “Có nghe nói thế nhưng không biết đâu. Người già kể lại rằng, trước đây tổ tiên mình sống ở một nơi rất xa, đói lắm, quả bí nuôi mãi chỉ lớn bằng nắm tay, bắp ngô to nhất chỉ bằng ngón tay cái.

Một hôm có người khách từ xa đến, mách bảo có vùng đất rất màu mỡ, một bắp ngô to hai con gà ăn no bụng mà không hết hạt, nên người Mông Xanh liền rủ nhau tìm đến”.

- Thế người Mông Xanh ăn mặc thế nào? - tôi hỏi Dình.

Vàng A Dình thích chí gọi Vàng Thị Vơ, 17 tuổi, ra. Xúng xính trong bộ trang phục với yếm thắm trước ngực, dải sọc trắng sau lưng và cuộn vải rộng bản thắt ngang, nhác nhìn giống bộ kimônô Nhật Bản. “Nhìn em xinh đẹp đấy chứ?” - cô thiếu nữ thẹn thùng hỏi khách.

Sau đó, chúng tôi gặp TS. Trần Hữu Sơn (Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Lào Cai), cũng lại để hỏi chuyện người Mông Xanh có phải từ Nhật Bản đến không.

Ông Sơn cười nói rằng: “Lỗi trong chuyện này một phần cũng do tôi. Khoảng năm 1988-1989, một người Nhật tên là Sưginô đến Lào Cai. Ông này là nghệ sĩ nhiếp ảnh, muốn có một bộ ảnh về các dân tộc của Việt Nam làm triển lãm. Tôi dẫn ông ta vào bản người Mông Xanh ở Nậm Xé.

Hồi ấy người Mông Xanh còn nghèo lắm, nhiều đồ dùng trong nhà như bát đũa, thùng đựng nước, guốc dép đều tự cắt khoét gỗ làm lấy. Sưginô thấy vậy nói họ cũng vất vả giống như người Nhật đầu thế kỷ 20, nên đùa rằng họ là người Nhật Bản sang đây. Câu nói đùa cứ thế lan truyền, không có sự cải chính thành ra có sự ngộ nhận như bây giờ".

Còn về chuyện làm gì để thoát nghèo, ở cái bản này cũng thật đặc biệt. Vào một ngày tháng 6-1993, có 2 người đàn ông Mông Xanh từ xã Nậm Xé tìm sang xã Nậm Chày để hỏi thăm về cây thảo quả, bởi họ nghe rằng loại cây đó có thể xóa đói giảm nghèo.

Không có tiền, họ cởi 2 chiếc áo đang mặc ra đổi được vài chục cây thảo quả giống. Một trong 2 người đó hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Xé - chính là anh Vàng A Dình. Suốt 3 năm đầu, A Dình cặm cụi gieo trồng, năm 1996 bán lứa quả đầu tiên, được rất nhiều tiền.

Thế là lãnh đạo huyện Văn Bàn hỗ trợ ngay cho bà con 12 vạn cây giống. Từ đó, cây thảo quả đi vào đời sống của người Mông Xanh.

Người Dao Đỏ ở Hồ Thầu

Một lần, chúng tôi được tham dự trò chơi “Đam-tờ-chùi” - giữ gậy, ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Trong một khoảng đất rộng, người vòng trong vòng ngoài, ở giữa có mấy thanh niên đang ra sức ghì một cây gậy xuống đất, vai người này đè vào vai người kia, tay người kia đè tay người nọ, rất căng thẳng.

Nhưng khi ông thầy cúng lầm rầm khấn vái và vỗ tay mấy cái, bỗng nhiên cây gậy tự nâng lên khỏi mặt đất. Người Dao Đỏ khẳng định, bí ẩn của trò giữ gậy chính là ở câu thần chú và cách đọc nó.

Thiếu nữ Mông Xanh

Thiếu nữ Mông Xanh

Nhưng vấn đề ở chỗ không phải ai đọc cũng thiêng. Bí thư xã Hồ Thầu Triệu Sành Quấy khi được hỏi cười tươi: “Không thể giải thích được”.

Còn anh Trần Chí Nhân, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hoàng Su Phì, cho rằng cây gậy tự nâng được lên mặt đất chắc chắn không phải nhờ câu thần chú. Anh Nhân kể, một vị thầy cúng ở Hồ Thầu từng dọa anh, chớ đọc thần chú, nó nhấc hết các thứ trong nhà bay lên thì chết (!?).

