M&A 2016: Bùng nổ làn sóng mới

(ĐTTCO) - Kinh tế trên đà khởi sắc, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, cùng với việc hoàn thiện thể chế về M&A với quy định nới room nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, đang mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường M&A 2016. Theo đó, hoạt động M&A được dự báo tiếp tục sôi động trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản (BĐS) và quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN).

(ĐTTCO) - Kinh tế trên đà khởi sắc, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, cùng với việc hoàn thiện thể chế về M&A với quy định nới room nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, đang mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường M&A 2016. Theo đó, hoạt động M&A được dự báo tiếp tục sôi động trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản (BĐS) và quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN).

Hấp dẫn thị trường bán lẻ

Thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà bán lẻ nước ngoài. Trong năm 2015 hàng loạt thương hiệu bán lẻ lớn nhỏ trong nước lần lượt rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Trong đó, thương vụ mua bán chuỗi bán lẻ đình đám nhất được nhắc tới là việc Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan thâu tóm chuỗi kinh doanh bán sỉ Metro và danh mục BĐS có liên quan của Tập đoàn Metro tại Việt Nam.

Việc nhiều sắc luật quan trọng được thông qua và có hiệu lực như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi)... đang góp phần cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và thị trường M&A nói riêng, mở ra những cơ hội mới cho hoạt động M&A BĐS.

Ông Đặng Huy Đông,  Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Để sở hữu 19 trung tâm bán sỉ của Metro tại Việt Nam, BJC đã phải bỏ ra 655 triệu EUR, tương đương 879 triệu USD. Sau khi hoàn tất thương vụ M&A được coi là lớn nhất trên thị trường bán lẻ Việt Nam những năm qua, BJC đã tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam kể từ đầu năm nay.

Trong năm 2015, đại gia bán lẻ AEON đến từ Nhật Bản cũng đã mua lại 30% cổ phần chuỗi siêu thị bán lẻ Fivimart (thuộc sở hữu CTCP Nhất Nam) và 49% cổ phần chuỗi siêu thị bán lẻ Citimart (thuộc sở hữu Công ty Đông Hưng). Sau khi mua 2 chuỗi siêu thị bán lẻ mini này, AEON đã dần sở hữu 20 cửa hàng bán lẻ của Fivimart tại Hà Nội và chuỗi 30 cửa hàng bán lẻ của Citimart tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Việc tham gia của đại gia bán lẻ Nhật Bản vào 2 chuỗi siêu thị tập trung ở 2 đầu đất nước nhằm quảng bá nhanh chóng thương hiệu AEON tại Việt Nam.

Hoạt động M&A trên thị trường bán lẻ năm 2015 cũng chứng kiến Tập đoàn Central Group (Thái Lan) thâu tóm CTCP Thương mại Nguyễn Kim, khi bỏ ra khoảng 100 triệu USD mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Sau khi sở hữu chuỗi 21 siêu thị của Nguyễn Kim trên cả nước, Central Group đã công bố kế hoạch phát triển đầy tham vọng cho Nguyễn Kim, với mục tiêu phát triển 50 siêu thị vào năm 2019. Bên cạnh đó, Central Group cũng đang manh nha ý định mua lại hàng loạt chuỗi siêu thị điện máy khác tại khu vực phía Bắc như Pico, HC, Trần Anh… Nhiều thương vụ M&A khác cũng diễn ra trong thời gian qua, như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) thâu tóm trung tâm thương mại Diamond Plaza; Vingroup mua lại Ocean Mart và 100% cổ phần chuỗi siêu thị Vinatexmart để hình thành nên hệ thống bán lẻ thương hiệu Vinmart, Vinpro, Vineco.

 Sôi động mua bán dự án BĐS

Sau thị trường bán lẻ, BĐS là lĩnh vực sẽ diễn ra nhiều hoạt động M&A sau khi Luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2015, cho phép DN được công khai, mua bán và chuyển nhượng dự án. Nhưng ngược với bán lẻ, lĩnh vực BĐS sẽ chứng kiến sự lên ngôi của các nhà đầu tư lớn trong nước.

Dẫn đầu hoạt động M&A BĐS thời gian qua là Tập đoàn Vingroup, khi bỏ ra 3.325 tỷ đồng mua thêm 45% cổ phần CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại DN này lên mức 74,38%. Qua đó, Vingroup nắm cổ phần chi phối tại DN này và sở hữu dự án Vinhomes Central Park, khu đô thị phức hợp đầu tiên của Vingroup tại TPHCM. Tổng mức đầu tư của Vinhomes Central Park 36.000 tỷ đồng. Tiếp đó, Vingroup bỏ ra 1.622 tỷ đồng mua lại toàn bộ Công ty Metropolis để sở hữu dự án Trung tâm thương mại Masteri Thảo Điền. Tại Hà Nội, Vingroup cũng bung tiền thực hiện các thương vụ M&A khác, như chi 2.316 tỷ đồng mua lại 99% cổ phần Công ty BĐS Hồng Ngân để trở thành chủ đầu tư dự án Thành phố xanh, quy mô 17,6ha, tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.500 tỷ đồng… Một nhà đầu tư khác là CTCP Tập đoàn FLC cũng rất sốt sắng trên thị trường M&A khi bỏ ra nhiều ngàn tỷ đồng mua lại nhiều dự án BĐS tại Hà Nội. Thông qua M&A, FLC đã chính thức mua lại các dự án đất vàng Hà Nội như FLC Twin Towers, FLC Garden City tại Đại Mỗ; FLC Complex Phạm Hùng, FLC Star Tower…

Bên cạnh đó, nhiều thương vụ M&A chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cũng diễn ra sôi động, như CTCP Đầu tư Hải Phát mua lại một phần dự án Ulsilk City từ CTCP Sông Đà Thăng Long; Công ty Hưng Thịnh mua lại các dự án Melody Residences, căn hộ Sky Center; Vạn Phát Hưng rao bán 7 dự án BĐS tại TPHCM… Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia hoạt động M&A và đầu tư phát triển BĐS như Gaw Capital, Gamuda Land, Lotte, CTCP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) và Greed Group. Riêng N.H.O đã công bố gói đầu tư 1 tỷ USD mua lại 14 dự án BĐS tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng nhằm hình thành chuỗi dự án mang thương hiệu First Home và Smart City.

