May rủi trong khủng hoảng

Khủng hoảng kinh tế chắc chắn là rủi nhiều hơn may, thiệt hại khôn lường. Nhưng cũng có những điều được cho là may mắn, hay nói cách khác đó là những cái “rủi cần thiết”.

Khủng hoảng kinh tế chắc chắn là rủi nhiều hơn may, thiệt hại khôn lường. Nhưng cũng có những điều được cho là may mắn, hay nói cách khác đó là những cái “rủi cần thiết”.

Khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ “thịnh suy”, cứ 15-20 năm diễn ra một lần là điều khó tránh khỏi với bất cứ nền kinh tế nào, thậm chí với cả người khổng lồ như Hoa Kỳ. Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam chạm mặt với 3 lần khủng hoảng: Khủng hoảng toàn diện sau chiến tranh từ năm 1975-1990 do bị cấm vận và thêm vào đó là hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề; khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997; khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay.

Các cuộc khủng hoảng mang lại cho đất nước nhiều hệ lụy nhưng cũng làm cho chúng ta trưởng thành hơn, doanh nghiệp được đào luyện tốt hơn. Những trải nghiệm đó sẽ rất tốt cho việc thích nghi nhanh, giảm thiểu thiệt hại trong những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Hàng hóa tiêu dùng nội địa trong các siêu thị đã lấy lại phong độ, chiếm lĩnh 70%. 

Hàng hóa tiêu dùng nội địa trong các siêu thị đã lấy lại phong độ,
chiếm lĩnh 70%.
  

Trước khủng hoảng, hình như nước ta có rất nhiều doanh nhân tài năng, có thể “hô phong, hoán vũ”, sau một đêm kiếm được bạc tỷ. Sự thành đạt quá mau lẹ của nhiều doanh nhân khiến người ta nghi ngờ kiến thức của các trường đại học không cần thiết đối với việc làm giàu, mà chỉ cần sự liều mạng và chớp cơ hội.

Nhưng chỉ khi rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới thấy doanh nhân Việt Nam chưa đạt đến tầm khu vực và quốc tế: vốn (tài chính, quan hệ, kiến thức) quá ít, bản lĩnh vẫn còn ở mức “chân quê” và nền tảng học vấn, nghề nghiệp, kỹ năng tổ chức thực sự còn mỏng.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho hay từ năm 2011 đến nay đã có hơn 100.000 doanh nghiệp “chết” và con số này còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Nhưng điều thú vị mà ông phát hiện ra là trong bối cảnh này vẫn có không ít doanh nghiệp đứng vững và phát triển mạnh mẽ. Đó là những doanh nghiệp làm ăn căn cơ, có tổ chức tốt và các cán bộ khung được đào tạo bài bản.

Cuộc khủng hoảng này có một điều hay khác là giúp những người lãnh đạo kinh tế, các doanh nhân nhận ra được giá trị của “ao nhà”.

Lúc trước, các doanh nghiệp chỉ chăm chăm vươn ra ngoài biên giới, bán được hàng ở nước ngoài, nhưng khi sinh biến chính thị trường nội địa đã cứu họ chứ không phải thị trường nước ngoài. Chính các chương trình như “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng về nông thôn... đã cứu doanh nghiệp trong cơn khốn khó.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, xác nhận 70% hàng hóa đang bán ở siêu thị hiện nay là hàng sản xuất nội địa. Đáng lưu ý nhất là nhờ khủng hoảng mà nền nông nghiệp Việt Nam được xác lập lại vị thế. Điều gì sẽ đến nếu không có khủng hoảng kinh tế như một sự cảnh tỉnh?

Chắc chắn rất nhiều vùng đất “bờ xôi, ruộng mật” rộng lớn ở đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL và khắp cả nước sẽ thành khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu dân cư cao cấp hoành tráng, resort, sân golf... bởi tâm lý nôn nóng muốn đẩy nhanh tốc độ và quy mô công nghiệp hóa, đô thị hóa bằng mọi giá hiện diện ở tất cả các cấp độ.

Nó hiện diện trong nghị quyết, trong các kế hoạch 5 năm của các tỉnh, thành, trong các chương trình hành động của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một nhận thức xương máu được đúc rút từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 nay được lặp lại ở Việt Nam. Đó là một xã hội nếu không có tivi, tủ lạnh, xe hơi cũng chưa chết ai, nhưng nếu không có gạo, lương thực, thực phẩm sẽ rơi vào rối loạn thật sự và sẽ có rất nhiều người chết, thậm chí có thể dẫn đến sụp đổ của các thể chế chính trị.

Chính vì lương thực là yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ an ninh, ổn định quốc gia nên không phải ngẫu nhiên người ta gọi là an ninh lương thực chứ không gọi là an toàn lương thực.

Cần phải khẳng định rằng “tam nông” trở thành tâm điểm của toàn xã hội thể hiện ở mức đầu tư tài chính cho nông nghiệp cao hơn từ Chính phủ, các chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng phòng học cho trẻ em nông thôn, “điện, đường, trường, trạm, chợ” được thúc đẩy mạnh mẽ là có sự góp phần cảnh tỉnh từ cuộc khủng hoảng kinh tế.

Không phải vô lý khi người Trung Quốc quan niệm “trong rủi có may”. Nhà xã hội học J. Macionis từng nói nếu điều xắp xảy ra không tránh được thì hãy đối mặt với nó một cách khôn ngoan và rút tỉa kinh nghiệm cho những lần sau.

Các doanh nhân thành đạt trong môi trường khủng hoảng là người có ý chí làm giàu mãnh liệt, tái cấu trúc kịp thời hoạt động kinh doanh, tìm kiếm các lĩnh vực đầu tư mới theo hướng bền vững hơn. Những kiểu làm giàu “ăn xổi” trong kinh doanh bất động sản, “lướt sóng” thị trường chứng khoán, “tầm gửi” theo các dự án đầu tư công và đầu tư theo kiểu “bầy đàn” có lẽ sẽ bị nhiều doanh nghiệp tránh xa. 

Các tin khác