Không sợ, anh từng làm thử, rốt cục cũng không thấy xuất hiện sự lạ. Tuy nhiên, anh Nhân cho biết: “Tôi cũng từng nhiều lần trực tiếp tham gia giữ gậy để nghiên cứu, tìm hiểu. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy trong không khí có cái gì âm âm, u u như cảm giác bị thôi miên”.

Anh Nhân kể, cách đây chưa lâu, anh đến bản Tân Thành (cũng thuộc xã Hồ Thầu) tham gia “Đam-tờ-chùi”. Giữa bãi đất có một người đàn ông trung niên trong trang phục Dao Đỏ đang đi vòng quanh hai người thanh niên khác, miệng lầm rầm đọc thần chú. Hai người thanh niên ôm ghì một thanh gỗ dài dựng một đầu xuống sát đất như ghì mũi khoan.

Sau mỗi vòng, người đàn ông trung niên lại dẫm chân “thịch” một tiếng xuống nền đất, bàn tay đang nắm đầu gậy phía trên thì đập mạnh. Rồi bỗng chiếc gậy từ từ nâng lên khỏi mặt đất, hai người thanh niên ra sức ghì lại. Rồi ba, bốn người cũng không thể nào ghì cho nó xuống đất được nữa. Mãi một lúc sau, cây gậy mới được vật ngã, trong reo hò tán thưởng vang dội của mọi người.

Người Mảng Bản Pá Bon

Cả nước có 20 làng bản người Mảng với tổng số dân ước tính khoảng hơn 3.000 người. Chúng tôi đã có dịp ghé lại một bản của người Mảng - bản Pá Bon (xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Bản chỉ chừng trên dưới 40 hộ nhưng bên hiên các mái nhà tranh luôn rộn rã tiếng chày giã ngô. Người Mảng vẫn giữ thói quen trước khi ăn bữa nào chỉ đem ngô giã đủ bữa đó, nên ngày nào cũng phải giã 2 lần”.

Chúng tôi gặp vợ ông Doi - bà Lò Thị Sởn, 48 tuổi, khi trời đã chạng vạng. Tuy chưa tới 50, nhưng khuôn mặt nhăn nheo, đen xạm, mái tóc rối xơ xác còn người thì nhỏ thó, giọng nói khào khào như gió thổi bên tai. Điều đặc biệt ở người phụ nữ này chính là những hình xăm trên mặt, tập trung xung quanh miệng.

Thời gian và màu da đen sạm đã làm cho các vết xăm mờ đi nhiều đường nét nhưng vẫn còn khá rõ để hình dung về những hoa văn của hình xăm. Đó là mỗi bên má hai đường xăm từ trên cánh mũi kéo thẳng theo khóe miệng xuống tận cằm, ngang mép trên là bốn đường xăm ngắn cân đối, bốn đường xăm dọc từ mép dưới tới cằm và nhiều đường ngang dọc khác quanh miệng.

Vết mờ mờ hai bên gò má là hình hoa thị. Ông Doi giải thích: “Người Mảng có tục xăm cằm từ lâu lắm rồi. Trước đây cả con trai, con gái đều xăm, nhưng gần đây chỉ còn mình phụ nữ xăm thôi”.

Ông Doi kể về một truyền thuyết xa xưa của người Mảng. Ngày xưa người Mảng chưa có tục xăm cằm, ai sinh ra cũng đều xinh đẹp, giọng nói trong trẻo như chim hót ban mai. Có một chàng trai nọ lấy một cô gái vừa xinh đẹp vừa nết na ngoan hiền, hai người sống rất hạnh phúc.

Nhưng bất hạnh đã xảy ra kể từ sau khi sinh con, tính khí người vợ đã hoàn toàn thay đổi, trở nên độc ác, ích kỷ và vô tâm. Hết lòng khuyên bảo mà không được, anh chồng thất vọng ôm mặt khóc, bỗng một ông tiên xuất hiện. Sau khi nghe anh kể về nỗi bất hạnh của mình, tiên ông bèn mách cho chàng trai: hãy vào rừng tìm một loại lá cây, giã lấy nước rồi nhúng chỉ khâu vào miệng vợ.

Chàng trai nghe lời nhưng không nỡ khâu mồm vợ lại mà chỉ dùng kim chọc vòng quanh mép thôi. Lạ kì thay, tính nết người vợ lại trở nên dịu hiền, nết na như ngày nào. Cũng kể từ đó người Mảng ai ai cũng đều xăm cằm, ban đầu là phụ nữ, sau đó là cả đàn ông. Họ xăm cằm với ý muốn trở thành những con người tốt đẹp, dịu hiền.

Các tin khác