Trong năm 2016, thị trường BĐS sẽ tiếp tục xu hướng M&A dự án, DN dự án nhằm hồi sinh các dự án đắp chiếu. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư sẽ tiếp tục rao bán dự án để cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư. Xu hướng M&A sẽ giúp thị trường BĐS phát triển bền vững hơn, nhiều dự án tiềm năng thông qua M&A sẽ tìm được nhà đầu tư chuyên nghiệp và phát huy tối đa hiệu quả.

Thị trường BĐS sẽ diễn ra nhiều hoạt động M&A trong năm 2016.

Thị trường BĐS sẽ diễn ra nhiều hoạt động M&A trong năm 2016.

Hấp lực CPH DNNN

Hoạt động M&A trong năm 2016 cũng sẽ tiếp tục đón nhận một lượng hàng lớn được tung ra thị trường khi quá trình tái cơ cấu ngân hàng và CPH DNNN tiếp tục được đẩy mạnh. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép thay đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán sẽ tạo được hấp lực mạnh lôi kéo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động M&A tại Việt Nam. Trong đó, đối với các DN đại chúng, không rơi vào trường hợp đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% cổ phần so với giới hạn 49% cổ phần trước đây.

Việc DN ngoại nhảy vào liên doanh rồi thâu tóm DN nội diễn ra thường xuyên trên thế giới. Với Việt Nam, không chỉ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, sắp tới sẽ còn nhiều DN nước ngoài khác đến mua thương hiệu. Một khi mua được những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chắc chắn hơn trong việc phát triển. Với M&A, chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian, có thể tham gia quản lý một đơn vị đang hoạt động ổn định và tận dụng được hình ảnh đã quen thuộc trên thị trường.

Ông Phạm Đình Đoàn, PCT Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam

Trong trung và dài hạn, việc nới room sẽ mở ra nhiều cơ hội M&A cho nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia đầu tư các ngành nghề tiềm năng của Việt Nam. Việc mở room cũng sẽ thúc đẩy quá trình CPH DNNN, giúp thị trường có thể hấp thụ hết số cổ phần từ CPH, thoái vốn nhà nước và số cổ phần phát hành thêm của DN niêm yết. Cộng với sức ép CPH DNNN trong năm 2016, việc nới room này sẽ tạo ra cú hích trên thị trường M&A. Nhiều DN lớn như ACV, Vietnam Airlines, Vinatex… đã trở thành “hàng hot” trên thị trường M&A khi tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Trong thời gian tới các DN này sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua bán cổ phần và giảm phần vốn nhà nước tại DN. Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015 còn khoảng 600 DN 100% vốn nhà nước chưa tiến hành CPH. Kết quả CPH và sắp xếp DNNN giai đoạn 2011-2015, số DNNN đã giảm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tiến hành CPH DNNN bước 2. Theo đó, những DN đã CPH nhưng chưa bán được cổ phần như mong đợi sẽ tiếp tục niêm yết trên sàn để thu hút nhà đầu tư tiềm năng.

Một động thái khác về cơ chế cũng kích hoạt các thương vụ M&A lớn trong năm 2016, là việc Chính phủ đã đồng ý cho phép Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại 10 DN lớn như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Tổng công ty Bảo Minh… Trong bối cảnh quá trình CPH DNNN không diễn ra đúng kế hoạch, những mã cổ phiếu này có giá thị trường lên tới 66.000 tỷ đồng, được coi là một lượng hàng lớn. Thời điểm thoái vốn chưa được xác định nhưng SCIC dự kiến thoái vốn tại các DN này bằng hình thức bán cổ phiếu theo lô. Cũng theo phương thức bán cổ phần theo lô, Bộ Giao thông-Vận tải đang thúc ép các tổng công ty trực thuộc tiếp tục thoái vốn nhà nước, những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ vốn sẽ thoái hết vốn. Đó là những DN như Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8…

Quá trình CPH DNNN bước 2 sẽ mang đến cho thị trường M&A lượng hàng hóa lớn trong năm 2016. Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% cổ phần sẽ làm hài lòng nhiều nhà đầu tư ngoại. Từ đó sẽ có nhiều DNNN tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược tham gia điều hành và kiểm soát DN sau đầu tư. Trước đây, sau CPH, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối ở nhiều DN khiến nhà đầu tư nản lòng. Nhưng nay sẽ khác. Không chỉ chuyện nới room, việc Nghị định 60 quy định DN sau 90 ngày đăng ký kinh doanh theo pháp nhân mới phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, và sau 1 năm phải giao dịch trên sàn chứng khoán, sẽ giúp nhà đầu tư ngoại yên tâm, tin tưởng hơn khi mua cổ phần DNNN, vì họ nhìn thấy được tương lai thanh khoản của cổ phiếu đã mua.

Các tin khác